
Dự án bất động sản trên đường Võ Nguyên Gíap, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Lần trước, đã lâu lắm rồi, khi Nhà nước áp thuế thu nhập cá nhân với hoạt động mua bán bất động sản. Nhưng lần này có hẳn một mức thuế với những người lướt sóng bất động sản - cụ thể là nắm giữ bất động sản dưới hai năm.
Mức thu sẽ là 20% trên chênh lệch giữa giá mua - bán hoặc 10% trên giá bán nếu không xác định được chi phí, có nghĩa là thuế thu nhập cá nhân với trường hợp này đã tăng gấp 5 lần, thay vì mức 2% cho mọi trường hợp, không phân biệt "lướt sóng" (đầu cơ) hay đầu tư, thậm chí là mua để làm của sau đó cần bán lại.
Cái hay của đề xuất này, nếu được ban hành là lần đầu tiên thuế đã thể hiện được "quyền uy" của mình, đó là điều chỉnh thị trường bất động sản. Nhà nước không cấm đầu cơ nhưng nếu mua bán ngay thì phải chịu thuế cao.
Điều đó cũng có nghĩa là nhường lại các sản phẩm bất động sản cho những người có nhu cầu thực, giữ giá bất động sản ở mức hợp lý thay vì cứ liên tục tăng cao ngất ngưởng vượt quá sức mua của phần lớn người dân có nhu cầu về nhà ở.
Công bằng mà nói, đề xuất thuế đầu cơ là quá chậm, gây hệ lụy là bởi từ nhiều năm qua, hầu hết các báo cáo về thị trường bất động sản đều có một câu mà ai cũng nhớ, đó là "khan hiếm nguồn cung" do các thủ tục phức tạp về nhà đất.
Và trong bối cảnh "khan hiếm nguồn cung" ấy, thuế thu nhập cá nhân với bất động sản chỉ có một mức, ông "lướt sóng" cũng như ông đầu tư hay người có nhiều hơn một bất động sản có nhu cầu chuyển đổi nhà cùng chịu thuế 2% thì rõ ràng giới đầu cơ đã được dọn chỗ, dọn đất, tạo không gian để tung hoành.
Một khảo sát của một đơn vị tư vấn từ 1.000 nhà đầu tư bất động sản Việt cho thấy 59% mua bất động sản chủ yếu với mục đích đầu tư thay vì để ở và tỉ lệ lớn người đang sở hữu bất động sản muốn bán trong một năm tới.
Điều này cho thấy người Việt muốn đầu tư nhà đất và thường bán nhanh khi được giá.
Thông thường với phân khúc đất nền và căn hộ cao cấp, các nhà đầu tư thường "lướt sóng" trong vòng 6 - 18 tháng để tối ưu lợi nhuận khiến cho rất nhiều khu đô thị đều có chủ sở hữu nhưng lại... bỏ hoang.
Việc thực thi thuế với người "lướt sóng" sẽ định hình lại thị trường bất động sản, nhất là giá sẽ không còn lù lù đi lên.
Dòng vốn dồn vào đầu cơ bất động sản sẽ dịu lại. Chắc chắn trong khi những nhà đầu cơ đã kiếm lời kha khá từ mức thuế bất hợp lý, nay sẽ phải dè chừng, đầu cơ ở mức vừa phải.
Và tất nhiên, người đang có nhu cầu nhà ở dần có thể mỉm cười, dù giá bất động sản không thể giảm ngay nhờ thuế nhưng chí ít, đà tăng giá có thể thay đổi khi lực lượng đầu cơ phải cân nhắc, dè chừng bài toán tài chính có mức thuế cao gấp hai lần trước.
Nhưng nếu chỉ có đánh thuế cao với người "lướt sóng" bất động sản vẫn chưa đủ. Thế những người có vốn, họ sẵn sàng mua nhà đất để đó thì sao? Họ mua, nếu để hơn hai năm thậm chí nhiều năm mới bán thì đâu phải chịu thuế cao.
Đấy chính là mảnh ghép tiếp theo cần phải có của chính sách thuế để điều tiết thị trường bất động sản, tránh những tình trạng hoang hóa bất động sản đang diễn ra phổ biến ở nhiều nơi như nghị quyết 18 đã ghi "quy định mức thuế cao hơn đối với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, đầu cơ đất, chậm sử dụng đất, bỏ đất hoang".
Khi người "lướt sóng" phải tính toán nát óc khi xuống tiền, rồi Nhà nước tháo gỡ thủ tục, tăng cường xây nhà ở giá thấp, khi đó cơ hội cho người có nhu cầu nhà ở mới le lói.
Bình luận hay