
Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT 2025 tại điểm thi THPT Lê Quý Đôn, quận 3, TP.HCM - Ảnh: THANH HIỆP
Thế là kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 - kỳ thi tốt nghiệp đầu tiên theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 - đã trôi qua. Đến thời điểm này, khi Bộ GD-ĐT đã công bố phổ điểm chi tiết của từng môn thi thì dư luận vẫn tranh cãi dữ dội về độ khó dễ của đề thi, nhất là đề thi môn toán và tiếng Anh.
Trong đó, một bên cho rằng đề thi như năm nay là phân hóa thí sinh rất tốt, phổ điểm khá đẹp với dạng hình chuông, rất cần thiết và phù hợp để xét tuyển vào đại học.
Nhưng một bên lại phản ứng kịch liệt vì cho rằng đề thi toán, tiếng Anh quá khó so với mặt bằng chung thí sinh cả nước, không phù hợp với một kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Vì sao như vậy?
Vì Bộ GD-ĐT đã quá ôm đồm, đặt ra quá nhiều mục đích cho kỳ thi này.
Theo quy chế thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD-ĐT (thông tư 24 năm 2024), mục đích tổ chức thi tốt nghiệp THPT nhằm đánh giá đúng kết quả học tập của người học theo mục tiêu và chuẩn cần đạt của chương trình giáo dục phổ thông 2018; lấy kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm một trong các cơ sở để đánh giá chất lượng dạy - học của cơ sở giáo dục phổ thông cũng như công tác chỉ đạo của các cơ quan quản lý giáo dục; cung cấp dữ liệu đủ độ tin cậy cho các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp sử dụng trong tuyển sinh theo tinh thần tự chủ.
Quả là khó khăn và thử thách đối với người ra đề thi tốt nghiệp THPT. Một đề thi chung sẽ rất khó đáp ứng được tất cả mục đích kể trên, nhất là khi hai mục đích chính hoàn toàn khác nhau về bản chất.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT để xét công nhận tốt nghiệp cho học sinh theo chuẩn cần đạt của chương trình. Còn kỳ thi tuyển sinh đại học là lựa chọn người giỏi, người có đủ năng lực để học tập ở bậc cao hơn theo một chuyên ngành nhất định.
Nhìn lại kỳ thi 2 trong 1 những năm gần đây sẽ thấy ngay sự bất cập ấy. Có năm đề thi ra theo kiểu "vui vẻ cả làng" với những câu hỏi "dễ thở", nhẹ nhàng, vừa sức thí sinh.
Kết quả là những "cơn mưa điểm 10" xuất hiện. Kéo theo đó là tình trạng lạm phát điểm chuẩn tuyển sinh đại học. Trong đó có thí sinh đạt 10 điểm mỗi môn vẫn trượt nguyện vọng 1 khi dự tuyển vào đại học (như ở mùa thi năm 2021, 2022).
Ngược lại là tình hình của mùa thi năm nay.
Đó là chưa kể vì một kỳ thi đặt ra quá nhiều mục đích nên đa số phụ huynh, học sinh và cả nhà trường xem nó là một lần "vượt vũ môn" của các chàng trai, cô gái tuổi 18.
Được xem là kỳ thi quan trọng, quyết định tương lai của cả một đời người nên khi làm bài không được như ý; một số thí sinh đã không ăn, không ngủ, có những hành động tiêu cực… Các em thất vọng về bản thân, hoài nghi về cuộc đời…
Trong khi đó chương trình giáo dục phổ thông 2018 được giới chuyên môn đánh giá là một bước ngoặt của quá trình đổi mới giáo dục Việt Nam.
Điểm nổi bật nhất, được người dân đồng thuận nhất chính là việc dạy học chuyển trọng tâm từ trang bị kiến thức sang phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh.
Việc kiểm tra, đánh giá học sinh cũng chuyển trọng tâm từ việc kiểm tra kiến thức sang đánh giá năng lực của học sinh thông qua các tình huống thực tiễn.
Thế thì tại sao không mạnh dạn tách bạch ra, trả lại cho kỳ thi tốt nghiệp THPT về đúng với bản chất của nó: xét công nhận tốt nghiệp THPT.
Công tác tuyển sinh đại học cũng nên trao về cho các trường đại học chủ động thực hiện, nhất là trong bối cảnh việc tuyển sinh đại học đã và đang có rất nhiều phương thức.
Kỳ thi đánh giá năng lực của các trường đại học cũng ngày càng tạo được sự tin cậy, nội dung đề thi lại phù hợp với định hướng đổi mới của chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Bình luận hay