
Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT 2025 cùng phụ huynh sau giờ thi - Ảnh: DUYÊN PHAN
Nhiều chuyên gia giáo dục tiếp tục góp ý cho kỳ thi tốt nghiệp THPT. Tuổi Trẻ xin giới thiệu cùng bạn đọc.
Tiến sĩ Nguyễn Hà Thanh (nguyên trưởng bộ môn hình học, khoa toán - tin Trường ĐH Sư phạm TP.HCM):
Xác định rõ quan điểm kỳ thi tốt nghiệp
Tôi cho rằng Bộ GD-ĐT nên xác định rõ ràng với kỳ thi tốt nghiệp THPT. Nếu chỉ đơn thuần là kỳ thi dành cho học sinh đã học hết bậc THPT thì đề thi phải phù hợp với mặt bằng chung học sinh cả nước. Trong đó, bao gồm cả học sinh ở vùng đô thị và học sinh ở vùng sâu, vùng xa. Và như thế thì nên lấy tiêu chí "học gì thi nấy", chứ không phải "thi gì học nấy", để áp dụng cho kỳ thi.
Trường hợp Bộ GD-ĐT vẫn giữ kỳ thi "2 trong 1" - vừa dùng để xét tốt nghiệp THPT vừa xét tuyển vào ĐH - sẽ "dẫm chân" nhau. Bởi hiện nay nhiều trường đại học đã có kỳ thi đánh giá năng lực riêng cũng như sử dụng kết quả của kỳ thi này.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT nhằm đánh giá phẩm chất và năng lực học sinh trong quá trình học tập ở phổ thông (theo chương trình giáo dục phổ thông 2018). Nếu xem đây là kỳ thi tuyển sinh nhằm chọn học sinh giỏi vào học đại học thì không phù hợp với định hướng phát triển phẩm chất, năng lực của chương trình giáo dục phổ thông 2018.
TS Lê Tuấn Phong:
Tách chức năng công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học
Cần cân nhắc tách chức năng công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học. Một đề thi không thể cùng lúc vừa đảm bảo phổ rộng để xét tốt nghiệp, vừa phải có độ phân hóa sâu để làm công cụ tuyển sinh. Đây chính là mâu thuẫn chức năng dẫn đến tình trạng "hai mục tiêu - một đề thi - quá tải cho người học".
Cách giải quyết là để kỳ thi tốt nghiệp THPT đánh giá chuẩn cơ bản, còn các trường đại học được quyền sử dụng bài thi riêng, đánh giá năng lực hoặc kết hợp các phương thức phù hợp với mục tiêu đào tạo. Nhiều quốc gia đã áp dụng giải pháp này để giảm áp lực thi cử và tăng sự linh hoạt trong tuyển sinh.
Bên cạnh đó, cần chuyên nghiệp hóa đội ngũ ra đề và quản trị kỳ thi trên nền tảng dữ liệu. Việc ra đề thi không nên giao cho những người chỉ giỏi giảng dạy mà phải là các chuyên gia được đào tạo bài bản về kiểm tra - đánh giá giáo dục.
Quá trình xây dựng đề thi cần gắn với thử nghiệm thực tế, đánh giá tác động ngược và cập nhật lý luận hiện đại về thiết kế bài kiểm tra. Bộ GD-ĐT cũng cần thúc đẩy việc công bố báo cáo sau kỳ thi - một thực hành phổ biến ở nhiều nước - để toàn hệ thống có cơ hội học hỏi và điều chỉnh.
Không ai phản đối cải cách giáo dục, càng không ai phủ nhận vai trò trung tâm của kiểm tra - đánh giá trong đổi mới. Nhưng cải cách không thể khiến kỳ thi trở thành chướng ngại tâm lý cho học sinh và một phép thử may rủi cho thí sinh trong xét tuyển.
Một đề thi tốt không phải là đề thi gây khó khăn, mà là đề thi đo được đúng năng lực đã dạy, tạo được động lực học tập và củng cố niềm tin vào công bằng giáo dục.
Bình luận hay