05/04/2025 06:12 GMT+7
Trở lại chủ đề

Myanmar - những bàn tay vẫy

Wai Yan Aung thấy một bàn tay xám ngoét nắm chặt khung sắt. Anh tiến lại gần hơn để xác định sự thật. Đúng là bàn tay người, có lẽ đã qua đời. Phép màu mong ước không đến!

Myanmar - Ảnh 1.

Một nhóm cứu hộ đang làm việc - Ảnh: WAI YAN AUNG

1 Nhóm của Wai Yan Aung đào bới mấy tiếng mới đưa được thi thể ra ngoài. Đó là một phụ nữ. Dép và các vật dụng cá nhân của chị cũng được nhặt để người thân có thể làm thủ tục trong lễ hỏa táng.

Từ Yangon, ngay sau ngày trận động đất xảy ra, Wai Yan Aung và nhóm bạn của mình lập tức lên đường với các thiết bị cứu hộ như máy khoan cắt, thực phẩm, thuốc men, nước uống. Thậm chí anh còn để ý việc mua băng vệ sinh cho phụ nữ. 

"Tôi chưa bao giờ mua Eva cho bất cứ cô gái nào trong đời nhưng lần này tôi mua cả trăm cái luôn", anh nói.

"Ngay khi đến thành phố Sagaing, tôi đã nghe thấy mùi hôi. Chúng tôi làm việc với một tổ chức từ thiện địa phương nhưng chỉ nhận được ba chiếc túi đựng thi thể, trong khi có đến chín người chết trong tòa nhà này".

Không có nhiều kinh nghiệm, Wai Yan Aung và các thành viên khác chỉ hành động theo sự mách bảo bên trong mình.

Trong khi một số người chỉ chụp ảnh và rời đi, những chàng trai trẻ này lần đầu tiên chạm vào các thi thể và bắt đầu thực hiện sứ mạng của mình. Đó thật sự là lòng dũng cảm.

Dù không đại diện cho tất cả nhưng câu chuyện của họ cũng mở ra những niềm hy vọng. Hằng ngày thân nhân của những người bị mắc kẹt vẫn đứng trước các tòa nhà sụp đổ để cầu nguyện, chờ đợi bóng dáng người thân. Đã đến ngày thứ sáu, ít nhất họ cũng mong một cái chết được xác nhận và thi thể còn đủ hình hài.

2 Người Myanmar có tập tục hỏa táng, tro cốt sẽ được gửi vào các tháp trong chùa nhưng bây giờ các nhà thiêu ở khu vực động đất dù hoạt động hết công suất vẫn chưa thể đưa hết thi thể vào.

Công việc khẩn trương hơn bao giờ hết. Ngoài các đội địa phương còn có hàng ngàn nhân viên cứu trợ và cứu hộ đến từ nhiều nước.

"Khi đang đào bới, tôi nghe tiếng gõ từ bên trong nên chúng tôi đã tắt tất cả các máy khoan, máy phát điện, cố gắng lắng nghe xem liệu còn có hy vọng nào nữa không nhưng sau tất cả là im lặng. Tôi mong ai đó hãy sống lâu thêm, nếu họ còn sống, chúng tôi sẽ cứu họ".

Đó cũng là tâm trạng chung của tất cả những người cứu hộ ở các vùng bị ảnh hưởng bởi trận động đất ngày 28-3 vừa qua.

Sagaing nằm trên đường đứt gãy địa chất, là vùng bị thiệt hại nặng nề nhất với gần 85% thành phố bị phá hủy, các đội cứu hộ cũng khó tiếp cận Sagaing hơn vì nhiều nơi trong vùng đất này hiện đang là khu vực giao tranh.

Nhiều vùng nông thôn xa xôi ở Sagaing hoàn toàn mất liên lạc với thế giới bên ngoài. Khine Mar là cô bạn hàng xóm sát vách nhà tôi. Cô từ làng Seiktha đến Yangon sống với dì để vừa học đại học vừa làm nhân viên thu ngân ở siêu thị. 

Mấy năm nay Khine Mar chỉ liên lạc với cha mẹ và anh chị em mình qua điện thoại chứ không thể về thăm do chiến tranh. Từ hôm động đất xảy ra, cô không biết liệu gia đình mình còn sống hay đã chết, vì điện thoại không có tín hiệu gì. Cô cầu mong đó chỉ là sự cố về viễn thông chứ không phải điều gì tồi tệ xảy đến với gia đình cô.

Ở dãy núi Sagaing và Minwan khoảng 2.000 tu viện và ni viện bị phá hủy hoàn toàn. Khine Mar biết tin đó, tinh thần cô càng suy sụp. Mỗi ngày trong siêu thị, cô làm việc nhưng không quên cầu nguyện cho người thân.

Cũng ở Sagaing, ba trong số năm nhà thờ Hồi giáo bị vỡ vụn khiến gần 300 người chết, thi thể được chuyển đến Mandalay vì nghĩa trang Hồi giáo ở Sagaing thuộc vùng chiến sự, các đội cứu hộ không được phép vào.

Và cũng ở Sagaing, hàng ngàn người phải ngủ trên các cánh đồng, trong các túp lều che tạm.

Trong khi đó ở Mandalay, dưới cái nóng 40oC hàng ngàn người phải tạm trú trên đường phố do nhà sập hoặc vì sợ hãi các cơn dư chấn. Ban đêm Mandalay và Sagaing rơi vào bóng tối do mất điện, nạn trộm cướp đã xảy ra.

"Cảnh sát thường đến kiểm tra an ninh vào ban ngày chứ đêm thì không thấy", một cư dân ở Mandalay đã nói như vậy. Những người trẻ trong các ngôi làng phải tụ tập lại tự lo liệu an ninh.

Trong khi nhiều gia đình lâm vào cảnh đói thì các đường lộ, các cây cầu bắc qua sông ở Sagaing, Mandalay đã bị phá hủy khiến nguồn cung cấp hàng hóa gián đoạn. Giá nhiên liệu tăng cao, không đủ đáp ứng nhu cầu. Nguồn nước cũng khó khăn và không an toàn; các vết nứt do động đất làm nước ngầm rò rỉ và đổi màu. Bệnh tiêu chảy bắt đầu lan rộng...

3 Nhưng giữa những tin tức đau thương mỗi ngày vẫn thấy lóe lên hy vọng cho cuộc hồi phục dù phải mất nhiều thời gian, công sức. Các chuyến xe chở lương thực, nhu yếu phẩm; các nhà hỏa táng, các bệnh viện dã chiến... hoạt động hết công suất.

Người dân dù đang khốn khó vẫn thể hiện tương thân tương ái khắp mọi nơi. Tại thành phố Yangon, các em học sinh, sinh viên thuộc nhiều đội nhóm khác nhau mỗi ngày thay phiên đứng trước các siêu thị hoặc đi vòng các khu chợ, đường phố, tay ôm thùng giấy đựng tiền quyên góp từ người đi đường. Ai có gì góp nấy, quần áo, chăn màn, tiền bạc, vật dụng sinh hoạt...

Mùa mưa sắp đến, nỗ lực cứu trợ không chỉ cho trước mắt mà còn phải giúp tái thiết, xây dựng lại nhà cửa cho người bị nạn.

Tất cả mọi nỗ lực cứu hộ, cứu trợ, sau đó là tái thiết sẽ còn phụ thuộc vào tình hình chính trị của đất nước, vào các kế hoạch được xây dựng bằng lòng từ bi chứ không phải tham vọng.

Khi tôi viết những dòng này thì được tin chính quyền quân sự cũng đã tuyên bố thực hiện "ngừng bắn". Trước đó là tuyên bố ngừng bắn của Liên minh "Ba anh em" (Liên minh vũ trang dân tộc). Liệu đây có phải những lời hứa suông như từng diễn ra trước đây.

Có nên tin không vì chỉ cách đây mấy ngày các cuộc không kích vẫn diễn ra ngay cả trong vùng bị thảm họa động đất hòng đoạt được lợi thế sau này. Chúng ta hãy chờ xem.

Theo thông báo của chính quyền quân sự, đã có 849 tấn hàng cứu trợ quốc tế được gửi đến người dân bị ảnh hưởng bởi trận động đất.

Ngoài ra, 1.519 nhân viên cứu trợ quốc tế đã đến và đang tiến hành công tác cứu trợ tại các khu vực bị thiệt hại do động đất.

Myanmar - Ảnh 2.

Tình nguyện viên tỏa khắp các con đường xin tiền quyên góp cho nạn nhân động đất - Ảnh: TRẦN NGỌC SINH

Myanmar - Ảnh 3.

Người dân ở Mandalay sạc điện thoại từ máy phát điện của một nhóm cứu hộ - Ảnh: WAI YAN AUNG

Myanmar - Ảnh 4.

Hai bé gái có cha mẹ qua đời trong trận động đất ở Myanmar viết: “Cha mẹ mất rồi. Chúng con ngủ trên đường. Chúng con yêu cha mẹ"

Myanmar đối mặt khủng hoảng y tế sau động đất

Nhiệt độ cao và mưa lớn đe dọa tính mạng những người sống sót sau động đất ở Myanmar, trong khi các tổ chức cứu trợ cảnh báo nguy cơ dịch bệnh bùng phát.

Bình luận hay

Chia sẻ

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
Tối đa: 1500 ký tự

Tin cùng chuyên mục

'Sát thủ thầm lặng' fentanyl - Kỳ 2: Thần chết fentanyl hoành hành ở Mỹ

Fentanyl bất hợp pháp bắt đầu gây đại dịch ngầm ở Mỹ từ năm 2013 và trở thành loại ma túy mới phê hơn vì mạnh hơn heroin tới 50 lần.

'Sát thủ thầm lặng' fentanyl - Kỳ 2: Thần chết fentanyl hoành hành ở Mỹ

Người chia sẻ cùng nỗi đau trái tim

Chương trình khám và điều trị miễn phí dị tật tim bẩm sinh cho trẻ em khó khăn do Liên chi hội Tim mạch nhi và tim bẩm sinh TP.HCM tổ chức.

Người chia sẻ cùng nỗi đau trái tim

Sen Bách Diệp hồ Tây hồi sinh

Trước tình trạng diện tích đầm trồng sen hồ Tây (Hà Nội) dần bị thu hẹp trong suốt nhiều năm qua, UBND quận Tây Hồ (cũ) đã phối hợp với cơ quan chuyên môn và người dân cải tạo đất trồng thêm được 7,5ha giống sen quý Bách Diệp.

Sen Bách Diệp hồ Tây hồi sinh

'Sát thủ thầm lặng' Fentanyl: Kỳ 1: Thuốc giảm đau thành thuốc độc hủy hoại người trẻ

Fentanyl là loại thuốc giảm đau tổng hợp nhóm opioid mạnh hơn morphine 100 lần, đồng thời cũng là loại ma túy mạnh hơn heroin tới 50 lần.

'Sát thủ thầm lặng' Fentanyl: Kỳ 1: Thuốc giảm đau thành thuốc độc hủy hoại người trẻ

Phố xá, ruộng đồng nào cũng quê hương - Kỳ cuối: Giao trọng trách cho thế hệ lãnh đạo hiện nay

Nhiều cán bộ nguyên lãnh đạo các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long từng trải những lần nhập - tách tỉnh trước đây, đã bày tỏ niềm tin vào đợt sáp nhập lần này.

Phố xá, ruộng đồng nào cũng quê hương - Kỳ cuối: Giao trọng trách cho thế hệ lãnh đạo hiện nay

Phố xá, ruộng đồng nào cũng quê hương - Kỳ 4: Kỳ vọng của người trẻ khi 'sắp xếp lại giang sơn'

Giữa những thay đổi lớn lao, nhiều người trẻ bày tỏ niềm tin về tương lai, cũng ý thức rõ trách nhiệm trong việc chung tay xây dựng quê hương mới.

Phố xá, ruộng đồng nào cũng quê hương - Kỳ 4: Kỳ vọng của người trẻ khi 'sắp xếp lại giang sơn'
Tất cả bình luận (0)
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng, xin vui lòng viết bằng tiếng Việt có dấu.
Được quan tâm nhất
Mới nhất
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đâu tiên bình luận về bài viết.
Tối đa: 1500 ký tự
Avatar
Đăng ký bằng email
Khi bấm "Đăng ký" đồng thời bạn đã đồng ý với điều khoản của toà soạn Đăng ký
Đăng nhập
Thông tin bạn đọc Thông tin của bạn đọc sẽ được bảo mật an toàn và chỉ sử dụng trong trường hợp toà soạn cần thiết để liên lạc với bạn.
Gửi bình luận
Đóng
Hoàn thành
Đóng

Bình luận (0)
Tối đa: 1500 ký tự
Tất cả bình luận (0)
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng, xin vui lòng viết bằng tiếng Việt có dấu.
Được quan tâm nhất
Mới nhất
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đâu tiên bình luận về bài viết.
Tối đa: 1500 ký tự
Avatar