06/05/2025 08:19 GMT+7
Trở lại chủ đề

Kinh tế tư nhân: Động lực quan trọng nhất của nền kinh tế

Bộ Chính trị vừa ban hành nghị quyết số 68 về phát triển kinh tế tư nhân, trong đó đặt mục tiêu đến năm 2030 có 2 triệu doanh nghiệp tư nhân hoạt động trong nền kinh tế và đóng góp 55 - 58% GDP đất nước.

Kinh tế tư nhân: Động lực quan trọng nhất của nền kinh tế - Ảnh 1.

Nghị quyết 68 được kỳ vọng là đòn bẩy giúp khu vực kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ. Trong ảnh: công nhân làm việc tại một doanh nghiệp tư nhân sản xuất kính ở Khu công nghiệp Tam Phước (Đồng Nai) - Ảnh: ĐÌNH PHÚC

Nghị quyết được kỳ vọng sẽ mở ra kỷ nguyên đột phá cho khu vực kinh tế năng động này và cụ thể hóa các giải pháp để phát huy tối đa vai trò, đưa kinh tế tư nhân trở thành "động lực quan trọng nhất" và là "lực lượng tiên phong" của nền kinh tế.

Xóa bỏ định kiến về kinh tế tư nhân

Về quan điểm phát triển kinh tế tư nhân, Bộ Chính trị xác định kinh tế tư nhân là lực lượng tiên phong thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh quốc gia, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng xanh, tuần hoàn, bền vững.

Cùng với kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân giữ vai trò nòng cốt để xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả, đưa đất nước thoát khỏi nguy cơ tụt hậu, vươn lên phát triển thịnh vượng.

Xóa bỏ triệt để nhận thức, tư tưởng, quan niệm, thái độ định kiến về kinh tế tư nhân Việt Nam; đánh giá đúng vai trò quan trọng của kinh tế tư nhân đối với phát triển đất nước; nuôi dưỡng và khuyến khích tinh thần kinh doanh, đổi mới sáng tạo của người dân và doanh nghiệp, tôn trọng doanh nghiệp.

Đặc biệt nghị quyết đã nêu quan điểm về bảo đảm đầy đủ quyền sở hữu tài sản, quyền tự do kinh doanh, quyền cạnh tranh bình đẳng, được tự do kinh doanh các ngành nghề pháp luật không cấm. Tạo dựng, củng cố niềm tin giữa Nhà nước và khu vực kinh tế tư nhân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, doanh nhân.

Bảo đảm kinh tế tư nhân cạnh tranh bình đẳng với các thành phần kinh tế khác trong tiếp cận cơ hội kinh doanh và các nguồn lực của nền kinh tế, nhất là vốn, đất đai, công nghệ, nhân lực, dữ liệu và các nguồn lực hợp pháp khác của đất nước theo quy định của pháp luật.

Tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, ổn định, an toàn, dễ thực thi, chi phí thấp, đạt chuẩn quốc tế, bảo đảm khả năng cạnh tranh khu vực và toàn cầu. Xây dựng, hoàn thiện pháp luật và cơ chế, chính sách đột phá để khuyến khích kinh tế tư nhân phát triển trong những lĩnh vực ưu tiên, đầu tư nghiên cứu phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, tham gia vào các nhiệm vụ quan trọng, chiến lược của quốc gia và vươn tầm khu vực, thế giới.

Chấm dứt thanh tra, kiểm tra chồng chéo

Nghị quyết đặt ra yêu cầu phải thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp sáng tạo, chuyển đổi số và làm giàu hợp pháp, chính đáng. Tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, kiến tạo của Nhà nước, lấy doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ doanh nhân có đạo đức, văn hóa kinh doanh, bản lĩnh, trí tuệ, năng động, sáng tạo, nỗ lực vươn lên.

Cũng tại nghị quyết 68, Bộ Chính trị đưa ra tám nhóm nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế tư nhân trong những năm tới. Theo đó, trong năm 2025 hoàn thành việc rà soát, loại bỏ những điều kiện kinh doanh không cần thiết, quy định chồng chéo, không phù hợp, cản trở sự phát triển của doanh nghiệp.

Giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính, 30% chi phí tuân thủ, cắt giảm ít nhất 30% điều kiện kinh doanh và tiếp tục cắt giảm trong các năm tiếp theo. Rà soát, hoàn thiện và thực thi hiệu quả quy định pháp luật về bảo vệ quyền sở hữu tài sản, trong đó có quyền sở hữu trí tuệ, tài sản vô hình, giảm thiểu rủi ro pháp lý.

Chấm dứt tình trạng thanh tra, kiểm tra chồng chéo, trùng lặp, kéo dài không cần thiết. Cho phép địa phương sử dụng ngân sách để hỗ trợ chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, vườn ươm công nghệ trên cơ sở yêu cầu các chủ đầu tư dành một phần quỹ đất đã đầu tư cho doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.

Có chính sách giảm tối thiểu 30% tiền thuê đất cho các đối tượng này kể từ ngày ký hợp đồng thuê đất. Triển khai chương trình đào tạo, bồi dưỡng 10.000 giám đốc điều hành, huy động các doanh nhân thành đạt tham gia đào tạo, chia sẻ kinh nghiệm, truyền cảm hứng. Ban hành khung pháp lý thử nghiệm có kiểm soát đối với công nghệ mới, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới.

Doanh nghiệp được trích tối đa 20% thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp để lập quỹ phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, nghiên cứu phát triển.

Những mục tiêu nhanh, mạnh cho kinh tế tư nhân

Nghị quyết 68 xác định đến năm 2030 kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia, là lực lượng tiên phong trong phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Nghị quyết đặt ta mục tiêu phấn đấu có 2 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế, 20 doanh nghiệp hoạt động/ngàn dân và có ít nhất 20 doanh nghiệp tư nhân lớn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

Tốc độ tăng trưởng bình quân của kinh tế tư nhân đạt 10 - 12%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế, đóng góp 55 - 58% GDP, 5 - 40% tổng thu ngân sách nhà nước, giải quyết việc làm cho 84 - 85% tổng số lao động, năng suất lao động tăng bình quân 8,5 - 9,5%/năm. Nghị quyết 68 đặt mục phấn đấu đến năm 2045 có ít nhất 3 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế, đóng góp trên 60% GDP.

PGS.TS Võ Đại Lược (chủ tịch hội đồng quản lý Trung tâm Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương):

Mở ra không gian phát triển cho kinh tế tư nhân

Việc Bộ Chính trị ban hành nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân vào thời điểm này là thực sự cần thiết với sự phát triển kinh tế đất nước. Hơn nữa việc đặt trọng tâm, động lực phát triển đất nước vào khu vực tư nhân là định hướng đúng đắn bởi đây là khu vực năng động, có đóng góp lớn cho tăng trưởng, tạo việc làm trong những năm vừa qua.

Chúng ta đã thực hiện đổi mới lần 1 với định hướng phát triển kinh tế nhiều thành phần, mở ra không gian phát triển cho kinh tế hộ gia đình, kinh tế tư nhân. Trong thời điểm người đứng đầu Đảng, Nhà nước mong muốn đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình, đưa nước ta trở thành nước phát triển thì việc mở không gian phát triển mạnh mẽ khu vực tư nhân là thực sự cần thiết. Theo đó, khu vực kinh tế nhà nước có thể thu hẹp lại để tạo dư địa cho khu vực tư nhân phát triển.

Trước nghị quyết 68, chúng ta đã có nghị quyết 57 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Thực tế những năm qua cho thấy chỉ có khu vực tư nhân mới có không gian tối ưu cho phát triển, ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Việc mở ra không gian, tạo thuận lợi cho tư nhân phát triển sẽ thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, cải thiện năng suất lao động, đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển.

Ông Đoàn Võ Khang Duy (tổng giám đốc Công ty CP công nghiệp AMECO):

Khơi thông chính sách để vốn "bơm" đúng chỗ

Là doanh nghiệp tư nhân hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu, tôi rất tâm đắc với các nội dung nêu ra trong nghị quyết 68, trong đó cho phép đánh giá việc đa dạng hóa nguồn vốn cho doanh nghiệp dựa trên dòng tiền, uy tín và tài sản vô hình...

Theo tôi, đây là thay đổi mang tính "mở khóa" cho hàng loạt doanh nghiệp nhỏ, công nghệ, khởi nghiệp tiếp cận được nguồn vốn bởi không phải ai cũng có đất, nhà để thế chấp nhưng họ có năng lực, có thị trường và khát vọng phát triển. Để nguồn vốn được bơm đúng chỗ, cần xây dựng công phu thang điểm tín nhiệm doanh nghiệp minh bạch, chấm điểm cả về khả năng trả nợ, quản trị, đổi mới, ổn định, tuân thủ, khả năng tiếp kết nối thị trường...

Và đặc biệt, phải ưu tiên dòng vốn cho doanh nghiệp tạo ra sản phẩm giá trị cao, xuất khẩu, xanh và tạo việc làm tốt, tránh tài trợ nhầm cho mô hình "bán vốn, gia công giá rẻ hay thương mại đơn giản". Quan trọng hơn nữa là mô hình trả vay như ân hạn, thời hạn vay cũng quan trọng không kém việc bù lãi suất, hạn mức tín chấp, bảo lãnh. Khi đó, chính sách mới này mới thực sự trở thành một bệ phóng cho phát triển bền vững.

TS Võ Chí Thành (viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thương hiệu và cạnh tranh):

Quyết liệt trong thực thi giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân

Có một số vấn đề quan trọng, đó là tính quyết liệt, hiệu quả trong thực thi các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân; tạo lập lại, củng cố vững chắc hơn niềm tin của thị trường, các nhà đầu tư, doanh nghiệp. Niềm tin này phụ thuộc vào việc ứng phó với các biến động thế giới, ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện quyết liệt hơn các giải pháp trong đó có những giải pháp đột phá đã được đưa ra trong nghị quyết 68.

Điểm mới và rõ nhất của nghị quyết đó là thay đổi nhận thức về vai trò khu vực tư nhân. Cùng với sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, nghị quyết đưa ra các giải pháp có tính đột phá để thúc đẩy phát triển khu vực tư nhân với mục tiêu thực hiện khát vọng thịnh vượng và phát triển. Các giải pháp đột phá của nghị quyết được thể hiện qua các khía cạnh là môi trường đầu tư kinh doanh; sự tương tác, ứng xử của Nhà nước với khu vực kinh tế tư nhân; và đưa ra những giải pháp mạnh mẽ, cụ thể để hỗ trợ khu vực này phát triển.

Các giải pháp này được thiết kế để tương thích với việc Việt Nam đang chuyển đổi sang xây dựng một nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập sâu rộng. Tuy nhiên để thực thi có hiệu quả, cần phải thể chế hóa nghị quyết thành các khuôn khổ chính sách, pháp luật. Việc này liên quan chặt chẽ đến vấn đề cải cách bộ máy nhà nước. Bên cạnh nỗ lực từ phía Nhà nước, bản thân các doanh nghiệp, những người làm kinh doanh cũng phải có những nỗ lực để tạo ra sự cộng hưởng từ chính sách, thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển vượt bậc.

Thủ tướng: Kinh tế tư nhân cần đặt trong 'bộ tứ chiến lược'

Phát triển kinh tế tư nhân phải đồng thời gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, tái cơ cấu đầu tư nước ngoài, tái cơ cấu doanh nghiệp, tái cơ cấu thị trường.

Bình luận hay

Chia sẻ

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
Tối đa: 1500 ký tự

Tin cùng chuyên mục

Lộ diện những 'cá mập' vừa rút vốn, thoái bớt vốn khỏi Sacombank

Quỹ KIM Vietnam Growth Equity Fund vừa rút vốn khỏi danh sách nắm trên 1% vốn Sacombank chỉ sau thời gian ngắn góp mặt, trong khi một số cổ đông tổ chức khác hạ bớt tỉ trọng nắm giữ cổ phiếu.

Lộ diện những 'cá mập' vừa rút vốn, thoái bớt vốn khỏi Sacombank

Doanh nghiệp lên tiếng về giá điện tăng, nhiều nơi gồng mình giữ giá bán

Giá điện vừa tăng thêm 4,8%, nâng tổng mức tăng trong 3 năm qua lên 17%, gây áp lực lớn lên sản xuất, kinh doanh và đời sống người lao động.

Doanh nghiệp lên tiếng về giá điện tăng, nhiều nơi gồng mình giữ giá bán

‘Ông chủ mới’ kín tiếng nắm 99,99% vốn của VNPAY là ai?

Công ty cổ phần Tập đoàn Cuộc Sống Việt (VNLIFE) đã trở thành cổ đông ngoại lớn chiếm 99,99% vốn của Công ty cổ phần Giải pháp thanh toán Việt Nam (VNPAY), tương ứng số vốn 3.568,5 tỉ đồng.

‘Ông chủ mới’ kín tiếng nắm 99,99% vốn của VNPAY là ai?

Siêu thị tăng cường siết chặt chất lượng hàng hóa với 'Tick xanh trách nhiệm'

Nhiều hệ thống bán lẻ tại TP.HCM đang tăng cường siết chặt việc kiểm soát chất lượng hàng hóa thông qua chương trình 'Tick xanh trách nhiệm'.

Siêu thị tăng cường siết chặt chất lượng hàng hóa với 'Tick xanh trách nhiệm'

Thích ứng thuế Mỹ: tăng tiếp cận khách hàng kiều bào

Chuyên gia tại Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - Việt Nam gợi ý một số hướng đi cho doanh nghiệp thích ứng với các chính sách thuế đối ứng từ Mỹ; bao gồm chuyển đổi mô hình sản xuất, chủ động tiếp cận tệp khách hàng như kiều bào Việt Nam.

Thích ứng thuế Mỹ: tăng tiếp cận khách hàng kiều bào

Một công ty bất động sản lên kế hoạch doanh thu tăng 9.565 lần, chia cổ tức tiền mặt 435%

VEF sắp trình cổ đông duyệt phương án chi trả cổ tức từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lũy kế đến 31-12-2024 với tỉ lệ 135%, và tạm ứng cổ tức từ lợi nhuận sau thuế của quý 1-2025 với 300%.

Một công ty bất động sản lên kế hoạch doanh thu tăng 9.565 lần, chia cổ tức tiền mặt 435%
Tất cả bình luận (0)
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng, xin vui lòng viết bằng tiếng Việt có dấu.
Được quan tâm nhất
Mới nhất
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đâu tiên bình luận về bài viết.
Tối đa: 1500 ký tự
Avatar
Đăng ký bằng email
Khi bấm "Đăng ký" đồng thời bạn đã đồng ý với điều khoản của toà soạn Đăng ký
Đăng nhập
Thông tin bạn đọc Thông tin của bạn đọc sẽ được bảo mật an toàn và chỉ sử dụng trong trường hợp toà soạn cần thiết để liên lạc với bạn.
Gửi bình luận
Đóng
Hoàn thành
Đóng

Bình luận (0)
Tối đa: 1500 ký tự
Tất cả bình luận (0)
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng, xin vui lòng viết bằng tiếng Việt có dấu.
Được quan tâm nhất
Mới nhất
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đâu tiên bình luận về bài viết.
Tối đa: 1500 ký tự
Avatar