TTCT - Cán bộ xã ngủ một đêm, sáng mai nhận nhiệm vụ ở xã mới với những công việc, nghiệp vụ mới. Ông Huỳnh Ngọc Minh (đeo kính, ngồi) tìm hiểu thủ tục hành chính tại UBND phường Tân Hưng, TP.HCM sáng 1-7. Ảnh: THANH HIỆPÔng T.Q., một chủ tịch UBND xã cũ của tỉnh Khánh Hòa, nay được bố trí làm trưởng phòng kinh tế của xã mới. Trước đây, những công việc chuyên môn chuyên sâu có các công chức thụ lý, giải quyết và tham mưu, ông Q. chỉ bao quát chung tình hình, chỉ đạo và kiểm soát để các nội dung công việc đúng với định hướng của các nghị quyết chuyên đề do Đảng ủy xã đề ra đầu năm, đầu nhiệm kỳ. Nay làm trưởng phòng kinh tế, công việc mang tính chuyên sâu với rất nhiều lĩnh vực mới toanh: tài chính - kế hoạch, xây dựng - công thương, nông nghiệp - môi trường.Vừa làm vừa họcÔng Q. thống kê: riêng mảng tài chính - kế hoạch của xã đã có 187 đầu việc với các nhóm cụ thể như đăng ký kinh doanh, quản lý ngân sách và lập kế hoạch chính, đầu tư công, quản lý khai thác tài sản công và hạ tầng… Lĩnh vực xây dựng - công thương quản lý từ giá bán lẻ điện đến giấy phép xây dựng với những công việc cụ thể như cấp phép xây dựng nhà ở riêng lẻ, công trình cấp III và cấp IV, thẩm định thiết kế, quản lý chi phí, giá xây dựng, xây dựng, điều chỉnh định mức kinh tế kỹ thuật, lập kế hoạch khuyến công và phân bổ nguồn vốn, giá bán lẻ điện, nước, gas, hỗ trợ cụm công nghiệp vừa và nhỏ, tổ chức xúc tiến thương mại, xử phạt lĩnh vực giá cả và bảo vệ người tiêu dùng…"Lúc có dự định phân công vị trí mới, tôi nghĩ mình đã làm chủ tịch xã nên công việc mới có khó đến đâu cũng sẽ làm được hết. Sau đọc các thông tư hướng dẫn, gạch ra các đầu việc xong thì "choáng", chưa biết mình phải bắt tay từ đâu. Hôm qua còn là chủ tịch xã, hôm nay là trưởng phòng kinh tế, tôi và 7 công chức của phòng tự đọc văn bản lĩnh vực mình được phân công rồi tự mày mò. Chưa ai được tập huấn về kỹ năng xử lý hồ sơ, tiếp xúc và đối thoại với người dân hay cách giải quyết một hồ sơ xin phép kinh doanh ra sao. Chắc phải một thời gian nữa mới ổn định được", ông Q. chia sẻ. Điều lo lắng nhất của ông Q. là có quá nhiều văn bản vừa quy phạm pháp luật mới ban hành, cán bộ, công chức xã chưa nắm bắt hết được, có đọc nhưng chưa thực sự hiểu. Sau khi đọc các thông tư hướng dẫn, gạch ra các đầu việc xong thì "choáng", chưa biết mình phải bắt tay từ đâu. Hôm qua còn là chủ tịch xã, hôm nay là trưởng phòng kinh tế, tôi và 7 công chức của phòng tự đọc văn bản lĩnh vực mình được phân công rồi tự mày mò. Chưa ai được tập huấn về kỹ năng xử lý hồ sơ, tiếp xúc và đối thoại với người dân hay cách giải quyết một hồ sơ xin phép kinh doanh ra sao. Chắc phải một thời gian nữa mới ổn định được. Tương tự, ông Nguyễn Văn Hoàng, trước là cán bộ tư pháp hộ tịch phường Tịnh Biên, nay chuyển làm tư pháp xã Núi Cấm (tỉnh An Giang), cho biết công việc mới chắc chắn sẽ nhiều hơn. Cán bộ tư pháp - hộ tịch có tài khoản điện tử để chứng thực, giải quyết hồ sơ hộ tịch, trợ giúp pháp lý, tuyên truyền pháp luật. Xã mới rộng hơn, dân số đông hơn mà cán bộ tư pháp hộ tịch cũng chỉ có hai người, lại giải quyết hồ sơ điện tử nên thời gian giải quyết hồ sơ sẽ được tính toán chính xác. Hơn nữa, nơi làm mới cách nhà ông Hoàng 20km, nên mỗi sáng ông phải đi làm sớm hơn, về nhà trễ hơn.Trong khi đó, ông K.N., phó chủ tịch UBND một xã ở An Giang, được bố trí làm phó chánh văn phòng UBND xã mới. "Nếu đúng chuyên ngành (ông K.N. là cử nhân luật) thì tôi phù hợp lĩnh vực tư pháp, hộ tịch hay các vấn đề liên quan đến luật sẽ phát huy được chuyên ngành được đào tạo và lĩnh vực đã học. Ở vị trí mới, khối lượng công việc nhiều hơn, địa bàn rộng hơn nên phải vừa làm vừa tiếp thu kinh nghiệm, vừa học hỏi thêm", vị này nói.Nghỉ việc vì lo áp lựcÔng Q. cho biết xã cũ có 7 công chức xin nghỉ khi sắp xếp chính quyền mới, trong đó 6 công chức còn trên 10 năm công tác. Có 3 nguyên nhân chủ yếu trong hồ sơ xin nghỉ: áp lực công việc mới quá lớn, các công chức lo không đáp ứng được, một số người có cơ sở kinh tế riêng nên xin nghỉ để làm kinh tế và một số công chức xã nghỉ để nhận tiền hỗ trợ lo việc khác. Trong số 7 công chức nghỉ việc có một công chức rất giỏi, bản thân ông cũng đã thuyết phục người này không nghỉ việc để phục vụ trong chính quyền mới nhưng không thành công. Theo ông Q.: "Trong đề xuất nghỉ việc và qua nói chuyện trực tiếp, công chức này nói công việc cũ có quá nhiều áp lực, về xã mới phụ trách địa bàn rộng hơn, công việc nhiều hơn thì áp lực sẽ tăng, ông sợ mình không chịu nổi.Người này có chuyên môn giỏi, kinh nghiệm tốt nên ông ấy có thể xin việc ở bất cứ đâu. Chỉ tiếc Nhà nước mất một công chức giỏi".Theo báo cáo, An Giang có 1.329 cán bộ xin nghỉ hưu theo chế độ 178 và nghỉ việc theo nguyện vọng cá nhân. Trong đó có 17 giám đốc, phó giám đốc của 10 sở, ban, ngành. Kiên Giang có gần 300 cán bộ đăng ký xin nghỉ hưu để hưởng chế độ 178 và nghỉ theo nguyện vọng. Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh An Giang có số người xin nghỉ việc nhiều nhất: 288 người xin nghỉ trong tổng số 1.930 cán bộ của ngành nông nghiệp toàn tỉnh (chiếm gần 15%)."Đa số là những người sinh năm 1968 đến 1972. Số còn lại gia đình khó khăn họ sợ không đảm bảo được công việc khi phải xa nhà nên họ xin nghỉ", lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh An Giang nói về nguyên nhân.■ Năng lực tiếp xúc và làm việc với dân là yếu tố then chốtChính quyền cấp xã là cấp gần dân nhất, nhưng cũng chính vì thế, hiệu quả cải cách phân quyền phụ thuộc rất lớn vào chất lượng tương tác giữa cán bộ xã với người dân. Ở cấp này, cán bộ không thể chỉ làm tốt công việc trên giấy tờ - mà còn phải trực tiếp lắng nghe, thuyết phục, giải thích và đồng hành với người dân trong từng việc cụ thể của đời sống hằng ngày.Tuy nhiên, thực tế cho thấy năng lực và kỹ năng tiếp xúc với dân đang là một mắt xích yếu trong bộ máy hành chính cơ sở. Nhiều cán bộ xã - dù tận tâm - lại thiếu kỹ năng giao tiếp, thiếu sự chủ động lắng nghe, chưa quen xử lý tình huống phát sinh từ thực tiễn cộng đồng. Một số được luân chuyển từ cấp huyện xuống, vốn quen làm việc trong môi trường quy trình - văn bản - hành chính khép kín, nay gặp khó khi bước vào môi trường đòi hỏi linh hoạt, tâm lý và gần gũi dân hơn rất nhiều. Trong khi đó, không ít cán bộ xã tại chỗ - dù gắn bó với địa phương - nhưng chưa được đào tạo bài bản về ứng xử công vụ và văn hóa hành chính phục vụ.Đây là điểm nghẽn âm thầm nhưng có ảnh hưởng sâu sắc đến chất lượng cải cách. Bởi chính từ những "va chạm mềm" ấy - cái bắt tay, cách trò chuyện, sự nhẫn nại hay thái độ khi tiếp dân - mà người dân đánh giá bộ máy nhà nước có đáng tin cậy và gần gũi hay không.Do đó, đi đôi với việc trao quyền, phải xác lập một trụ cột đào tạo mới cho cán bộ xã: năng lực tiếp dân và làm việc với dân. Không thể chỉ học lý thuyết hành chính, mà phải học cách lắng nghe với sự tôn trọng thực sự; cách nói cho dân hiểu mà không mệnh lệnh; cách giải quyết vấn đề mà không gây thêm thủ tục. Và quan trọng nhất: cách hành xử với người dân như người đồng hành chứ không phải đối tượng quản lý.Song song với đào tạo, cần thiết lập các tiêu chí đánh giá cán bộ xã gắn với mức độ hài lòng của dân, số lượng đơn thư tồn đọng, hiệu quả hòa giải tranh chấp và sự tín nhiệm trong cộng đồng. Đây sẽ là thước đo thiết thực nhất cho một nền hành chính phục vụ.Cải cách sẽ không thành công nếu người dân vẫn e ngại đến UBND xã, hoặc rời khỏi đó với cảm giác mình bị gây khó dễ. Và cải cách sẽ thật sự thành công nếu chính quyền cơ sở là nơi người dân tìm đến với niềm tin: "ở đây, tôi được lắng nghe và được giúp đỡ".TS NGUYỄN SĨ DŨNG Tags: Cán bộ xãAn giangKhánh HòaPhòng kinh tế
Mở chiếc rương di cảo của sử gia Trần Trọng Kim VIỆT ANH (VIỆN NGHIÊN CỨU HÁN NÔM) 02/07/2025 1990 từ
Giá vàng thế giới lại lao dốc, vàng miếng SJC giảm 400.000 đồng/lượng ÁNH HỒNG 09/07/2025 Từ mức trên 3.340 USD/ounce tối hôm qua, hôm nay (9-7) giá vàng thế giới đã bốc hơi chỉ còn 3.295 USD/ounce.
Dù lượn rơi trên bán đảo Sơn Trà Đà Nẵng, một du khách tử vong TRƯỜNG TRUNG 09/07/2025 Một vụ tai nạn dù lượn xảy ra trên bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng khiến một du khách rơi xuống rừng tử vong.
Động thái 'lạ' của Huấn Hoa Hồng sau khi giang hồ mạng Tiến 'bịp' bị bắt TIẾN NGUYỄN 09/07/2025 Sau khi giang hồ mạng 'nổi tiếng' ở Hải Phòng Tiến 'bịp' bị bắt, Huấn Hoa Hồng đã lên trang Facebook cá nhân đăng tải dòng trạng thái của mình với nội dung liên quan đến Tiến 'bịp'.
Dỡ bỏ 'chuồng cọp', công trình chiếm hành lang cư xá Độc Lập sau vụ cháy 8 người chết MINH HÒA 09/07/2025 Sau vụ cháy xảy ra đêm 6-7 khiến 8 người chết, nhiều hộ dân trong cư xá Độc Lập (phường Phú Thọ Hòa, TP.HCM) đã tháo dỡ lồng sắt lắp ở ban công, công trình lấn chiếm ở hành lang.