
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Dũng (bìa trái) trao đổi với các nhà đầu tư, doanh nghiệp về giải pháp triển khai các khu công nghiệp sinh thái - Ảnh: H.L.
Ngày 17-7, Tổ chức tài chính quốc tế (IFC), thành viên của nhóm Ngân hàng Thế giới (World Bank Group) phối hợp cùng Tổng công ty Becamex IDC (vốn nhà nước trực thuộc UBND TP.HCM) cho biết đang phối hợp triển khai xây dựng khu công nghiệp sinh thái.
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Dũng cùng lãnh đạo các sở, ngành TP.HCM, Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP.HCM và các doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tiêu biểu đã chứng kiến lễ ký kết hợp tác, chính thức khởi động chương trình.
Theo nội dung hợp tác, các khu công nghiệp, đô thị được triển khai tại TP.HCM, trong đó có khu vực "thủ phủ công nghiệp" Bình Dương cũ, sẽ được triển khai và chuyển hướng sang mô hình khu công nghiệp sinh thái. Trong đó sẽ tăng cường áp dụng công nghệ, sử dụng năng lượng tái tạo, qua đó đạt mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0.
Tổ chức tài chính quốc tế (IFC) sẽ hỗ trợ đánh giá và chứng nhận khu công nghiệp sinh thái theo tiêu chuẩn quốc tế cho các khu công nghiệp tại TP.HCM. Kết quả đánh giá sẽ giúp xác định các điểm mạnh chính, các giải pháp cải thiện hiệu quả quản lý, bảo vệ môi trường… tại các khu công nghiệp.

Lãnh đạo UBND TP.HCM chứng kiến ký kết hợp tác triển khai các khu công nghiệp sinh thái tại TP.HCM với sự hỗ trợ của Tổ chức tài chính quốc tế (IFC), thành viên của nhóm Ngân hàng Thế giới tại buổi lễ ngày 16-7 - Ảnh: H.L.
Một ví dụ tiêu biểu được trình bày là mô hình nhà máy sản xuất đồ chơi trị giá hơn 1 tỉ USD của Tập đoàn Lego (Đan Mạch) tại Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) 3, tỉnh Bình Dương cũ đã bắt đầu đi vào sản xuất. Ông Jesper Hassellund Mikkelsen - tổng giám đốc Lego VN - cho biết tập đoàn này có lộ trình hướng tới 100% sử dụng năng lượng tái tạo trong sản xuất.
Đại diện Tổng công ty Becamex IDC cũng cho biết một số khu công nghiệp mới đang được triển khai tại TP.HCM như Khu công nghiệp Cây Trường, Bàu Bàng mở rộng… sẽ được triển khai theo mô hình khu công nghiệp sinh thái.
Ông Nguyễn Văn Dũng - phó chủ tịch UBND TP.HCM - cho biết Quốc hội đã ban hành nghị quyết thành lập Trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam đặt tại TP.HCM và TP Đà Nẵng. Sau khi hợp nhất, hình thành TP.HCM mới, việc hợp tác để hình thành các khu công nghiệp sinh thái là những chuyển động tích cực, để TP.HCM không chỉ là trung tâm tài chính mà còn là trung tâm công nghiệp xanh, phát triển bền vững của cả nước.
Kể từ 1-7-2025, TP.HCM và Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu đã hợp nhất trở thành TP.HCM mới. Đây là siêu đô thị lớn nhất cả nước. Trong đó khu vực tỉnh Bình Dương cũ tiếp tục được định hướng là "thủ phủ công nghiệp" của TP.HCM.
Nhưng các khu công nghiệp sẽ được chuyển đổi xanh, có những liên kết hiệu quả với các trung tâm dịch vụ, cảng biển của cả vùng Đông Nam Bộ.
Bình luận hay