
Bức ảnh được lan truyền trên mạng xã hội, được cho là một bé gái Palestine đang gặp nạn - Ảnh: Facebook/Muhammad Yousuf
Bức ảnh này được tài khoản Muhammad Yousuf đăng tải trên Facebook ngày 28-6, với biểu tượng lá cờ Palestine và dòng chữ gây xúc động: “Thế giới vẫn im lặng khi đôi mắt ấy đã nói lên tất cả”.
Ngay sau đó, bài đăng này thu hút hơn 9 ngàn lượt tương tác và hơn 4 ngàn lượt chia sẻ của cộng đồng mạng vì cho rằng cô bé đang gặp nạn ở khu vực Gaza hoặc Bờ Tây.
Nhiều người dùng cảm thấy thương tiếc trước tình cảnh của bé gái, họ lan truyền bức hình rộng rãi với các hashtag kêu gọi giải cứu Palestine như #FreePalestine, #SupportPalestine, #PrayForPalestine.
Tuy nhiên theo tổ chức kiểm chứng tin tức Full Fact (Anh), thông tin của bức ảnh là hoàn toàn sai lệch.
Qua điều tra, bức ảnh này thực chất là ảnh chụp màn hình từ các video trên TikTok, được cho là do tài khoản @abuhudhaifaabsi2 đăng lần đầu vào ngày 26 và 27-10-2024.
Trong đoạn video này, chủ tài khoản cho biết bé gái đang chơi đùa và nhìn qua một lỗ hổng trên tường.
Trong đoạn video tiếp theo vào ngày 27-10, tài khoản này cũng chú thích bằng tiếng Ả Rập rằng bé gái “không có vấn đề gì” và “không ở Gaza mà ở Syria”.
Full Fact sau đó cũng đã liên hệ lại với chủ tài khoản này và nhận được sự xác nhận rằng bé đang sống tại các trại tị nạn ở Syria, không phải ở Palestine.
Các chuyên gia cảnh báo việc lan truyền hình ảnh sai ngữ cảnh đang là hình thức phổ biến của tin giả, đặc biệt trong bối cảnh nhiều khu vực trên toàn cầu đang diễn ra xung đột căng thẳng.
Người dùng mạng xã hội được khuyến cáo cần kiểm tra kỹ lưỡng nguồn gốc hình ảnh và video trước khi chia sẻ để tránh tiếp tay cho việc lan truyền thông tin sai lệch.
Bình luận hay