Chi 30.650 tỉ đồng để xóa ngập, giảm ngập

TTCT - “Với điều kiện tự nhiên của TP.HCM có 160.000ha diện tích nằm trong vùng thấp, trũng, lãnh đạo TP.HCM đã xác định từ lâu chống ngập là một trong những nhiệm vụ quan trọng”. Trao đổi với Tuổi Trẻ Cuối Tuần, phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Trung Tín cho biết thêm:

Phóng to
Ơ một nhà dân tại ấp 4, xã Nhị Bình, huyện Hóc Môn, TP.HCM - Ảnh: Chí Quốc - Thanh Đạm
TTCT - “Với điều kiện tự nhiên của TP.HCM có 160.000ha diện tích nằm trong vùng thấp, trũng, lãnh đạo TP.HCM đã xác định từ lâu chống ngập là một trong những nhiệm vụ quan trọng”. Trao đổi với Tuổi Trẻ Cuối Tuần, phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Trung Tín cho biết thêm:

- Chương trình chống ngập của TP.HCM là một trong 12 chương trình, công trình trọng điểm được thông qua tại đại hội Đảng bộ TP từ nhiệm kỳ 7 (2001-2005). Rõ ràng lãnh đạo TP.HCM rất quan tâm đến việc chống ngập và đã chuẩn bị nhiều năm nay chứ không phải mới đây.

Như đề án quy hoạch chống ngập TP.HCM đến năm 2020, lãnh đạo TP.HCM chỉ đạo quyết liệt là phải mời các chuyên gia trong và ngoài nước phối hợp với Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn sớm hoàn thành để đưa Thủ tướng phê duyệt.

* Lãnh đạo TP.HCM có tính đến chuyện nếu xuất hiện lượng mưa 150mm trở lên cộng với triều cường thì chúng ta liệu có kịp trở tay để chống ngập cho TP hay không?

- Nếu có sự trùng hợp mưa 150mm đổ xuống trong một thời gian ngắn, cộng triều cường 1,4m thì sẽ ngập nặng nhưng sau khi triều xuống, nước sẽ rút. Những chuyển biến dòng chảy của các con sông trong khu vực vùng hạ lưu cho thấy lũ lụt đã xảy ra liên tục từ năm 1978 đến năm 2000, nhưng chưa có nơi nào ngập ghê gớm.

Hoặc mưa triền miên, triều cao bất thường, nước dâng gió bão liên tục xảy ra vào năm 1997, cho đến năm 2006, đặc biệt năm 2007 triều lên 1,49m (cao nhất trong vòng 50 năm qua), nhưng sau đó nước cũng rút nhanh.

Về điều kiện tự nhiên, ai sinh ra lớn lên ở TP.HCM đều biết khi triều cường lên cao là ngập. TP.HCM nằm ở cửa sông lớn, có tác dụng hai mặt: khi mưa lớn đổ ào ạt thì thoát nước lẹ nhưng khi triều lên, đẩy nước lên cũng nhanh.

Phóng to
Heo cũng khốn khổ vì nước ngập
* Số điểm ngập của TP.HCM trong những năm qua có giảm nhưng lại xuất hiện điểm ngập mới. Các dự án liên quan đến công tác chống ngập, chi phí tốn kém hàng ngàn tỉ đồng được triển khai mấy năm qua nay tiến độ đến đâu và đã đạt được hiệu quả gì chưa, thưa ông?

- TP.HCM đã triển khai dự án chống ngập do Nhật Bản tài trợ, ngoài ra còn có dự án vệ sinh môi trường nước cho năm lưu vực tiêu thoát nước mà TP.HCM thuê nước ngoài làm từ năm 2001. Kết quả là dự án môi trường nước khu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè tiêu thoát nước cho khu vực 3.320ha, không chỉ chống ngập mà còn xử lý nước trước khi đổ ra sông. Dự án nâng cấp đô thị kênh Tân Hóa - Lò Gốm cũng góp phần xử lý ngập 1.900ha, dự án nâng cấp đô thị Tàu Hủ Bến Nghé - kênh Đôi - kênh Tẻ, giải quyết trên 3.000ha, 88 phường, 9 quận trong khu vực nội thành...

Riêng năm 2008, chúng tôi duyệt giao 42 dự án, tổng số vốn 354,3 tỉ đồng nhưng tiến độ thực hiện còn chậm, kết quả đến cuối tháng 11-2008 mới giải ngân được 72,42 tỉ đồng. Giai đoạn 2007-2010, chúng tôi tiếp tục triển khai 15 giải pháp phi công trình chống ngập và 8 giải pháp công trình, hoàn thành 4 dự án ODA tại khu vực trung tâm, triển khai dự án kiểm soát triều cường giai đoạn 1 và nạo vét thông thoáng toàn bộ hệ thống kênh rạch thoát nước trên địa bàn TP (trong đó sẽ có ba giải pháp cấp bách, tạo nên chuyển biến cơ bản và đột phá cho công tác xóa ngập, giảm ngập trên địa bàn toàn TP) với tổng vốn đầu tư ước tính 30.650 tỉ đồng, trong đó 12.000 tỉ đồng vốn ODA, 18.500 tỉ đồng vốn ngân sách.

Phóng to

Nước ngập tứ bề, người dân ở đường số 8, khu phố 4 (P.Hiệp Bình Phước, Q.Thủ Đức) phải neo xuồng ngay tại nhà để di chuyển ra ngoài khi cần thiết

* Như vậy, nếu các dự án thoát nước, dự án chống ngập hoàn thành (dự kiến hoàn thành một phần vào cuối năm 2009) thì khi đó người dân TP có còn phải đối đầu với nạn ngập lụt không?

- Mục tiêu của TP đặt ra từ năm 2001 là hạn chế tối đa tình trạng ngập úng do nước mưa cộng với triều cường, đặc biệt xóa các điểm ngập trong nội thị. Ngoài các dự án chống ngập còn có các dự án ngăn triều như kiểm soát triều Bình Lợi, Bình Triệu, rạch Lăng... đã kiểm soát được triều cho hơn 1.000ha.

Riêng dự án bờ hữu sông Sài Gòn tuy thực hiện chậm nhưng giờ đã phát huy hiệu quả một phần. Huyện Hóc Môn đã được đưa ra khỏi danh sách bị ảnh hưởng bởi triều của nước sông Sài Gòn.

Phóng to
Người dân trên đường Phạm Thế Hiển (Q.8) sống chung với ngập
Hơn 1,5 triệu người “sống chung với ngập”

Cách đây vài năm, một số khu vực ở TP chỉ ngập vào mùa mưa. Mấy năm gần đây, ở các quận huyện thuộc vùng trũng (gồm 160.000ha thuộc các quận 2, 4, 7, 9, huyện Nhà Bè, một phần huyện Củ Chi, Bình Chánh) không mưa cũng ngập, ngập do triều cường.

Nhưng gần đây, ngập xuất hiện ở một số khu vực nội thành như: Bình Thạnh, Q.6, Q.8, đặc biệt chỉ một cơn mưa kéo dài cũng làm khu vực trung tâm TP bị ngập như đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận 3), Nguyễn Văn Cừ (quận 5), Lê Lợi, Lê Lai (quận 1)... Trong đó, đường Lê Lợi đoạn từ vòng xoay Quách Thị Trang (trước chợ Bến Thành) đến đường Nguyễn Huệ ngập sâu hơn nửa mét. Căn bệnh “ngập” của TP.HCM đã lan ra diện rộng và số lượng người dân sống trong vùng ngập lụt đã lên đến hơn 1,5 triệu người.

Triều cường lịch sử xảy ra giữa tháng 11-2008 với đỉnh triều lên đến 1,54m, vượt mức báo động cấp 3 đã làm bể 10 đoạn bờ bao dài 64m. Theo thống kê của các cơ quan chức năng, đến nay đã có gần 30 đoạn bờ bao bị bể, ảnh hưởng trực tiếp đến một số khu vực thuộc 12 phường xã của 7 quận huyện (Q.12, Thủ Đức, Bình Thạnh, Gò Vấp, huyện Bình Chánh, Hóc Môn và Củ Chi). Số lượng người dân TP “sống chung với ngập” vào thời điểm này lên đến hàng triệu người.

Theo Ban chỉ huy phòng chống lụt bão TP, các đoạn bờ bao bị bể và tràn bờ trong tuần qua nằm trong 35 hạng mục công trình xung yếu, tập trung chủ yếu tại địa bàn Q.12 với 8/25 đoạn bị bể.

Hơn 150 công trình bờ bao phòng chống triều cường, bờ bao kết hợp giao thông nông thôn, chống sạt lở bờ sông, tiêu thoát nước năm 2008 mà UBND TP đã chấp thuận chủ trương đầu tư có tiến độ triển khai rất chậm.

Một lãnh đạo Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho biết đang thực hiện bốn dự án lớn để cải thiện tình hình ngập nước. Nhưng lãnh đạo này cũng thừa nhận khi hai dự án vệ sinh môi trường và kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè hoàn tất cũng chỉ giải quyết cho khoảng 140km2 của TP thoát ngập, phần còn lại phải tiếp tục chịu ảnh hưởng nước mưa và triều. Chữa bệnh ngập, dự kiến từ nay đến năm 2020, TP.HCM sẽ chi hàng chục ngàn tỉ đồng nhưng chỉ cơ bản giải quyết ngập cho khoảng 640km2.

Từ nay đến Tết Kỷ Sửu 2009, các quận huyện ven sông, rạch và khu vực có địa hình trũng thấp còn phải ứng phó với năm đợt triều cường, đỉnh triều có thể bằng hoặc cao hơn đỉnh triều cùng kỳ năm 2007.

Nếu năm 2003 TP có hơn 30 điểm ngập thì năm 2008 toàn TP tồn tại 100 điểm ngập, trong đó có 71 điểm ngập đã được thống kê trong danh mục chương trình chống ngập nội thị trước đây và 29 điểm ngập phân bố chủ yếu ở các lưu vực ngoại vi, các quận huyện ngoại thành đã tồn tại trong thời gian qua nhưng chưa được thống kê, cập nhật đầy đủ.

Theo Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước, toàn TP có khoảng 400km rạch nhỏ cần phải gia cố bằng đê bao tường chắn, dự kiến thực hiện từ nay đến năm 2009 hoàn tất nhằm giải quyết căn cơ việc ngập nước trong các đợt triều cường. Nhưng với tiến độ thực hiện các dự án theo kiểu cầm chừng, cộng với những cơn triều cường không thể tránh khỏi diễn ra hằng năm. Không biết bao giờ TP.HCM mới hết ngập.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận