
Lò bánh Linh Lan tất bật chuẩn bị nguyên liệu gói bánh bá trạng trong một ngày gần Tết Đoan ngọ 2025 - Ảnh: LAN HƯƠNG
Nằm sâu trong con hẻm 145/7 đường Gia Phú (quận 6, TP.HCM), ngay từ 4h sáng, lò bánh bá trạng Linh Lan bắt đầu một ngày làm việc tất bật giữa làn khói bếp lẫn với hương thoang thoảng của nếp, thịt, trứng muối...
Chị Lý Bảo Linh - chủ tiệm - thoăn thoát gói bánh. Ước chừng chưa tới 1 phút, dưới bàn tay khéo léo, đầy kinh nghiệm của chị, một chiếc bánh ú bá trạng xinh xắn đã thành hình.
'Làm bánh bá trạng cực lắm!'
Bánh bá trạng là một loại bánh truyền thống của người Hoa, phổ biến trong dịp Tết Đoan ngọ và Tết Nguyên đán. Theo tiếng Triều Châu, "bá" nghĩa là thịt, "trạng" là bánh ú.
Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, chị Lý Bảo Linh cho biết lò bánh Linh Lan đến nay đã có tuổi đời hơn 30 năm. Những năm đầu tiên, mẹ chồng chị là người trực tiếp làm, gói bánh và sau đó truyền nghề lại cho chị.

Chị Bảo Linh (áo hồng) cùng những người trong gia đình gói bánh - Ảnh: LAN HƯƠNG
Theo chị Linh, làm bánh bá trạng vừa khó mà cũng vừa dễ. Khó là lúc mới lần đầu học làm bánh bởi từng công đoạn đều đòi hỏi sự tỉ mỉ từ khâu chọn nguyên liệu đến cách tẩm ướp và làm ra thành phẩm.
"Khó nhất ở công đoạn xếp lá và gói bánh. Mỗi chiếc bánh phải gói chặt tay, không quá lỏng cũng không ép quá chặt để khi hấp lên, bánh chín đều mà không bị nát hay rời rạc.
Ban đầu tôi thấy khó lắm nhưng từ từ gói quen thì thấy dễ hơn" - chị Bảo Linh nói.
Tuy có hình dáng tương tự bánh ú tro hay bánh tro của người Việt với lớp lá dong gói thành chóp nhỏ nhưng điều làm nên sự khác biệt của bánh bá trạng là phần nhân đậm đà hương vị.



Một số nguyên liệu trong bánh bá trạng Phúc Kiến - Ảnh: LAN HƯƠNG
Nhân bánh bá trạng là sự hòa quyện giữa các nguyên liệu như thịt heo ba rọi mềm xào đều, trứng muối béo ngậy, tôm khô, hạt sen bùi bùi... Ngoài những nguyên liệu thường thấy, bánh bá trạng Phúc Kiến còn có thêm hành phi, tạo nên một hương vị đặc trưng, không lẫn với bất kỳ loại bánh nào khác.
Riêng phần vỏ bánh, để giữ trọn vẹn độ dẻo thơm, chị Linh tiết lộ gạo nếp phải được chọn lựa kỹ càng và ngâm trong vòng 4-5 tiếng để hạt gạo mềm đều, chuẩn bị cho công đoạn gói bánh.

Bánh bá trạng sau khi hấp được treo lên cao, để nguội - Ảnh: LAN HƯƠNG
Sau khi hoàn thành, bánh phải được nấu liên tục trên lửa lớn trong suốt 5-6 tiếng mới đạt độ chín hoàn hảo. Tổng cộng, từ lúc bắt đầu đến khi chiếc bánh bá trạng Phúc Kiến thơm ngon ra đời kéo dài hơn 10 tiếng.
"Làm bánh bá trạng cực lắm nhưng vì mình thích, mình yêu nên mình vẫn muốn làm tiếp. Tết Đoan ngọ, làm ra một chiếc bánh để mọi người mang về cúng kiếng, quây quần rồi thưởng thức với nhau là niềm hạnh phúc của tôi" - chị tâm sự.
Ăn bánh bá trạng Phúc Kiến Tết Đoan ngọ nhớ về tuổi thơ
Dù nằm trong hẻm nhỏ, lò bánh Linh Lan vẫn tấp nập người mua từ sớm. Xe ra xe vào khiến không gian trở nên nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Theo chị Linh, có thời điểm xe nối đuôi nhau, kéo dài từ đầu hẻm đến cuối hẻm.
"Ngoài đến mua trực tiếp, nhiều người còn đặt lò bánh làm trước rồi đến lấy. Tôi không thể ước lượng ngày bán được bao nhiêu cái vì người ra vô liên tục.
Năm nay lò bánh bắt đầu mở làm từ ngày 26-4 (âm lịch) và sẽ kéo dài đến tối 4-5 (âm lịch), sau khi trả xong đơn cho mọi người" - chị cho biết thêm.
Cách gói một chiếc bánh bá trạng - Video: LAN HƯƠNG
Dù là món ăn truyền thống của người Hoa nhưng bánh bá trạng Phúc Kiến ngày nay cũng được nhiều thực khách yêu thích và tìm mua vào dịp Tết Đoan ngọ. Sau khi xem một clip trên TikTok, anh Vũ Đình Quân (quận Gò Vấp) tìm đến lò bánh Linh Lan để ăn thử.
"Lần đầu ăn, tôi chưa quen mùi và vị bánh bá trạng lắm nên được hướng dẫn là ăn thử với tương ớt nên cảm thấy dễ ăn hơn. Tôi thích nhất là phần trứng muối, thịt ba rọi, kết hợp với vỏ bánh mềm dẻo ăn rất hợp và vừa miệng" - anh chia sẻ.

Bên trong chiếc bánh bá trạng loại 1 trứng muối có giá 90.000 đồng gồm trứng muối, thịt ba rọi, hạt sen... - Ảnh: LAN HƯƠNG
Còn chị Phương Thảo (quận 11) nhận xét vị bánh Linh Lan giống hệt trong ký ức tuổi thơ chị: "Mình là người Hoa nên hằng năm luôn ăn bánh bá trạng vào dịp Tết Đoan ngọ. Có năm thì mẹ mình tự làm, mình phụ gói, có năm bận quá thì mua về nhà để cúng kiếng.
Mình thường mua ở lò bánh Linh Lan nhất vì có lẽ ăn từ nhỏ nên quen vị, sau nhiều năm thì vẫn thấy hương vị không thay đổi, mỗi lần ăn lại thấy như được trở về tuổi thơ khi cùng cả nhà quây quần bên nhau".
Bình luận hay