
Xe máy xăng vẫn là phương tiện di chuyển chủ yếu hằng ngày của người dân Hà Nội - Ảnh: PHẠM TUẤN
Những ngày qua, dư luận đặc biệt quan tâm về việc Hà Nội sẽ nghiên cứu cấm xe máy xăng vào đường vành đai 1 từ ngày 1-7-2026, theo yêu cầu được nêu tại chỉ thị số 20 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ cấp bách, quyết liệt ngăn chặn, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường.
Giải pháp nào cho hạ tầng sạc xe điện khi cấm xe máy xăng?
Sáng 16-7, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Hữu Phước Nguyên - CEO của Selex Motors, một start-up xe điện và năng lượng tại Việt Nam - cho rằng chủ trương chuyển đổi sang xe điện tại Hà Nội là hợp lý và đúng đắn. Bởi để chuyển đổi được sang phương tiện xanh thì Hà Nội cần có những mục tiêu cụ thể và quyết liệt như trên.
Dưới góc độ là một doanh nghiệp trong lĩnh vực xe điện, ông Nguyên đánh giá đây là một cơ hội lớn, tuy nhiên lộ trình của Hà Nội tới tháng 7-2026 sẽ cấm xe máy xăng vào vành đai 1 là "hơi gấp".
Qua tham khảo các nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, ông cho rằng việc chuyển đổi xe máy xăng sang xe điện thì họ cũng chuyển đổi một số lượng xe nhất định trong thời gian ngắn.
"Để làm được điều này, các nước này cũng chuyển dịch cả một hệ sinh thái, xây dựng một nền công nghiệp mới. Trong đó có rất nhiều vấn đề phải làm, như nhà nước phải có những chính sách để khuyến khích doanh nghiệp nội địa, phát triển hạ tầng năng lượng, hạ tầng điện và các chính sách hỗ trợ người dân để chuyển đổi xe cộ.
Tất cả những câu chuyện này các nước họ làm không thể diễn ra trong 1 năm, mà thường là 5 năm và nhiều lần 5 năm. Mục tiêu đặt ra là tốt, nhưng lộ trình để thực hiện mục tiêu này phải phù hợp để phát triển một hệ sinh thái lâu dài và bền vững" - ông Nguyên nói.

Hiện Hà Nội có khoảng 6,9 triệu xe máy, đa phần là xe máy xăng - Ảnh: PHẠM TUẤN
Với bối cảnh tại Hà Nội, theo ông, vấn đề lớn nhất để chuyển đổi xe điện là hạ tầng sạc, đặc biệt là bên trong vành đai 1, vùng nội đô lịch sử, vùng lõi của thủ đô. Bởi với không gian khá chật chội thì việc đặt hạ tầng sạc ở đâu cũng là bài toán lớn cho chính quyền thủ đô.
Ngoài ra, việc đặt hạ tầng sạc cũng phải được nghiên cứu kỹ lưỡng bởi sẽ có những rủi ro về an toàn, đặc biệt là những khu phố cổ, phố cũ, theo ông Nguyên.
"Một, hai cái xe cắm vào khu phố đấy có thể không vấn đề gì, nhưng 10 cái xe cắm cùng lúc thì vấn đề chập cháy hệ thống điện có thể xảy ra. Tôi nghĩ trong những không gian như vậy, giải pháp đổi pin là giải pháp phù hợp nhất.
Các TP lớn như Đài Bắc, Đài Loan (Trung Quốc) họ cũng đã làm, gần như 100% xe điện sẽ đổi pin, tại Thâm Quyến cũng vậy. Đây là giải pháp để người dân không phải sạc pin ở nhà, sạc ở trạm sẽ tối ưu và an toàn hơn. Tôi nghĩ Hà Nội nên phát triển theo hướng đổi pin, các trạm sạc cũng cần có nhưng phải nghiên cứu để đảm bảo an toàn" - ông Nguyên nói thêm.
Về giải pháp cho các trạm sạc ở chung cư có số lượng xe điện lớn, ông Nguyên nói phải xem xét lại hạ tầng điện tại đây, bởi đôi lúc "cắm một lúc 2 nồi lẩu, điện đã quá tải". Ngoài ra, câu chuyện xảy ra cháy nổ không chỉ dừng lại ở hạ tầng điện mà còn phù thuộc vào chất lượng xe, loại pin.
Vì vậy, các chung cư cũng cần tính toán khi xảy ra cháy nổ ở các hầm gửi xe thì giải pháp phòng cháy, chữa cháy như thế nào cũng cần được tính toán kỹ. Vì vậy ông Nguyên tái khẳng định giải pháp đổi pin vẫn "an toàn và tối ưu nhất".
Hà Nội nói bố trí các xe buýt điện cỡ nhỏ, chuyên gia nói gì?

Giao thông công cộng chỉ mới đáp ứng được khoảng 19% nhu cầu của người dân - Ảnh: PHẠM TUẤN
Trao đổi với báo chí về những giải pháp để hỗ trợ người dân chuyển đổi xe cộ để thực hiện chỉ thị của Thủ tướng, ông Dương Đức Tuấn - phó chủ tịch UBND TP Hà Nội - nói TP sẽ nghiên cứu để thiết lập một cơ chế, chính sách hỗ trợ cho người dân chuyển đổi các phương tiện xe xăng dầu sang xe điện.
Đồng thời, TP sẽ tăng cường các loại xe buýt điện quy mô từ 8-12 chỗ để tạo ra mạng lưới hỗ trợ. Thậm chí theo ông, Hà Nội sẽ nghiên cứu mô hình xe vận tải điện khoảng 4 chỗ để trung chuyển trong khu vực vành đai 1.
Về vấn đề này, trao đổi với Tuổi Trẻ Online sáng 16-7, tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy - nguyên giám đốc Nhà xuất bản Giao thông Vận tải - cho rằng việc bố trí các xe buýt nhỏ chỉ là giải pháp tình thế, tuy nhiên hiệu quả và tính khả thi sẽ khó đạt kết quả cao.
Tiến sĩ Thủy đặt câu hỏi nếu một người dân muốn đi đâu, khi lên các xe buýt nhỏ đi tới một điểm, nhưng muốn tới các điểm khác thì người dân sẽ đi bằng gì? Vì vậy, để đi làm hằng ngày mà người dân không có xe cộ để đi vào bên trong vành đai 1 sẽ gây khó khăn, ảnh hưởng tới người dân toàn TP.
"Nếu người dân vì không có xe mà không được vào vành đai 1 là đang cắt đi mạch máu của TP, bởi có rất nhiều tuyến đường phải đi qua khu vực này. Nếu TP bảo hỗ trợ tiền mua xe điện cho người dân thì Hà Nội phải nói rõ số tiền hỗ trợ, hỗ trợ bao nhiêu %, chứ không thể hỗ trợ 1-2 triệu" - ông Thủy nói thêm.
Góp ý thêm cho Hà Nội, ông Thủy nói TP cần nghiên cứu lại chính sách này, mục tiêu là tốt, tuy nhiên phải có lộ trình: "Ví dụ tới năm 2027, 10% xe cộ bên trong vành đai 1 là xe điện, 2028 là 30%, phải có lộ trình như vậy, chứ không thể tới năm sau là 100%, người dân sẽ không thể xoay chuyển kịp".
Bình luận hay