
Nhân viên của một bệnh viện trao tặng phiếu ăn của Dĩa cơm trên tường - Buôn Ma Thuột cho bệnh nhân - Ảnh: DCTT-BMT
Gọi là "tận giường" vì chương trình Dĩa cơm trên tường - Buôn Ma Thuột sáng tạo riêng một cách trao tặng nhân văn: Không để người nhà bệnh nhân xếp hàng chờ nhận từng phần cơm, mỗi ngày.
Chương trình trao phiếu ăn (trị giá 25.000 đồng/ phiếu) đến từng người khó khăn. Người trao phiếu chính là các điều dưỡng, y tá tự nguyện thành tình nguyện viên trong việc tìm hiểu bệnh nhân, người nhà nào cần được trợ giúp.
Từ câu chuyện bệnh nhân "bỏ về" đến 500 suất cơm/ngày
Năm 2016, bác sĩ Phạm Hòa Anh (hiện công tác tại Bệnh viện Thiện Hạnh, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) nhận được điện thoại từ một trình dược viên hỏi anh có thể làm gì để giúp vài bệnh nhân ung thư tại bệnh viện tỉnh đã "bỏ về" (dù được bệnh viện chi trả viện phí và cả tiền cơm) vì người nhà họ không còn tiền để lót dạ một bữa cơm...
Băn khoăn trước tình cảnh của nhiều người đồng bào dân tộc chưa quen dùng tiền mặt, bác sĩ Hòa Anh lên mạng tìm kiếm các chương trình "cơm cho bệnh nhân", "cơm cho người nhà"..., và nhờ vậy biết đến chương trình Dĩa cơm trên tường - lúc đó ra đời được một năm tại TP.HCM.
Học tập mô hình của Dĩa cơm trên tường, bác sĩ Hòa Anh vận động bạn bè đóng góp giúp bệnh nhân nghèo và đặc biệt người nhà bệnh nhân (không thuộc diện được chính sách chăm lo) những bữa cơm miễn phí.
Được nuôi dưỡng từ tâm nguyện "không để bệnh nhân bỏ dở việc điều trị", từ 10 suất cơm ban đầu, chương trình tăng dần lên 600, 1.000, 2.500, 5.000 và đến nay là 15.000 suất cơm/ tháng, vươn ra khỏi địa bàn Buôn Ma Thuột, đến với các bệnh viện huyện trên toàn tỉnh.
Tháng 9-2016, nhận thấy chương trình có thể được duy trì ổn định, bác sĩ Phạm Hòa Anh quyết định thành lập Dĩa cơm trên tường - Buôn Ma Thuột sau khi xin phép được dùng tên Dĩa cơm trên tường như một cách tôn trọng ý tưởng những người sáng lập - bác sĩ Huỳnh Thanh Hiển và bác sĩ Võ Xuân Sơn.
Các đêm nhạc Blouse trắng - Dĩa cơm trên tường - Buôn Ma Thuột ra đời từ đó như một hoạt động gây quỹ, tri ân những người đồng hành. Đã có hơn 50 đêm nhạc được tổ chức. Đêm nhạc gần nhất mang đến các tình khúc của bác sĩ Vũ Minh Đức và kiến trúc sư Phan Hồng Việt vừa diễn ra ngày 21-6 tại khách sạn Sài Gòn - Ban Mê.
Cơn mưa lớn đổ xuống thành phố ngay trước giờ diễn vẫn không ngăn được những khán giả yêu mến chương trình đội mưa đến nghe nhạc và chia sẻ chút quà cho bệnh nhân. Đêm Blouse trắng "dưới mưa" vì vậy vẫn thu về được trên 125 triệu đồng, tương đương 5.000 suất cơm.
Bác sĩ Phạm Hòa Anh, trưởng ban điều hành Dĩa cơm trên tường - Buôn Ma Thuột, kể có hôm vừa xong ca phẫu thuật, anh thấy tin nhắn chuyển khoản gửi về thật nhiều, thế là quên bao mệt nhọc, lại miệt mài vội vã chụp từng tin nhắn gửi các bạn làm công tác công bố, thống kê. Ban điều hành lúc đầu gồm chín người, nay còn sáu thành viên (gồm các bác sĩ, doanh nhân...) và mạng lưới thành viên đóng góp thường xuyên gồm gần 100 người.
Điều đặc biệt là ít có tổ chức nào có tư cách pháp nhân mà phí vận hành bằng 0 như Dĩa cơm trên tường - Buôn Ma Thuột, bởi phí vận hành do chính thành viên ban điều hành bỏ tiền túi.
Điều gì khiến một bác sĩ bận rộn với nhiều áp lực công việc có thể dấn thân cho chương trình phi lợi nhuận ngốn không ít thời gian cá nhân suốt chín năm qua? Chỉ có thể là một tình cảm lớn dành cho người yếu thế.
Tuy vậy, bác sĩ Hòa Anh nói vui: "Có lẽ đó là cái nghiệp của mình, nghiệp "cái bang". Lúc nào còn làm được gì cho bệnh nhân thì mình cứ cố gắng dù có khi gặp phải những định kiến".

Ban điều hành Dĩa cơm trên tường - Buôn Ma Thuột trong một đêm nhạc năm 2017 - Ảnh: TRẦN CAN
"Nay không phải lo không có cơm"
Tính đến tháng 6-2025, Dĩa cơm trên tường - Buôn Ma Thuột với thông điệp "một dĩa cơm - cả tấm lòng" đã trợ sức cho không biết bao nhiêu gia đình bệnh nhân. Hiện trung bình mỗi tháng chương trình trao tặng 15.000 suất cơm ở 15 bệnh viện, tương đương hơn 350 triệu đồng.
Dĩa cơm trên tường - Buôn Ma Thuột làm thế nào để kiểm soát "đầu ra? Bác sĩ Hòa Anh cho biết ngoài làm việc với từng bệnh viện để lập mạng lưới tình nguyện viên tặng phiếu ăn do chương trình in. Ở mỗi địa phương chương trình có một tình nguyện viên làm công tác kiểm phiếu vào cuối tháng với sự chứng kiến của ba bên. Dựa trên số phiếu, ban điều hành chi trả tiền cơm cho các quán ăn vào mỗi cuối tháng.
Ca sĩ Minh Đức, một giọng ca thân thiết của Dĩa cơm trên tường - Buôn Ma Thuột, nhiều năm qua cùng với những ca sĩ như chị em bolero Phương Anh, Phương Ý, Triều Linh, Tuấn Nghĩa... chia sẻ anh và các ca sĩ luôn sẵn sàng đi đường xa lên phố núi hát, vì quý tính minh bạch và ý nghĩa của một chương trình tương trợ người bệnh.
Một lý do khác khiến khán giả dành nhiều tình cảm cho chương trình và các ca sĩ phòng trà như anh vui - được - hát không cát sê cũng là vì chất lượng âm nhạc. "Âm nhạc được chú trọng, chọn lọc, có chiều sâu nên nhiều người đã đến với Dĩa cơm trên tường - Buôn Ma Thuột còn là vì lòng yêu âm nhạc".
Ngồi lại sau đêm nhạc 21-6, ông Trần Can, nhiếp ảnh gia tận tụy của Dĩa cơm trên tường - Buôn Ma Thuột, xem lại từng bức ảnh với niềm vui lấp lánh trong mắt. Tay đàn, tay máy 70 tuổi gắn bó với chương trình từ những ngày đầu vì tình yêu âm nhạc rồi đến yêu quý từng thành viên ban điều hành, từng ca sĩ, từng người gắn bó với Dĩa cơm trên tường - Buôn Ma Thuột.
Như một "đại sứ thiện chí", ông đã kết nối cho chương trình nhiều nhà hảo tâm vì "tình thương và sự vô vị lợi" những người cầm trịch. Ông vui vì được chung tay cho những hoạt động ý nghĩa, "có thể làm chút gì đó trả ơn cho mảnh đất đã nuôi dưỡng mình", ông nói một cách chân tình.
Làm việc tử tế như một cách thể hiện lòng biết ơn để rồi lòng biết ơn cứ thế tiếp nối. Bác sĩ Phạm Hòa Anh tâm sự điều anh cảm động nhất trong hành trình chín năm chính là sự đóng góp tiếp tục của những người đã nằm xuống, đã từ biệt, khi con cháu họ làm theo di nguyện hoặc tự nguyện góp quỹ đều đặn vì họ biết người cha, người mẹ của mình đã từng rất vui khi có nhân duyên góp sức cho Dĩa cơm trên tường - Buôn Ma Thuột.
Với tâm huyết và sự nhiệt thành như thế của những người đồng hành và điều hành, không ngạc nhiên khi Dĩa cơm trên tường - Buôn Ma Thuột đi được đường dài, giúp bao bà con cao nguyên được ấm bụng, ấm lòng trong những ngày tháng họ cần được sẻ chia nhất.
"Lâu rồi cứ ăn cơm của mấy cô Dĩa cơm trên tường, đỡ được tiền ăn uống hằng ngày nhiều lắm. Nằm ở đây mấy ngày còn lo được, chứ nằm tháng này qua tháng khác mà cứ lo tiền ăn từng bữa mình không lo đủ. Nhiều khi nhìn từ xa thấy mấy cô là vui lắm rồi, hôm nay không phải lo không có cơm nữa...", mẹ của bệnh nhi Y Cát Niê bộc bạch với một điều dưỡng - tình nguyện viên của chương trình trong những ngày bà chăm con mình ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk.
Mong chương trình luôn giữ lửa để còn đi xa hơn nữa vì những sự "vui lắm" đầy xúc động như vậy.
Ấn tượng từ một quán cà phê Ý
Chữ "trên tường" được các bác sĩ sáng lập Dĩa cơm trên tường dùng khi ấn tượng với câu chuyện ở một quán cà phê Ý: người đến quán có thể gọi một ly cà phê cho mình và một ly cà phê (dán trên tường) dành tặng lại cho những ai muốn vào quán uống mà không đủ khả năng chi trả.
Một điều tiếc nuối là chương trình ý nghĩa như Dĩa cơm trên tường hiện chưa được nhân rộng ở nhiều tỉnh thành.
Riêng với Dĩa cơm trên tường - Buôn Ma Thuột không chỉ hướng tới bệnh nhân ở Đắk Lắk, chương trình từng tổ chức hai đêm nhạc gây quỹ hỗ trợ bà con miền Trung và bà con phía Bắc trong trận lụt lịch sử năm 2020 và trong cơn bão Yagi năm 2024 với gần 1 tỉ đồng.
Bình luận hay