
Một người hiến máu liên tục nhận cuộc gọi lừa đảo - Ảnh: Người dân cung cấp
Sau bài viết: "Chiêu trò lừa đảo mới: Hù dọa người hiến máu để chiếm đoạt tài sản", đã có nhiều bạn đọc cho biết cá nhân mình và các thành viên trong câu lạc bộ hiến máu nhân đạo cũng nhận các cuộc gọi lừa đảo này. Ai cũng đặt dấu hỏi khi thông tin của người hiến máu bị lộ chi tiết đến thế.
Lừa đảo trong lúc nguồn máu dự trữ đang thiếu, người dân e dè hiến máu
Là thành viên trong câu lạc bộ "Hiến máu Sài Gòn - Giọt máu nghĩa tình" với hơn 28.400 thành viên, chị Tuệ Lâm cho biết chính bản thân mình và nhiều thành viên trong câu lạc bộ liên tục nhận các cuộc gọi lừa đảo.
"Tôi đã nghe mọi người cảnh báo rồi có chia sẻ thông tin. Và ngay hôm đó, bọn lừa đảo gọi tôi. Họ nói chuyện như thật, biết ngày giờ tôi hiến máu, họ tên, ngày tháng năm sinh. Cho đến khi họ hướng dẫn tôi kết bạn Zalo bác sĩ thì mình bắt đầu nghi ngờ", chị Tuệ Lâm kể lại.
Chủ nhiệm câu lạc bộ Quỹ Nhân ái HP và những người bạn - anh Đinh Khắc Hùng - cho biết hằng năm câu lạc bộ và các thành viên câu lạc bộ tuổi trẻ họ Đinh đã hiến tặng hàng nghìn đơn vị máu cho Hội Chữ thập đỏ TP.HCM và Bệnh viện Quân y 175.
Khoảng từ 3 tháng gần đây, các thành viên của câu lạc bộ và chính anh Hùng đều là nạn nhân bởi các cuộc gọi lừa đảo. Điều này khiến mọi người trong câu lạc bộ hoang mang, khi thông tin các thành viên lọt ra ngoài chính xác đến từng chi tiết (từ số điện thoại, nhóm máu, số căn cước công dân, nơi cư trú, ngày hiến máu).
"Hiện nay lượng máu dự trữ đang thiếu hụt trên toàn quốc, trong khi kẻ lừa đảo tung hoành làm cho người hiến tặng mất niềm tin, cảnh giác cao, không hào hứng với việc làm nhân đạo.
Thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần vào cuộc để làm sáng tỏ vấn đề này, trả lại môi trường thiện nguyện được thêm ý nghĩa, tiếp tục thu hút nhiều tấm lòng nhân ái", anh Hùng nêu.
Ảnh hưởng công tác hiến máu, cần công an vào cuộc
Bạn đọc Kim Anh cho rằng đây là một chiêu trò lừa đảo cực kỳ tinh vi, lợi dụng lòng tốt và sự lo lắng của những người hiến máu. Việc giả mạo cơ quan chức năng để đe dọa, ép buộc nạn nhân là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, cần bị lên án và xử lý thích đáng.
Nhiều bạn đọc mong muốn công an vào cuộc làm rõ tại sao thông tin cá nhân của người hiến máu lại bị lộ cho bọn lừa đảo.
Đại diện Hội Chữ thập đỏ TP.HCM cho biết đã báo cáo sự việc trên đến Công an TP.HCM và đề nghị can thiệp, xử lý người giả danh các cơ sở y tế tổ chức hiến máu nhằm thu lợi bất chính.
"Điều này đã ảnh hưởng đến công tác hiến máu tình nguyện, nguồn cung cấp máu cho người bệnh, uy tín của các đơn vịu tổ chức hiến máu tình nguyện", Hội Chữ thập đỏ TP.HCM nhận định và cam kết tiếp tục theo dõi tình hình, cập nhật diễn biến và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để bảo vệ quyền lợi và thông tin người hiến máu.
Người hiến máu chia sẻ cách nhận diện cuộc gọi lừa đảo
Anh Hùng Duy Đông cho biết bản thân đã hiến máu gần 40 lần, trong đó lần gần nhất là vào tháng 5. Cùng "kịch bản" trên, anh Đông nhận cuộc gọi lừa đảo nhưng không làm theo hướng dẫn.
"Tôi gọi đến số điện thoại bàn của Trung tâm Hiến máu nhân đạo TP.HCM thì được khẳng định là không có ai bên trung tâm gọi cho người hiến máu bằng số điện thoại di động cả", anh Đông chia sẻ một cách nhận diện cuộc gọi lừa đảo.
Theo phân tích của bạn Trần Nguyên, dù bọn lừa đảo nắm rõ lịch sử hiến máu nhưng có một số chi tiết mà chúng không biết là Trung tâm Hiến máu nhân đạo đã gởi tin nhắn thông báo máu đã được truyền cho người bệnh sau 2 tuần kể từ ngày hiến máu, do đó máu hiến không có vấn đề.
Ngoài ra nhân viên của Sở Y tế TP.HCM, các nơi tổ chức hiến máu không có nhiều thời gian gọi điện thoại thông báo cho từng người, nên dễ dàng nhận ra đây là cuộc gọi của bọn lừa đảo.
Bình luận hay