Dù còn rất nhiều việc phải làm, sẽ có lời than phiền, không hài lòng, kể cả nghi ngờ, nhưng hoạt động đó đã gãi đúng chỗ đau của người dân: mong được dùng thực phẩm an toàn.
Thông tin này diễn ra trong bối cảnh cả nước đang dẹp nạn dùng chất cấm trong chăn nuôi. Xin cảm ơn ông Nguyễn Quyền Anh - hộ chăn nuôi ở Hoài Đức, Hà Nội - đã báo tin về công ty bán thức ăn chăn nuôi kèm gói bột trắng chứa chất salbutamol để cơ quan chức năng xử lý.
Và hộp thư [email protected] đã được công bố mời gọi mọi người cùng tố giác về thực phẩm bẩn.
Có lẽ cơ quan chức năng đã đi đúng hướng khi huy động mọi người, từ nhà sản xuất, phân phối đến người tiêu dùng, với nhiều cách khác nhau cùng chung tay lo cho bữa ăn sạch.
Từ lâu rồi chúng ta luôn nêu câu hỏi: “Nhà nước, cơ quan chức năng đâu?”. Câu hỏi đúng nhưng chưa đủ. Người thi hành công vụ không thể có mặt ở khắp nơi, theo dõi từng trang trại, hành vi của người chăn nuôi.
Chỉ có pháp luật là có mặt ở khắp mọi nơi, mọi người phải tuân thủ, thậm chí có trách nhiệm báo và chính quyền phải quyết liệt ngăn chặn, xử lý trường hợp vi phạm.
Nếu người chăn nuôi ở Đồng Nai mạnh dạn điểm mặt người phân phối chất cấm thì nơi này không phải mang tiếng là dẫn đầu cả nước có heo dính chất cấm bị phát hiện, người chăn nuôi không lao đao do người tiêu dùng quay lưng với thực phẩm bẩn.
Báo tin người làm thực phẩm bẩn là tố cáo người vi phạm pháp luật, là chỉ mặt người vô lương tâm kiếm tiền trên sức khỏe và tính mạng của cộng đồng, là bảo vệ nghề chân chính của mình.
Mọi người tiêu dùng rồi đây sẽ gắn với hệ thống phân phối thực phẩm sạch. Mỗi chúng ta phải săm soi, thậm chí xét nét để người sản xuất, nơi cung ứng thực phẩm sạch phải làm bài bản và chuyên nghiệp hơn.
Khi người làm ăn chân chính có đất sống, họ sẽ mở rộng sản xuất và phân phối thực phẩm sạch, không dừng ở siêu thị mà ra vùng ven, vùng xa...
Ngọn lửa để khơi lại lòng tin về thực phẩm sạch vừa được nhóm lên. Nếu cháy mãi, nó sẽ thiêu rụi những kiểu làm ăn gian dối. Nhưng để duy trì lửa, trách nhiệm đó thuộc về chính quyền.
Chính quyền phải đảm bảo pháp luật được thực thi ở mọi nơi, bịt mọi kẽ hở tạo cơ hội cho thực phẩm bẩn, làm sao để mọi người - từ chăn nuôi, phân phối đến tiêu dùng - chính là tai mắt của cơ quan chức năng để đảm bảo pháp luật được thực thi.
Phải phát huy vai trò của đội thanh tra thực phẩm đang có mặt ở Hà Nội và TP.HCM và sau này là nhiều nơi khác. Muốn vậy, phải trân trọng từng tin báo về thực phẩm bẩn. Hãy kiên nhẫn trước những thông tin chưa rõ ràng về thực phẩm bẩn.
Phải xác định xử lý thực phẩm bẩn là việc làm thường xuyên, lâu dài, chứ không phải là dẹp xong chất tạo nạc thì mọi việc lại xìu xuống, bởi thực phẩm bẩn không chỉ là thịt heo nhiễm chất tạo nạc.
Mọi thứ mới chỉ bắt đầu. Nhưng đó là cơ hội cho người làm ăn chân chính và chính quyền làm tròn nhiệm vụ lo bữa ăn sạch cho người dân.
Khi người dân được ăn sạch cũng là lúc thói quen làm ăn chân chính, tôn trọng pháp luật được xác lập nơi người kinh doanh. Một khi họ tự giác bảo vệ thương hiệu, bảo vệ “nồi cơm” của mình, khi đó xã hội mới thật sự an toàn với thực phẩm sạch.
Bình luận hay