Công an TP Hà Nội cho biết trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân đang tích cực triển khai các bước chuẩn bị cho Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, một nhiệm vụ trọng tâm, có ý nghĩa then chốt chính là công tác nhân sự.
"Tuy nhiên, đây cũng chính là lĩnh vực nhạy cảm, dễ bị các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội chính trị lợi dụng để tung tin xấu, độc nhằm gây nhiễu loạn thông tin, tạo hoài nghi, chia rẽ nội bộ, làm suy giảm niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng", Công an TP Hà Nội thông tin.
Đáng chú ý, công an xác định trong thời gian gần đây, các nền tảng mạng xã hội, các trang tin thiếu kiểm chứng đã xuất hiện nhiều nội dung xuyên tạc liên quan đến nhân sự chuẩn bị Đại hội.
Chúng cố tình bịa đặt, bóp méo thông tin về lý lịch, quá trình công tác, tài sản, đời tư của cán bộ trong diện quy hoạch, giới thiệu, đề cử.
Đặc biệt, những thông tin giả mạo thường được lồng ghép một phần sự thật, sử dụng ngôn từ giật gân để thu hút sự chú ý, tạo hiệu ứng lan truyền, từ đó làm nhiễu loạn không gian thông tin, gây mất ổn định chính trị.
Đòi hỏi phải đẩy mạnh công tác phòng ngừa, đấu tranh với thông tin xấu, độc là yêu cầu cấp thiết.
Theo Công an TP Hà Nội, trước hết cần nâng cao nhận thức trong toàn hệ thống chính trị về tính chất nguy hiểm và thủ đoạn tinh vi của các thế lực thù địch.
Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng phải đi trước một bước, kịp thời định hướng dư luận, tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động trong toàn Đảng, toàn dân.
Thứ hai, các cơ quan chức năng cần tăng cường năng lực giám sát, phát hiện và xử lý kịp thời các nguồn phát tán thông tin xấu, độc. Chủ động cung cấp thông tin chính thống, công khai, minh bạch về quá trình chuẩn bị nhân sự để người dân hiểu đúng, đủ và có niềm tin.
Thứ ba, mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là những người trong diện quy hoạch, cần giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống trong sạch, gương mẫu trong lời nói và việc làm, đồng thời chủ động công khai, minh bạch các thông tin liên quan khi cần thiết để "miễn dịch" với các thông tin bịa đặt, vu khống.
Cuối cùng, công tác phòng ngừa thông tin xấu, độc không thể là nhiệm vụ riêng của bất kỳ cơ quan, tổ chức nào, mà cần sự vào cuộc đồng bộ, chặt chẽ, có chiều sâu và dài hạn của toàn xã hội, với sự lãnh đạo toàn diện của Đảng.
Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an thành phố Hà Nội khuyến cáo người dân khi sử dụng mạng xã hội cần chú ý tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật.
Các trang tin điện tử, mạng xã hội vi phạm có thể bị xử phạt 20-70 triệu đồng tùy theo mức độ vi phạm. Nặng hơn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Người dân nên cập nhật thông tin liên quan các vấn đề thời sự qua các phương tiện truyền thông chính thống, không chia sẻ các thông tin chưa được kiểm chứng, không đúng sự thật trên mạng xã hội tránh gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự trên địa bàn.
Bình luận hay