Làm mẹ đơn thân

HOABANGLANG...@... 17/10/2010 03:10 GMT+7

TTCT - Câu chuyện cuộc sống kỳ này gửi tới bạn đọc câu chuyện của một bà mẹ đơn thân, người “quyết định sinh con và đơn thân nuôi con bằng lý trí, lương tâm chứ không phải vì một phút lỡ lầm”.

Phóng to
Ảnh: Gia Tiến

Sáu năm trước tôi là một cô gái có ngoại hình ưa nhìn và thành đạt mới bước sang tuổi 30. Mối tình kéo dài từ thời sinh viên đổ vỡ khiến tôi trầm cảm suốt một thời gian dài và không qua lại với ai. Mẹ tôi, rồi em gái, bạn bè giới thiệu một đôi người. Tôi cũng cố gắng mở lòng nhưng mọi nỗ lực đều thất bại. Tôi như trở nên chai sạn, cảm xúc với ai cũng nhàn nhạt. Thậm chí, tôi mất hoàn toàn niềm tin về một người có thể che chở mình.

Không muốn lấy chồng vì không tìm thấy người tương xứng, nhưng tự đáy lòng tôi vẫn khát khao được thực hiện thiên chức thiêng liêng như bao người phụ nữ khác. Tôi suy nghĩ rất cứng rắn rằng: tôi độc lập về kinh tế, tự tin vì có thể dư dả để nuôi con một mình, và cần một đứa con để làm niềm hạnh phúc cho cuộc sống của mình. Tôi quyết định trở thành một bà mẹ đơn thân.

“Mình có thể làm được”

Tôi biết xã hội phần đông không chấp nhận chúng tôi, những phụ nữ sinh con mà không cần lấy chồng. Nhưng chúng tôi đã quyết định sinh con một mình, bằng lý trí, lương tâm, chứ không phải chỉ vì một phút lỡ lầm... Tôi nghĩ nếu không tìm được tình yêu thật sự, hãy để chúng tôi được làm mẹ với tất cả những gì thiêng liêng, cao quý nhất của hai chữ “làm mẹ”.

Tôi bắt đầu lên kế hoạch làm mẹ mà không cần lấy chồng. Đầu tiên là chọn đối tượng làm bố đứa trẻ. Tôi muốn con mình có một gen di truyền tốt. Một danh sách những “đối tác” được đưa ra và phải đảm bảo anh ta không có nguy cơ bệnh tật, chưa có gia đình, chỉ số IQ cao hơn tôi... Nếu tìm một người như thế để làm chồng có vẻ khó nhưng chỉ để tạo nên đứa trẻ thì thật dễ dàng. Tôi chọn được đối tượng và đề nghị qua đêm với anh ta.

Sau khi đã đạt được mục đích, tôi bèn cắt sim khuyến mãi để anh ta không thể liên lạc, mọi thông tin cá nhân của tôi nói với anh ta đều là giả.

Về phía gia đình tôi thì như “ngồi trên đống lửa” khi bao nhiêu người đến ra mắt đều nhận từ tôi cái lắc đầu. Có lẽ do ảnh hưởng lối sống nước ngoài khi du học năm năm ở Anh nên nhắc chuyện chồng con, tôi chỉ cười trừ cho qua chuyện. “Lấy chồng mà không hợp lại cãi nhau. Phức tạp. Ở vậy thích hơn...”, tôi cố giải thích với bố mẹ.

Khi thấy bụng tôi ngày một lớn, ba mẹ tôi mới tá hỏa, cố dò hỏi về cha đứa trẻ, tôi chỉ trả lời qua loa: “Con dám sinh con thì con sẽ nuôi được, không cần có bố đứa bé vẫn sống đàng hoàng”. Sau đó tôi mua một căn hộ chung cư và ra ngoài ở riêng, để gia đình không phải “xấu hổ với hàng xóm”.

Chuyện gia đình đã tạm yên vì ra riêng nhưng đến công ty tôi phải đối diện với nhiều dư luận mệt mỏi. Những ánh mắt soi mói rồi bàn tán về chị trưởng phòng tài giỏi lại “không chồng mà chửa”. Những lời xì xầm sau lưng khiến giai đoạn mang thai của tôi trở nên nặng nề, mệt mỏi hơn.

Hằng tháng phải tự mình đi khám thai, xét nghiệm, tiêm phòng... tôi cũng cảm thấy cô đơn. Nhưng bản tính vốn mạnh mẽ, độc lập và cả tự ái đối với sự soi mói của những người xung quanh, tôi lại tự nhủ: mình có thể làm được, chẳng cần ai giúp cả.

Hằng ngày chạy dọc các con phố để tìm kiếm món ăn đang thèm cũng khiến tôi có cảm giác trống trải. Tôi có vài người bạn nhưng không thể nhờ vả đi cùng mãi được vì họ còn có gia đình và con cái. Giờ đó họ bận chăm sóc chồng con, quây quần bên mâm cơm gia đình... Nghĩ đến đó tôi lại thấy chạnh lòng.

Nhưng quyết định làm mẹ đơn thân là do tôi lựa chọn. Tôi cần nhìn về phía trước để bước tiếp, để chứng tỏ tôi có thể làm mẹ của con mình tốt mà không cần có người đàn ông nào bên cạnh.

“Mẹ ơi! Ba con đâu?”

Đó là câu hỏi suốt sáu năm qua bé Bin, con trai tôi, không ngừng hỏi mẹ. Lúc đầu tôi chỉ trả lời qua loa: “Ba con đi làm ăn xa lâu lắm mới về”, rồi chuyển sang chuyện khác. Khi con bắt đầu đi học thì mật độ câu hỏi này càng dày hơn làm tôi nhiều lúc phát cáu. Thế nhưng đêm xuống, chỉ hai mẹ con trong căn phòng trống trải mới thấy cô đơn thật sự. Day dứt vì nói dối con nhưng tôi biết một ngày không xa tôi không thể giấu con được nữa.

Cảm xúc dâng lên tột cùng vào nửa đêm khi cu Bin bị sốt. Tôi quay cuồng một tay ôm con “nóng như cục than”, một tay lấy quần áo và gọi xe cấp cứu. Không hiểu sao ổ khóa cửa lại không mở được, tôi loay hoay mãi đến phát khóc. Khoảnh khắc đó tôi đã nghĩ: “Cần biết bao bàn tay của một người đàn ông trong gia đình”. Cũng may nhà ngoại ở gần nên bố mẹ tôi chạy sang ngay, bé Bin hôm sau cũng đỡ sốt.

Rồi một ngày đón cu Bin trước cổng trường học, thấy con mếu máo. Hỏi lý do, con nói trong nấc nghẹn: “Cô giáo bảo viết về bố mẹ của mình nhưng con không biết tả thế nào...”. Trái tim tôi như bị ai bóp chặt. Tôi đã cho con đầy đủ mọi thứ, không thua kém đứa trẻ cùng trang lứa nào nhưng tôi đã không cho con một người bố. Trách nhiệm vừa làm bố vừa làm mẹ tôi có thể kham được nhưng con tôi vẫn cần một người bố đúng nghĩa.

Những đêm dài khi con đã ngủ say, tôi vẫn ngồi chất vấn mình với hàng loạt câu hỏi. Tôi đủ tài chính để lo cho con nhưng đời sống tâm lý của con, sự thắc mắc của con khi không biết bố mình là ai, tại sao mình không có bố, liệu tôi có bù đắp nổi không? Dù thế nào đi nữa, con tôi vẫn cần một người cha. Trái tim tôi phải chăng đã quá ích kỷ, chỉ biết hành động theo ý muốn của mình mà không thể lường hết hậu quả của sự việc ngày hôm nay.

Đứa con không thể do một mình người mẹ tạo nên. Đó là quy luật. Con cần cả bố và mẹ. Điều đơn giản đó phải trải qua một thời gian dài tôi mới thấm thía. Con tôi đã phải gánh chịu cảnh không cha là do lỗi của tôi...

Nhìn con, tôi không thể không dằn vặt khi nghĩ tiếp đến tương lai của con sau này. Nó sẽ là đứa trẻ phát triển như thế nào nếu thiếu vòng tay và sự dạy dỗ của người cha? Liệu tôi có sai lầm không khi lựa chọn làm mẹ đơn thân?

Sau này, nếu con vẫn tiếp tục hỏi về bố nó, tôi chưa biết sẽ trả lời cháu thế nào... Tôi phải nói sự thật là tôi muốn có con nhưng không cần có chồng ư... Liệu con có thể hiểu cho tôi khi đến tên người cha và gương mặt của anh ta tôi còn không nhớ rõ. Người cha đó cũng không hề biết đến sự tồn tại của con tôi trên đời...

Và tôi nên tiếp tục con đường đã chọn như thế nào? Như thế nào để tốt nhất cho con tôi?

Chưa có một nghiên cứu hay thống kê đầy đủ về số những người mẹ đơn thân trong xã hội Việt Nam, nhưng nhìn chung tâm lý những đứa trẻ không cha rất nhạy cảm, dễ bị tổn thương. Lúc nhỏ các em dễ tủi thân khi mình không có bố chăm sóc, đưa đón đi học. Lớn hơn trẻ thường mặc cảm, tự ti với bạn bè vì không biết bố mình là ai.

Giáo dục gia đình đóng vai trò quan trọng, vì vậy việc đứa trẻ lớn lên mà thiếu cha hoặc mẹ thì sự phát triển nhân cách của trẻ dễ gặp trắc trở, dù người mẹ có làm tốt vai trò của mình đến đâu thì trẻ vẫn cảm thấy thương tổn và thiếu thốn.

Khi trẻ bước vào tuổi dậy thì có nhiều điều trẻ không thể chia sẻ với mẹ (nhất là các em trai), trẻ không được chơi những trò chơi có tính mạnh mẽ, điều này cũng ảnh hưởng đến sự phát triển giới tính của trẻ.

Nếu người mẹ có tâm lý thù ghét đàn ông lại không biết kiềm chế, có những hành vi, lời nói khắc nghiệt, cay đắng, và nếu đời sống kinh tế khó khăn, người mẹ thiếu thời gian hoặc không có thời gian chăm sóc trẻ thì trẻ sẽ là nạn nhân. Những trẻ này khi trưởng thành thường không có đời sống tâm lý bình thường. Có thể trẻ cũng căm ghét đàn ông, sống cô lập, khép kín hoặc dễ phạm tội... Nhiều trẻ có thể bị trầm cảm.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận