
Hình ảnh bài đăng cho rằng đây là cảnh hành quyết tình báo viên Israel tại Iran - Ảnh: AFP
Vào ngày 17-6, một hình ảnh lan truyền trên nền tảng mạng xã hội X đã thu hút sự chú ý, với chú thích Iran hành quyết bốn người, trong đó có một phụ nữ, vì tội làm gián điệp cho Israel.
Hình ảnh thể hiện cảnh 4 người bị trùm đầu đen, tay bị trói sau lưng và đứng trên giá treo cổ, chuẩn bị bị hành quyết.
Sự việc được chia sẻ rộng rãi trong bối cảnh căng thẳng sau cuộc chiến kéo dài 12 ngày giữa Iran và Israel, bắt đầu từ ngày 13-6 với các đợt không kích của Israel nhắm vào các cơ sở hạt nhân Iran, khiến nhiều tướng lĩnh cấp cao và nhà khoa học thiệt mạng.
Cuộc tấn công sau đó đã dẫn đến phản ứng quân sự từ Iran, với hàng loạt đợt phóng tên lửa và máy bay không người lái.
Những tiết lộ từ phía Israel rằng họ có khả năng thâm nhập sâu vào nội bộ Iran, đã khiến Tehran mở rộng chiến dịch truy lùng các tình báo viên Mossad ở diện rộng.
Tổ chức Nhân quyền Iran cho biết kể từ khi xung đột nổ ra, ít nhất 6 người đã bị hành quyết bằng hình thức treo cổ do bị cáo buộc làm gián điệp cho Israel, và hơn 1.000 người khác đã bị bắt giữ vì các cáo buộc khác có liên quan.
Theo báo cáo ngày 9-7 của Hãng tin AFP, dù các tổ chức nhân quyền xác nhận Iran đã tiến hành nhiều vụ bắt giữ và hành quyết, song hình ảnh đang lan truyền trên mạng không phản ánh sự việc có thật.
Qua xác minh bằng công cụ truy nguồn hình ảnh trên Google, nhóm xác minh của AFP phát hiện hình ảnh gốc là từ một bộ phim phương Tây có tên Hang 'Em High, phát hành từ năm 1968 với sự tham gia của diễn viên Mỹ Clint Eastwood.

Hình ảnh so sánh cảnh trong phim Hang 'Em High (1968) trùng khớp với hình ảnh từ bài đăng - Ảnh: AFP
Theo AFP, hình ảnh đang lan truyền thực chất trích từ một đoạn của bộ phim này, được đăng tải ngày 8-10-2016 trên kênh YouTube MovieClips.
Cảnh gốc xuất hiện rõ ràng tại mốc 1 phút 18 giây trong video có tiêu đề "Hang 'Em High (10/12) Movie CLIP - A Hanging and a Shooting (1968) HD".
Trước đó hình ảnh này cũng xuất hiện trên các nền tảng như Facebook và Instagram, kèm theo nhiều bình luận ủng hộ vụ hành quyết mà người đăng tuyên bố đã xảy ra tại Iran.
Hãng tin AFP cho biết không có bằng chứng nào cho thấy bức ảnh lan truyền là một sự kiện thực tế diễn ra gần đây tại Iran.
Bình luận hay