
Sách Đại địa chấn kinh tế - Ảnh: NXB DÂN TRÍ
Mỗi chương sách như một lược sử thời gian giúp ta khám phá nguyên nhân, diễn biến và hệ lụy của những cuộc sụp đổ kinh tế lớn, từ đó hiểu rõ cách ứng phó khủng hoảng tốt hơn.
Biên niên sử sống động được tác giả Linda Yueh khai mở bằng cuộc Đại sụp đổ năm 1929 (hay còn gọi là sự sụp đổ của Phố Wall năm 1929). Bởi đây chính là một trong những cuộc khủng hoảng tài chính tàn khốc nhất mọi thời đại.
Sự sụp đổ bắt đầu vào tháng 10-1929 với sự sụt giảm mạnh về giá trên sàn giao dịch chứng khoán New York, 1/3 số ngân hàng ở Mỹ đã phá sản, nền kinh tế Mỹ suy giảm với tỉ lệ gây sốc là 29%. 1/4 người Mỹ mất sạch tiền tiết kiệm cả đời, hàng triệu người thất nghiệp và rơi vào cảnh khốn cùng.
Và sau đó là nhiều cuộc khủng hoảng nữa, rồi gần đây nhất, đại dịch COVID-19 dù không bắt nguồn từ thị trường tài chính nhưng vẫn gây ra cú sốc kinh tế toàn cầu khi cả thế giới buộc phải ngừng vận hành trong thời gian dài.
Bằng việc khắc họa gần một thế kỷ biến động, tác giả không đơn thuần thuật lại các sự kiện mà giúp ta hiểu vì sao các cuộc khủng hoảng này xảy ra và nó có thể lặp lại như thế nào.
Từ Đại địa chấn kinh tế, người đọc có thể rút ra nhiều bài học không chỉ trên phương diện kinh tế vĩ mô mà còn ở cách tư duy điều hành, niềm tin thị trường và tính hệ thống trong khủng hoảng.
Sách chỉ ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và khủng hoảng COVID-19 năm 2020 đều cho thấy vai trò cực kỳ quan trọng của ngân hàng trung ương và chính phủ trong việc "giải cứu" nền kinh tế bằng các gói kích thích lớn.
Với một nền kinh tế trẻ, bài học quan trọng không phải là né tránh khủng hoảng mà là phương cách vượt qua sóng dữ. Bằng việc củng cố hệ thống tài chính, phát triển thị trường vốn lành mạnh, kiểm soát rủi ro nợ và tăng khả năng chống chịu, dù không tránh được những cơn địa chấn này nhưng có thể hạn chế được thiệt hại.
Linda Yueh (sinh năm 1977) là giáo sư tại Trường Kinh doanh London, giáo sư thỉnh giảng tại Viện IDEAS của Trường Kinh tế và Khoa học chính trị London và giáo sư kinh tế thỉnh giảng tại Đại học Bắc Kinh.
Bà từng là cố vấn cho Ngân hàng Thế giới, Ủy ban châu Âu, Ngân hàng Phát triển châu Á, Diễn đàn Kinh tế thế giới tại Davos và nhiều tổ chức khác.
Bình luận hay