
Bệ tì tay ngai vàng triều Nguyễn - bảo vật quốc gia bị khách tham quan bẻ thành nhiều khúc - Ảnh: Cắt từ clip
Vụ một nam du khách vượt qua hàng rào bảo vệ, leo lên ngồi xếp bằng trên ngai vàng triều Nguyễn đặt tại điện Thái Hòa (Đại nội Huế), sau đó bẻ gãy phần bệ tì tay của ngai vàng thành nhiều khúc, nhiều bạn đọc cho rằng có sự sơ hở trong khâu bảo vệ, quản lý.
Bạn đọc Mạnh Quang gửi đến Tuổi Trẻ Online bài viết chia sẻ thêm góc nhìn xung quanh vụ việc trên.
Những lớp "rào chắn"
Gần đây, có dịp quay trở lại quần thể di tích Angkor (Campuchia), tôi nhận thấy nhiều khu vực đã rào chắn lại, không cho du khách đi vào nữa, mà chỉ có thể đứng từ bên ngoài tham quan, chụp ảnh.
Việc này nhằm bảo vệ các đền tháp, phù điêu đã tồn tại hàng trăm năm qua khỏi tác động tiêu cực từ lượng khách ngày càng gia tăng.
Ngoài hàng rào gỗ, dây được giăng ra, còn có "rào chắn chạy bằng cơm" hoạt động cũng khá hiệu quả.
Chỉ cần ai đó cố tình hoặc vô ý vượt qua khu vực giới hạn, nếu không bị các du khách khác nhắc nhở thì cũng gần như ngay lập tức có nhân viên của khu di tích xuất hiện và chấn chỉnh ngay.
Với nhiều du khách, đặc biệt là khi đi du lịch nước ngoài, việc tham quan, tìm hiểu các di tích, các bảo vật, cổ vật thường được quan tâm.
Thông thường, bảo vật quốc gia trưng bày trong bảo tàng sẽ được đặt trang trọng trong các lồng kính với nhiều lớp bảo vệ, gồm cả con người, camera, hệ thống cảm biến.
Với hệ thống bảo vệ như vậy, cộng thêm lượng khách tham quan thường xuyên tới lui, cùng với sự tự ý thức, chẳng mấy ai có ý định xâm hại hoặc tiếp cận các bảo vật này.
Tại Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc ở Seoul, để thu hút khách tham quan, ban quản lý ở đây đã tạo ra một số bản sao của bảo vật quốc gia, như vương miện thời xưa chẳng hạn và đặt ở một góc.
Điều này vừa thỏa trí tò mò, muốn chạm, muốn thử của một số du khách, vừa nâng cao tính tương tác, giáo dục và cũng giữ cho khách tránh xa mẫu thật.
Nhưng với các loại bảo vật trong không gian mở, cụ thể là các khu vực cung điện, lăng tẩm như Điện Thái Hòa (Huế) thì rõ ràng việc đặt bảo vật, như đặt ngai vàng của vua vào trong tủ kính là điều không nên làm.
Bởi bảo vật như vậy cần ở trong đúng không gian hài hòa, thể hiện được giá trị văn hóa, lịch sử mà vật thuộc về.
Tôi cũng đã thấy điều tương tự khi tham quan chính điện của Cố Cung (Bắc Kinh, Trung Quốc), hay cung điện Changdeokgung (Seoul, Hàn Quốc).
Ở những nơi này, ngai vua cũng được đặt ở vị trí vốn có, trong cung điện với không gian mở, du khách chỉ có thể đứng từ xa, qua một lớp rào gỗ, hoặc thậm chí chỉ có thể đứng từ bên ngoài các gian cửa, ô cửa được mở sẵn để tham quan, chụp ảnh.
Nhân viên khu di tích ít xuất hiện, mà nếu có cũng đứng ở một góc để quan sát, vừa không làm ảnh hưởng đến trải nghiệm của khách.
Cần tạo ra "vành đai" rộng hơn để bảo vệ bảo vật
Sau sự việc xảy ra ở Huế, có ý kiến cho rằng nên cho nhân viên bảo vệ thường xuyên tuần tra, đi tới đi lui, hoặc thậm chí trang bị vũ khí để khống chế những hành vi thiếu ý thức.
Tôi nghĩ không nên làm vậy, bởi chẳng du khách nào muốn bước vào một không gian cổ kính để tham quan, chiêm nghiệm văn hóa, lịch sử, kiến trúc mà lại phải chứng kiến những hình ảnh như thế. Đa phần khách khi đến tham quan những nơi này đều có ý thức tốt, ít khi vượt qua khu vực giới hạn.
Trường hợp muốn chủ động ngăn ngừa những hành vi thiếu ý thức, nên chăng tạo một "vành đai" rộng hơn để bảo vật các cổ vật, bảo vật. Du khách chỉ có thể ở trong khu vực được cho phép để tham quan, chụp ảnh, thay vì thoải mái đi lại, tiến sát bảo vật.
Và nên chăng có nhân viên túc trực thường xuyên ở một góc dễ quan sát, có sẵn nút bấm báo động khi cần thiết. Hiện đại hơn thì lắp hệ thống cảm biến tự động phát cảnh báo ngay khi có người cố tình xâm nhập, hoặc vượt qua khu vực được cho phép?
Như vậy du khách vẫn có thể tham quan, không cảm thấy "áp lực" khi thấy hằng hà nhân viên bảo vệ đứng chắn trước mắt, mà vẫn đảm bảo an toàn cho các cổ vật, bảo vật?
Bình luận hay