
Sở Xây dựng TP.HCM đã xây dựng đề án kiểm soát khí thải xe theo hai giai đoạn. Các đơn vị ở TP.HCM đang tích cực rà soát để đề xuất phương án hạn chế, chính sách hỗ trợ phù hợp - Ảnh: T.T.D.
Nhiều bạn đọc Tuổi Trẻ Online đồng tình với việc hạn chế xe có mức phát thải cao, và mong muốn các đơn vị ở TP.HCM triển khai từng bước kèm theo chính sách hỗ trợ nhằm tạo sự đồng thuận cao từ người dân.
Trưa nắng chờ đèn đỏ mà ống khói xe cứ thổi vào mặt
Bạn đọc Lanmanzu khẳng định ủng hộ chủ trương của Chính phủ hạn chế xe có mức phát thải cao ở các đô thị lớn. Việc cấm xe máy chạy xăng trong nội đô, nhất là khu vực vành đai 1 (Hà Nội) là bước đi cần thiết để Hà Nội và TP.HCM tiến tới giao thông xanh, giảm ô nhiễm không khí.
"Thực tế hiện nay ô nhiễm không khí đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân. Chúng ta cần xác định thành phố văn minh thì phương tiện cũng phải sạch hơn, hiện đại hơn", bạn đọc này nhấn mạnh.
Tương tự, bạn đọc phuo****@gmail.com kể thường xuyên đi lại ở khu vực trung tâm TP.HCM. Cứ vào giờ chiều, khu vực này rơi vào cảnh ngột ngạt vì khói xe.
Bạn đọc này mong TP.HCM theo dõi tình hình triển khai cấm xe xăng ở vành đai đưa ra phương án, chính sách phù hợp áp dụng trên địa bàn càng sớm càng tốt. Mỗi người cùng chung tay bảo vệ môi trường sống.
Còn bạn đọc Thanh Thảo cho rằng việc hạn chế xe xăng, xe phát thải cao rất phù hợp trong tình hình hiện tại.
Dù vậy TP.HCM đang cẩn trọng rà soát để đảm bảo các phương án hạn chế phù hợp với thực tế, đặc tính dân cư... Bởi trung bình một hộ gia đình có ít nhất 2-3 xe máy xăng, đó là phương tiện đi lại và là kế sinh nhai của họ, nên cần thận trọng để khi thực hiện người dân ủng hộ.
Về khu vực chọn thí điểm, một bạn đọc mong muốn triển khai hạn chế xe xăng ra vào khu vực trung tâm các thành phố lớn trước.
Bạn đọc này kể: "Trưa nắng chang chang, tôi dừng đèn đỏ sau lưng một chiếc xe côn có ống xả thẳng vào mặt, thở không nổi. Tôi nghĩ nên hạn chế xe xả thải vào trung tâm, vừa ô nhiễm, vừa ồn ào gây hại môi trường, để đô thị văn minh".
Về nhóm đối tượng áp dụng hạn chế trước, bạn đọc nxc***@gmail.com cho rằng cần chọn một số loại xe, thực hiện một thời gian, đánh giá rồi mở rộng trên cả TP.HCM.
"Nên rà soát kỹ, kết hợp khảo sát rồi chọn ra một số đối tượng phát thải cao, một số khu vực nguy cơ ô nhiễm lớn như trung tâm TP.HCM, hoặc khu vực dễ khoanh vùng triển khai các giải pháp như Cần Giờ...
Tiếp đến, chính quyền kiểm soát chặt chẽ hơn khí thải xe máy, ô tô để bắt đầu hạn chế xe không đạt chuẩn trước. Sau đó mới triển khai cấm dần xe xăng, xe phát thải cao mở rộng hơn", bạn đọc Thanh Thảo hiến kế.
Nên có lộ trình: khuyến khích, hạn chế xe và cấm
Theo bạn đọc có email nxc***@gmail.com, để việc hạn chế xe phát thải cao hiệu quả, chính quyền cần đảm bảo hạ tầng giao thông công cộng, trạm sạc đáp ứng nhu cầu. Trước mắt chuyển đổi dần trạm xăng sang trạm sạc.
"Thậm chí, chính quyền cần quy định rằng hãng bán xe điện phải có trách nhiệm lắp đặt điểm sạc cho khách mua xe điện để đảm bảo an toàn, tránh nguy cơ do khách mua xe điện tự đấu nối. Đồng thời phát triển xe công cộng, metro... đồng bộ để người dân sử dụng khi có nhu cầu", bạn đọc Le Kien Pho góp thêm.
Một số bạn đọc khác mong có tàu điện đi đến các tỉnh kết nối với TP.HCM. Trước mắt là kết nối với sân bay Long Thành, sân bay Tân Sơn Nhất, ga xe lửa, các khu có nhiều xí nghiệp, nhà máy, đi đến các khu du lịch ở Vũng Tàu, Bến Tre (cũ)...
Tàu điện rất thiết thực và cần thiết để phát triển mọi lĩnh vực, nhất là khi đang sáp nhập, đi làm xa cần đi nhanh.
Để đảm bảo hiệu quả, bạn đọc suluong nói việc chuyển đổi sang xe điện là xu thế tất yếu để bảo vệ môi trường. Tuy nhiên xe cũ chạy bằng nhiên liệu hóa thạch vẫn nên được tiếp tục sử dụng cho đến khi không còn hoạt động được (xe vẫn đảm bảo tiêu chuẩn về khí thải).
"Làm như vậy sẽ tránh gây lãng phí, giảm gánh nặng tài chính cho người dân. Song song đó, nhà nước nên tiến tới cấm bán xe mới chạy nhiên liệu hóa thạch, từng bước thúc đẩy quá trình chuyển đổi mà vẫn đảm bảo sự công bằng và hợp lý", bạn đọc này gợi ý.
Bạn đọc Kim nhận định khi hạ tầng giao thông, xe buýt và metro đáp ứng thì người dân sẽ chuyển qua đi phương tiện công cộng nhiều hơn.
Các nước trên thế giới họ phát triển giao thông công cộng, khuyến khích hỗ trợ người chuyên chở hàng hóa đổi sang xe điện.
Bạn đọc huythanhvo quan tâm hơn đến các chính sách hỗ trợ chuyển đổi. Các đô thị như Hà Nội, TP.HCM đều đang xây dựng lộ trình nhiều năm, theo hướng khuyến khích trước - hạn chế dần - cấm sau.
Hầu hết không ép người dân phải thay xe ngay lập tức, và chính quyền đang xây dựng đầy đủ chính sách hỗ trợ.
Khuyến khích đi kèm biện pháp chế tài
Bạn đọc leho****@gmail.com còn đặt vấn đề về chế tài. Bên cạnh chính sách khuyến khích, hỗ trợ thì những trường hợp xe máy, ô tô vi phạm quy định về khí thải, xả khói đen ngòm phải bị chế tài nghiêm khắc.
Ngoài ra theo bạn đọc Cậu ba SG, muốn môi trường thay đổi thì nhà quản lý cũng phải kiểm soát tốt khí thải của các nhà máy, công ty gây ô nhiễm.
Bình luận hay