
NSND Trần Ngọc Giàu cho rằng sân khấu TP.HCM không nên tập trung vào yếu tố hài đơn thuần mà bỏ quên yếu tố chính luận trong các vở diễn - Ảnh: HỒ LAM
Sáng 15-7, Ban Lý luận phê bình Hội Sân khấu TP.HCM tổ chức chương trình không gian đối thoại Vở diễn và công chúng, gặp gỡ các ê kíp nghệ sĩ, diễn viên của các vở diễn tham dự Liên hoan sân khấu nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc về "Hình tượng người chiến sĩ Công an nhân dân" lần thứ 5, năm 2025 tại Hà Nội.
Sự kiện là dịp để các nghệ sĩ, nhà quản lý nghệ thuật của sân khấu phía Nam cùng trao đổi, chia sẻ, tổng kết kinh nghiệm sau kỳ liên hoan.
Áp lực dựng kịch chính luận
Năm nay, sân khấu TP.HCM có 4 vở kịch đại diện tham dự liên hoan. Đó là vở Một cuộc chiến khác (tác giả: Tống Phương Dung; đạo diễn: Lê Nguyên Đạt); Sâu đêm (tác giả, đạo diễn: Quốc Thảo); Cuộc đoàn tụ cảm xúc (tác giả: Hoài Hương; đạo diễn: Lê Quốc Na); Viên đạn bọc đường (tác giả: Đái Đại Lộc, đạo diễn: Mi Lê).
Trong đó vở Cuộc đoàn tụ cảm xúc của Sân khấu nghệ thuật Trương Hùng Minh "thắng lớn" với 8 giải thưởng.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, NSƯT Minh Nhí cho biết đây là lần đầu tiên Sân khấu Trương Hùng Minh tổ chức cho ê kíp dự thi liên hoan ở Hà Nội:
"Làm một vở kịch chính luận về hình tượng người chiến sĩ công an nên chúng tôi xác định ngay từ đầu phải chỉn chu, nghiêm túc trong từng khâu. Tất cả diễn viên phải cố gắng rèn nghề và giảm tải những yếu tố giải trí không cần thiết. Vở diễn thành công ở liên hoan là vì còn có sự cố vấn nghệ thuật trực tiếp của NSND Trần Ngọc Giàu".

NSƯT Minh Nhí chia sẻ những khó khăn khi mang vở diễn đi thi liên hoan - Ảnh: HỒ LAM
Đem vở Sâu đêm dự liên hoan và có 7 giải thưởng, nghệ sĩ Quốc Thảo cho biết việc xử lý kịch bản liên quan đến ngành công an cũng là một thách thức: "Chúng tôi không hiểu rõ về cách đi, đứng, tác phong chuẩn mực trong ngành này thế nào nên cần tham khảo ý kiến chuyên môn, thậm chí có những người trong nghề cố vấn để đảm bảo tính chính xác".
Nhiều nghệ sĩ cũng cho rằng một trong những khó khăn lớn khi các sân khấu xã hội hóa miền Nam ra Bắc dự thi là còn hạn chế về kinh phí, đạo cụ.
Diễn viên trẻ của vở Sâu đêm Trường Phúc tâm sự khi trao đổi với nghệ sĩ Quốc Thảo, anh hiểu rằng so với các đơn vị nghệ thuật ngoài Hà Nội có đầy đủ đạo cụ, cảnh trí thì sân khấu TP.HCM từ xa đến chỉ có thể đạt 50-70% về điều kiện vật chất. Vì vậy, phần còn lại phải dựa vào nỗ lực rất lớn của ê kíp diễn viên.
Nghệ sĩ Hữu Nghĩa chia sẻ về vai diễn của anh trong vở Sâu đêm - Video: HỒ LAM
Chính luận nhưng không khô cứng
Là một nghệ sĩ hài nổi tiếng lần đầu tham gia vào liên hoan của dòng kịch chính luận, nghệ sĩ Hữu Nghĩa bất ngờ bởi chất nhân văn của các nhân vật trong kịch bản, bởi vai diễn của anh là một đại tá công an nhưng phải đứng giữa công lý và đứa con ruột trót sa ngã.
"Có một thông điệp của vở diễn mà tôi nhớ là tấm lưới pháp luật không chỉ giăng bắt tội phạm mà còn vây lấy người thân của mình khi họ gây ra tội ác. Đây là một trong những điều trăn trở của những người chiến sĩ công an khi làm nghề. Công việc của họ là bắt tội phạm, nhưng nếu chính những người thân của họ là tội phạm thì họ sẽ xử lý thế nào?
Tôi cũng có những áp lực làm sao để thể hiện vai diễn cho tốt và thoát khỏi những dấu ấn của một nghệ sĩ hài với vở diễn này".

Ê kíp diễn viên Sâu đêm chụp hình cùng đạo diễn Ngọc Giàu, Ca Lê Hồng và Thanh Hiệp - Ảnh: HỒ LAM
Trong tọa đàm, nhiều nghệ sĩ cũng cho rằng TP.HCM cần có thêm những cơ chế đầu tư cho dòng kịch chính luận phát triển như: đầu tư kinh phí, tạo điều kiện tổ chức các đêm diễn lan tỏa những tác phẩm đoạt giải trong liên hoan; hội đồng nghệ thuật cũng cần góp ý để chất lượng vở diễn của các đơn vị nghệ thuật tốt hơn.
NSND Trần Ngọc Giàu cho rằng ngoài cách khai thác trực diện hình tượng nhân vật trong kịch chính luận thì cũng có thể thông qua những nhân vật xung quanh như: gia đình, cộng đồng, hậu phương để mở rộng chiều sâu nhân văn cho nhân vật.
"Các yếu tố mang tính giải trí đương nhiên cũng cần thiết, nhưng nếu chỉ quanh quẩn trong dòng hài - giải trí đơn thuần thì sân khấu sẽ không đủ chiều sâu để chạm vào những vấn đề lớn của xã hội.
Chúng ta cần đi vào những tác phẩm có tính phản biện, chiều sâu tư tưởng, có thể tiếp cận với chính sách, văn hóa, giáo dục… Đây là những vấn đề mà xã hội đang rất cần được phản ánh bằng nghệ thuật.
Đề tài chính luận cần kết hợp khéo léo các yếu tố giải trí. Khi làm tốt, chúng ta sẽ có cơ sở để kêu gọi hỗ trợ, tài trợ từ Nhà nước và các đơn vị khác", ông Ngọc Giàu nói.
Bình luận hay