
Bài viết cho rằng Nhà Trắng đang thử nghiệm các "biện pháp hạn chế đi lại nội địa" bên trong nước Mỹ - Ảnh: Facebook/Kenneth Johnson Sr.
Đoạn video lan truyền trên mạng xã hội đi kèm dòng mô tả giật gân: "Tin nóng: Lệnh hạn chế đi lại trong nước Mỹ đang được bàn thảo".
Chỉ trong thời gian ngắn, video đã thu hút hơn 121.000 lượt xem và nhanh chóng xuất hiện trên nhiều nền tảng khác như TikTok.
Trong phần thuyết minh, giọng đọc nhấn mạnh: "Những gì từng chỉ xảy ra ở biên giới giờ đây có thể đang âm thầm diễn ra bên trong nước Mỹ.
Theo các bản ghi nhớ bị rò rỉ từ Bộ An ninh nội địa (DHS) và Cục Quản lý an ninh vận tải (TSA), các biện pháp hạn chế đi lại nội địa đang được thử nghiệm, bắt đầu từ những khu vực được cho là có nguy cơ cao như New York, California và Texas.
Ngoài ra, nội dung còn mô tả hàng loạt biện pháp kiểm soát: các chốt kiểm tra không chính thức, việc kiểm tra giấy tờ tùy thân ngẫu nhiên tại bến xe, nhà ga, thậm chí trên các tuyến đường cao tốc. Đặc biệt, một số hành khách còn bị từ chối lên chuyến bay nội địa.
Nội dung trong video đã khiến không ít người, đặc biệt là cư dân Mỹ, hoang mang về khả năng chính phủ đang âm thầm siết chặt quyền tự do đi lại.
Đoạn video lan truyền trên mạng đưa tin rằng Tổng thống Trump đưa lệnh thực hiện các "biện pháp hạn chế đi lại nội địa" bên trong nước Mỹ - Video: Facebook/Kenneth Johnson Sr.
Tuy nhiên, sau khi tiến hành xác minh, chuyên trang kiểm chứng thông tin Snopes khẳng định rằng câu chuyện hoàn toàn không có thật.
Kết quả tìm kiếm trên các trang Google, Bing, DuckDuckGo và Yahoo không cho thấy bất kỳ báo cáo đáng tin cậy nào từ giới truyền thông về việc Chính phủ Mỹ đang triển khai các lệnh "hạn chế đi lại nội địa".
Đồng thời không có dấu hiệu nào cho thấy các bản ghi nhớ từ Bộ An ninh nội địa (DHS) hoặc Cục Quản lý an ninh vận tải (TSA) bị rò rỉ như đoạn video đã tuyên bố.
Trang Snopes nhấn mạnh nếu thực sự có tài liệu bị rò rỉ hoặc chính sách như vậy được áp dụng, các hãng tin lớn trên thế giới chắc chắn đã đồng loạt đưa tin.
Ngoài ra, qua email, Snopes cũng nhận được phản hồi chính thức từ Phó thư ký báo chí Nhà Trắng Abigail Jackson rằng: "Đây rõ ràng là tin giả".
Theo đánh giá từ các chuyên gia, đoạn video nói trên nhiều khả năng được tạo ra bằng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI).
Đầu tiên, mặc dù giọng lồng tiếng trong video không trùng khớp hoàn toàn với các mẫu giọng AI công khai trên nền tảng ElevenLabs - công cụ chuyển văn bản thành giọng nói phổ biến - nhưng nó mang nhiều đặc điểm giống với các giọng đọc nhân tạo từng bị phát hiện trước đây.
Bên cạnh đó, ảnh đại diện của tài khoản đăng video (mang tên Kenneth Johnson Sr.) có hình một phụ nữ đeo kính râm.
Tuy nhiên, theo công cụ phát hiện AI Sightengine, chiếc kính có nhiều vết nứt không tự nhiên - một lỗi điển hình của phần mềm tạo ảnh bằng trí tuệ nhân tạo.

Ảnh đại diện của tài khoản đăng video tên Kenneth Johnson Sr. có hình một phụ nữ đeo kính. Tuy nhiên, chiếc kính có nhiều vết nứt không tự nhiên, có thể là lỗi do phần mềm AI tạo ra - Ảnh: Facebook/Kenneth Johnson Sr.
Tin đồn nhanh chóng thu hút sự chú ý của dư luận, khi nhiều độc giả truy cập trang kiểm chứng thông tin Snopes để tìm hiểu thực hư.
Đặc biệt, trong quá trình xác minh, một người dùng đã gửi cho Snopes đoạn video ngắncó hình ảnh ông Trump cùng đoàn xe hộ tống tại Hà Lan vào tháng 6-2025.
Theo người này, nhiều cảnh quay trong đoạn video đang lan truyền gần đây thực chất đã từng xuất hiện trong video đăng tải hồi tháng 6, chỉ khác là đan xen thêm hình ảnh sân bay, bản tin địa phương và các đoạn tư liệu khác.
Vì vậy, đoạn video đang lan truyền hiện nay nhiều khả năng đã được cắt ghép có chủ đích, với mục đích đánh lừa người xem bằng một thông điệp sai lệch và gây hiểu lầm.
Đoạn video ông Trump đi cùng đoàn xe hộ tống tại Hà Lan hồi tháng 6-2025 được một người dùng gửi cho trang Snopes - Video: Tiktok/@roger2545
Bình luận hay