TTCT - Cạnh tranh trên thương trường quốc tế ngày nay không chỉ là giữa các doanh nghiệp mà thắng - thua còn tùy thuộc vào các thể chế. Cần thể chế hỗ trợ để các doanh nghiêp tư nhân lớn mạnh. Trong ảnh: công nhân may quần áo xuất khẩu tại một doanh nghiệp tư nhân trên địa bàn quận Tân Bình. Ảnh: TỰ TRUNGKhi một doanh nghiệp Thái Lan muốn đầu tư mảng bán lẻ ra nước ngoài, họ có thể được tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi, thậm chí gần 0% trong giai đoạn đầu thông qua các chương trình hỗ trợ từ Ngân hàng Xuất nhập khẩu Thái Lan (EXIM Bank) hay Quỹ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đây không chỉ là một chính sách tài chính đơn thuần. Đó là biểu hiện của một thể chế kiến tạo phát triển, biết đồng hành và nâng bước doanh nghiệp trên hành trình vươn ra thế giới.Thể chế kiến tạo làm nên kỳ tíchTrong thế giới ngày nay, cuộc đua không chỉ là giữa các doanh nghiệp, mà còn là giữa các thể chế. Quốc gia nào sở hữu thể chế linh hoạt, minh bạch, hiệu lực và hiệu quả thì quốc gia đó có năng lực cạnh tranh vượt trội. Từ chỗ là công cụ quản lý truyền thống, thể chế giờ đây đang dần trở thành một lợi thế chiến lược của quốc gia. Và Việt Nam đã nhận thức rõ điều đó.Lần đầu tiên, trong nghị quyết số 66-NQ/TW ngày 30-4-2025, Bộ Chính trị đặt ra một mục tiêu lớn: "Biến thể chế thành một lợi thế cạnh tranh của đất nước".Đây là bước tiến lớn trong tư duy phát triển. Nếu trước đây thể chế được nhìn nhận chủ yếu như một khuôn khổ để kiểm soát thì giờ đây, nó phải là động lực để thúc đẩy sáng tạo, khơi thông nguồn lực và gia tăng niềm tin vào môi trường đầu tư. Khi thể chế tốt, doanh nghiệp an tâm đầu tư dài hạn; người dân cảm thấy được bảo vệ; và chính quyền hành động hiệu quả.Năng lực cạnh tranh quốc gia vì thế không thể chỉ đo bằng hạ tầng hay nguồn vốn, mà phải được đo bằng chất lượng thể chế: pháp luật có minh bạch không, thủ tục có thuận tiện không, công chức có phục vụ hiệu quả không, chính sách có ổn định và dễ dự đoán không?Thể chế không chỉ là lý thuyết. Nó là nền móng đã tạo nên những kỳ tích phát triển. Tại Thái Lan, chính phủ hỗ trợ mạnh mẽ doanh nghiệp vươn ra quốc tế thông qua các chương trình vay vốn ưu đãi, bảo lãnh tín dụng và xúc tiến thương mại quốc tế. Họ coi mỗi doanh nghiệp thành công trên đất nước khác là một "sứ giả mềm" của nền kinh tế Thái Lan.Tại Singapore, chính phủ hoạt động như một doanh nghiệp: gọn nhẹ, minh bạch, có KPI rõ ràng. Mọi thủ tục hành chính đều có thể xử lý trực tuyến, nhanh gọn, minh bạch. Hệ thống luật pháp ổn định và hiệu lực cao giúp doanh nghiệp yên tâm cam kết lâu dài.Tại Estonia, chỉ với một chiếc điện thoại thông minh và 3 phút thao tác, bạn có thể thành lập doanh nghiệp và bắt đầu hoạt động hợp pháp. Quốc gia này số hóa toàn bộ các dịch vụ công, mở rộng khái niệm "công dân điện tử" ra toàn cầu và từ đó thu hút hàng chục nghìn doanh nghiệp khởi nghiệp kỹ thuật số từ khắp nơi trên thế giới.Điểm chung giữa các nước này? Họ đầu tư cho thể chế như đầu tư cho tương lai.5 nhóm giải pháp cần thiếtViệt Nam những năm qua đã đạt được nhiều bước tiến về cải cách hành chính, xây dựng pháp luật và cải thiện môi trường kinh doanh. Tuy nhiên, hệ thống thể chế của ta vẫn đang đứng trước nhiều thách thức: luật pháp chồng chéo, nhiều chính sách thay đổi đột ngột, quy trình hành chính phức tạp và cơ chế thực thi thiếu minh bạch. Chính vì vậy, nghị quyết 66 là sự định hướng lại mô hình phát triển, trong đó thể chế được xác lập là lực kéo trọng yếu của năng lực cạnh tranh quốc gia.Năm 1986, Việt Nam đã mở cánh cửa đổi mới bằng tư duy thị trường, và năm 2025 nên là thời điểm mở ra "đổi mới 2.0" bằng cải cách thể chế sâu rộng. Muốn thể chế trở thành một lợi thế cạnh tranh thực sự, cần chuyển từ cách tiếp cận quản lý - kiểm soát sang cách tiếp cận kiến tạo - phục vụ.Cải cách thể chế không phải là sửa từng điều luật lẻ tẻ, mà là thiết kế lại toàn bộ môi trường hành động - nơi mà người dân được bảo vệ, doanh nghiệp được tiếp sức và bộ máy nhà nước trở thành động lực, chứ không phải lực cản. Trên tinh thần đó, cần triển khai 5 nhóm giải pháp đột phá sau:1.Tối giản hóa pháp luật và thủ tục hành chính: Xây hành lang rộng cho hành động sáng tạo. Pháp luật hiện hành còn rườm rà, chồng chéo, khó hiểu đến mức chính cơ quan thực thi cũng lúng túng. Môi trường đó không thể nuôi dưỡng đổi mới và cạnh tranh.Cần một cuộc "tổng kiểm kê thể chế" để loại bỏ các quy định không còn phù hợp, tích hợp những quy định phân tán và tiêu chuẩn hóa các quy trình hành chính.Quan trọng hơn, quy trình ban hành chính sách phải mang tính học thuật và đối thoại, có đánh giá tác động, lấy ý kiến thực chất từ người dân, doanh nghiệp và giới chuyên gia. Chính sách ban hành không thể chỉ phản ánh ý chí hành chính, mà phải là kết quả của tư duy chiến lược và phản biện xã hội.2. Bảo vệ quyền tài sản và quyền tự do kinh doanh: Đặt nền móng cho niềm tin thị trường. Mọi nỗ lực phát triển đều sẽ vô nghĩa nếu nhà đầu tư không cảm thấy an toàn với tài sản của mình, hoặc phải sống trong nỗi lo rủi ro chính sách. Một nhà nước pháp quyền thực sự phải bảo đảm quyền sở hữu, quyền định đoạt và quyền thừa kế tài sản được bảo vệ nhất quán, cả trong luật lẫn trong thực thi.Bên cạnh đó, cần củng cố cơ chế giải quyết tranh chấp độc lập và hiệu quả. Tòa án kinh tế chuyên biệt, cơ chế trọng tài và hòa giải ngoài tư pháp, cùng với các hệ thống đánh giá công khai hiệu năng của tư pháp sẽ làm tăng đáng kể mức độ tin cậy của thể chế.Quan trọng không kém là việc phi hình sự hóa tranh chấp dân sự - kinh tế để thị trường vận hành trong nguyên tắc luật chơi, chứ không trong "quan hệ".3. Ưu đãi thông minh, minh bạch, không xin - cho: Thiết kế chính sách như người làm dịch vụ. Thể chế tốt không dùng ưu đãi để lựa chọn "người thắng cuộc", mà tạo điều kiện công bằng để những người giỏi nhất chiến thắng bằng năng lực.Cần rũ bỏ hoàn toàn tư duy "xin - cho" trong phân bổ nguồn lực công. Thay vào đó, thiết kế lại hệ thống quỹ hỗ trợ đổi mới sáng tạo, quỹ hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài theo cơ chế cạnh tranh minh bạch, công bố tiêu chí rõ ràng, kiểm toán công khai và có hệ thống đánh giá hiệu quả độc lập.Kinh nghiệm của Thái Lan trong việc sử dụng các quỹ ưu đãi, kết hợp với bảo hiểm rủi ro cho doanh nghiệp vươn ra nước ngoài, là bài học quý báu để Việt Nam xây dựng năng lực "xuất khẩu thể chế" đi kèm với xuất khẩu hàng hóa.4. Thể chế số, chính phủ điện tử toàn diện: Số hóa là cải cách thể chế triệt để nhất. Không thể có thể chế hiện đại nếu còn quản lý bằng giấy tờ và chữ ký tay. Cần số hóa toàn diện mọi tương tác giữa người dân - doanh nghiệp - Nhà nước.Chính phủ điện tử không chỉ giúp tiết kiệm chi phí và thời gian, mà còn tự động hóa tính minh bạch, loại bỏ các kẽ hở nhũng nhiễu. Mọi quyết định hành chính cần được truy vết số hóa, có hồ sơ mở, có cơ chế đánh giá dịch vụ công như đánh giá ứng dụng điện thoại. Cổng dữ liệu mở, cơ sở dữ liệu dân cư, đất đai, doanh nghiệp cần được tích hợp, kết nối thông minh, phục vụ hoạch định chính sách dựa trên bằng chứng. Đặc biệt, trí tuệ nhân tạo và phân tích dữ liệu lớn phải được đưa vào hỗ trợ xây dựng chính sách, dự báo rủi ro và nhận diện xung đột lợi ích trong văn bản quy phạm pháp luật - đúng như định hướng trong nghị quyết 66.5. Công chức có trách nhiệm và hiệu quả: Từ "hành chính mệnh lệnh" sang "hành động phục vụ". Đội ngũ công chức là người vận hành thể chế. Nếu luật tốt mà người thực thi yếu kém thì thể chế sẽ bị "bóp méo" ngay trong thực tiễn.Cần chuyển đổi mạnh mẽ từ quản lý công chức theo vị trí, tuổi tác, bằng cấp… sang quản lý theo kết quả và giá trị tạo ra cho xã hội. Phải có hệ thống đánh giá công khai kết quả làm việc, chế độ đãi ngộ theo hiệu suất, và cơ chế đào thải với người không đáp ứng yêu cầu. Song song, cần xây dựng văn hóa công vụ kiến tạo - trung thực - dấn thân, khuyến khích đổi mới trong khuôn khổ pháp luật, sẵn sàng chịu trách nhiệm và được bảo vệ khi làm đúng. Mỗi cán bộ, công chức cần được coi như "tác nhân phát triển", chứ không chỉ là người thi hành mệnh lệnh.Trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu ngày càng khốc liệt, thể chế chính là "nền tảng kiến tạo". Quốc gia nào biết thiết kế thể chế để nuôi dưỡng tài năng, khơi thông nguồn lực và tạo dựng niềm tin thì quốc gia đó sẽ bứt phá. Việt Nam đang có một thời cơ lớn để bước vào kỷ nguyên của thể chế mạnh. Nếu thể chế là "hành lang hẹp", hãy làm cho hành lang đó đủ rộng để những người tài năng, đổi mới và dấn thân có thể bước nhanh, bước xa. Và nếu thể chế là "luật chơi", hãy làm cho cuộc chơi ấy trở nên công bằng, minh bạch và truyền cảm hứng để mọi doanh nghiệp, mọi người dân đều muốn tham gia, đóng góp và vươn lên.■ Tại cuộc tọa đàm "Để kinh tế tư nhân bứt phá theo nghị quyết 68 - những việc cần làm ngay" (do báo Chính Phủ tổ chức), người dẫn chương trình hỏi: "Doanh nghiệp thực sự cần gì" thì vị đại diện khối danh nghiệp khẳng định: Điều chúng tôi mong mỏi nhất là cắt giảm và số hóa thủ tục hành chính. Dù cơ chế "xin - cho" dần được loại bỏ, nhưng khi còn yếu tố con người thì vẫn còn rủi ro. Chỉ khi số hóa, tự động hóa triệt để thì mới thực sự loại bỏ được các thủ tục rườm rà. Thứ đến là tính nhất quán trong thực thi chính sách giữa các địa phương. Doanh nghiệp hoạt động ở nhiều nơi, nếu mỗi nơi hiểu và thực hiện luật khác nhau thì doanh nghiệp sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Chúng tôi mong có sự thống nhất toàn quốc trong thực thi quy định để tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tags: Cải cách thể chếNghị quyết 68Kinh tế tư nhânDoanh nhânThể chế
Lợi ích hai chiều từ việc lấy ý kiến người dân CAO VŨ MINH (TRƯỜNG ĐH KINH TẾ - LUẬT) 29/05/2025 1778 từ
Thông tim bào thai thành công cho sản phụ Singapore: Cả gia đình, sản phụ và ê kíp đều bật khóc XUÂN MAI 29/05/2025 Thất bại lần đầu khi thông tim bào thai cho sản phụ người Singapore, các bác sĩ Bệnh viện Từ Dũ và Nhi đồng 1 tiếp tục thông tim lần 2 sau 7 ngày. Đây là một sự cân nhắc cực kỳ phức tạp và khó khăn.
Tỉ phú Elon Musk rời chính quyền ông Trump THANH BÌNH 29/05/2025 Nhà Trắng xác nhận thông tin ông Elon Musk rời chính quyền Tổng thống Donald Trump sau thời gian làm cố vấn cấp cao cho ông chủ Nhà Trắng.
NÓNG: Tòa án Mỹ chặn hầu hết mức thuế quan ông Trump áp lên các nước NGHI VŨ 29/05/2025 Phán quyết của Tòa án Thương mại quốc tế Mỹ đình chỉ hầu hết các khoản thuế quan mà ông Trump áp đặt lên các nước.
Chelsea đã khắc tên vào lịch sử bóng đá HOÀI DƯ 29/05/2025 Đăng quang chức vô địch UEFA Conference League, Chelsea làm được điều chưa từng có trong lịch sử bóng đá châu Âu.