
Hoạt động đào tạo nhân lực ngành công nghệ thông tin tại phòng lab AI tại Trường đại học FPT phân hiệu Quy Nhơn, tỉnh Bình Định - Ảnh: VÂN ANH
Ngày 25-5, UBND tỉnh Bình Định thông tin ông Lâm Hải Giang, phó chủ tịch UBND tỉnh, đã ký ban hành quyết định phê duyệt đề án phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, an toàn và an ninh mạng giai đoạn 2025 - 2030.
Mục tiêu của đề án này là đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong các lĩnh vực công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI), an toàn và an ninh mạng.
Đáp ứng nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp và thị trường lao động tại tỉnh này.
Đồng thời định hướng xây dựng Bình Định thành trung tâm đào tạo, nghiên cứu và ứng dụng công nghệ cao hàng đầu.
Góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của nền kinh tế số và công nghiệp công nghệ cao tại Việt Nam.
Theo đề án trên, giai đoạn 2025 - 2030, tỉnh Bình Định đặt mục tiêu đào tạo ít nhất 7.500 nhân lực trong các ngành liên quan.
Cụ thể: đào tạo hơn 4.000 cử nhân và kỹ sư thuộc các chuyên ngành thiết kế vi mạch, đóng gói và kiểm thử vi mạch, AI, an toàn và an ninh mạng. Ngoài ra, phấn đấu đào tạo khoảng 1.000 kỹ sư thực hành trong lĩnh vực này.
Đề án còn đặt mục tiêu đào tạo ngắn hạn nâng cao kiến thức cho 2.500 kỹ sư, cử nhân thuộc các ngành gần như điện tử - viễn thông, kỹ thuật điện, tự động hóa, công nghệ thông tin… Bồi dưỡng nâng cao trình độ cho 95 giảng viên và đào tạo 5 tiến sĩ về công nghiệp bán dẫn, AI, an toàn và an ninh mạng.
Về cơ sở vật chất, tỉnh Bình Định sẽ xây dựng một hệ thống phòng thí nghiệm bán dẫn dùng chung được trang bị đầy đủ để phục vụ đào tạo và nghiên cứu về các công đoạn thiết kế, đóng gói và kiểm thử. Dự kiến phòng thí nghiệm bán dẫn này sẽ đặt tại Trường đại học Quy Nhơn với kinh phí đầu tư 120 tỉ đồng.
Để triển khai đề án trên, các cơ sở giáo dục, trường đại học tại Bình Định sẽ mở các ngành đào tạo mới, cập nhật chương trình đào tạo các ngành có liên quan và tăng cường hợp tác đào tạo với các trường đại học trong, ngoài nước có thế mạnh trong lĩnh vực trên.
Theo đề án, việc hình thành và phát triển lực lượng lao động chất lượng cao trong lĩnh vực này sẽ đóng góp vào việc thu hút đầu tư, đặc biệt là công nghiệp bán dẫn, AI, an toàn và an ninh mạng tại Bình Định.
Thúc đẩy phát triển mạnh mẽ lĩnh vực công nghệ cao, hiện thực hóa mục tiêu đưa Bình Định trở thành trung tâm khoa học - công nghệ và công nghiệp công nghệ cao của Việt Nam vào năm 2050.
Sinh viên học bán dẫn, trí tuệ nhân tạo được vay vốn không lãi suất 40 triệu đồng/năm
Để khuyến khích người học các ngành trên, tỉnh Bình Định sẽ cho vay vốn đóng học phí với lãi suất ưu đãi cho sinh viên tham gia chương trình cử nhân và kỹ sư. Dự kiến cho vay 40 triệu đồng/năm và hỗ trợ miễn lãi suất trong thời gian đào tạo. Nguồn kinh phí cho hoạt động này khoảng 118 tỉ đồng.
Ngoài ra, để thu hút nhân lực chất lượng cao, tỉnh Bình Định có chính sách miễn giảm thuế thu nhập cá nhân cho chuyên gia đầu ngành về công tác và hỗ trợ nhà ở.
Bình luận hay