
Tăng trưởng kinh tế Việt Nam được nhiều tổ chức quốc tế điều chỉnh tăng so với dự báo, tiền đổ vào chứng khoán với kỳ vọng doanh nghiệp niêm yết làm ăn thuận lợi - Ảnh: BÔNG MAI
Đồng lòng sửa dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam 2025
Ông Nguyễn Thế Minh, giám đốc khối nghiên cứu và phát triển khách hàng cá nhân của Chứng khoán Yuanta Việt Nam, cho biết đơn vị đã nâng dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam cả năm 2025 lên mức 7,4%, cao hơn mức được đưa ra trước đó (6,8%).
Phía công ty chứng khoán giải thích nền tảng của sự điều chỉnh này đến từ việc GDP nước ta đã tăng trưởng mạnh mẽ lên mốc 7,52% chỉ trong nửa đầu năm nay, cao nhất trong 15 năm qua.
"Chúng tôi cho rằng động lực dẫn dắt tăng trưởng sẽ chuyển dịch từ sản xuất công nghiệp, xuất khẩu sang tiêu dùng nội địa, đầu tư công rõ ràng hơn trong nửa cuối năm", đại diện Yuanta cho hay.
Thông thường, tăng trưởng kinh tế hai quý cuối năm thường cao hơn hai quý đầu năm. Tuy nhiên nửa cuối năm 2025 có thể chứng kiến sự chững lại ở khu vực sản xuất công nghiệp và xuất khẩu, do phần lớn đơn hàng đã được đẩy nhanh trong quý 2 nhằm tận dụng thời gian gia hạn thuế đối ứng.
Trước tình hình đó, phía Yuanta cho rằng các động lực tăng trưởng trong nước như tiêu dùng nội địa và đầu tư công ngày càng thể hiện vai trò quan trọng. Đầu tư công nửa đầu năm 2025 ước đạt 268.100 tỉ đồng, tăng 42,3% so với cùng kỳ, với tốc độ giải ngân cải thiện rõ rệt.
Nhiều dự án hạ tầng trọng điểm đang được đẩy mạnh sau khi bộ máy chính quyền địa phương được sắp xếp lại, giúp xử lý công việc nhanh hơn. Tiêu dùng nội địa tiếp tục duy trì đà tăng trưởng nhờ các chương trình kích cầu, du lịch và chính sách tài khóa hỗ trợ. Đồng thời chính sách tiền tệ nới lỏng của Ngân hàng Nhà nước cũng giúp doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn với chi phí thấp hơn.
Gần đây nhiều tổ chức tài chính - ngân hàng quốc tế khác cũng đồng loạt điều chỉnh dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2025 theo hướng tích cực. Nổi bật là Ngân hàng UOB (trụ sở tại Singapore, sở hữu mạng lưới hơn 500 chi nhánh tại 19 quốc gia) nâng dự báo từ 6% lên 6,9%. Tương tự, Citigroup (Mỹ) thay đổi dự báo từ 6,6% lên 7%. Lạc quan hơn cả là Ngân hàng Maybank (Malaysia) với mức tăng 7,3%.
Chứng khoán: Giằng co ngắn hạn, tâm lý giới đầu tư lạc quan hơn trong trung và dài hạn
Thị trường chứng khoán Việt Nam chứng kiến xu hướng tăng, lượng tiền đổ vào dồn dập với những phiên hơn 40.000 tỉ đồng được "sang tay".
Theo chuyên gia của Yuanta, trong ngắn hạn chỉ số VN-Index có thể đối mặt với áp lực điều chỉnh khi tiệm cận vùng kháng cự tâm lý 1.400 điểm, do đó nhà đầu tư cần thận trọng tại vùng này.
Lưu ý, mặt bằng định giá đang tăng, nhưng lãi suất thấp - "tiền rẻ" vẫn tạo dư địa cho thị trường chứng khoán đi lên. Hiện P/E (tỉ lệ giữa giá cổ phiếu và lợi nhuận) của VN-Index đã lên 13,5 lần, tức nhà đầu tư bỏ 13,5 đồng để mua 1 đồng lợi nhuận doanh nghiệp. Dù tăng so với trước, mức này vẫn thấp hơn trung bình 10 năm, cho thấy định giá còn tương đối hấp dẫn.
Ngoài ra, chênh lệch giữa lãi suất tiết kiệm và lợi suất cổ phiếu đã giảm xuống dưới 0%, nghĩa là đầu tư vào cổ phiếu đang có tỉ suất sinh lời cao hơn gửi tiết kiệm, yếu tố giúp dòng tiền tiếp tục chảy vào thị trường trong trung và dài hạn.
Yuanta cho rằng định giá nhóm ngành tài chính hiện vẫn ở mức thấp và hấp dẫn hơn so với nhiều nhóm khác. Trong khi định giá các nhóm phi tài chính đã tiến sát mức trung bình 5 năm, thì nhóm tài chính còn nhiều dư địa tăng trưởng. Điều này dự báo sự phân hóa theo nhóm ngành sẽ tiếp diễn trong tháng 7-2025.
"Tâm lý nhà đầu tư đều lạc quan trong trung và dài hạn. Đồng thời rủi ro vẫn ở mức thấp cho thấy các nhà đầu tư vẫn có cơ hội tìm kiếm lợi nhuận trong trung và dài hạn", phía công ty chứng khoán cho hay.
Bình luận hay