![]() |
Sinh viên Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật TP.HCM cảm xúc trong phần thể hiện lại nội dung các sáng tác của cựu tù chiến binh. Ảnh: ĐỖ TRƯỜNG |
Bà Lê Tú Cẩm - Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa TP.HCM - cho biết cuốn sách Ngục tù - Thơ ca - Tiếng nhạc (NXB Tổng hợp TP.HCM) sau nhiều năm ấp ủ, nay được xuất bản lòng bà vui mừng khó tả. Cuốn sách gần 200 trang, tập hợp 45 bài thơ, 17 bản nhạc của 16 tác giả, trong đó ba tác giả đã mất khi sách chưa kịp xuất bản là Dân Thanh, Lê Thị Châm, Nguyễn Văn Chính. |
Thay vì ngồi trò chuyện, chia sẻ về những chiến công lịch sử cũng như mất mát hi sinh thời chiến, các cô chú cựu tù đã để thế hệ trẻ bây giờ là học sinh sinh viên trình diễn sáng tác của họ được in trong tập sách Ngục tù - Thơ ca - Tiếng nhạc.
Qua đó những câu chuyện, thông điệp và tình yêu đất nước được trao truyền đến cho thế hệ sau một cách nhẹ nhàng, gần gũi và đầy xúc động.
Cụ thể như, câu chuyện những thanh niên tuổi 18 xếp bút nghiêng lên đường chiến đấu, chia tay gia đình, chia tay người thương và hi sinh vì nền độc lập nước nhà đã được “kể” qua phần diễn ngâm bài thơ Vĩnh Biệt - tác giả là cựu tù binh Phạm Chánh Trực.
![]() |
Bà Lê Tú Cẩm - Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa TP.HCM - xúc động đọc vài dòng tâm sự, dòng thơ in trên sách Ngục tù - Thơ ca - Tiếng nhạc - Ảnh: ĐỖ TRƯỜNG |
Và cựu tù binh Hồi Sinh nhớ như in tháng ngày bị giam cầm tại Côn Đảo bị tra tấn ở chuồng cọp, hầm đá khét tiếng dã man.
Ông đã viết nên những vần thơ tự sự trong bài Hầm đá Côn Đảo, để rồi khi bạn trẻ Bích Thủy diễn ngâm trên nền nhạc khiến nhiều khán giả rưng rưng.
“Tình yêu nào cho tôi nốt nhạc
Trầm bổng, hào hùng để tôi viết vội bài ca
Phải chăng đây lòng nức nở chiều qua
Khi nhìn thấy chị em mình chìm trong bạo ác
Khi nhìn thấy nắm tay gầy vung lên trừng phạt
Kẻ hung tàn giữa bạo ác xiềng gông”
Vần thơ này trong bài hát Những cánh hoa ngược dòng được cựu tù binh Hồng Nguyễn viết khi chứng kiến các nữ tù bị đánh đập, tra tấn dã man và họ đã vùng lên mạnh mẽ để bảo vệ lẫn nhau tại trại giam Chí Hòa năm 1970.
Ca khúc đã được sinh viên trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật TP.HCM hòa giọng cất vang lời thơ tiếng nhạc trên sân khấu của buổi giao lưu khiến nhiều cựu tù không cầm được nước mắt.
“Tôi thực sự vui mừng khi lớp trẻ ngày nay hiểu được tâm ý của chúng tôi ngày đó đặt để vào thơ vào nhạc.
Ngồi dưới đây nghe các bạn thể hiện sáng tác của mình mà tôi được hồi nhớ về tháng ngày tuổi trẻ sôi sục ý chí bảo vệ hòa bình”, cựu tù Hồng Nguyễn tâm sự.
Các tác phẩm tiêu biểu trong cuốn sách Ngục tù - Thơ ca - Tiếng nhạc của cựu tù chính trị, tù binh TP.HCM đã được những tốp sinh viên thể hiện như cách giao lưu giữa thế hệ đi trước với thế hệ mai sau, như cách trao truyền tình yêu Tổ quốc, và còn là lời nhắn gửi về niềm tin trong cuộc sống cho người trẻ ngày nay.
Bình luận hay