
320 triệu cây bị sét đánh chết mỗi năm có thể giải phóng tới một tỉ tấn khí CO₂ - Ảnh minh họa
Trong công bố trên tạp chí Global Change Biology, nhóm các nhà nghiên cứu từ Đại học Kỹ thuật Munich (Đức) cho biết mật độ sét cao ở vùng nhiệt đới, kết hợp với việc các cây cao lớn thường dễ bị sét đánh trúng, khiến các khu rừng tại đây chịu thiệt hại nặng nề. Dù có thể bị bỏ qua trong các mô hình biến đổi khí hậu, sét thực chất là yếu tố tự nhiên đáng kể gây mất rừng và phát thải carbon.
Nhà nghiên cứu chính Andreas Kraus cho biết: "Hiểu rõ các nguyên nhân gây chết cây là điều tối quan trọng để dự báo chính xác về mật độ rừng và khả năng lưu trữ carbon trong bối cảnh khí hậu đang thay đổi".
Một điểm đáng chú ý khác là lượng cây bị sét đánh chết mỗi năm có thể giải phóng tới một tỉ tấn khí CO₂, con số tương đương với phát thải từ nhiều trận cháy rừng lớn. Tuy nhiên nghiên cứu này không tính đến số vụ cháy rừng bắt nguồn từ sét, nên tác động thực tế có thể còn cao hơn.
Trong bối cảnh khí hậu toàn cầu đang ngày càng nóng lên và ẩm hơn, các nhà khoa học cảnh báo tần suất và cường độ các vụ sét đánh sẽ tăng lên đáng kể trong những năm tới. Đây không chỉ là một hiện tượng thời tiết cực đoan đơn lẻ, mà là hệ quả trực tiếp của sự gia tăng nhiệt độ và độ ẩm trong khí quyển, hai yếu tố then chốt hình thành nên các cơn dông sét.
Nhiệt độ Trái đất tăng khiến nhiều vùng trở nên nóng hơn vào ban ngày, dẫn đến khí quyển trở nên bất ổn định, tạo điều kiện hình thành các đám mây tích điện mạnh, nguyên nhân sinh ra sét.
Đồng thời, không khí ấm giữ được nhiều hơi nước hơn, làm tăng độ ẩm và khả năng hình thành dông. Các nghiên cứu cho thấy cứ mỗi độ C tăng lên trong nhiệt độ toàn cầu có thể khiến số vụ sét tăng khoảng 12%.
Không chỉ vậy, biến đổi khí hậu cũng làm dịch chuyển các mô hình thời tiết, khiến những nơi vốn ít sét như rừng ôn đới nay bắt đầu xuất hiện hiện tượng này với tần suất ngày một nhiều.
Khi các cơn dông sét ngày càng trở nên thường xuyên và dữ dội hơn, diện tích rừng bị ảnh hưởng cũng sẽ tăng lên. Không chỉ các khu rừng nhiệt đới rậm rạp như Amazon hay Đông Nam Á, các khu rừng ôn đới ở châu Âu, Bắc Mỹ hay châu Á cũng sẽ phải đối mặt với nguy cơ cháy do sét.
Sét không chỉ trực tiếp thiêu rụi cây cối, mà còn để lại các vết thương hở khiến cây dễ bị sâu bệnh tấn công, làm suy yếu hệ sinh thái rừng. Về lâu dài, sự gia tăng sét đánh do biến đổi khí hậu có thể làm thay đổi cấu trúc và chức năng của cả cánh rừng, đồng thời góp phần vào vòng lặp phát thải khí nhà kính do rừng cháy, khiến biến đổi khí hậu càng trầm trọng hơn.
Bình luận hay