Vì sao các kinh tế gia đều theo bi quan chủ nghĩa?

NGUYỄN VŨ 28/07/2025 10:11 GMT+7

TTCT - Nếu chỉ nghe phân tích và cảnh báo của các kinh tế gia, có lẽ nền kinh tế thế giới đã suy sụp từ lâu.

a - Ảnh 1.

Ảnh: The Real Deal

Thế nhưng trải qua nhiều biến cố, nhiều loại khủng hoảng, kinh tế thế giới vẫn lừng lững tiến lên, dù tốc độ không cao nhưng vẫn đều đặn chừng 3% mỗi năm từ năm 2011 đến nay.

Nếu nhớ lại năm 2012 tràn ngập thông tin về cuộc khủng hoảng đồng euro, hàng loạt nước có nguy cơ rơi vào tình thế vỡ nợ - kinh tế thế giới năm đó vẫn tăng 3%. 

Thế còn năm 2016, lúc nước Anh bỏ phiếu để rời EU với ý tưởng Brexit được tô đậm trên báo chí và nước Mỹ bỏ phiếu bầu Donald Trump làm tổng thống nhiệm kỳ đầu tiên? Vẫn 3%. 

Năm 2022, khi chiến tranh Nga - Ukraine nổ ra, lại là 3%. Ngoại lệ duy nhất trong giai đoạn này là hai năm đại dịch Covid-19 2020-2021, nhưng sau đó kinh tế thế giới vẫn phục hồi nhanh chóng.

Năng lực chống chọi

Kinh tế thế giới có độ bền vững kỳ lạ, có khả năng chống chọi các cú sốc từ bên ngoài. Đầu tiên là các chuỗi cung ứng, không do nước nào xây dựng mà do quy luật cung cầu hình thành, nên có độ linh hoạt rất cao. 

Nhiều lúc cứ tưởng các chuỗi cung ứng này sẽ sụp đổ dây chuyền vì các khó khăn như phong tỏa thời đại dịch, thiếu nguyên liệu, phí vận chuyển quá cao, tắc nghẽn đường hàng hải và bến cảng… Nhưng cuối cùng chúng vẫn kiên cường, vẫn là mạch máu vận chuyển hàng hóa, linh kiện đi khắp thế giới.

Theo dữ liệu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), năm nay chỉ có 5% các nước có nguy cơ rơi vào suy thoái kinh tế, mức thấp nhất kể từ năm 2007. Thất nghiệp ở các nước thuộc Tổ chức Hợp tác phát triển kinh tế (OECD) giàu có đang dưới mức 5%, cũng là mức thấp gần kỷ lục. 

Trong quý 1 năm nay, thu nhập của doanh nghiệp toàn cầu tính chung tăng 7% so với cùng kỳ. Các thị trường mới nổi, thường rơi vào tình trạng bị rút vốn ồ ạt khi kinh tế gặp rắc rối, nay vừa tránh cả khủng hoảng tỉ giá lẫn khủng hoảng nợ. Tiêu dùng toàn cầu vẫn đang tăng. 

Tính theo tiêu chí nào thì nền kinh tế vẫn ổn. Nếu chỉ đọc các báo lớn phương Tây và nghe phân tích của các nhà kinh tế thì không thấy điều đó.

Có lẽ thay vì nghe các nhà kinh tế, chúng ta nên theo dõi thị trường chứng khoán, hơn một nửa thị trường chứng khoán thế giới đang nằm trong khoảng 5% mức cao nhất từ trước tới nay. 

Thị trường chứng khoán Mỹ, rớt mạnh vào tháng 4-2025 khi Tổng thống Trump công bố các mức thuế mệnh danh là "thuế ngày giải phóng", sau đó đã phục hồi và đang trên đà tăng mạnh. 

Ngay cả những điểm nóng trên thế giới như thị trường Ukraine, sụp đổ lúc chiến tranh nổ ra năm 2022, nay cũng phục hồi, từ đầu năm đến nay tăng khoảng 25%.

Không đâu mà sự chỏi nhau giữa các chuyên gia kinh tế và thị trường rõ nét nhất như ở Đài Loan. 

Ngân hàng Goldman Sachs làm hai chỉ số cho thị trường này; một dựa vào tin tức báo chí thì chưa bao giờ nơi này có rủi ro cao như thế, nhưng chỉ số còn lại, dựa vào giá thực tế, hầu như không thấy biến động gì cả.

Thế giới vẫn bình thản

Làm sao lý giải các biến động địa chính trị nghe rất dữ dội và một nền kinh tế thế giới bình thản như không có gì xảy ra? Tờ The Economist cho rằng đầu tiên có lẽ là sự xuất hiện của một hình thức tư bản chủ nghĩa mới, mà họ gọi là nền kinh tế bền bỉ. 

Về phía doanh nghiệp, các công ty đã trang bị cho mình khả năng vượt qua khủng hoảng tốt hơn trước, cho nên dù tình hình chính trị của một nước rơi vào bế tắc, thị trường vẫn tiếp tục hoạt động. 

Về phía các chính phủ, họ có nhiều biện pháp để bảo vệ thị trường trước các biến động từ bên ngoài. Chính phủ các nước giàu chi đến 10% GDP để giải cứu người dân và doanh nghiệp trong đại dịch. 

Hiện nay nhiều nước đang thâm hụt tài khóa, lên đến 4% GDP, cao hơn nhiều so với những năm 1990 và 2000, và họ còn dùng tiền để hỗ trợ nền kinh tế dưới nhiều hình thức khác nữa.

Quay trở lại với tình hình các chuỗi cung ứng, chúng ta đã nghe các lời cảnh báo về sự sụp đổ chuỗi cung ứng sản xuất chip, gây thiếu hụt khắp nơi, khắp các ngành. Thật ra năm 2021, các nhà sản xuất làm ra hơn 1.200 tỉ đơn vị chip, nhiều hơn năm trước 15%. 

Hóa ra vấn đề là nhu cầu tăng vọt, xảy ra sự thiếu hụt nhất thời, nhưng sau đó các chuỗi cung ứng nhanh chóng thích nghi và đáp ứng bằng tăng công suất. Các chuỗi cung ứng ngày nay hoạt động hiệu quả hơn rất nhiều nhờ có nhiều công ty chuyên trách từng mảng, quản lý kho hàng bằng công nghệ thông tin và nhờ sự liên lạc thông suốt tức thời mọi lúc mọi nơi.

Một yếu tố khác là mô hình kinh tế ngày nay dựa nhiều vào khu vực dịch vụ - mà dịch vụ ít bị gián đoạn như khu vực sản xuất. The Economist cho biết từ năm 1990, tiêu thụ hàng hóa ở Mỹ liên tục giảm trong 27 quý, trong khi chi tiêu cho dịch vụ cứ tăng đều, chỉ giảm trong 5 quý.

Góp phần trong chuyện này là nguồn cung năng lượng đa dạng hơn trước, kể cả dầu đá phiến từ Mỹ, Canada và các loại năng lượng tái tạo như điện mặt trời và điện gió. 

Do ít phụ thuộc vào dầu mỏ truyền thống từ Trung Đông và Nga, nên xung đột bắt nguồn từ dầu mỏ cũng ít đi hoặc nếu có cũng không ảnh hưởng nhiều đến kinh tế thế giới. Chẳng hạn lúc chiến tranh nổ ra giữa Nga và Ukraine, các nhà phân tích lo ngại châu Âu sẽ rơi vào suy thoái, nhưng điều này đã không xảy ra.

Lạc quan là thế, nhưng cuối cùng The Economist cũng chỉ ra hai rủi ro lớn, đe dọa sự ổn định của kinh tế thế giới. Đầu tiên là lãi suất cao làm khó cho chính sách tài khóa như ở Mỹ, chỉ trả lãi cho các khoản nợ không thôi cũng đã chiếm đến 3% GDP. 

Thứ hai là các cú sốc địa chính trị và bất ổn trong thương mại quốc tế vẫn chưa dứt, nếu chúng tiếp tục gia tăng, không biết các chuỗi cung ứng sẽ dẻo dai chịu đựng đến đâu. ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận