
Tom Parker Bowles (phải) và Vương hậu Camilla - Ảnh: Vanity Fair
Tom Parker Bowles là một cây bút ẩm thực nổi tiếng của tờ The Mail on Sunday và Tatler. Ông là tác giả của 9 cuốn sách về ẩm thực, từng đoạt giải thưởng Guild of Food Writers năm 2010.
Tom cũng đồng dẫn chương trình Market Kitchen trên UKTV Food, giám khảo thường xuyên của chương trình Masterchef của BBC cũng như cộng tác viên chuyên gia của nhiều tạp chí uy tín.
Ông cùng Matt Hobbs - bậc thầy đứng sau những câu lạc bộ tư nhân danh giá toàn cầu như Annabel's hay Soho House - tham gia một sự kiện tại Việt Nam trong mấy ngày tới.
Trước đó cây bút ẩm thực này từng dành nhiều sự quan tâm cũng như thiện cảm cho ẩm thực khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Thông tin Tom Parker Bowles sang Việt Nam nhận được sự chú ý của giới ẩm thực bởi những đánh giá của ông chứa cả sức nặng trong đó.
Tại Lễ hội ẩm thực Philippines diễn ra ở Hà Nội hồi tháng 6, đại sứ Philippines tại Việt Nam, ông Meynardo Los Banos Montealegre, kể món sisig đặc trưng của đất nước ông đã trở nên thịnh hành ở London sau khi Tom Parker Bowles khen ngợi món ăn này.

Hình ảnh bánh mì Việt Nam trong bài viết của Tom Parker Bowles trên tờ The Mail on Sunday
Tom Parker Bowles mê gỏi cuốn tôm, bánh mì, phở và bia lạnh Sài Gòn
Tom Parker Bowles từng kể trên tờ The Mail on Sunday về nhà hàng Tân Vân ở Anh, nơi có ảnh gia đình phủ kín tường, nhạc soul-jazz Việt Nam thập niên 1960 phát ra từ loa.
Nhà hàng này bán những món ăn truyền thống Việt Nam. Gỏi cuốn tôm ngon và tươi, tôm áp vào lớp bánh tráng mềm mại như mũi của trẻ con đứng trước cửa hàng bánh kẹo. Bò nướng lá lốt dai dai, thịt bò được tẩm ướp rồi cuộn trong lá lốt xanh thẫm.
Một chén ớt chưng cay nồng đặt bên cạnh cùng với tương ớt quen thuộc, sẵn sàng để rưới và phết lên với sự hào hứng đầy phấn khích.

Nhà hàng Việt Nam mà Tom từng ca ngợi - Ảnh: FBNH
Vừa thưởng thức bia Sài Gòn lạnh rồi cắn bánh mì Việt Nam, Tom cho đó là một cảm giác hoàn hảo với lớp vỏ giòn rụm và ruột mềm. Nhân bánh xứng đáng được ca ngợi với pa tê phết dày, thịt xá xíu, chà bông và những lát thịt nguội thơm mùi quế. Dưa chua, ớt, và nắm rau thơm tươi giúp cân bằng vị béo ngậy của thịt.
Món phở cũng ghi điểm với nước dùng đậm đà, thơm phức, mang hương vị của kiến thức, hoài niệm và thời gian (ninh lâu). Ông thích cảm giác vắt nước cốt chanh, rau thơm, giá đỗ, ớt chưng, tương ớt và tùy chỉnh theo khẩu vị.
"Đó là một trong những sự hấp dẫn của món này và không có hai bát nào giống hệt nhau" - Tom đã húp đến giọt cuối cùng.



Một số món ăn Việt Nam tại nhà hàng Tân Vân (Anh) - Ảnh: FBNH
Đông Nam Á: Thiên đường của mì sợi và món ăn đường phố
Trên tờ Country Life vài tháng trước, Tom Parker Bowles cho rằng "điểm tuyệt vời nhất của các món xúp ở ẩm thực Đông Nam Á là bạn có thể tự chế biến chúng theo ý thích, từ dịu nhẹ, dễ chịu đến cay đến kinh ngạc".
"Đó là một trong những bữa trưa ngon nhất tôi từng được ăn và chẳng có một chiếc khăn trải bàn trắng nào cả. Thậm chí chẳng có ghế tựa mà chỉ là một chiếc ghế nhựa ọp ẹp", Tom viết về bát mì giải rượu mà ông từng ăn trong một túp lều ở ngoại ô nước Lào.
Ông ấn tượng với các loại rau thơm chua chát mà chưa từng thấy/nếm thử, ớt chưng cũng như sợi mì dai dai, nước dùng đậm đà.
Mọi thứ hòa quyện như một bản giao hưởng, có thể sánh ngang với bất kỳ bữa tiệc Michelin nào về hương vị, cảm giác và kết cấu. Tất cả chỉ hơn một bảng Anh.
Tom nói "bạn sẽ tìm thấy những điều tương tự trên khắp Đông Nam Á bởi vì đây là thiên đường của những món mì đích thực, món xúp bổ dưỡng bất cứ lúc nào trong ngày hay đêm: phở Việt Nam, laksas (Malaysia và Singapore), pancit mami (Philippines), soto ayam (Indonesia), ohn no khao swè (Myanmar) và kuy teav (Campuchia)".
Ông từng ấn tượng với một bát mì ăn trên sông, nơi một "quý bà thanh lịch" "lướt nhẹ bên cạnh chiếc thuyền của chúng tôi, chiếc xuồng gỗ nhỏ xíu của bà chứa đầy những nồi nước sôi sùng sục và nước dùng, bên cạnh là các thùng đầy gan heo, cá viên và Chúa mới biết còn gì nữa.
Bà ấy múc đồ ăn ra bát rồi chuyền cho chúng tôi, đợi chúng tôi húp sùm sụp, trả tiền và đưa lại bát. Cay nồng đến tê tái, nó không chỉ thỏa mãn mọi giác quan mà còn khiến tôi cảm thấy hạnh phúc vì được sống", ông chia sẻ.

Hình ảnh món mì tại chợ nổi Damnoen Saduak, một điểm đến nổi tiếng gần Bangkok trong bài viết của Tom Parker Bowles - Ảnh: Alamy
Ngoài các món mì, bún, phở, Tom cũng ấn tượng với các món ăn đường phố ở đây. Chia sẻ với tờ Square Mile, ông từng nói niềm đam mê bất tận với các món ăn đường phố ở Thái Lan, Việt Nam.
"Món Thái, món Việt ngon tuyệt cú mèo, không hề bị mất đi hương vị. Đó là những món tôi thích, dù hơi cầu kỳ một chút, nhưng thật tuyệt vời", Tom nhận xét. Giống như nhiều đầu bếp và nhà phê bình khó tính khác, Parker Bowles không hề nao núng khi ăn "máu, nội tạng và côn trùng".
Thậm chí ông thú nhận đã nếm thử thịt chó trong chuyến thăm Hàn Quốc trong cuốn sách Một năm ăn uống nguy hiểm: Một cuộc phiêu lưu toàn cầu để tìm kiếm những điều cực đoan trong ẩm thực (2007).
Tom viết: "Ẩm thực đường phố là bình dân, nhưng bình dân không có nghĩa là tệ. Tôi vô cùng phấn khích với tất cả những điều đó. Nó không hề phô trương hay xa hoa, đơn giản chỉ vì nó ngon".
Bình luận hay