
Bên cạnh các tuyến đường sắt đô thị sẽ đầu tư bằng vốn ngân sách, hiện nhiều doanh nghiệp đã đề xuất TP.HCM nghiên cứu triển khai các dự án - Ảnh: BẠC HÀ
Về triển khai công tác chuẩn bị đầu tư các tuyến đường sắt đô thị theo nghị quyết 188 của Quốc hội, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Ban Quản lý đường sắt đô thị và các đơn vị liên quan rà soát tổng thể quy hoạch mạng lưới đường sắt đô thị, theo mô hình và tầm nhìn mới, phù hợp với việc mở rộng địa giới hành chính.
Trên cơ sở đó, tham mưu UBND TP kế hoạch triển khai trong tháng 7-2025.
Cùng với đó, Sở Xây dựng phối hợp với Sở Tư pháp theo dõi, hoàn thiện hồ sơ, tham mưu UBND TP trình HĐND TP ban hành nghị quyết quy định cụ thể về việc lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh phương án tuyến, vị trí công trình đường sắt đô thị; quy hoạch khu vực phát triển theo định hướng giao thông (TOD)...
Nhiệm vụ này phải bảo đảm tiến độ để trình tại kỳ họp HĐND TP dự kiến diễn ra vào ngày 27-7.
Về nguồn vốn, UBND TP giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Ban Quản lý đường sắt đô thị cùng các đơn vị liên quan xây dựng đề án huy động và bố trí vốn đầu tư, bảo đảm tiến độ triển khai các tuyến đường sắt đô thị theo phụ lục của nghị quyết 188.
UBND TP cũng yêu cầu Sở Tài chính khẩn trương xây dựng kế hoạch triển khai Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), trong đó bao gồm quy trình, hướng dẫn cụ thể về lập, thẩm định, phê duyệt, đấu thầu, ký kết hợp đồng, quản lý thực hiện dự án PPP.
Đồng thời hoàn thiện các quy định, cơ chế thu hút đầu tư tư nhân, bảo đảm hiệu quả, minh bạch và công bằng trong triển khai; tạo môi trường đầu tư hấp dẫn để thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Trước mắt, thành phố sẽ tập trung triển khai các dự án PPP trọng điểm, quy mô lớn, đặc biệt trong lĩnh vực đường sắt đô thị để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Các tuyến đường sắt đô thị nào tại TP.HCM đang triển khai đầu tư?
Theo các quy hoạch, mạng lưới đường sắt đô thị TP.HCM (sau sáp nhập) dài khoảng 1.012km. TP.HCM đang tổ chức rà soát, điều chỉnh đồ án quy hoạch chung đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060.
Trong đó có nội dung rà soát tổng thể quy hoạch mạng lưới đường sắt đô thị theo mô hình, tầm nhìn mới - phù hợp với việc mở rộng địa giới hành chính.
TP cũng đã ban hành kế hoạch triển khai nghị quyết 188 để đầu tư đồng loạt 7 tuyến metro với chiều dài 355km, hoàn thành vào năm 2035. Riêng với tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) sẽ phấn đấu khởi công vào năm 2025.
Song song đó, tuyến đường sắt kết nối giữa sân bay Tân Sơn Nhất - sân bay Long Thành (Thủ Thiêm - Long Thành) và tuyến đường sắt nối trung tâm TP.HCM với Cần Giờ cũng đang đẩy nhanh các thủ tục để đầu tư.
Cách đây ít hôm, Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM cũng kiến nghị UBND TP về giao nhiệm vụ và bố trí vốn để chuẩn bị đầu tư hai tuyến metro kết nối khu vực Bình Dương cũ gồm metro số 1 (TP mới Bình Dương - Suối Tiên) và metro số 2 (Thủ Dầu Một - Hiệp Bình Phước).
Bình luận hay