
Sân bay Long Thành đang tăng tốc để kịp đón chuyến bay thương mại đầu tiên vào năm 2026 - Ảnh: BÔNG MAI
Việt Nam đang thực hiện cuộc cải cách toàn diện cả lĩnh vực công lẫn tư, nhằm thúc đẩy tăng trưởng GDP. Một trong những kết quả rõ rệt của nỗ lực này là tốc độ giải ngân đầu tư công đã tăng hơn 40% trong nửa đầu năm 2025, theo dữ liệu từ Bộ Tài chính.
Dự án tỉ đô tăng tốc giải ngân
Sau khi sụt giảm trong năm 2024, giải ngân đầu tư công đã bật tăng trở lại từ quý 2-2025, nhờ hai yếu tố then chốt: nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của đầu tư công và sự đẩy mạnh phân cấp cho chính quyền địa phương. Mục tiêu là rút ngắn quy trình và nâng cao hiệu quả triển khai các dự án trọng điểm.

Ông Michael Kokalari - Ảnh: TL
Đặc biệt, tốc độ giải ngân cấp tỉnh tăng hơn 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhiều địa phương sáp nhập đơn vị hành chính, rút ngắn khâu phê duyệt và đẩy nhanh tiến độ đầu tư.
Cùng với đó, Quốc hội đã thông qua nhiều quy định mới cho phép chính quyền địa phương chủ động hơn trong việc phê duyệt các dự án quy mô lớn.
Chẳng hạn sân bay hay khu đô thị trên 50ha, những dự án trước đây phải trình Thủ tướng xem xét. Các thủ tục cũng đang được tinh giản rõ rệt ở cả cấp trung ương và địa phương, nhất là với các dự án đã hoàn tất hồ sơ và “sẵn sàng triển khai”.
Ông Michael Kokalari - chuyên gia của VinaCapital - cũng nhìn nhận bước cải cách điển hình là việc sáp nhập 63 kho bạc nhà nước cấp tỉnh thành 20 đơn vị khu vực, đồng thời bỏ cấp huyện. Giảm đầu mối, đồng thời cho phép nhà thầu nộp hồ sơ giải ngân trực tuyến, rút ngắn thời gian xử lý từ vài tuần xuống chỉ còn 1-3 ngày.
Chính phủ đang đẩy mạnh mô hình đối tác công tư (PPP), không chỉ trong các dự án truyền thống (đường, cầu, hầm…) mà còn mở rộng sang hạ tầng công nghệ cao như trung tâm dữ liệu. Các dự án từng bị đình trệ như hình thức xây dựng - chuyển giao (BT) cũng đang được tái khởi động.
Đáng chú ý, các dự án quy mô quốc gia cũng đang được đẩy nhanh tiến độ. Thời gian khởi công và hoàn thành một số công trình lớn như sân bay Long Thành (13 tỉ USD), đường vành đai Hà Nội và TP.HCM (13 tỉ USD), tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng (8,4 tỉ USD) đã được rút ngắn tới ba năm.
Thúc đẩy khu vực tư nhân, tác động ra sao với doanh nghiệp lớn?
Ông Michael Kokalari dẫn chứng Chính phủ đang điều chỉnh một số luật quan trọng liên quan đến đầu tư cơ sở hạ tầng nhằm mở đường cho khu vực tư nhân tham gia sâu hơn vào các dự án.
Phía quỹ đầu tư cho rằng Việt Nam hiện ở vị thế tài chính thuận lợi: nợ công dưới 40% GDP, thặng dư ngân sách 5 tháng đầu năm 2025 đạt trên 5% GDP, và vẫn còn hơn 45 tỉ USD chưa giải ngân dành riêng cho các dự án hạ tầng.
Trở ngại lớn nhất trước đây là thủ tục hành chính và pháp lý, giờ đang từng bước được tháo gỡ qua các sáng kiến cải cách đã và đang triển khai.
Theo VinaCaptial, dòng vốn đầu tư hạ tầng gia tăng đang tạo cơ hội rõ nét cho nhiều nhóm doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Trong lĩnh vực BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao) và BT (xây dựng - chuyển giao), các doanh nghiệp như Đầu tư phát triển Cường Thuận IDICO (CTI), Hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII), Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả (HHV) có lợi nhuận tốt, dù vẫn đối mặt với thách thức về vốn lớn và sự nhạy cảm chính sách.
Nhóm nhà thầu gồm Đầu tư phát triển xây dựng (DPG), Tổng công ty Vinaconex (VCG), FECON (FCN), Cienco4 (C4G), Coteccons (CTD) có dòng tiền mạnh, ít phụ thuộc chính sách nhưng biên lợi nhuận thấp.
Trong ngành vật liệu xây dựng, các doanh nghiệp như Hòa Phát (HPG - thép), Hóa An (DHA), VLB, Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương (KSB - đá), Xi măng Hà Tiên 1 (HT1) được hưởng lợi từ chính sách đầu tư công, dù vẫn chịu rủi ro tiến độ dự án và giá bán ổn định.
Ngoài ra, nhóm vận hành hạ tầng như công nghệ - viễn thông ELCOM (ELC) và HHV có dòng tiền ổn định, nhưng tăng trưởng chậm.
Đáng chú ý, Hòa Phát (HPG) nổi bật với vai trò nhà sản xuất thép cho các dự án được Chính phủ ưu tiên phát triển theo Nghị quyết 172 (chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam).
Bình luận hay