TTCT - Nếu giáo dục hiện đại không hỏi "Có bao nhiêu phần trăm học sinh học nghề?" mà phải đặt vấn đề: người học có đủ kỹ năng, có việc làm và có thể học tiếp không? Học viên Trường cao đẳng Cơ điện Hà Nội chuẩn bị cho bài thi tay nghề quốc tế với các thao tác chuyên nghiệp. Ảnh: VĨNH HÀThừa nhận của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, rằng: "Quy định 40% học sinh sau THCS đi học nghề, 60% vào THPT là một sự phân chia cứng nhắc, thiếu căn cứ khoa học và thực tiễn" có thể coi là sự đánh dấu một bước chuyển nhận thức quan trọng sau hơn hai thập kỷ theo đuổi chính sách phân luồng hành chính.Chuyển tư duyThất bại của "phân luồng cứng" không chỉ do không đạt tỉ lệ kỳ vọng, mà còn phản ánh tư duy kế hoạch, xem giáo dục như dòng chảy tuyến tính, tách biệt học nghề với học thuật, không phản ánh hành trình học tập đa dạng, phi tuyến trong đời sống thực. Trong kỷ nguyên AI và thị trường lao động biến động, việc cố duy trì tư duy chia luồng bằng tỉ lệ là cách làm duy ý chí, xa rời thực tế. Chúng ta rất khó dự báo nhu cầu kỹ năng, việc làm tương lai trong kỷ nguyên số.Chủ trương phân luồng 40-60 từng được kỳ vọng giúp giảm lãng phí nguồn lực và tăng lao động kỹ thuật. Nhưng tại nhiều địa phương, tỉ lệ học sinh chọn học nghề sau THCS chỉ dao động 10-15%, phần lớn vẫn vào THPT. Nguyên nhân không chỉ ở tâm lý sính bằng cấp, mà còn ở cấu trúc hệ thống: học nghề đồng nghĩa với rời khỏi phổ thông, học trong cơ sở yếu kém, ít cơ hội học tiếp, chất lượng đào tạo chưa đảm bảo. Xã hội vẫn xem học nghề là lựa chọn hạng hai. Trong khi đó, công nghệ số và AI đòi hỏi người lao động - dù học nghề - vẫn cần có nền tảng học thuật vững chắc: kỹ thuật viên, công nhân nhà máy thông minh hay nhân viên logistics đều phải đọc hiểu tài liệu, sử dụng thiết bị số, học qua nền tảng công nghệ. Nếu vẫn áp đặt phân luồng theo kiểu cơ học, xem học nghề là tách khỏi học thuật thì đó là sai lầm nghiêm trọng cả về giáo dục lẫn phát triển nhân lực.Phân luồng cần được hiểu lại như một quá trình hỗ trợ người học lựa chọn và chuyển đổi linh hoạt giữa các lộ trình học tập - nghề nghiệp trong suốt vòng đời. Dù học ở đâu, khi nào, bằng cách nào - miễn có kỹ năng, việc làm và thu nhập bền vững - thì đó là phân luồng thành công. Phân luồng không chỉ bó hẹp trong hệ chính quy mà bao gồm cả người đi làm quay lại học nghề, học trong doanh nghiệp, học qua nền tảng số, hay tích lũy kỹ năng không chính quy. Những người bỏ học 5-7 năm rồi quay lại học nghề cũng nên được coi là một phần của phân luồng. Vì vậy, nếu chỉ đo phân luồng bằng tỉ lệ ngay sau THCS là bỏ sót phần lớn hiện thực xã hội học tập.Hầu hết các quốc gia phát triển không đặt ra chỉ tiêu cứng. Tại Đức, Áo, Thụy Sĩ - những nước có hệ thống đào tạo nghề hàng đầu - nhà nước không ấn định tỉ lệ, mà thiết kế hệ thống đào tạo kép hấp dẫn, linh hoạt, gắn với doanh nghiệp. Phần Lan cho học sinh chọn trung học nghề hoặc học thuật, đều có cơ hội vào đại học, không phân biệt thứ hạng. Singapore có mô hình phân tầng rõ, có tỉ lệ quy hoạch nhưng không áp buộc, mà tạo ra "siêu xa lộ kỹ năng" và đáp ứng nhu cầu theo kiểu "just in time" với cam kết việc làm và học tập suốt đời. Các nước này tạo ra hệ sinh thái học tập mở - nơi người học đi đâu cũng có giá trị và cơ hội phát triển.Học tập linh hoạt, suốt đờiKhi chuyển từ tư duy "chia tỉ lệ" sang tư duy mở, Nhà nước cần đóng vai trò kiến tạo hệ sinh thái học tập linh hoạt. Trước hết, cần sửa đổi Luật Giáo dục và Luật Giáo dục nghề nghiệp, công nhận phân luồng là quá trình học tập linh hoạt suốt đời, không phân chia cấp bậc học, không gắn với thời điểm cố định. Phát triển mô hình trung học nghề (THN) tích hợp, giúp học sinh vừa học nghề vừa đảm bảo kiến thức phổ thông cốt lõi như toán, ngoại ngữ, kỹ năng số, đảm bảo sự bình đẳng về cơ hội liên thông, việc làm và phát triển sự nghiệp của học sinh trung học phổ thông và học sinh THN.Nhà nước cần xây dựng hệ thống công nhận học tập đa dạng: công nhận học tập trước (RPL - Recognition of Prior Learning), cấp tín chỉ mô đun, học trong doanh nghiệp và học trực tuyến. Mỗi cá nhân nên có một hồ sơ học tập suốt đời tích hợp kết quả học tập chính quy, phi chính quy và kinh nghiệm nghề nghiệp.Các doanh nghiệp phải trở thành chủ thể đồng hành đào tạo: tham gia thiết kế chương trình, giảng dạy, đánh giá kỹ năng và phân hướng. Kinh nghiệm Hoa Kỳ cho thấy 87% đào tạo nghề diễn ra tại doanh nghiệp, chính thức hoặc phi chính thức.Một nền giáo dục hiện đại không hỏi: "Bao nhiêu phần trăm học sinh đi học nghề?" mà hỏi: "Người học có đủ kỹ năng, có việc làm và có thể học tiếp không?". Không cần ai ép ai vào đâu, vả lại chúng ta cũng không thể lo việc làm cho người học trong thế giới biến động rất cần linh hoạt mà cần hệ thống đủ mở để mỗi người học tìm được con đường phù hợp. Khi đó, phân luồng không còn là sự áp đặt, mà là hành trình trưởng thành, là cơ hội học tập trọn đời. Tags: Giáo dụcPhân luồng học sinhHọc sinhAI
Ông Trump công bố thêm 'thư áp thuế' từ 20-30% với 6 nước THANH HIỀN 09/07/2025 Ông Trump công bố sẽ áp thuế từ 20% đến 30% với 6 nước từ ngày 1-8, kéo dài danh sách 14 quốc gia đã nhận được thư trước đó.
Việt Nam mời Nga, Trung Quốc, Lào, Campuchia, Belarus cử lực lượng sang tham gia diễu binh NAM TRẦN 09/07/2025 Bộ Quốc phòng mời 5 nước là Nga, Trung Quốc, Lào, Campuchia, Belarus cử lực lượng tham gia diễu binh tại lễ kỷ niệm.
Real Madrid đấu PSG (hiệp 1): 0-0 HOÀI DƯ 10/07/2025 Trận bán kết FIFA Club World Cup 2025 giữa Real Madrid và PSG đã bắt đầu. Mời bạn đọc theo dõi trực tuyến trận đấu.
Giáo hoàng sẵn sàng đón Nga và Ukraine đến Vatican hòa đàm THANH HIỀN 09/07/2025 Giáo hoàng Leo XIV gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, bày tỏ Vatican sẵn sàng tổ chức các cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine.