23/05/2025 09:22 GMT+7

Săn trăm ký cá từ đống chà khô hồ Dầu Tiếng

Làm nghề cá mà hổng cần đem nhiều ngư cụ, chỉ với đôi bao tay và mấy ống dây dài 30 - 40m, nhưng lượng cá mỗi ngày họ bắt được lên đến hàng trăm kg.

dầu tiếng - Ảnh 1.

Theo ông Sáu, lượng cá hồ gần đây đã giảm đáng kể - Ảnh: A.VI

Mặt trời vừa ló dạng trên hồ Dầu Tiếng (Tây Ninh) cũng là lúc mấy thanh niên ở các xóm Việt kiều Campuchia tủa ra mưu sinh khắp lòng hồ nước ngọt lớn nhất khu vực.

Nghề "độc" hồ Dầu Tiếng

"Lẹ đi tụi mầy, nắng lên tao đi dìa cho tụi bây lặn kéo hết đống chà đó bây giờ", giọng ông Ngô Văn Thanh, tức Sáu Long Vương, nói vọng vào bờ, chỗ nhóm 5 thanh niên đang cố đẩy chiếc ghe mắc cạn, chuẩn bị cho một ngày lênh đênh.

Ông Sáu là chủ 30 đám chà lớn giữa lòng hồ Dầu Tiếng, 5 thanh niên còn lại là người quen của ông thuê ở xóm Việt kiều Campuchia cách đó 2km.

Khác với nhiều ghe, vỏ lãi đậu dọc bờ hồ, đội hình 6 người của ông Sáu đi bắt cá nhưng chỉ đem mỗi tấm lưới chụp. Bởi ông không giăng lưới, không đi câu, mà làm cái nghề đặc biệt kéo dài từ tháng giêng đến tháng 8 âm lịch - dỡ chà cá.

Chà chủ yếu từ cây tràm được ông Sáu mua từ miệt dưới đem lên, mỗi lần như vậy tốn khoảng 20 - 30 triệu đồng và dùng được 3 năm. Một năm ông chỉ thu hoạch được 8 tháng, bởi cuối năm nước lên cao không có cá.

Săn trăm ký cá từ đống chà khô hồ Dầu Tiếng - Ảnh 2.

Lưới được vây quanh đống chà - Ảnh: AN VI

Vươn vai vài cái, ông Sáu cầm tay quay, hùng hục khởi động chiếc ghe lớn nhất của đội, sau đó cột dây nối vào vỏ lãi và xuồng kế bên đang chở 5 người thợ lặn. Từ bờ, nhóm mất khoảng nửa tiếng để ra tới lòng hồ.

Đến nơi, ông Sáu dùng cây sào dài hơn 6m bắt đầu dò tìm đống chà của mình. Trên ghe, các trai tráng lắc đầu chào thua bởi chỉ có ông Sáu Long Vương - biệt danh đặt cho ông Thanh - mới có thể tìm được đống chà hôm trước đặt.

"Tui thách ai tới ăn cắp được cá đó, bởi tui có làm dấu gì đống chà đâu, tui rành cái mặt hồ này như lòng bàn tay rồi, cứ để nó chìm rồi lấy sào dò ra thôi", ông Sáu cười nói.

"Ra rồi tụi bây ơi", ông Sáu dứt lời, cả nhóm thanh niên trên ghe cười phá lên, họ vẫn hay chọc ông là bạn của Long Vương bởi tài tìm chà và lặn giỏi.

Tìm được đống chà, cả đội bắt tay vào việc. Ông Sáu cởi quần dài, bật máy bơm hơi vẫn thường thấy ở tiệm sửa xe rồi nối 4 đầu ống lại với nhau để thở dưới nước.

Sáu người được chia thành hai kíp, ông Sáu cùng một thợ lặn thâm niên lặn chính để cột dây vào chà. Phía trên, những thanh niên sung sức đảm nhận việc kéo chà.

Ông Sáu ngậm ống tiếp hơi rồi choàng lên người bộ dây xích nặng. Theo ông, chà được đặt cách mặt nước 6 - 7m nên phải có xích nặng mới lặn được sâu bên dưới.

"Nhóm này ai cũng biết lặn nhưng tui không giao cho tụi trẻ, mình kinh nghiệm xuống đó cột mới kỹ được. Có ống tiếp hơi liên tục mà, chừng nào tức ngực quá mới ngoi lên thôi, trung bình một buổi như vậy tui lặn 2 - 4 tiếng liên tục đó chứ", ông Sáu kể.

dầu tiếng - Ảnh 3.

Nghề dỡ chà cần sự ăn ý giữa thợ lặn và người kéo phía trên

dầu tiếng - Ảnh 4.

Cá tươi ngon đặc sản hồ Dầu Tiếng thu được sau một mẻ dỡ chà Ảnh: AN VI

Dỡ chà kiếm cá

Trước khi ông Sáu xuống nước, chiếc vỏ lãi được một thanh niên khác chạy tròn quanh đám chà để giăng lưới không cho cá thoát ra.

Ông Sáu xuống chừng 3 phút, bọt khí trên mặt hồ sôi lên. Phía trên, kíp còn lại biết chà đang lên liền cầm dây kéo phụ.

Nhìn đơn giản nhưng việc kéo đám chà nặng ký lên xuồng rồi xếp lại đòi hỏi sự ăn ý của cả nhóm. "Nếu kéo không chuẩn, không biết thế đứng phân bố lực nặng đều lên xuồng nó lật liền. Chà dưới nước nó nhẹ chứ lôi lên trên nặng lắm", anh Hè giải thích.

Cứ như thế, từng đám chà được đưa lên khỏi mặt nước, hôm nay cả nhóm dỡ gồm 4 đám, đưa lên hạ xuống cho tới khi mặt trời đứng bóng mới xong.

Tháng này, hồ Dầu Tiếng ít gió, nước ở mức trung bình, nắng như lửa đổ. Làm phía trên, chốc chốc mấy thanh niên với nước da đen sạm vẫn nhảy xuống hồ bơi mấy vòng cho đỡ nóng mới tiếp tục làm việc.

Còn thợ lặn chính như ông Sáu Long Vương, lặn xuống ngoi lên khoảng 5 lần, ông lại bám vào mạn xuồng thở hổn hển, mặt tái mét.

"Lặn chính như tụi tui đâu có dám ăn cơm nhiều, đem một hộp cơm cả buổi chia ra ăn 3 - 4 cữ, ăn nhiều mình no tức bụng, lặn không nổi. Chưa kể xuống đó uống nước thấy bà luôn đó chứ, cái ống này là đồ tự chế, phải dùng răng cắn để điều khiển hơi, mỗi lần như vậy nước tràn vào miệng là bình thường", người thợ lặn gần 30 năm kinh nghiệm cho hay.

Chà được đưa lên hết, hai thợ lặn dùng dây luồn dưới đáy rồi dồn lưới lại một phía. Người ở trên sẽ kéo lưới lên xuồng, được nửa tay lưới cá rô phi, cá chạch, cá trắng... thay nhau nhảy xoi xói.

"Đã đời rồi, bữa nay mua bia khao nha ông Sáu", anh Hè cười lớn khi thấy tay lưới kéo lên ngày một nặng. Quần quật giữa lòng hồ suốt 6 tiếng, cá trong lưới được cả nhóm lựa ra từng bao, ông Sáu ước tính hôm nay được hơn 1 tạ.

dầu tiếng - Ảnh 5.

Thành quả ngày vất vả trên hồ

Nguy hiểm rình rập

Người lặn chính được ông Sáu trả công 300.000 đồng/lần, kíp ở trên được trả 270.000 đồng. Trừ hết chi phí, nếu cá nhiều, mỗi ngày ông chủ chà cá này thu về được hơn 1 triệu đồng.

Không phải ngày nào chà cá của ông Sáu cũng trúng như hôm nay, ông kể không ít lần cả nhóm quần quật tới 16h mà cá chỉ có vài chục ký. "Mấy bữa như vậy coi như mần chia công với anh em chứ có lời lóm đồng nào đâu", ông Sáu nói thêm.

Lênh đênh phơi mình giữa trời chưa phải là cái khổ nhất của nghề dỡ chà này, mà đằng sau bao con cá và nụ cười niềm nở của người thợ lặn tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm. Trò chuyện với chúng tôi, ông Sáu liên tục lấy hơi dài, khụt khịt mũi, hệ quả của người thường xuyên phải lặn mấy tiếng mỗi ngày.

Tại các xóm Việt kiều nghèo, có những thanh niên mới chạm mốc 30 tuổi đã nhiều bệnh đường hô hấp khi theo nghề dỡ chà cá. "Đợt tháng 7, tháng 8 âm lịch nước sâu, lặn nhiều xuống đó nó ép mình, tối về tức ngực ngủ không được luôn. Có người sức khỏe yếu còn ho ra máu". Nguy hiểm là vậy nhưng ông Sáu cho biết nếu ông "buông" thì nhiều anh em cũng mất "sở làm" nên vẫn cố bám trụ.

Chưa kể khi lặn sâu xuống nước, không xác định được phương hướng hoặc tuột ống thở, nếu không bình tĩnh ngoi lên kịp, người thợ lặn có nguy cơ bị cuộn dây xích nhấn chặt phía dưới.

Mặt hồ Dầu Tiếng hôm nay phẳng lặng như gương, tấm gương ấy trong những ngày mưa bão đã nhiều lần làm lật thuyền ông Sáu. May mắn là họ thoát nạn. "Nhưng giờ không làm nghề này thì nghề nào nữa?", ai cũng khẳng định như vậy. Bởi lòng hồ này là vựa cá đã nuôi sống bao thế hệ gia đình tại đây.

dầu tiếng - Ảnh 6.

Mỗi ngày ông Sáu lặn mấy tiếng

Kíp làm bên trên chẳng nhàn hơn là bao, ai cũng đều đeo bao tay khi dỡ chà nhưng trên mặt, cổ, đặc biệt là đôi chân, chi chít sẹo vì bị chà đâm trúng. Anh Hè cả tuần qua đang phải dán thuốc giảm đau để đi làm vì bị đống chà lớn đập thẳng vào chân. Chỉ vào vết sẹo nơi khóe mắt, anh kể xém chút đã mù vì thợ lặn không thấy, chọt thẳng đống chà lên mặt anh.

"Lát tao mua thùng bia quất, tụi bây lựa mấy con ngon ngon về nướng nghen", ông Sáu rổn rảng nói. Nụ cười hiện rõ trên từng gương mặt những người thợ lặn đã đỏ ửng vì nắng gắt.

Hành trình mở nguồn nước Dầu Tiếng - Kỳ cuối: Hướng đến hồ 'đa mục tiêu'

TTO - Hồ Dầu Tiếng không chỉ có chức năng "mở nước" phục vụ nông nghiệp, công nghiệp và nước sinh hoạt, đẩy mặn, ngăn lũ, mà còn có thể thành hồ "đa mục tiêu", phát triển năng lượng sạch, khai khoáng, trồng rừng, nuôi thủy sản, du lịch sinh thái...

Bình luận hay

Chia sẻ

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
Tối đa: 1500 ký tự

Tin cùng chuyên mục

Sài Gòn - TP.HCM - miền đất hứa bao phận người - Kỳ cuối: Tôi hạnh phúc được là người dân TP.HCM

Tháng 8-1997, tôi nhận giấy báo trúng tuyển Trường ĐH Luật TP.HCM. Ngày tôi rời quê Quảng Ngãi để vào TP.HCM học, má rưng rưng nước mắt căn dặn: "Ở trỏng con gắng học hành thật tốt để má ở nhà an tâm buôn bán, tằn tiện lo cho con ăn học".

Sài Gòn - TP.HCM - miền đất hứa bao phận người - Kỳ cuối: Tôi hạnh phúc được là người dân TP.HCM

Sài Gòn - TP.HCM - miền đất hứa bao phận người - Kỳ 5: Trả nghĩa thành phố bằng một đời thầy thuốc

Sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, bác sĩ Phan Bảo Khánh vào ngành y trong giai đoạn đất nước ở thời kỳ lịch sử đầy biến động.

Sài Gòn - TP.HCM - miền đất hứa bao phận người - Kỳ 5: Trả nghĩa thành phố bằng một đời thầy thuốc

Sài Gòn - TP.HCM - miền đất hứa bao phận người - Kỳ 4: Dang tay với những phận người khó khăn

TP.HCM dang rộng vòng tay với cả bao thân phận nghèo khó, những người khiếm khuyết, thiệt thòi cũng có thể mưu sinh thiện lương ở TP này.

Sài Gòn - TP.HCM - miền đất hứa bao phận người - Kỳ 4: Dang tay với những phận người khó khăn

Sài Gòn - TP.HCM - miền đất hứa bao phận người - Kỳ 4: Từ gánh hàng rong đến cuộc sống đủ đầy

25 năm trước, khi bước chân lên chuyến xe rời TP hoa phượng đỏ Hải Phòng vào TP.HCM lập nghiệp, bà Vũ Thị Thoa (53 tuổi, hiện ngụ phường An Khánh, TP Thủ Đức) chỉ có vỏn vẹn vài bộ quần áo và một ít tiền phòng thân.

Sài Gòn - TP.HCM - miền đất hứa bao phận người - Kỳ 4: Từ gánh hàng rong đến cuộc sống đủ đầy

Sài Gòn - TP.HCM - miền đất hứa bao phận người - Kỳ 3: Gói cháo bột TP.HCM mang ra thế giới

Thuận, ông chủ trẻ của thương hiệu cháo bột cá lóc Cà Mèn, nói rất biết ơn khi được thành phố tạo cơ hội tốt nhất cho những người xa quê.

Sài Gòn - TP.HCM - miền đất hứa bao phận người - Kỳ 3: Gói cháo bột TP.HCM mang ra thế giới

Sài Gòn - TP.HCM - miền đất hứa bao phận người - Kỳ 2: Chàng thủ khoa đất đỏ và giấc mơ đổi đời

19 năm về trước, chàng trai trẻ Đặng Dương Minh Hoàng rời quê hương Bình Phước mang theo khát vọng đổi đời ở miền đất hứa TP.HCM.

Sài Gòn - TP.HCM - miền đất hứa bao phận người - Kỳ 2: Chàng thủ khoa đất đỏ và giấc mơ đổi đời
Tất cả bình luận (0)
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng, xin vui lòng viết bằng tiếng Việt có dấu.
Được quan tâm nhất
Mới nhất
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đâu tiên bình luận về bài viết.
Tối đa: 1500 ký tự
Avatar
Đăng ký bằng email
Khi bấm "Đăng ký" đồng thời bạn đã đồng ý với điều khoản của toà soạn Đăng ký
Đăng nhập
Thông tin bạn đọc Thông tin của bạn đọc sẽ được bảo mật an toàn và chỉ sử dụng trong trường hợp toà soạn cần thiết để liên lạc với bạn.
Gửi bình luận
Đóng
Hoàn thành
Đóng

Bình luận (0)
Tối đa: 1500 ký tự
Tất cả bình luận (0)
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng, xin vui lòng viết bằng tiếng Việt có dấu.
Được quan tâm nhất
Mới nhất
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đâu tiên bình luận về bài viết.
Tối đa: 1500 ký tự
Avatar