Đất hiếm: Cách Trung Quốc kiểm soát lá bài tẩy

NGUYỄN THÀNH TRUNG 06/07/2025 14:20 GMT+7

TTCT - Xuất khẩu đất hiếm đang là lá bài quan trọng nhất của Trung Quốc trong cuộc thương lượng về thuế quan với Mỹ.

b - Ảnh 1.

Ảnh: ft.com

Năm 2010, Trung Quốc từng làm chấn động thế giới khi áp lệnh cấm xuất khẩu đất hiếm quan trọng sang Nhật Bản. Lãnh đạo các công ty Nhật lên truyền hình với vẻ mặt hoảng loạn để cảnh báo rằng họ đang cạn kiệt nguồn nguyên liệu thô quan trọng dùng trong nhiều ngành công nghiệp, từ xe hơi tới thiết bị điện tử.

Thay đổi nhận thức

Lệnh cấm xuất khẩu chỉ kéo dài bảy tuần, nhưng đã thay đổi nhận thức của chuỗi cung ứng toàn cầu với nguyên liệu này. Các nhà công nghiệp chế tạo trên thế giới nhận ra họ có thể dễ tổn thương đến thế nào nếu thiếu Trung Quốc, còn Trung Quốc hiểu ra lệnh cấm của họ còn đầy lỗ hổng.

Khi lệnh cấm vận kết thúc, Trung Quốc bắt đầu kiểm soát chặt chẽ nguồn khoáng sản này. Đòn trừng phạt đất hiếm, vốn bắt nguồn từ một cuộc tranh chấp lãnh thổ Trung - Nhật, không hiệu quả như mong đợi do hoạt động buôn lậu tràn lan. 

Các nhóm tội phạm có tổ chức của Trung Quốc thông đồng với giới chức địa phương để đưa lậu tới một nửa sản lượng đất hiếm hằng năm ra khỏi đất nước. Để né kiểm soát, họ thậm chí nghĩ ra cách nấu chảy đất hiếm, đúc vào thép xuất khẩu; rồi sau đó lại nấu chảy thép ở nước ngoài để thu hồi đất hiếm.

Vài tuần sau khi lệnh cấm vận kết thúc, Bắc Kinh đã giành lại quyền kiểm soát các mỏ khoáng sản trước đây do tư nhân điều hành ở thung lũng Long Nam, tỉnh Giang Tây, nơi sản xuất phần lớn đất hiếm nặng của thế giới. 

Chính quyền trung ương cũng mạnh tay dẹp nạn tham nhũng ở địa phương, và trấn áp mạng lưới buôn lậu. Hàng ngàn người đã đi tù, còn các quy định kiểm soát được chuyển từ địa phương lên trung ương.

Năm 2025, đến lượt nước Mỹ đang phải ưu tư. Ngày 25-6, tờ Wall Street Journal đăng phóng sự độc quyền về việc chính quyền Trung Quốc đang tăng cường kiểm soát nguồn cung đất hiếm với tiêu đề "Trung Quốc đang truy tìm các chuyên gia đất hiếm - và thu giữ hộ chiếu". 

Bắc Kinh yêu cầu các công ty cung cấp cho chính phủ danh sách chuyên gia trong ngành nhằm đảm bảo họ không tiết lộ bí mật thương mại cho nước ngoài. Tờ New York Times cũng có loạt bài về đất hiếm Trung Quốc từ tháng 4 đến nay.

Trong tuyên bố vào ngày 9-5, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết "một số thực thể nước ngoài đã thông đồng với nhân sự bất hợp pháp trong nước, liên tục đổi mới các phương pháp buôn lậu và cố gắng trốn tránh các cuộc càn quét". 

Tuyên bố nhấn mạnh: "Kiểm soát xuất khẩu khoáng sản chiến lược liên quan đến an ninh quốc gia và lợi ích phát triển, và việc tăng cường kiểm soát toàn bộ chuỗi xuất khẩu là then chốt". Tuyên bố cũng kêu gọi theo dõi toàn diện đất hiếm ở mọi giai đoạn sản xuất và vận chuyển.

Tờ El Mundo (Tây Ban Nha) ngày 23-6 có bài tường thuật về việc cảng Thâm Quyến ở miền nam Trung Quốc gần đây phát hiện gần 2 tấn bột dysprosi, một loại khoáng chất quý hiếm có nhu cầu cao cho ứng dụng công nghệ, giấu trong container đồ gốm sứ và gạch. 

"Những tuần gần đây, chúng tôi đã phát hiện nhiều loại đất hiếm khác nhau trong các container chở nguyên liệu xây dựng, túi đựng quần áo và vỏ điện thoại di động", một nhân viên hải quan tại Thâm Quyến cho biết. Trong một cuộc thanh tra khác, gali, kim loại có giá trị cao trong ngành bán dẫn, đã được ngụy trang trong các gói trà.

Đất hiếm: Cách Trung Quốc kiểm soát lá bài tẩy - Ảnh 2.

Ảnh: Reuters

Đủ kiểu kiểm soát

Ngay cả trước cuộc trấn áp buôn lậu gần đây, quy mô các lô hàng đất hiếm bất hợp pháp đã giảm đáng kể. David Abraham, chuyên gia về đất hiếm tại Đại học Boise State, nói với NYT: "Buôn lậu không còn dễ dàng như trước nữa". 

Bắc Kinh đã dừng xuất khẩu hợp pháp bảy loại đất hiếm và nam châm làm từ đất hiếm từ ngày 4-4. Theo quy định mới, bất kỳ lô hàng nào thuộc diện này, vốn được chế biến gần như hoàn toàn tại Trung Quốc, đều phải có giấy phép xuất khẩu. 

Năm 2024, Trung Quốc đã cấm xuất khẩu sang Mỹ gali, antimon và germani - thành phần chính trong chất bán dẫn - cũng như một số loại than chì được sử dụng trong pin xe điện.

Hiện rất ít giấy phép được cấp vì Bắc Kinh đang gây sức ép trong cuộc thương lượng thuế quan còn căng thẳng với Mỹ. 

Tháng 6 vừa qua, sau cuộc đàm phán thứ hai tại London, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố thỏa thuận thương mại mới bao gồm việc Bắc Kinh "phê duyệt ngay lập tức" việc xuất khẩu đất hiếm quan trọng để sản xuất ô tô. 

Bộ Thương mại Trung Quốc tuyên bố họ đang đẩy nhanh quy trình xem xét đơn xin cấp phép xuất khẩu, nhưng Bắc Kinh cũng đòi Washington nới lỏng nhiều hạn chế về công nghệ mà chính quyền tổng thống Biden trước đây đã áp đặt. Trung Quốc đã học được bài học giá trị trong các cuộc đàm phán thương mại với Mỹ: đòn bẩy của họ chính là đất hiếm.

Theo đài Mỹ CNN, Trung Quốc nắm quyền kiểm soát gần như độc quyền với hoạt động chế biến đất hiếm trên toàn cầu. Năm 2023, họ sản xuất 61% nguyên tố đất hiếm thô và chiếm 92% nguồn cung đã tinh của thế giới. 

Hoạt động sản xuất thiết bị quân sự hiện đại, bao gồm cả ở Mỹ, phụ thuộc rất nhiều vào đất hiếm. Hiện đất hiếm xuất khẩu từ Trung Quốc được phê duyệt theo quy tắc "mỗi lô một giấy phép". 

Bộ Thương mại nước này yêu cầu nhà sản xuất phải nộp tài liệu chi tiết cho mỗi đơn xin xuất khẩu. Để ngăn chặn việc bán lại, đơn xin còn phải xác minh bên mua, người dùng cuối cùng và cả cách sử dụng vật liệu trong các bước sản xuất tiếp theo. Chưa hết, phải mất tới 45 ngày làm việc để đơn được xem xét chấp thuận.■

Một cách thu thập thông tin tình báo

"Bạn vẫn có thể có được nguyên liệu, nhưng phải điền giấy tờ, mô tả người dùng cuối. Bạn sẽ cung cấp tất cả thông tin này và sau đó họ có thể biết hết cơ sở khách hàng ở đầu cuối của bạn là ai" - James Kennedy, chủ tịch của Three Consulting, công ty tư vấn về đất hiếm có trụ sở tại St. Louis, Missouri, nói với CNN.

Thomas Kruemmer, giám đốc công ty chuỗi cung ứng kim loại và khoáng sản Ginger International Trade and Investment có trụ sở tại Singapore, nói với đài CNN rằng các biện pháp này "được thiết kế đặc biệt để tấn công ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ và tôi không thể hình dung Trung Quốc sẽ ngưng lại".

"Tôi chắc chắn trong trường hợp của các nhà thầu quốc phòng, Bộ Thương mại Trung Quốc sẽ nêu ra những câu hỏi rất khó chịu mà người Mỹ có thể không muốn trả lời hoặc có thể phải xin phép Lầu năm góc mới được trả lời".

James Litinsky, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của MP Materials, công ty Mỹ sở hữu mỏ đất hiếm duy nhất của Hoa Kỳ tại Mountain Pass, California, nói với NYT: "Về cơ bản, đây đang trở thành nỗ lực thu thập thông tin tình báo", bởi lẽ những tài liệu này có thể cung cấp cho Bắc Kinh bản đồ chi tiết về cách sử dụng đất hiếm ở nước ngoài để họ dễ dàng nhắm mục tiêu vào các công ty và quốc gia cụ thể trong tương lai.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận