TTCT - Một câu hỏi tưởng chừng đơn giản: Một mẫu đất là bao nhiêu trong từng thời kỳ lịch sử?, hóa ra lại rối rắm vô cùng. Xe bò kéo ở Nam kỳ đầu thế kỷ 20. Phương tiện canh tác thô sơ là một phần lý do khiến các yếu tố kỹ thuật của hoạt động nông nghiệp trong sử liệu Việt Nam còn nhiều điểm mơ hồ. Ảnh: HERITAGE IMAGESViệt Nam là nước truyền thống nông nghiệp, trồng tỉa đã mấy ngàn năm, trong lịch sử gắn với tập quán thì người nông dân chỉ quen nhìn và gọi đám ruộng mảnh vườn một cách áng chừng, tính theo dây, sở, khoảnh, đám, thửa, miếng... Khái niệm "mẫu" được dùng như một đơn vị tính thuế đánh dấu tiến trình quản lý xã hội nông nghiệp của các quân chủ Trung Hoa từ thời Tần Hán, và Việt Nam thời kỳ Bắc thuộc, vốn chịu sự áp đặt chung về quản lý hành chính, tất nhiên gồm chế độ thuế khóa gắn với những quy định đo đạc theo đơn vị tính thuế là "mẫu".Thời tự chủ với nhà nước Đại Việt, trong sử sách ghi lại, việc ước định khu vực đất đai để tính thuế manh nha từ thời Lý (1013); thời Trần đã có sổ sách ruộng đất, đơn vị tính gọi là mẫu, như vào năm 1242 ban bố phép tô "nhân đinh có ruộng đất thì nộp tiền thóc. Có một, hai mẫu thì nộp tiền 1 quan, có ba, bốn mẫu thì nộp 2 quan", hoặc cũng dùng đơn vị là diện (面). Năm 1254, có lệ "bán ruộng công, mỗi diện 15 quan".Chữ mẫu (畝) có lẽ được biết đến rộng rãi từ thời Trần, nhưng số liệu điền địa thời Trần có lẽ đã bị hủy bởi giặc Minh nên sử giai đoạn này không có các ghi chép về thống kê đất đai.Thời thuộc Minh (1407-1427), người Minh chép trong An Nam chí: "Năm Vĩnh Lạc thứ 15 (1417) tổng số (trừ phủ Thăng Hoa chưa kê được)… ruộng, đất, ao chằm của quan và dân là 17.442 khoảnh, 34 mẫu, 5 phân, 6 li" (khoảnh, mẫu là theo quy chế nhà Minh)".Đến thời Nguyễn triều Minh Mạng thì việc thống kê con số mẫu (ruộng, đất vườn) tương đối hoàn chỉnh qua công cuộc lập địa bạ toàn quốc. Như năm 1840, Hộ bộ thống kê ruộng và đất vườn cả nước là 4.063.892 mẫu. Các nguồn sử liệu đều dùng các đơn vị "mẫu, sào, thước, tấc" khi nói đến diện tích đất đai ruộng vườn. Nhưng liệu 1 mẫu thời Trần có bằng 1 mẫu thời Lê hay thời Nguyễn?Các tác giả Đại Việt sử ký toàn thư (Toàn thư) không để lại một thông tin nào về nguyên tắc định diện tích 1 mẫu đất. Lịch triều Hiến chương loại chí (1821, Lịch triều) phần Quốc dụng chí tổng kết chế độ thuế khóa, đất đai nhiều thời cũng không nói về việc này. Tệ hơn là nhóm sử quan soạn Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ (1851, Hội điển). Bộ Hội điển ghi đủ và thừa thãi các điều quy định tủn mủn, nhưng trong Quy tắc thuế ruộng hay Chế độ ruộng đất (Hộ bộ, q.37) đều không ghi ra được cách tính diện tích 1 mẫu.Cho đến bộ Đại Nam điển lệ toát yếu (Điển lệ) soạn vào đời Thành Thái (1889-1907) - tức là lúc đã quá muộn để bàn chuyện đất đai tổng thể toàn quốc - thì có ghi được việc ban hành quy tắc tính diện tích dựa trên đơn vị xích (thước) đời Lê, "cây thước này (thước Kinh đời Lê) có chiều dài bằng 17 đồng tiền Gia Long hoặc 18 đồng tiền Minh Mạng xếp liền nhau, so với thước kiểu mới năm Thành Thái thứ 9 (1897) dài hơn 2 phân, kém thước quan đo ruộng năm Tự Đức thứ 27 (1874) là 7 phân, ngang với 42 phân thước tây (42cm)".Tuy nhiên, cũng không khá hơn Hội điển, Điển lệ vẫn không nói cách đo như thế nào hay quy ra bao nhiêu thước vuông để biết được diện tích 1 mẫu đất. Điển lệ lại dựa theo quy định của Toàn quyền Đông Dương ban hành năm 1897 (chỉ dùng riêng cho Bắc Kỳ), rồi viết: "Lệ năm Thành Thái thứ 9 (1897)… Diện tích ruộng cứ mỗi ba ngàn sáu trăm thước vuông tây (3.600m2) là 1 mẫu" (Hộ bộ, mục 141, Thước đo). Điều đáng lưu ý trong văn bản này là chi tiết tiếp thu đơn vị mét vuông từ người Pháp, và dịch thành "phương xích" (方尺), từ này vốn trước đây không thấy trong Hội điển. Nói tổng lược thì trong khoảng sáu, bảy trăm năm ghi chép về hiến chương chế độ, các sử gia quan phương đã bỏ trống cái điều rất cụ thể và cơ bản: đơn vị một mẫu đất.Bìa sách Đại Việt Sử ký toàn thư. Ảnh: Amazon.comHai lần cải cách đơn vị "mẫu"Như đã nói, việc đo đạc đất đai ở Giao Chỉ thời Bắc thuộc hẳn do các quan đô hộ chủ trương, bởi người nông dân các đời đều không thích việc "lộ hàng" này, do liên quan tới thuế khóa, và hẳn nhiên diện tích ruộng đất buổi đầu là theo đơn vị của nhà Hán nhà Đường. Suốt thời Bắc thuộc không để lại bảng tổng kê diện tích ruộng đất.Thời tự chủ thì cho đến cuối thời Trần chỉ thấy Toàn thư chép "năm Quang Thái thứ 11 (1398), ra lệnh cho những người có ruộng khai báo số mẫu, làm thẻ ghi rõ họ tên và cắm trên ruộng. Các quan lộ phủ châu huyện công đồng kiểm đo mà biên thành sổ", và cuốn sổ này có lẽ đã bị giặc Minh tịch thu, nên cả Toàn thư và Lịch triều đều chỉ nhắc sử kiện mà không chép ra con số. (Dù vậy, có thể suy đoán số liệu nhà Minh thống kê cũng xấp xỉ diện tích ruộng đất thời Trần, do thời gian cách nhau không xa).Lần biến cải thứ nhất có thể dựa vào số liệu hiếm hoi là do người Minh Cao Hùng Trưng chép trong An Nam chí: "Căn cứ vào bản Tu tri sách năm Vĩnh Lạc thứ 15 (1417) tổng số (trừ phủ Thăng Hoa chưa kê được) cống phú toàn quốc như sau: … Ruộng, đất, ao chằm của quan và dân là 17.442 khoảnh, 34 mẫu, 5 phân, 6 li". Đối với con số quan trọng này, sự liên đới nằm trong Toàn thư - Kỷ thuộc Minh có đoạn: "Giáp ngọ (1414). Tháng 10. Nhà Minh bắt khai và trưng ruộng tơ bãi, mỗi hộ 1 mẫu thì khai làm 3 mẫu. Đến sau xét hộ khẩu hàng năm tăng số ruộng mỗi hộ là 10 mẫu (nghĩa là 1 mẫu chỉ có 3 sào, 10 mẫu thực ra chỉ có 3 mẫu), mỗi mẫu thu 5 thăng thóc, đất bãi mỗi hộ thu một lạng tơ, mỗi một cân tơ dệt một tấm lụa". Nếu nói ngắn gọn dễ nhớ, có thể tạm lập thành trình tự diễn biến về sự tương ứng mẫu/hecta như sau:Thời Bắc thuộc chưa rõ tổng số ruộng đất, chưa rõ cách tính diện tích. Thời Tự chủ đến Lý, chưa rõ tổng số, chưa rõ cách tính diện tích. Thời Trần, ruộng đất xấp xỉ số diện tích nhà Minh ghi. Thời thuộc Minh, quận Giao Chỉ có 1.744.234 mẫu ruộng đất (1 mẫu = 614m2). Thời Lê chưa rõ tổng số, chưa rõ cách tính diện tích. Thời Nguyễn (1802-1897) ruộng đất cả nước hơn 4.000.000 mẫu (1 mẫu = 0,50ha). Thời Đông Dương sau 1897, phân biệt cách tính diện tích: Bắc Kỳ 1 mẫu = 0,36ha, Trung Kỳ 1 mẫu = 0,50ha, Nam Kỳ 1 mẫu = 1ha. Trong khi chờ đợi những công trình nghiên cứu hoàn bị về hệ thống đo lường trong lịch sử, tạm thời đặt số liệu lịch sử vào đúng những khoảng thời gian và không gian tạm ước này, quy đổi diện tích theo thời điểm và vùng miền tương ứng thì có thể tránh được tình trạng lấn cấn trong tra cứu và viết lách như bấy lâu nay. Nhiều sử gia trước giờ hay nhấn mạnh vào quy định "1 mẫu chỉ có 3 sào" để nói rằng chính quyền đô hộ có ý tăng số mẫu nhằm tăng thuế. Nhưng có một hướng khác để lý giải nguyên nhân cải đổi này. Đó là nhằm thống nhứt diện tích mẫu ở quận Giao Chỉ với mẫu toàn Trung Hoa.Cần phân tích con số "17.442 khoảnh, 34 mẫu, 5 phân, 6 li" này theo quy định nhà Minh để dễ hình dung. Con số trên tức 1.744.234 mẫu (làm tròn số, lược phân và li). Thời Minh, 1 khoảnh (頃) bằng 100 mẫu (người Việt cũng dùng chữ "khoảnh", nhưng với nghĩa ước lệ), Minh sử - Thực hóa chí viết: "5 xích là 1 bộ, 240 bộ là 1 mẫu, 100 mẫu là 1 khoảnh", xích (尺) di động trong khoảng 31-33cm; bộ (步), nghĩa gốc là bước chân (2 bước gọi là bộ), đơn vị đo chiều dài, bằng 5 xích, sau dùng để chỉ một vật trung gian để tiện đo đất (như cây tầm ở Nam Kỳ), "bộ dài 5 xích" tức bằng khoảng trung bình 1,6m; và 1 mẫu sẽ là 1,6m x (240 x 1,6m) = 614m2. Có thể giả định rằng 1 sào (高/篙) ruộng thời Trần chưa phải tương đương 360m2 như quy định năm 1897, mà chỉ chừng 200m2, cho nên nhà Minh mới quy đổi "1 mẫu Minh bằng 3 sào Trần".Chân dung vua Thành Thái. Phải đến thời rất muộn của vị vua đã vắt sang giai đoạn lịch sử hiện đại này, các thống kê và cách tính toán ruộng đất ở Việt Nam mới rõ ràng hơn.Lần biến cải thứ hai năm 1897Đặt giả định sào Trần chưa hẳn là 360m2 (bởi con số này chỉ được biết đến từ năm 1897) dựa trên sự lủng khuyết của sử liệu thời Lê về quy định diện tích, suốt triều đại này không có bảng thống kê số liệu mẫu, sào (ruộng đất) toàn cảnh, cũng không ghi chép quy cách tính toán cụ thể về mẫu, sào.Nhà Nguyễn, triều Gia Long đã sơ bộ làm tổng kê toàn quốc, có số liệu cụ thể từng dinh trấn, chỉ từ Bình Thuận vào Nam là còn tạm ghi sở, khoảnh ước chừng, do chưa tổ chức đo đạc. Triều Minh Mạng thì khá rõ: "Toàn quốc có ruộng và đất vườn 4.063.892 mẫu" (Đại Nam thực lục, tháng 12 năm 1840). Con số "4.063.892 mẫu" xác định rằng toàn quốc đã thống nhứt cách tính mẫu, không có ghi chú nào về sự khác biệt cách tính giữa các tỉnh.Vậy trong giai đoạn trước khi chính quyền Đông Dương ban bố luật mới (tức khoảng 1840 - 1897) thì một mẫu bằng bao nhiêu m2? Một thông tin khác từ nhóm tác giả Lịch sử khai phá vùng đất Nam Bộ: "Sau khi chiếm Nam Bộ, để chuyển đơn vị diện tích dùng dưới triều Nguyễn là "mẫu" sang đơn vị của Pháp là "hecta", thực dân Pháp đã quy định 1 hecta bằng 2 mẫu (nghị định ngày 3-10-1865)" (Huỳnh Lứa chủ biên, NXB TP.HCM, 1987, tr.121). Văn bản này cho biết 1 mẫu thời Nguyễn = 5.000m2.Vấn đề ở đây là những nghiên cứu về lịch sử nông nghiệp, lịch sử khẩn hoang hay lịch sử kinh tế - tài chính cần sự liên kết dữ liệu liên tục các triều đại sẽ xử lý ra sao khi chúng không cùng một đơn vị tiêu chuẩn? Vào thập niên 1970, một số học giả miền Bắc khi nghiên cứu nông thôn Việt Nam trong lịch sử thường giữ nguyên đơn vị mẫu xưa mà không quy đổi (tức chép đúng sử liệu). Cá biệt như Nguyễn Đổng Chi thì cho số tương ứng "một sào (360 thước vuông)", và đề cập cách quy đổi khác: "ông tổ họ ấy vào thời Tự Đức đã bỏ ra một lúc trên 20 mẫu Trung Bộ (10 ha) diện tích để đặt hương hỏa". Trong câu này, chữ dùng "mẫu Trung Bộ" đáng lưu ý, nó cho thấy sự phân biệt với "mẫu Bắc Bộ".Cũng thấy Trương Hữu Quýnh khi nghiên cứu chế độ ruộng đất trong một vài lần đối chiếu quy đổi cũng cho rằng mẫu thời Trần tương đương 3.600m2, tức 1 sào bằng 360m2 (NXB Thế Giới, 2009, tr.145). Nói thêm về đơn vị "khoảnh", ở Trung Hoa, nó là đơn vị lớn hơn mẫu, nhưng ở Đại Việt thì nó là từ ước lệ, gọi phỏng chừng một cuộc đất, như miếng, thửa, sở. Các dịch giả Đại Nam thực lục lại lấy chữ khoảnh ước lệ quy ra khoảnh Tàu: "Kỷ mão, năm thứ 4 (1639)… cho Tham khám Trần Văn Lễ một khoảnh tự điền (ở xã Phú Kỳ, huyện Minh Linh). (Chú: Một khoảnh là 100 mẫu)". Chú giải như vậy rõ là làm rối cho học giới.Những quy đổi tùy tiện, nếu không lưu ý tiêu chí phân kỳ, không đặt sử kiện đúng thời điểm hay vùng miền thì có khi kết quả nghiên cứu không chuẩn xác. Lại có trường hợp mới đây cho thấy sự bất cẩn khi quy đổi. Trong Đô thị Nam bộ trước năm 1945. Tập 1 (Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước - Trung tâm Lưu trữ quốc gia II, 2025), khi phân tích về sự phát triển diện tích trồng lúa, nhằm thống nhứt đơn vị với thời Pháp thuộc, các tác giả viết: "Đất trồng lúa vào năm 1836 chỉ có 240.655 ha" (tr.41), và "tổng diện tích đất trồng lúa ở Nam Kỳ theo địa bạ 1836 là 240.655 ha" (tr.45). Con số này sai do quy đổi sai. Cụ thể, con số trong địa bạ là "Tổng diện tích là 609.267 mẫu, phần diện tích đất thực canh là 601.373 mẫu" (Nguyễn Đình Đầu, Tổng kết nghiên cứu Địa bạ Nam kỳ lục tỉnh, 1994, tr.207). Con số "240.655 ha" khá bí hiểm, bởi nó không ứng với 3.600m2 hay 5.000m2 một mẫu khi quy đổi 601.373 mẫu. Nếu cho rằng đổi mẫu sang hecta là một dạng chuyển đổi số thủ công để hội nhập quốc tế thì bước đường nghiên cứu sử địa Việt Nam có lẽ từ hồi ban đầu đã bắt nhịp chưa ổn và đến nay vẫn còn đang luộm thuộm lắm.■ Một số từ điển tra cứuHiện nay, khi tra cứu hệ thống đo lường cổ Việt Nam, nhiều người sẽ lên Wikipedia. Trên trang này có một biểu dẫn nguồn từ hướng dẫn của Liên hợp quốc, đại khái 1 mẫu bằng 3.600m2 ở miền Bắc và 4.970m2 ở miền Trung.Người thích hiểu nguồn gốc chữ nghĩa có thể sẽ tra Đại Nam quấc âm tự vị (1895-1896), trong đó viết: "Mẫu, thước tấc một đám ruộng, đo bốn phía đều 10 sào Annam, ước được nửa mẫu tây. Sào mẫu, Phép kẻ sào, kẻ mẫu, 15 thước mộc Annam vô một sào. Sào, đồ đo ruộng có 15 thước mộc; mười sào làm một mẫu". Trong định nghĩa này, cho giá trị sào bằng 15 thước mộc, (thước mộc khoảng 40cm). "Mẫu, bốn phía đều 10 sào", tức 1 mẫu = 60 x 60m = 3.600m2. Con số này lại không hợp với "nửa mẫu tây" (5.000m2) trong câu văn. Và ông Paulus Của in sách này trước lúc có nghị định 1897, lại cho ra cách tính 1 mẫu = 3.600m2, nghĩ cũng rối thiệt.Rồi cũng sách đó, ở mục từ "Tầm", lại nói: "Tầm, đồ đo dài bằng năm thước mộc; đất vuông vức 12 tầm làm một công". Tầm là công cụ trung gian, giống như cây sào, dài 5 thước mộc tức khoảng 2m, công đất vuông 12 tầm tức 24 x 24m = 576m2, tức lại thêm đơn vị "công" với một giá trị khác. Vụ này liên quan đến cây tầm với chiều dài sanh nhiều rắc rối. Ông Sơn Nam cho rằng: "Mỗi công đất đo vuông vức mỗi góc 12 tầm. Mỗi tầm chính thức (tầm quan, tầm điền) là 2 mét 50" (dẫn theo Bùi Thanh Kiên, Phương ngữ Nam Bộ, 2014). Nói như vậy thì lại có thêm "1 công đất chính thức" = 900m2.Lại thấy Từ điển Từ ngữ Nam Bộ viết: "Tầm, đơn vị đo chiều dài ruộng đất trước đây, tương đương với khoảng 2,7 mét" (Huỳnh Công Tín, 2007). Một số từ điển tiếng Việt tiêu chuẩn cũng cho thấy sự quy đổi tương tự như Từ điển Bách khoa Việt Nam (Tập II, 2002), đại khái là cho giá trị "Mẫu ta (đơn vị xưa) = 4.900m2. Mẫu Bắc Bộ (sau 1897) = 3.600m2; mẫu triều Nguyễn (Trung Kỳ trước và sau 1897) = 4.970m2; mẫu Nam Bộ, mẫu ta = 10 công = 12.960m2 hoặc 10.000m2 = 1ha". Tags: Sử học ViệtMẫuHéc-taLịch sử nông nghiệpĐịa bạ
Thái Lan và Campuchia đồng ý ngừng bắn vô điều kiện THANH HIỀN 28/07/2025 Chiều 28-7, Thủ tướng Malaysia thông báo Campuchia và Thái Lan đã đồng ý ngừng bắn vô điều kiện, bắt đầu từ 24h hôm nay.
Ông Nguyễn Thanh Nghị: Các tỉnh phía Nam là địa bàn chiến lược quan trọng về an ninh quốc phòng LÊ PHAN 28/07/2025 Chiều 28-7, tạp chí Cộng Sản và Quân khu 7 tổ chức hội thảo về xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới tại phía Nam.
Cận cảnh nhiều nhà xây lụi, nhà không số, số lụi ở phường Thới An ÁI NHÂN 28/07/2025 Thời gian gần đây khu vực khu phố 5, phường Thạnh Xuân (cũ), nay là phường Thới An xuất hiện nhà xây lụi, dãy nhà không số hoặc số lụi.
Lãnh đạo Campuchia và Thái Lan tỏ thiện chí với thỏa thuận ngừng bắn, cảm ơn Mỹ và Trung Quốc HÀ ĐÀO 28/07/2025 Campuchia và Thái Lan đã đồng ý thực hiện lệnh ngừng bắn ngay lập tức và vô điều kiện, có hiệu lực từ 0 giờ ngày 29-7.