31/01/2025 07:28 GMT+7
Trở lại chủ đề

Ngọn lửa truyền nhân: Cây có cội, người có hoài bão

Tôi vào Bảo tàng thành phố, trông thấy những súng ống thô sơ do người Việt Nam chế tạo trong kháng chiến chống lại các đế quốc hùng mạnh.

Ngọn lửa truyền nhân: Cây có cội, người có hoài bão - Ảnh 1.

Ông Bernard Hồ Đắc

"...Tôi rất khâm phục và nghĩ đến việc cha tôi ngày xưa đã từng mày mò chế tạo máy bay cũng bằng đôi tay khéo léo và tinh thần bền bỉ như thế. Tôi tin con người Việt Nam là con người có tinh thần sáng tạo, hễ gặp thách thức thì lại nghĩ cách vượt qua...".

Người đàn ông có mái tóc bạc và gương mặt lịch lãm, nói những lời trên bằng tiếng Pháp một cách xúc động, trong cuộc giao lưu với sinh viên Học viện Hàng không TP.HCM cuối tháng 10-2024.

Năm nay 67 tuổi, mang trong mình hai dòng máu Việt - Pháp, ông Bernard Hồ Đắc lần đầu thăm Việt Nam, rất mừng vui khám phá nhiều điều hay lạ của quê cha đất tổ. Ngược lại, những người tiếp xúc với ông bất ngờ được nghe câu chuyện của một gia đình Việt say mê phát minh, say mê sáng tạo trong nhiều nghịch cảnh...

Ra đời phải lập chí, phải có hoài bão, kiên trì tìm kiếm cái hay, cái mới...
Ông HỒ ĐẮC CUNG
Ngọn lửa truyền nhân: Cây có cội, người có hoài bão - Ảnh 2.

Sinh viên Học viện Hàng không gặp gỡ ông Bernard Hồ Đắc ngày 24-10-2024

Họ đã sai...

Ông Bernard có chiếc mũi cao rất Tây, đôi mắt tinh anh, phong thái hiền hậu, phảng phất nét đẹp Á Đông. Mới đầu tháng 10, khi gặp nhau tại một quán cà phê ở Paris sau buổi ra mắt sách của tôi về Đông Dương xưa, ông báo sắp sang Việt Nam và mong muốn tìm hiểu nhiều chi tiết liên quan đến dòng tộc và quê nhà.

Ông cho tôi xem những bức ảnh về người cha đã qua đời 40 năm trước. Trong ảnh là một thanh niên Việt mảnh khảnh, mở miệng cười đầy hưng phấn, cầm trên tay một chiếc cánh quạt máy bay to lớn...

Năm đó - 1933 - ở Sài Gòn, có một chàng trai khởi sự thực hiện giấc mơ được bay trên bầu trời nước mình bằng chính chiếc máy bay do mình chế tạo. Thời ấy hay thời này thì đây vẫn là một mộng tưởng rất bay bổng và khó khả thi.

Thật vậy, bấy giờ Việt Nam là xứ thuộc địa, người Pháp chỉ mới đem vào một số phi đội không quân, ngay ở Âu - Mỹ, việc lái và "chơi máy bay" nghiệp dư vẫn còn phôi thai.

Mặt khác, chế tạo máy bay cần có cơ xưởng chính xác và nhân lực thích hợp. Vậy mà chàng trai Hồ Đắc Cung, xuất thân từ một gia đình nhà nông ở Cai Lậy, Tiền Giang, đi học kỹ sư điện tại Pháp, về Sài Gòn làm việc, vẫn quyết tâm thực hiện điều này.

Ngọn lửa truyền nhân: Cây có cội, người có hoài bão - Ảnh 3.

Ông Hồ Đắc Kinh và ông Bernard Hồ Đắc cùng tác giả trước tượng Trần Hưng Đạo

Tuy nhiên khi làm xong khung sườn máy bay, ông Cung không kiếm được động cơ tại Đông Dương, chỉ có cách đặt hàng động cơ từ Pháp song ông lại không đủ tiền. Cái khó ló cái khôn, ông Cung mạnh dạn nhờ báo chí quyên góp từ những người có cùng đam mê.

Rất tiếc, ngày ấy chưa có quan niệm và cách thức gọi vốn cộng đồng hỗ trợ người khởi nghiệp và sáng chế như hiện tại. Báo chí đương thời đưa tin: ông Cung chỉ quyên được vỏn vẹn 17 đồng Đông Dương.

Cùng tắc biến, ông táo bạo viết thư vận động trực tiếp vua Bảo Đại, và thật cảm kích, ông nhận được 300 đồng của vị vua trẻ yêu thích thể thao và kỹ thuật tân tiến.

Vậy là với tài trợ của nhà vua, bạn bè và tiền túi gia đình, ông Cung đã mua được chiếc động cơ xe mô tô của Hãng Harley Davidson để lắp vào máy bay. Và rồi, mặc cho nhiều người hoài nghi và chế giễu, Hồ Đắc Cung đã cầm lái "con bọ trời", cất cánh ngày 26-10-1935.

Chuyến bay đầu tiên của máy bay "made in Vietnam" diễn ra thành công tại Tân Sơn Nhất, khi ấy vẫn còn là một sân bay đơn sơ, sau đó ông còn bay thử nghiệm tại một số nơi khác ở Nam Kỳ. Có thể coi ông là phi công dân dụng tiên phong ở Đông Dương.

Vào năm 1936, trong một chuyến bay, ông Cung gặp tai nạn phải hạ cánh khẩn cấp trong rừng. Có lẽ vì sự cố này và vì không được hỗ trợ tiếp tục trong việc chế tạo cải tiến máy bay, ông chuyển sang làm công việc xây dựng nhà cửa. Sau đấy, ông sang Pháp tiếp tục mở một công ty về kỹ thuật, rồi lại đến Tunisie - Bắc Phi tham gia các dự án khoan dầu khí.

Trước khi qua đời vào năm 1984, ông Cung thường kể chuyện quê nhà, tổ tiên và nghề nghiệp cho hai con trai. Ông dạy con ra đời phải lập chí, phải có hoài bão, tìm kiếm cái hay và cái mới.

Ông luôn khuyên con đừng nản chí, nếu có ai bài bác việc mình làm thì coi đấy là cơ hội để kiểm tra lại công việc, và từ đấy phải chứng minh làm đúng và làm được. Ông Bernard nhớ mãi lời cha kể, có những người Pháp mang đầu óc thực dân, quen kỳ thị người bản xứ.

Họ gọi chiếc máy bay của ông Cung là "chiếc bàn ủi" vì hình dáng của nó và quả quyết rằng nó chỉ chạy được trên đường băng chứ không thể cất cánh. Thế nhưng bằng việc lái chiếc máy bay tự chế bay lên trời, ông đã cho thấy họ sai và không thể khinh thường người Việt Nam!

Ngọn lửa truyền nhân: Cây có cội, người có hoài bão - Ảnh 4.

Hai anh em ông Bernard thăm đền Thủ Thiêm, kính cáo tiền nhân

Con người Việt Nam từ trong lịch sử đã là những người phát minh, sáng chế. Dòng máu ấy vẫn đang chảy trong các thế hệ đương đại và cần được nuôi dưỡng, khơi dậy để nó lớn mạnh.
Ông BERNARD HỒ ĐẮC

Dòng máu xông pha và nhân ái

Ông Bernard cho tôi xem hình ảnh bàn thờ ông bà nội mình do cha ông trân trọng xếp đặt tại nhà. Sống ở Pháp suốt mấy mươi năm, hằng ngày hằng giờ, ông Cung vẫn trao truyền phong tục và văn hóa tổ tiên cho con cháu.

Ông căn dặn: "Chúng ta là người Việt Nam, không được chấp nhận từ ngữ Annamites mà thực dân áp đặt". Tuy cùng cha khác mẹ nhưng hai anh em ông Bernard đều gần gũi và tương trợ nhau. Giờ đây, người anh của ông Bernard là kỹ sư Hồ Đắc Kinh, năm nay 93 tuổi, sau 75 năm xa quê hương, không ngại tuổi già để theo em trai về lại Việt Nam.

Ngày 16-10 vừa rồi, hai anh em - con trai của ông Hồ Đắc Cung bồi hồi đặt chân lên đất Sài Gòn tìm về những ký ức liên quan đến thân phụ. Gặp họ đi bên nhau, ở đâu tôi cũng thấy ông Bernard chú ý cầm tay anh mình khi sắp đến những bậc thang thấp hoặc những chỗ chênh vênh, dễ té ngã.

Một trong những nơi đầu tiên ở thành phố hai ông muốn đến thăm là garage Charner - xưởng sửa chữa xe hơi nổi tiếng thời Pháp. Đó là nơi ông Đắc Kinh khi mới 10 tuổi, được cha "phân công" đến học nghề sửa xe.

Ông Kinh hỏi thương xá Charner ở đâu vì nhớ mang máng garage Charner nằm sát bên. Than ôi, thương xá ấy chỉ còn là bãi đất trống, còn tòa nhà garage may mắn vẫn còn nhưng đã hóa thành nhà hàng trực thuộc khách sạn Kim Đô trên đại lộ Nguyễn Huệ. Khi được đưa đến nơi, hai ông rất ngỡ ngàng trước khung cảnh khác lạ hoàn toàn.

Nhưng thật ngẫu nhiên, như có ai trên cao phù hộ, một bạn làm quản lý cho biết cha mình từng là thợ của garage Charner và xác nhận hai ông đã đến đúng chỗ. Nghe vậy ông Đắc Kinh tỏ ra rất vui mừng, tưởng chừng gặp lại hình bóng của thân phụ cũng như của chính mình ngày xửa ngày xưa.

Đi thăm một vòng thành phố, ông Bernard luôn hỏi tôi không chỉ về "cổ tích" của cha mình mà còn quan tâm nhiều vấn đề lịch sử xưa và nay. Đến bến Bạch Đằng, ngắm nhìn tượng Trần Hưng Đạo, nghe nói về chiến công đánh thắng ba lần quân Nguyên Mông, ông cảm thán: "Người Việt Nam mình thật cứng cỏi".

Ngọn lửa truyền nhân: Cây có cội, người có hoài bão - Ảnh 5.

Báo Công Luận cho biết ông Hồ Đắc Cung cũng là người Việt Nam đầu tiên thử nghiệm nhảy dù từ máy bay ở độ cao 600m (báo Công Luận, Sài Gòn, 28-9-1936)

Khi sang thăm đền Thủ Thiêm, ông ngạc nhiên thấy nơi đây cũng có bàn thờ Đức Thánh Trần. Hai anh em ông xin phép được thắp nhang và kính cẩn vái lạy các vị tiền nhân anh hùng. Cả hai trong lúc đi thăm Bảo tàng Mỹ thuật và Bảo tàng thành phố - dinh Gia Long xưa đều hỏi tôi nhiều chi tiết lịch sử cụ thể mà họ đã tìm hiểu từ lâu.

Ông Bernard nói từ nhỏ ông đã nghe và tìm hiểu nhiều về trận Điện Biên Phủ và tướng Võ Nguyên Giáp. Nhiều người ở Pháp luôn nhớ trận đánh lừng lẫy và nhân vật giỏi giang ấy!

Hai anh em ông Bernard dành ba ngày về thăm quê nội ở làng Ba Dừa, xã Long Trung, huyện Cai Lậy và đi chơi Cần Thơ. Tuy mệt nhưng cả hai rất phấn khích vì được thấy và hiểu biết thêm gốc tích quê hương và dòng tộc.

Ông Bernard cho tôi xem những bức ảnh chụp bà con làng xóm, nhà thờ dòng họ, gia phả, nghĩa trang và đặc biệt là mảnh đất năm xưa nơi cha ông sinh ra. Rất thú vị, ông tổ họ Hồ Đắc từ miền Trung vào khai khẩn lập nên đất mới từ thế kỷ 18, đến nay vẫn được dân làng ghi nhớ và thờ cúng.

Ông Hồ Đắc Cung từng kể cho con trai lời dặn của ông cố nội rằng gia đình phải chia nhiều hoa lợi cho các tá điền - người thuê ruộng đất để cày cấy. Phải chăng cái chất xông pha và thương yêu đùm bọc lẫn nhau của tiền nhân đã hun đúc nên những người say mê sáng chế và yêu đất nước như ông Hồ Đắc Cung?

Tại TP.HCM, hai anh em ông Bernard còn tổ chức cuộc gặp với sinh viên bộ môn kỹ thuật hàng không của Đại học Bách khoa và sinh viên nhiều ngành của Học viện Hàng không.

Các bạn đều bày tỏ sự thích thú khi nghe câu chuyện người Việt Nam đầu tiên chế tạo máy bay từ gần trăm năm trước, và đặt ra nhiều câu hỏi về kỹ thuật và tương lai của công nghiệp hàng không.

Tuy chỉ hoạt động trong lĩnh vực xây dựng nhưng với hiểu biết sâu rộng về thế giới cũng như công nghệ cao, ông Bernard đã chân thành chia sẻ với các bạn nhiều kiến thức bổ ích.

Bản thân ông là một nhà sáng chế nổi tiếng trong lĩnh vực sử dụng công nghệ cảm quang để giám định tuổi thọ của các công trình cầu cống, đường xe lửa, nhà cao tầng. Ông hiện là tổng giám đốc Tập đoàn OMOS và là chủ tịch Liên hiệp Phát minh sáng chế của Pháp (SYNNOV).

Một cách thân mật, ông Bernard nói mình sống ở Pháp nhưng vẫn luôn nghĩ đến Việt Nam. Ông thấy mừng khi người nước ngoài ngạc nhiên và có khi còn ghen tị với tài năng và ý chí của người Việt Nam.

Theo ông Bernard, con người Việt Nam từ trong lịch sử đã là innovator - người phát minh - sáng chế. Dòng máu ấy vẫn đang chảy trong các thế hệ đương đại và cần được nuôi dưỡng, khơi dậy để nó lớn mạnh mãi mãi!

Nghe ông Bernard nói chuyện cởi mở với sinh viên, tôi thầm mong sẽ có thêm nhiều "truyền nhân" sáng tạo của người Việt tiếp tục góp thêm ngọn lửa, góp thành dòng chảy mạnh mẽ, kết nối các thế hệ, để cùng nhau kiến tạo một Việt Nam hòa bình và vươn lên tầm cao hơn bao giờ hết trong thế kỷ 21, vượt qua những đau thương và mất mát mà cả dân tộc đã phải chịu đựng trong thế kỷ trước.

Ngọn lửa truyền nhân: Cây có cội, người có hoài bão - Ảnh 6.

Báo Công Luận cho biết ông Hồ Đắc Cung cũng là người Việt Nam đầu tiên thử nghiệm nhảy dù từ máy bay ở độ cao 600m (báo Công Luận, Sài Gòn, 28-9-1936)

Ông Bernard cho tôi xem những hình ảnh và tài liệu báo chí đưa tin về việc ông Cung đã chế tạo một chiếc máy bay thân gỗ theo mẫu Pou du Ciel - Con bọ trời của kỹ sư Henri Mignet.

Tra cứu Google, ta có thể biết bản thân ông Mignet xuất thân là một kỹ sư vô tuyến điện của Pháp nhưng lại là một nhà sáng chế máy bay nổi tiếng thế giới. Ông tự học và bỏ nhiều công sức làm máy bay nhỏ cho nhiều người cùng sở thích chiếm lĩnh bầu trời.

Năm 1931, ông Mignet đã công bố các bản vẽ máy bay trong một quyển sách xuất bản tại Paris. Chắc hẳn từ "bí kíp" ấy, ông Cung đã nảy ra ý tưởng thử chế tạo máy bay theo mẫu này. Anh trai của ông Bernard vẫn nhớ khi còn nhỏ từng thấy cha miệt mài suốt ngày đêm để tiện giũa chiếc cánh quạt máy bay và nhiều bộ phận khác.

Tràng An báo, số 75 ra ngày 15-11-1935, đưa tin tường thuật: "Có tin từ Sài Gòn ra nói rằng chiếc máy bay nhỏ kêu bằng con "Rận Trời" của ông Hồ Đắc Cung đã do ông cầm máy, bay lên tại sân bay Tân Sơn Nhất trong một buổi trưa mới đây. Máy bay lên rất cao, khi lên khi xuống đều như ý.

Ngọn lửa truyền nhân: Cây có cội, người có hoài bão - Ảnh 7.

Ngọn lửa truyền nhân: Cây có cội, người có hoài bão - Ảnh 8.

Cũng đã trải qua mấy lần sửa chữa mới được vậy. Lần đầu hết, ông Cung đem thử tại sân bay Tân Sơn Nhất, chân vịt quay mà cất cánh không lên, vì sợi dây buộc cánh lúc lắc. Lần giữa vào ngày 26-10, máy bay lên được, nhưng đương lên cao bỗng thình lình chúi đầu xuống làm ông Cung suýt nguy.

Lần thứ ba mới bay được hoàn toàn. Nghe chừng ông sẽ bay ra Huế".

Ngọn lửa truyền nhân: Cây có cội, người có hoài bão - Ảnh 7.

Thanh niên có khát vọng, hoài bão mới quy hoạch được cuộc đời mình

Đó là điều mà các chuyên gia nhắn nhủ trong hội thảo xây dựng hình mẫu thanh niên Việt Nam, diễn ra tại Hà Nội ngày 16-5.

Bình luận hay

Chia sẻ

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
Tối đa: 1500 ký tự

Tin cùng chuyên mục

Chuyện lạ Kinh thành Huế - Kỳ 1: Đất thiêng giữa Kinh thành

Những người phương Tây khi đến Huế xưa đã ngỡ ngàng ngợi ca về một kinh đô tuyệt đẹp với biết bao câu chuyện thần thánh, thiêng liêng, diệu kỳ.

Chuyện lạ Kinh thành Huế - Kỳ 1: Đất thiêng giữa Kinh thành

Sài Gòn - TP.HCM - miền đất hứa bao phận người - Kỳ cuối: Tôi hạnh phúc được là người dân TP.HCM

Tháng 8-1997, tôi nhận giấy báo trúng tuyển Trường ĐH Luật TP.HCM. Ngày tôi rời quê Quảng Ngãi để vào TP.HCM học, má rưng rưng nước mắt căn dặn: "Ở trỏng con gắng học hành thật tốt để má ở nhà an tâm buôn bán, tằn tiện lo cho con ăn học".

Sài Gòn - TP.HCM - miền đất hứa bao phận người - Kỳ cuối: Tôi hạnh phúc được là người dân TP.HCM

Săn trăm ký cá từ đống chà khô hồ Dầu Tiếng

Làm nghề cá mà hổng cần đem nhiều ngư cụ, chỉ với đôi bao tay và mấy ống dây dài 30 - 40m, nhưng lượng cá mỗi ngày họ bắt được lên đến hàng trăm kg.

Săn trăm ký cá từ đống chà khô hồ Dầu Tiếng

Sài Gòn - TP.HCM - miền đất hứa bao phận người - Kỳ 5: Trả nghĩa thành phố bằng một đời thầy thuốc

Sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, bác sĩ Phan Bảo Khánh vào ngành y trong giai đoạn đất nước ở thời kỳ lịch sử đầy biến động.

Sài Gòn - TP.HCM - miền đất hứa bao phận người - Kỳ 5: Trả nghĩa thành phố bằng một đời thầy thuốc

Sài Gòn - TP.HCM - miền đất hứa bao phận người - Kỳ 4: Dang tay với những phận người khó khăn

TP.HCM dang rộng vòng tay với cả bao thân phận nghèo khó, những người khiếm khuyết, thiệt thòi cũng có thể mưu sinh thiện lương ở TP này.

Sài Gòn - TP.HCM - miền đất hứa bao phận người - Kỳ 4: Dang tay với những phận người khó khăn

Sài Gòn - TP.HCM - miền đất hứa bao phận người - Kỳ 4: Từ gánh hàng rong đến cuộc sống đủ đầy

25 năm trước, khi bước chân lên chuyến xe rời TP hoa phượng đỏ Hải Phòng vào TP.HCM lập nghiệp, bà Vũ Thị Thoa (53 tuổi, hiện ngụ phường An Khánh, TP Thủ Đức) chỉ có vỏn vẹn vài bộ quần áo và một ít tiền phòng thân.

Sài Gòn - TP.HCM - miền đất hứa bao phận người - Kỳ 4: Từ gánh hàng rong đến cuộc sống đủ đầy
Tất cả bình luận (0)
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng, xin vui lòng viết bằng tiếng Việt có dấu.
Được quan tâm nhất
Mới nhất
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đâu tiên bình luận về bài viết.
Tối đa: 1500 ký tự
Avatar
Đăng ký bằng email
Khi bấm "Đăng ký" đồng thời bạn đã đồng ý với điều khoản của toà soạn Đăng ký
Đăng nhập
Thông tin bạn đọc Thông tin của bạn đọc sẽ được bảo mật an toàn và chỉ sử dụng trong trường hợp toà soạn cần thiết để liên lạc với bạn.
Gửi bình luận
Đóng
Hoàn thành
Đóng

Bình luận (0)
Tối đa: 1500 ký tự
Tất cả bình luận (0)
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng, xin vui lòng viết bằng tiếng Việt có dấu.
Được quan tâm nhất
Mới nhất
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đâu tiên bình luận về bài viết.
Tối đa: 1500 ký tự
Avatar