24/05/2025 13:00 GMT+7

Chuyện lạ Kinh thành Huế - Kỳ 1: Đất thiêng giữa Kinh thành

Những người phương Tây khi đến Huế xưa đã ngỡ ngàng ngợi ca về một kinh đô tuyệt đẹp với biết bao câu chuyện thần thánh, thiêng liêng, diệu kỳ. Những chuyện độc lạ trong Kinh thành Huế ngày nay vẫn còn vang vọng…

kinh thành Huế - Ảnh 1.

Mặt trước Kinh thành Huế: chính giữa là kỳ đài và hai bên là cửa Thể Nhơn và cửa Quảng Đức - Ảnh: THÁI LỘC

Đúng 200 năm trước, Nguyễn Thánh Tổ - Minh Mạng đã chọn địa cuộc thiêng ngay giữa Kinh thành Huế xây dựng nơi quàn di hài của chính mình. Điều đặc biệt của cuộc đất chính là vị trí trung tâm hình bát quái đúng theo quan niệm dịch lý phương Đông…

Ngụ ý quân vương

Trong những ngày lục tìm tư liệu liên quan đến Kinh thành Huế, tôi cứ phân vân về vị trí và vai trò của cung Khánh Ninh xưa, nay nằm phía bắc cầu đá Khánh Ninh bên sông Ngự Hà, Thành nội Huế. 

Khu đất hiện nay có đến cả trăm ngôi nhà và cơ quan nhà nước ken đặc, hầu như không có một mảnh vườn rộng. Nguyên xưa, khu vực này là cung Khánh Ninh với một ngôi điện to lớn trông về hướng nam; hai bên là hai nhà tả, hữu.

Theo sách Đại Nam thực lục, năm 1825: "Dựng cung Khánh Ninh (cung ở sau hoàng thành chính đường tiền đường và hậu đường hợp thành một tòa. Dỡ lấy gỗ ở điện Thanh Hòa làm tả vu hữu vu, hành lang tả hữu, cửa lầu trước sau, cửa tả cửa hữu, cửa bán nguyệt và bình phong đều một cái). 

Trên bờ sông ở trước cung dựng nhà mát (ba tòa hợp làm một)". Phụ trách xây dựng là Vệ úy Thị trung Lê Văn Quý và phó vệ úy Trần Văn Lộc.

Theo sách Đại Nam nhất thống chí, kiến trúc chính của cung Khánh Ninh được làm mới với hai tòa nhà: tòa lớn năm gian hai chái làm chính điện và hậu điện, gắn liền với tòa tiền điện năm gian phía trước.

Từ trước đó, trong Hoàng cung Huế có điện Hòa Thanh, vốn là nơi ở của vua Minh Mạng khi còn là hoàng thái tử; nhà vua cho tháo dỡ cung điện này ra làm nhà tả vu và hữu vu của cung Khánh Ninh. Cung điện này vốn là nơi vua thường xuyên lui tới nghỉ ngơi, hóng mát. Vốn trọng nông, vua cho làm vườn Vĩnh Trạch phía sau để tập cày bừa, tự tay trồng trọt, thử nghiệm các loại cây trồng.

Cuối tháng 4 năm Minh Mạng thứ 8 (1827): Vua đến cung Khánh Ninh bảo với Phan Huy Thực rằng: "Ngươi biết ý trẫm làm cung này không?". Thực không biết tâu thế nào. Vua nói rằng: "Trước Hoàng khảo ta làm điện Hoàng Nhân là vì con cháu mà tính kỹ lo xa. Trẫm làm cung này cũng là ý ấy".

Biết rằng, điện Hoàng Nhân vốn được Nguyễn Thế Tổ (Gia Long) dựng trong khu vực Thái Miếu vào năm 1814. Đến khi vua băng, ngôi điện này trở thành nơi quàn di hài nhà vua và là nơi Minh Mạng nhận di chiếu của tiên đế. Thì ra, vua Minh Mạng xem khu vực cung Khánh Ninh là đất thiêng, chọn xây cung điện để tới lui sinh hoạt, mà mục đích chính là xây nhà tang lễ cho mình sau này.

Địa cuộc trung tâm Ngũ hành

Kinh thành Huế dù hình gần vuông, có 11 cửa đường bộ và 2 cửa đường thủy. Có tám cửa được người xưa đặt tên đúng theo chính hướng (Chánh Đông, Chánh Tây, Chánh Nam, Chánh Bắc) và bàng hướng (Đông Nam, Tây Nam, Tây Bắc, Đông Bắc).

Nhà nghiên cứu Đoàn Văn Quýnh cho biết tùy vào tính chất, đặc điểm của các hướng mà người xưa xây cửa theo thứ tự ưu tiên, đồng thời quy mô cao, rộng các cửa thành cũng có sự khác nhau. 

Lớn lên trong Kinh thành, thủa ấu thơ thường thả diều trên thượng thành, ông Quýnh nhớ như in những hình vẽ trang trí vốn rất khác nhau tại mỗi cổng thành hồi ấy còn vẹn nguyên.

Trong đó, cửa Chánh Bắc vẽ bộ sáo trúc. Cửa Đông Bắc vẽ hình cái quạt. Cửa Chánh Đông vẽ chiếc trống xanh nhạt có đùi gác ngang trên giá. Cửa Đông Nam vẽ chuông màu vàng có dùi treo trên cuống…

Ông Quýnh lý giải rằng: "Không phải họ tùy tiện, muốn vẽ gì thì vẽ trên các công trình xây dựng quan trọng như các vọng lâu cổng kinh thành, mà bắt buộc họ phải dựa trên dịch lý phương Đông (thuyết phong thủy, thuyết âm dương, ngũ hành) và các biểu tượng về bát quái, bát âm, bát bửu… tương ứng với các phương vị. Ngoài ra cũng nhờ các họa tiết trang trí trên vọng lâu giúp ta có thể phân biệt rõ ràng sự khác nhau của các cổng thành cũng như ý nghĩa triết lý về kiến trúc xưa".

Cũng theo nhà nghiên cứu Đoàn Văn Quýnh, tám cửa thành nói trên ứng với tám phương vị của hình bát quái đúng theo quan niệm dịch lý phương Đông và cung Khánh Ninh nằm vị trí trung tâm.

Ông lý giải: "Các cổng thành ở đúng vào phương vị 8 quẻ Càn, Khảm, Cấn, Chấn, Tốn, Ly, Khôn, Đoài của hình Bát quái hậu thiên. Do đó tuy Kinh thành Huế có hình gần vuông nhưng trên bản đồ và la bàn thì 8 cổng nằm đúng vào 8 góc của một hình bát giác rất rõ ràng".

Điều này lý giải cung Khánh Ninh nằm trên khu đất trung tâm của Ngũ hành được vua Minh Mạng chọn là nơi tổ chức lễ tang của mình…

kinh thành Huế - Ảnh 2.

Dù hình thức giống nhau nhưng mỗi cửa thành đều có chỉ dấu ứng với phương vị của nó trong bát quái. Trong hình là cửa Đông Nam, còn gọi Thượng Tứ - Ảnh: THÁI LỘC

Chữ hiếu bền mãi

Các vua nhà Nguyễn vô cùng trọng hiếu, đặc biệt là vua Thiệu Trị. Điều này thể hiện rõ thông qua việc đặt tên điện Hiếu Tư trong cung Khánh Ninh ngay ở vị trí trung tâm Kinh thành này.

Đầu năm 1841, vua Minh Mạng băng tại điện Quang Minh trong Tử cấm thành. Người con trưởng Miên Tông nối ngôi lấy niên hiệu Thiệu Trị. Theo sách Đại Nam thực lục, ban đầu ý chỉ của vua truyền với Bộ Lễ có nội dung: "Điện Hoàng Phúc ở vườn Thiệu Phương dùng làm nơi lễ tang".

Song, lễ tang ban đầu được tổ chức ở điện Càn Thanh. Đồng thời vua cho người sửa chữa cung Khánh Ninh: tháo dỡ hai nhà hai bên ra dựng sau chính điện, đồng thời dựng thêm phần tiền điện để tổ chức lễ tang.

Bộ Lễ bàn với vua về lễ rước linh của tiên đế Minh Mạng từ Tử cấm thành ra cung Khánh Ninh: "từ bên ngoài cửa Càn Thanh, nhà vua lên võng đi theo tử cung (quan tài - NV)".

Vua dụ rằng: "Tử cung ở trước, bám vào mà gào góc vẫn còn chưa đủ, lại ngồi võng mà theo sau thì có nên không? Ta phải đi bộ theo sau để tỏ lòng hiếu kính".

Hôm trước đưa đám, mưa gió dầm dề, vua sai Tham tri Bộ Lễ Tôn Thất Bạch đến cầu tạnh ở miếu Thành hoàng của Kinh đô (nay trên đường Trần Nguyên Đán trong Kinh thành - NV). Chính lễ bắt đầu cử hành cũng mưa gió tơi bời, nhưng chỉ một chốc thì mây tan mưa tạnh. Mãi đến khi trọng lễ kết thúc thì mưa gió mới dầm dề trở lại.

Sách Đại Nam thực lục viết: "Ai cũng cho là nhờ anh linh của tiên đế ở trên trời vậy". Nhà vua sai Tôn Thất Bạch đem lễ vật cúng tạ miếu Thành hoàng của Kinh đô. Vua thưởng Tôn Thất Bạch một đồng tiền vàng và trọng thưởng vàng và tiền cho nhiều quan viên, binh lính, thợ thầy, kể cả các bô lão quỳ lạy tiễn linh trên đường…

Nơi quàn quan tài và tổ chức lễ tang được vua Thiệu Trị đặt tên là điện Hiếu Tư để tỏ rõ lòng hiếu kính với tiên đế.

Vua bảo Bộ Lễ: "Cung điện Khánh Ninh do hoàng khảo ta làm sẵn để làm nơi chí kế muôn năm. Cung thì đã có biển cũ rồi, còn điện thì chưa có biển. Nay ta kính tuân mệnh lệnh khi (tiên đế) còn tỉnh, đặt bàn thờ ở điện ấy, tinh linh lên xuống, khói hương nghi ngút ở chỗ ấy, tấm lòng hiếu thảo, thương nhớ không cùng cũng ở chỗ ấy. Nay nên tôn điện này tên là điện Hiếu Tư, lấy nghĩa là "lòng hiếu phải bền mãi, để làm khuôn phép cho đời sau". Bộ Thần theo đúng mẫu, làm tấm biển đem treo ở chính giữa điện"…

"Theo phương vị bát quái hậu thiên, các cổng thành đối xứng nhau qua trục la bàn mà tâm điểm ở vị trí cung Khánh Ninh trước đây. Đây cũng chính là trung tâm của Kinh thành Huế (theo dịch lý Đông phương thì vị trí này thuộc hành Thổ là trung tâm của Ngũ hành)" - nhà nghiên cứu Đoàn Văn Quýnh.

-----------------

Khơi sông, xây cầu và xây dựng hàng trăm nhà phố, lệnh cho dân kinh doanh khắp xứ về Kinh thành buôn bán. Vua Minh Mạng có tham vọng biến sông Vua thành nơi tấp nập ghe thuyền, Kinh thành là nơi phố thị sầm uất…

Kỳ tới: Tham vọng Kinh thành phồn hoa đô hội

Mở rộng không gian trước 8 cửa thành thuộc Kinh thành Huế

Sở Xây dựng TP Huế công bố quy hoạch chi tiết khu vực Kinh thành Huế, trong đó có kế hoạch mở rộng không gian công cộng trước tám cổng thành nhằm làm nổi bật hình ảnh di sản và phát triển du lịch.

Bình luận hay

Chia sẻ

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
Tối đa: 1500 ký tự

Tin cùng chuyên mục

Sài Gòn - TP.HCM - miền đất hứa bao phận người - Kỳ cuối: Tôi hạnh phúc được là người dân TP.HCM

Tháng 8-1997, tôi nhận giấy báo trúng tuyển Trường ĐH Luật TP.HCM. Ngày tôi rời quê Quảng Ngãi để vào TP.HCM học, má rưng rưng nước mắt căn dặn: "Ở trỏng con gắng học hành thật tốt để má ở nhà an tâm buôn bán, tằn tiện lo cho con ăn học".

Sài Gòn - TP.HCM - miền đất hứa bao phận người - Kỳ cuối: Tôi hạnh phúc được là người dân TP.HCM

Săn trăm ký cá từ đống chà khô hồ Dầu Tiếng

Làm nghề cá mà hổng cần đem nhiều ngư cụ, chỉ với đôi bao tay và mấy ống dây dài 30 - 40m, nhưng lượng cá mỗi ngày họ bắt được lên đến hàng trăm kg.

Săn trăm ký cá từ đống chà khô hồ Dầu Tiếng

Sài Gòn - TP.HCM - miền đất hứa bao phận người - Kỳ 5: Trả nghĩa thành phố bằng một đời thầy thuốc

Sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, bác sĩ Phan Bảo Khánh vào ngành y trong giai đoạn đất nước ở thời kỳ lịch sử đầy biến động.

Sài Gòn - TP.HCM - miền đất hứa bao phận người - Kỳ 5: Trả nghĩa thành phố bằng một đời thầy thuốc

Sài Gòn - TP.HCM - miền đất hứa bao phận người - Kỳ 4: Dang tay với những phận người khó khăn

TP.HCM dang rộng vòng tay với cả bao thân phận nghèo khó, những người khiếm khuyết, thiệt thòi cũng có thể mưu sinh thiện lương ở TP này.

Sài Gòn - TP.HCM - miền đất hứa bao phận người - Kỳ 4: Dang tay với những phận người khó khăn

Sài Gòn - TP.HCM - miền đất hứa bao phận người - Kỳ 4: Từ gánh hàng rong đến cuộc sống đủ đầy

25 năm trước, khi bước chân lên chuyến xe rời TP hoa phượng đỏ Hải Phòng vào TP.HCM lập nghiệp, bà Vũ Thị Thoa (53 tuổi, hiện ngụ phường An Khánh, TP Thủ Đức) chỉ có vỏn vẹn vài bộ quần áo và một ít tiền phòng thân.

Sài Gòn - TP.HCM - miền đất hứa bao phận người - Kỳ 4: Từ gánh hàng rong đến cuộc sống đủ đầy

Sài Gòn - TP.HCM - miền đất hứa bao phận người - Kỳ 3: Gói cháo bột TP.HCM mang ra thế giới

Thuận, ông chủ trẻ của thương hiệu cháo bột cá lóc Cà Mèn, nói rất biết ơn khi được thành phố tạo cơ hội tốt nhất cho những người xa quê.

Sài Gòn - TP.HCM - miền đất hứa bao phận người - Kỳ 3: Gói cháo bột TP.HCM mang ra thế giới
Tất cả bình luận (0)
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng, xin vui lòng viết bằng tiếng Việt có dấu.
Được quan tâm nhất
Mới nhất
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đâu tiên bình luận về bài viết.
Tối đa: 1500 ký tự
Avatar
Đăng ký bằng email
Khi bấm "Đăng ký" đồng thời bạn đã đồng ý với điều khoản của toà soạn Đăng ký
Đăng nhập
Thông tin bạn đọc Thông tin của bạn đọc sẽ được bảo mật an toàn và chỉ sử dụng trong trường hợp toà soạn cần thiết để liên lạc với bạn.
Gửi bình luận
Đóng
Hoàn thành
Đóng

Bình luận (0)
Tối đa: 1500 ký tự
Tất cả bình luận (0)
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng, xin vui lòng viết bằng tiếng Việt có dấu.
Được quan tâm nhất
Mới nhất
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đâu tiên bình luận về bài viết.
Tối đa: 1500 ký tự
Avatar