
Con người phát minh ra lò vi sóng để làm nóng thức ăn nhanh hơn, nhờ đó mang lại lợi ích về mặt dinh dưỡng - Ảnh: FREEPIK
Trang Vox khẳng định lò vi sóng khá an toàn khi sử dụng, và không phải bạn đang hấp thụ bức xạ hạt nhân độc hại.
Bức xạ từ lò vi sóng có hại không?
Lò vi sóng tạo ra loại bức xạ hoàn toàn khác với phản ứng hạt nhân. Khi bom hạt nhân nổ, nó phát ra bức xạ ion hóa có thể phá hủy tế bào, gây ung thư và nhiều bệnh nguy hiểm khác. Lò vi sóng thì không như vậy.
Bức xạ của lò vi sóng là "không ion hóa", giống như sóng radio hay ánh sáng. Loại bức xạ này yếu hơn nhiều so với bức xạ ion hóa và không đủ năng lượng để làm biến đổi DNA.
Dù tiếp xúc trực tiếp, kéo dài với cường độ mạnh có thể gây tổn thương mô, nhưng theo CDC (Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ), bức xạ không ion hóa là thứ con người vẫn tiếp xúc hằng ngày mà không gặp nguy hiểm rõ rệt.
Ánh sáng nhìn thấy - từ mặt trời hay bóng đèn - cũng là một dạng bức xạ không ion hóa và được não bộ chuyển thành hình ảnh.
Lò vi sóng còn được FDA (Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ) giám sát nghiêm ngặt để hạn chế tối đa rủi ro rò rỉ bức xạ. Theo cơ quan này, tai nạn do bức xạ từ lò vi sóng là rất hiếm, chỉ xảy ra trong những trường hợp bất thường hoặc khi thiết bị hư hỏng nặng.
EPA (Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ) cũng khẳng định "bức xạ không ion hóa trong lò vi sóng không làm thực phẩm nhiễm phóng xạ" và không làm giảm giá trị dinh dưỡng.
Bác sĩ Anthony Komaroff (ĐH Harvard) từng viết năm 2019 rằng "nấu bằng lò vi sóng thực ra là cách ít làm mất chất dinh dưỡng nhất".
Lò vi sóng ra đời để giúp làm nóng thức ăn nhanh, nhờ đó giữ được nhiều dưỡng chất. Vì nhiệt làm hao hụt vitamin và khoáng chất, nên thời gian nấu càng ngắn thực phẩm càng giữ được nhiều giá trị dinh dưỡng.
So với luộc, phương pháp khiến dưỡng chất tan vào nước, thì lò vi sóng giữ chất tốt hơn.
Việc so sánh với các cách nấu như nướng, xào hay chiên không dầu còn tùy loại rau củ, nhưng nhìn chung, xét về mặt dinh dưỡng, lò vi sóng không hề thua kém.
Lưu ý gì để dùng lò vi sóng an toàn?
Tuy nhiên, khi sử dụng lò vi sóng có ít nhất hai điểm cần lưu ý. Thứ nhất, theo Vox, hãy chắc chắn bạn dùng vật đựng an toàn. Tuyệt đối không cho kim loại vào lò, và tránh dùng tô hay hộp nhựa.
Mối lo về vi nhựa như BPA và PFAS hiện nay là hoàn toàn có cơ sở. Nhiều nghiên cứu cho thấy các hóa chất này có thể ngấm vào thức ăn khi bị đun nóng trong lò vi sóng. Khi đi vào cơ thể, chúng có thể gây tổn thương tim, ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, chức năng nhận thức và các cơ quan khác.
Vì vậy hãy chọn đựng thực phẩm bằng thủy tinh hoặc gốm sứ, và kiểm tra kỹ xem vật đó có ghi "an toàn cho lò vi sóng" hay không. Đồng thời, nếu đã dùng lâu ngày hoặc vật chứa bị nứt, trầy, bạn nên thay mới để hạn chế nguy cơ rò rỉ hóa chất.
Một rủi ro khác được các cơ quan y tế cảnh báo là nguy cơ phỏng. Lò vi sóng có thể làm nóng rất mạnh, dễ gây bỏng khi bạn chạm vào thức ăn hoặc ăn ngay khi còn quá nóng. Đây mới là điều mà FDA khuyến cáo người tiêu dùng cần chú ý, chứ không phải những đột biến kiểu hạt nhân.
Bình luận hay