TTCT - Vì sao nhiều người trẻ tìm đến các "điểm khóc" công cộng để rơi nước mắt, biến những không gian vốn không khuyến khích bộc lộ cảm xúc riêng tư thành chốn ủi an tinh thần? Ảnh: iStockKhi xã hội quá nhiều áp lực, nhu cầu giải tỏa cảm xúc cùng với nhận thức về sức khỏe tâm thần tăng, chuyện khóc nơi công cộng từ chỗ bị kỳ thị đã thành một trào lưu.Hãy khóc đi đừng ngại ngùngTrước đây, ai đó ngồi khóc sướt mướt nơi công cộng sẽ nhận về vài ánh mắt ái ngại. Theo báo Today (Singapore), điều này bắt nguồn từ các chuẩn mực văn hóa xã hội rằng người chịu áp lực cũng phải ráng giữ vẻ ngoài điềm tĩnh, thế mới được xem là kiên cường. Truyền thông xã hội đã dán nhãn cho những cảm xúc buồn bã, tức giận là "xấu" và cần được giữ kín.Theo Sharon Ng, chuyên gia tư vấn của nền tảng tư vấn trực tuyến Talk Your Heart Out (Singapore), công chúng nói chung coi khóc là dấu hiệu của mất ổn định cảm xúc, dễ tổn thương, yếu đuối hoặc thiếu kiểm soát. Vì vậy, người khóc cũng dễ thấy xấu hổ, ngượng ngùng, nhất là trong môi trường làm việc có tính cạnh tranh, coi trọng sức mạnh và sự điềm tĩnh. Tự dưng mắc khóc mà cũng "rén ngang", nín liền. Nhà tâm lý học lâm sàng Haikal Jamil cũng ghi nhận một quan niệm rằng người đang khóc là người "không thể vượt qua vấn đề đang đối mặt".Nam giới nhận sự kỳ thị này có phần cao hơn, bởi đàn ông theo cách xã hội nhìn nhận thì phải "cool ngầu" điềm nhiên lạnh lùng trước các sự việc, không bộc lộ cảm xúc công khai. Các chuyên gia chỉ ra rằng những kỳ vọng kiểu đàn ông thì phải là "trụ cột", "người bảo vệ" càng làm tăng áp lực, chuyện thảo luận về các vấn đề sức khỏe tâm thần càng trở nên khó khăn hơn với họ. Theo Priscilla Shin, sáng lập công ty trợ giúp sức khỏe tinh thần Range Counselling Services, trong khi phụ nữ được phép khóc nhiều hơn, đàn ông lại được kỳ vọng phải kìm nén cảm xúc do áp lực xã hội "thúc đẩy sự kiên định và không khuyến khích sự dễ bị tổn thương".Nhưng nhiều người không muốn kìm nén nữa. Tờ South China Morning Post cho hay giới trẻ Trung Quốc ngày càng bị choáng ngợp bởi áp lực công việc, tỉ lệ thất nghiệp cao, bất ổn kinh tế và cảm giác mệt mỏi vì cuộc sống ở đô thị lớn, nên họ đang truyền tai nhau các "điểm khóc" trong thành phố.Nơi được lựa chọn rơi nước mắt tự do không ngần ngại có thể là cổng tòa án, Bệnh viện tâm thần số 6 Đại học Bắc Kinh (vì bệnh viện có cảm giác khoan dung), nghĩa trang, sở thú, rạp chiếu phim... Các điểm du lịch nổi tiếng như Tử Cấm Thành cũng nằm trong danh sách vì bầu không khí "đầy chất thơ", có thể vừa ngắm hoàng hôn vừa… khóc. Tuy nhiên Cung điện Mùa hè ở Bắc Kinh thì bị loại trừ vì thường chỉ mở ban ngày, không hợp để ngồi khóc lâu.Nhiều "người từng khóc công cộng" đã lên mạng chia sẻ những điểm "mở van nước mắt" khắp Trung Quốc, góp phần đưa xu hướng lan rộng hơn như sân bay quốc tế Phố Đông ở Thượng Hải, sân vận động Bảo An ở Thâm Quyến, bờ sông Hàn ở Vũ Hán và hồ Huyền Vũ ở Nam Kinh. Hồi đại dịch covid-19 ở Vũ Hán, "điểm khóc tạm thời" đã được dựng lên với hình ảnh tấm gương vỡ, hy vọng có thể phản chiếu những khuôn mặt mệt mỏi và hối tiếc đầy tinh tế. Điểm khóc tạm thời này đang được đưa lên mạng với thông điệp "đừng sợ, bạn có thể khóc ở đây", ai cũng có thể để lại bình luận hay gửi tin nhắn riêng về mọi cảm xúc tiêu cực của mình, mục tiêu là cho cảm xúc một nơi để trút bỏ.Xu hướng khóc nơi công cộng đã gây ra tranh luận sôi nổi trên các mạng xã hội ở đất nước tỉ dân. Người dùng đua nhau chia sẻ về điểm khóc ưa thích của họ. Có người khóc trên xe, đèn đỏ dừng xe thì khóc, đèn xanh thì lái xe nghiêm túc, đèn đỏ kế tiếp lại khóc. Có người lại đề cao sự riêng tư và không khí của rạp chiếu phim, xung quanh toàn người lạ chẳng ai quan tâm khi mình khóc, nếu nhân vật trên phim cũng khóc thì càng hoàn hảo.Ảnh: ShutterstockKhông chỉ ở Trung Quốc, nhiều trang web, diễn đàn ở các nước như Mỹ, Anh, Ý, Úc cũng đầy các thông tin chỉ dẫn, xếp hạng những địa điểm công cộng thích hợp cho việc khóc ở các thành phố lớn như Washington, Atlanta, New York, Venice, London...Năm 2021, tức sau năm COVID-19 đầu tiên, trang mạng Boston (thuộc tờ Boston Globe) hỏi độc giả "quý vị sẽ tìm đến đâu để xả stress khi mọi thứ trở nên quá sức chịu đựng". Gần 130 người đã tham gia, đưa ra nhiều gợi ý vừa độc đáo vừa hài hước, chân thành mà sáng tạo: hu hu ngoài bến cảng, "để gió hong khô nước mắt", hoặc bãi cỏ nhìn ra sông Charles trước MIT, "vừa có cảnh đẹp, lại khiến người ta nghĩ mình đang stress vì học hành". Một độc giả lại cho rằng "người Boston chính hiệu sẽ không khóc", song ban biên tập bình: "Có lẽ là vì họ chưa tìm ra đúng chỗ để khóc mà thôi".Tương tự, theo trang Secret Manchester, một trong những "nơi tuyệt vời nếu bạn thấy mắt bắt đầu rưng rưng" ở thành phố nước Anh này là ga tàu Victoria. Không chỉ vì các sân ga ở đây dài ngoằng, dễ tìm được một góc riêng tư, mà còn bởi số lượng chuyến tàu bị hủy nhiều đến mức bạn có thể thoải mái vin vào lý do "không về nhà được" để khóc một trận, trang này giải thích.Để yên cho người ta khócMặc dù thường bị gán với sự yếu đuối, các chuyên gia sức khỏe tâm thần đều khẳng định khóc là một phần tự nhiên và lành mạnh để thể hiện cảm xúc. Sau một lần khóc, nhiều người thường cảm thấy nhẹ nhõm và tập trung hơn, dù có khi yếu tố gây căng thẳng ban đầu vẫn y nguyên đấy nhưng khóc công khai như điểm trũng thấp nhất, từ đó mọi thứ có thể tốt lên.Theo bà Ng. từ Talk Your Heart Out, nước mắt kích hoạt giải phóng endorphin, giúp giảm căng thẳng, thư giãn về thể chất, tư duy rõ ràng hơn và tâm trạng được cải thiện, giúp cá nhân có được cái nhìn sâu sắc và chuyển hướng khỏi những suy nghĩ tiêu cực. Ngoài ra, khóc cũng có lợi ích về mặt sinh lý, như làm ẩm và sạch mắt, giảm nghẹt mũi. Ông Jamil thì bổ sung: khóc còn là tín hiệu cho những người xung quanh biết rằng chúng ta đang bị choáng ngợp, "thúc đẩy kết nối xã hội" để đồng cảm và quan tâm nhau hơn. Nếu có thôi thúc cảm xúc mà kìm nén không khóc thì có thể gây gia tăng mức độ căng thẳng, lo âu, dễ phát triển thành trầm cảm hay rối loạn tâm trạng.Tuy vậy, ông Haikal đánh giá vẫn còn nhiều rào cản khiến người ta khó rơi nước mắt trước mặt người khác. Bởi cảm giác xấu hổ và hối tiếc sau khi khóc xong rồi băn khoăn không biết mọi người nhìn nhận mình ra sao có khi càng gây thêm căng thẳng. Nhưng Sapna Mathews, chuyên gia tư vấn cấp cao tại Eagles Mediation and Counselling Centre, nhấn mạnh "góc nhìn quan trọng nhất về việc khóc nơi công cộng là của chính bạn. Thấy tự ti, dễ tổn thương hay chẳng quan tâm người khác nghĩ gì, dù là kiểu nào thì cũng đừng ép buộc bản thân, cứ làm điều gì tự nhiên đến với bạn và khiến bạn thấy an toàn. Hãy tử tế với bản thân".Còn nếu lỡ nhìn thấy một người đang khóc ở nơi công cộng, các chuyên gia cho rằng không nên làm ngơ nhưng cũng đừng gây áp lực buộc họ thôi khóc. Văn hóa châu Á thường bảo người khác 'đừng khóc' hoặc 'ngưng khóc'. Những khi đó, hãy tôn trọng ranh giới của người đó bằng cách tạo không gian và tránh những câu hỏi hoặc cử chỉ an ủi quá mức, vì một số người có thể không thích bị chạm vào khi đang buồn.Nhìn chung, sự xuất hiện của các "điểm khóc" công cộng phần nào cho thấy sự đổi thay trong nhận thức về sức khỏe tâm thần và nhu cầu được thể hiện bản thân một cách chân thực của giới trẻ. Chỉ là đừng lạm dụng để biến những cơn khóc thành trò mà ở đó người diễn lẫn người xem đều bị động. Một nhà quản lý sản phẩm làm việc tại Xi'erqi - khu vực chuyên về công nghệ của Bắc Kinh - thậm chí còn có kế hoạch khóc theo tháng với tên "Crazy Cry Saturday". Vào các ngày thứ bảy đã định trước, người có biệt danh trực tuyến "Don't Call Me Da Vinci" này sẽ đạp xe từ đô thị bê tông ngột ngạt đến Vườn thú Bắc Kinh. Trên đường đi kéo dài khoảng một giờ, anh sẽ hát thật to và khóc để giải tỏa cảm xúc. Người này cho rằng chỉ cần đủ thời gian để trút hết mọi cảm xúc mà không bị suy sụp là được. Khi đến vườn thú, anh mua cà rốt cho các con vật ăn, giúp anh giữ bình tĩnh sau cơn hoảng loạn, South China Morning Post thuật lại.Còn ở Thượng Hải, một nhân viên tài chính sử dụng bí danh NotFreeToArgue (Không rảnh chửi nhau) cho biết cô khóc khi đến đảo Sùng Minh trong tình trạng trang điểm kỹ và làm tóc đẹp. Việc này khiến cô giải tỏa căng thẳng và lấy lại cân bằng bên trong. Một người đàn ông khác chẳng bận tâm chải chuốt ở buổi hẹn hò giấu mặt nhưng sẽ luôn cạo râu, tạo kiểu tóc trước khi ra ngoài khóc. Theo người này, làm như vậy mang đến sự trang trọng cho khoảnh khắc khóc của bản thân. "Giống như cuối cùng tôi cũng có thể đối mặt với cảm xúc của mình một cách đàng hoàng" - anh nói. Tags: Người trẻ khócKhóc nơi công cộngÁp lực cuộc sốngNgười trẻ
9 dự án sẽ mang về cho TP.HCM khoản tiền sử dụng đất ‘khủng’ gần 52.600 tỉ đồng NGỌC HIỂN 09/07/2025 TP.HCM dự kiến sẽ có khoản thu 52.599 tỉ đồng từ tiền sử dụng đất 9 dự án vừa được phê duyệt giá đất. Đây là mức thu tiền sử dụng đất 'khủng', khi các năm gần đây tiền sử dụng đất của cả TP chưa đạt 20.000 tỉ đồng cả năm.
Việt Nam mời Nga, Trung Quốc, Lào, Campuchia, Belarus cử lực lượng sang tham gia diễu binh NAM TRẦN 09/07/2025 Bộ Quốc phòng mời 5 nước là Nga, Trung Quốc, Lào, Campuchia, Belarus cử lực lượng tham gia diễu binh tại lễ kỷ niệm.
Trung tướng Nguyễn Trường Thắng bàn giao chức vụ tư lệnh Quân khu 7 cho Thiếu tướng Lê Xuân Thế LÊ PHAN 09/07/2025 Chiều 9-7, Đại tướng Phan Văn Giang - bộ trưởng Bộ Quốc phòng - chủ trì Hội nghị bàn giao chức vụ tư lệnh Quân khu 7.
Công an thông tin vụ nữ tài xế ô tô tông liên hoàn 12 xe máy: 10 người nhập viện, 1 người tử vong HỒNG QUANG 09/07/2025 Vụ tai nạn làm 10 người bị thương được đưa đi cấp cứu; trong đó có 1 nạn nhân nữ đã tử vong vào hồi 11h30 cùng ngày 9-7.