
Trung tâm Hiến máu nhân đạo TP.HCM đặt thông báo cảnh giác đối tượng lừa đảo người hiến máu ngay lối ra vào khu vực tổ chức lấy máu - Ảnh: THANH HIỆP
Đã có hơn 300 người hiến máu báo cáo Trung tâm Hiến máu nhân đạo TP.HCM vì các cuộc gọi này giả danh các cơ sở y tế đang tổ chức hiến máu để lừa đảo. Với thủ đoạn tinh vi, nắm rõ lịch sử hiến máu rồi hù dọa kết quả máu bất thường, nhiều người đã sập bẫy.
Tung thủ đoạn lừa đảo tinh vi
Trên các hội nhóm, câu lạc bộ hiến máu nhân đạo, nhiều cá nhân cho hay mình đã nhận các cuộc gọi xưng là nhân viên của Sở Y tế TP.HCM, Bệnh viện Truyền máu - Huyết học, Trung tâm Hiến máu nhân đạo TP.HCM... thông báo kết quả hiến máu bị bất thường, cần kết nối "bác sĩ" để "đăng ký khám bệnh".
Những cuộc gọi lừa đảo "tấn công" người hiến máu bắt đầu xuất hiện từ những ngày cuối tháng 5 và kéo dài cho đến nay, chủ yếu ở khu vực TP.HCM. Điểm chung của tất cả các số thuê bao mà người hiến máu nhận được đều bị khóa ngay sau mỗi lần gọi. Một người hiến máu sẽ nhận rất nhiều cuộc gọi khác nhau, từ nhiều người khác nhau.
Các thông tin về lịch sử hiến máu (thời gian, địa điểm), nhóm máu, kể cả những thói quen sinh hoạt hàng ngày của người hiến đều được nhóm lừa đảo nắm gần như chính xác tuyệt đối. Đây là "điểm huyệt" khiến người hiến tin tưởng đầu dây bên kia là nhân viên y tế tại nơi mình từng đến hiến máu.
Kẻ xấu tiếp tục tung chiêu hù dọa kết quả máu của người hiến bất thường (chỉ số hồng cầu cao, viêm gan siêu vi B, C, mỡ máu cao...). Đánh vào nỗi lo lắng, chúng yêu cầu người hiến máu kết bạn Zalo với "bác sĩ" để được "hướng dẫn thăm khám".
"Bác sĩ" này sẽ gửi vào tài khoản Zalo của người hiến máu một đường link để tải ứng dụng, xác nhận sinh trắc học (chụp hình khuôn mặt), cung cấp VNeID... Từ đây, tài khoản ngân hàng của người hiến có khả năng rất cao sẽ mất tiền. Đồng thời tất cả các số điện thoại bọn lừa đảo đã gọi người hiến máu đều khóa, tài khoản Zalo "bác sĩ" cũng bay màu.
Hơn 300 trường hợp nhận cuộc gọi lừa đảo
Đại diện Bệnh viện Truyền máu - Huyết học TP.HCM cho biết thời gian qua đã tiếp nhận nhiều phản ảnh của người hiến máu và các đơn vị tổ chức hiến máu, trong đó có một số trường hợp bị mất tiền, như trường hợp chị K.T. (ngụ TP.HCM) đã mất 4,2 triệu đồng.
Chia sẻ Tuổi Trẻ, chị T. cho biết mình đã nhiều lần hiến máu nhân đạo. Tất cả thông tin từ các lần hiến máu của chị đều được bọn lừa đảo nói chính xác, ngay cả lần chị không hiến máu được vì không đủ điều kiện sức khỏe sau khám sàng lọc.
"Tài khoản ngân hàng này của tôi có hơn 4,2 triệu đồng. Sau khi kết nối Zalo với "bác sĩ", tải app đăng ký khám bệnh theo hướng dẫn, rồi nhập mật khẩu thì tài khoản của tôi bị trừ gần hết tiền, chỉ còn lại gần 100.000 đồng. Tôi liền gọi họ lại thì không được. Tôi tiếp tục gọi đến Trung tâm Y tế quận 4 - nơi tôi đến hiến máu - để hỏi thêm, rồi nơi này gọi báo cáo Bệnh viện Truyền máu - Huyết học", chị T. ấm ức nói.
Chị T. cho biết dù đã bị lừa mất tiền, kẻ lừa đảo vẫn tiếp tục gọi điện làm phiền nhiều lần, chặn số này thì số khác gọi đến nên buộc chị phải cài đặt mới lại điện thoại.
Một nạn nhân khác là T.N.M.K. cũng cho rằng thông tin hiến máu của mình bị lộ. Số máy +84326266570 gọi đến nói chỉ số máu của K. có vấn đề và hướng dẫn kết nối qua Zalo để đặt lịch hẹn với "bác sĩ". "Họ đọc đúng lịch sử hiến máu của tôi. Khi tôi nói sẽ tự đến bệnh viện khám lại thì họ chửi mình và cúp máy ngang", K. kể lại.
Cùng "kịch bản" này, ngay cả bà Trần Thị Thắm, giám đốc Trung tâm Hiến máu nhân đạo TP.HCM, cũng nhận các cuộc gọi lừa đảo. Bà Thắm cho hay từ ngày 26-5 đến nay, trung tâm đã nhận hơn 300 trường hợp phản hồi đã nhận các cuộc gọi lừa đảo. Đa số người hiến máu cảnh giác và thấy bất thường nên liên hệ trung tâm. Tuy nhiên có 2 trường hợp người hiến máu làm theo hướng dẫn của số điện thoại lạ và bị lừa mất hết 2,3 triệu đồng và 6,4 triệu đồng.
"Một số trường hợp nếu không làm theo hướng dẫn, bọn lừa đảo sẽ dùng những từ lăng mạ, la mắng, đồng thời hăm dọa", bà Thắm cho biết thêm.
Lòng tốt cứu người bị đe dọa
Tại sao thông tin của người hiến máu bị lộ ra ngoài một cách chi tiết là câu hỏi nhiều người đặt ra khi nghĩa cử cao đẹp đang bị kẻ xấu lợi dụng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Ông Trần Trường Sơn, chủ tịch Hội Chữ thập đỏ TP.HCM, cho biết ngay khi tiếp nhận báo cáo của Trung tâm Hiến máu nhân đạo, hội đã chỉ đạo trung tâm liên hệ ngay với bộ phận công nghệ thông tin để kiểm tra và cùng Bệnh viện Truyền máu - Huyết học đăng cảnh báo hành vi trên lên các trang mạng xã hội, ứng dụng giọt máu vàng (giotmauvang.org.vn).
Sau họp bàn và rà soát lại việc bảo mật thông tin trong quá trình làm việc, các bên liên quan thấy rằng: từ người hiến máu có đăng ký tham gia hiến máu từ ứng dụng giọt máu vàng, đến người không hiến máu hay không sử dụng ứng dụng giọt máu vàng cũng bị nhận cuộc gọi giả danh lừa đảo.
Trước vấn đề cấp bách này, Hội Chữ thập đỏ TP đã chỉ đạo Trung tâm Hiến máu nhân đạo TP tiếp tục phối hợp Hội Tin học TP, Bệnh viện Truyền máu - Huyết học TP và một số đơn vị liên quan xây dựng các biện pháp bảo mật thông tin. Đồng thời chủ động làm việc với Công an TP để đảm bảo an toàn, an ninh thông tin đối với dữ liệu người hiến máu.
Người dân lưu ý gì?
Trung tâm Hiến máu nhân đạo TP.HCM, Bệnh viện Truyền máu - Huyết học (TP.HCM) lưu ý người dân:
- Không cung cấp thông tin cá nhân như CCCD, mã OTP, tài khoản ngân hàng... qua điện thoại hoặc tin nhắn.
- Không làm theo hướng dẫn từ các cuộc gọi đáng ngờ.
- Không nhấp vào bất kỳ đường link nào gửi qua Zalo hoặc tin nhắn nếu chưa được xác minh.
- Gọi xác minh ngay với Bệnh viện Truyền máu - Huyết học qua số (028) 3955 7858 hoặc Trung tâm Hiến máu nhân đạo (028) 38686856 khi có nghi ngờ.
Chuyên gia bảo mật nói gì?

Đồ họa: TẤN ĐẠT
Về nguyên nhân lộ lọt thông tin cá nhân người đi hiến máu, nhiều chuyên gia bảo mật đã đặt nghi vấn khả năng rò rỉ dữ liệu từ chính nơi tiếp nhận máu hoặc bên liên quan.
Một số nguyên nhân trực tiếp có thể xảy ra như nhiều điểm hiến máu vẫn dùng giấy tờ thủ công để thu thập thông tin (CMND, số điện thoại, địa chỉ, tình trạng sức khỏe...) và các giấy tờ này có thể bị sao chụp, đánh cắp hoặc vứt bỏ không đúng cách; một số cá nhân làm việc tại trung tâm hiến máu, bệnh viện hoặc đơn vị phối hợp có thể sao chép, bán thông tin người hiến máu cho bên thứ ba; hệ thống lưu trữ thông tin thiếu mã hóa, không có lớp bảo vệ đầy đủ, dễ bị xâm nhập hoặc truy cập trái phép.
Bên cạnh đó còn có khả năng các tổ chức liên quan như hội chữ thập đỏ, bệnh viện hoặc nhà tài trợ có thể chia sẻ dữ liệu với đối tác (ngân hàng máu, công ty tổ chức sự kiện...) mà không ràng buộc chặt chẽ về bảo mật, dẫn đến rò rỉ.
Về các biện pháp để người dùng tự bảo vệ chính mình, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Ngô Tấn Vũ Khanh, giám đốc quốc gia tại Việt Nam của Hãng bảo mật Kaspersky, cho rằng người dùng nên thận trọng khi nhận các cuộc gọi hoặc tin nhắn không rõ nguồn gốc, đặc biệt nếu có yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân hoặc tài chính.
Hãy xác minh tính xác thực của cá nhân hoặc tổ chức tự xưng là đại diện bệnh viện hoặc trung tâm hiến máu. Đồng thời tuyệt đối không cung cấp thông tin nhạy cảm hoặc thực hiện giao dịch tài chính với những đối tượng hoặc tổ chức chưa được xác minh. Người dùng cũng nên báo cáo các hành vi đáng ngờ cho cơ quan chức năng có thẩm quyền.
Đại diễn Hãng Kaspersky cũng khuyến nghị các tổ chức tại Việt Nam cần chủ động trong việc bảo mật dữ liệu, bao gồm xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố và thường xuyên đánh giá rủi ro. Việc ưu tiên bảo vệ dữ liệu và cập nhật các xu hướng an ninh mới sẽ giúp tổ chức bảo vệ hiệu quả thông tin nhạy cảm và duy trì niềm tin từ cộng đồng.
Bình luận hay