
Đề xuất chuyển đổi số cấp phép kinh doanh vận tải của TP.HCM được người dân ủng hộ - Ảnh: PHƯƠNG NHI
Việc trên nhằm cắt giảm thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, tiết kiệm hàng tỉ đồng mỗi năm cho ngân sách và doanh nghiệp. Đề xuất này được các doanh nghiệp vận tải, hiệp hội rất ủng hộ và mong muốn TP.HCM sẽ tiếp tục chuyển đổi số ở một số thủ tục khác.
Đề xuất số hóa toàn diện việc cấp phù hiệu tại TP.HCM, áp dụng từ 1-6
Hiện nay, với việc cấp phù hiệu, TP đã cấp và quản lý 215.684 xe với 5.384 đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Bình quân mỗi ngày TP cấp 495 phù hiệu. Có ngày cao điểm cấp 992 phù hiệu cho xe ô tô kinh doanh.
Ngoài ra, mỗi ngày TP còn tiếp nhận khoảng 618 hồ sơ cấp, cấp lại giấy phép kinh doanh vận tải xe ô tô, xe bốn bánh có gắn động cơ. Do đó Sở Xây dựng phải bố trí rất nhiều công chức để giải quyết hồ sơ, thủ tục cho người dân, doanh nghiệp.
Thực tế quy trình in và cấp phát phôi, ấn chỉ, phù hiệu, giấy phép... cho xe ô tô kinh doanh như trên ngốn một khoản chi phí in ấn và phân phối rất cao. Hơn nữa hằng năm ngân sách phải chi một khoản lớn cho việc in ấn, lưu trữ và vận chuyển giấy phép kinh doanh vận tải, phù hiệu đến các đơn vị vận tải, thông tin mẫu phôi thay đổi thường xuyên không ổn định. Với quy trình này, thời gian xử lý thủ tục cũng kéo dài.
Doanh nghiệp phải chờ đợi từ 2-3 ngày để nhận được giấy phép kinh doanh vận tải và phù hiệu, gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh, tăng chi phí đi lại...
Ngoài ra việc theo dõi tình trạng in ấn sử dụng phôi phù hiệu và giấy phép gặp nhiều trở ngại do chưa hoàn thiện hệ thống dữ liệu tập trung và đồng bộ của Bộ Xây dựng, thay đổi thông tin đơn vị.
Từ những bất cập trên, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được kiến nghị Thủ tướng chấp thuận cho TP.HCM được triển khai chuyển đổi số hóa toàn diện việc tiếp nhận và trả kết quả điện tử giấy phép kinh doanh vận tải và phù hiệu, lưu trữ thông tin điện tử trên hệ thống nghiệp vụ quản lý vận tải đường bộ của Bộ Xây dựng, theo dõi quản lý và tra cứu thông qua mã QR-code.
Riêng với phù hiệu sau khi Sở Xây dựng duyệt cấp trên hệ thống nghiệp vụ quản lý vận tải đường bộ của Bộ Xây dựng, đơn vị kinh doanh vận tải sẽ tự in phù hiệu và dán trên xe theo đúng mẫu quy định.
Để triển khai, TP.HCM cũng kiến nghị Bộ Xây dựng chỉ đạo Trung tâm Công nghệ thông tin bổ sung tính năng cho các đơn vị kinh doanh vận tải nhận kết quả điện tử giấy phép kinh doanh vận tải và phù hiệu trên hệ thống nghiệp vụ quản lý vận tải đường bộ để hỗ trợ TP.HCM triển khai giải pháp nêu trên kể từ ngày 1-6.
Người dân ủng hộ số hóa việc cấp giấy phép kinh doanh vận tải và phù hiệu
Trao đổi với Tuổi Trẻ về đề xuất trên, giám đốc một doanh nghiệp vận tải hàng hóa ở quận 7 cho biết trước nay mỗi khi xin phù hiệu mới thì người dân, doanh nghiệp phải chuẩn bị hồ sơ nộp về Sở Giao thông công chánh (nay là Sở Xây dựng). Người dân, doanh nghiệp chờ giải quyết hồ sơ khoảng hai ngày sau, chưa kể nếu xảy ra quá tải thì có thể lâu hơn.
"Nếu TP.HCM thực hiện được như đề xuất trên, sẽ nâng cao hiệu quả phục vụ doanh nghiệp và người dân, tiến tới cắt giảm thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh đối với thủ tục cấp, cấp lại phù hiệu, giấy phép kinh doanh vận tải bằng ô tô", vị này nói.
Ông Lê Trung Tính - chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô hành khách TP.HCM - cho biết ủng hộ đề xuất trên. Bởi theo ông Tính, hiện nay việc duy trì cách quản lý cũ đang làm tốn ngân sách, tốn chi phí của doanh nghiệp, mất nhiều thời gian và gây khó khăn cho cả cơ quan quản lý. Chuyển đổi số chính là xu thế chung, là một trong những yếu tố sẽ giúp TP phát triển.
"Đặc biệt trong bối cảnh sắp sáp nhập Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu vào TP.HCM, việc chuyển đổi số toàn diện lại cấp bách hơn bao giờ hết. Lúc này khối lượng hồ sơ rất nhiều, khoảng cách đi lại khá xa, nếu không chuyển đổi số sẽ dẫn đến tắc nghẽn thủ tục, gây khó khăn cho cơ quan quản lý và doanh nghiệp, người dân.
Để làm nhanh việc này, Bộ Xây dựng với vai trò là cơ quan quản lý về giao thông vận tải cần sớm sửa các phần mềm quản lý chung; đề xuất và sửa quy định làm cơ sở cho TP.HCM triển khai thực hiện trước khi áp dụng cho cả nước", ông Tính đề xuất.
Đồng quan điểm, ông Bùi Văn Quản - chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM - đánh giá việc cơ quan quản lý nhà nước cải tiến, số hóa như đề xuất trên thì quá hợp lý, nhất là những doanh nghiệp vận tải hàng hóa, vận tải hành khách có số đầu xe nhiều đang khá vất vả mỗi lần chờ cấp phù hiệu.
"Số hóa không chỉ tiết kiệm thời gian cho doanh nghiệp, mà còn giảm thiểu được chi phí in ấn, lưu trữ và rút ngắn thời gian xử lý thủ tục. Khi các hệ thống đồng bộ với nhau, công tác giải quyết hồ sơ càng nhanh, kể cả kiểm soát hay xử phạt giao thông cũng có thể dựa vào dữ liệu này", ông Quản nói.
Đề xuất chuyển đổi số thêm nhiều thủ tục khác
Nhiều người cũng kỳ vọng TP.HCM tiếp tục mở rộng chuyển đổi số ở các thủ tục khác và áp dụng vào tất cả các lĩnh vực giao thông. Chẳng hạn theo ông Lê Trung Tính - chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô hành khách TP.HCM, thời gian qua người dân đã rất vất vả với hiện tượng thiếu phôi bằng trên cả nước dẫn đến các địa phương chậm cấp bằng lái. Trong khi việc này hoàn toàn có thể tích hợp vào VNeID thay vì in ấn tốn kém, giảm được lãng phí nguồn lực xã hội.
Tương tự, anh Minh Quân - một chủ xe khách - nói thêm công tác số hóa cần đẩy mạnh hơn nữa trong lĩnh vực giao thông. Đơn cử như việc cấp giấy phép lái xe thời gian qua gặp khó do tình trạng thiếu phôi bằng. Trong khi đó nếu cơ sở dữ liệu của chúng ta đã đáp ứng thì "số hóa" cấp giấy phép lái xe điện tử, ngừng in giấy phép này giúp tiết kiệm ngân sách.
Bình luận hay