
Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa chính thức vượt đỉnh lịch sử - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Chứng khoán vượt đỉnh lịch sử
Mở cửa phiên sáng 25-7, thị trường chứng khoán ghi nhận diễn biến phân hóa rõ nét giữa các nhóm cổ phiếu, trong đó dòng tiền chủ yếu tập trung vào nhóm vốn hóa vừa và nhỏ.
Ngược lại, nhóm VN30 - đại diện cho các cổ phiếu vốn hóa lớn - gây áp lực lên chỉ số chung khi nhiều mã điều chỉnh giảm.
Thanh khoản ở nhóm này sụt giảm mạnh, cho thấy sự thận trọng của dòng tiền lớn. Các cổ phiếu thuộc nhóm Vingroup (VHM, VIC, VRE), tiêu dùng thiết yếu (VNM, MSN, SAB), công nghệ thông tin (FPT), thép (HPG) và ngân hàng lớn đều chịu áp lực bán nhẹ.
Đáng chú ý, VPB và HDB là hai cổ phiếu được khối ngoại mua ròng mạnh mẽ nhất trong nhóm ngân hàng, góp phần nâng đỡ chỉ số ngành và thu hút dòng tiền đầu cơ.
VN-Index đóng cửa chỉ tăng hơn 2 điểm so với tham chiếu khi hết phiên sáng. Thanh khoản toàn thị trường tăng nhẹ, với hoạt động mua chủ động chiếm ưu thế trong phần lớn thời gian.
Sang tới phiên chiều, biên độ tăng của VN-Index rộng hơn, có lúc thị trường bật lên mốc 1.536, sau đó điều chỉnh hẹp dần.
Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn VN30 khá cân bằng khi có 13 mã tăng và 13 mã giảm. Mức tăng của rổ chỉ số này thấp hơn chỉ số chung. Trong đó riêng VJC của Vietjet Air tăng hết biên độ.
Ngược với sự chững lại của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn liên quan Vingroup, hàng loạt mã cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ "trỗi dậy" với sắc tím khiến thị trường thêm lực đẩy. Trong nhóm tăng hết biên độ hôm nay, đáng chú ý là nhiều mã trong hệ sinh thái GEX như VGC, VIX, GEX...
Dòng tiền tiếp tục chảy mạnh vào thị trường chứng khoán với một phiên thanh khoản đạt gần 42.000 tỉ đồng. VN-Index nhờ vậy bật tăng hơn 10 điểm khi hết phiên, chỉ số leo lên vùng 1.531 điểm.
Với diễn biến này, chỉ số đại diện cho thị trường chứng khoán Việt Nam đã thiết lập mức cao kỷ lục mới, vượt qua đỉnh lịch sử từng được thiết lập năm 2022 với 1.528 điểm.
Thị trường được dự báo ra sao sau khi chỉ số vượt đỉnh?
Trao đổi nhanh với Tuổi Trẻ Online ngay sau hết phiên, ông Nguyễn Thế Minh - giám đốc khối phân tích khách hàng cá nhân Chứng khoán Yuanta Việt Nam - cho biết vài phiên gần đây điểm số tiếp tục tăng trưởng khá mạnh. Tuy nhiên chủ yếu nhờ vào sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu tài chính bao gồm cổ phiếu ngân hàng và chứng khoán.
Đằng sau con số tích cực của chỉ số VN-Index là những dấu hiệu cho thấy rủi ro điều chỉnh ngắn hạn đang hình thành, nhất là khi sự phân hóa giữa các nhóm ngành ngày càng rõ nét.
Thực tế cho thấy thanh khoản thị trường vẫn duy trì ở mức rất cao, tuy nhiên phần lớn dòng tiền hiện co cụm vào một số ngành, trong khi nhiều nhóm khác hầu như không có sự bứt phá, nhiều mã duy trì trạng thái đi ngang hoặc tăng yếu.
Một điểm đáng chú ý là chỉ số P/E của VN-Index hiện đã vượt mức 15 lần, tiệm cận mức trung bình 10 năm. Theo ông Minh, đây thường là ngưỡng cản tâm lý và kỹ thuật quan trọng, từng khiến thị trường gặp khó khăn trong việc duy trì đà tăng bền vững trong các giai đoạn trước.
Ông Minh cho rằng diễn biến thị trường trong tuần tới sẽ phụ thuộc rất lớn vào khả năng lan tỏa của dòng tiền từ nhóm tài chính sang các nhóm ngành còn lại.
Ông đưa ra hai kịch bản chính: Nếu dòng tiền tiếp tục lan tỏa sang nhóm phi tài chính - đặc biệt là các nhóm đang đi ngang trong tuần qua, VN-Index có thể giữ vững trên ngưỡng 1.530 điểm, tạo nền tảng cho xu hướng tích cực trong trung hạn.
Ngược lại, nếu dòng tiền tiếp tục chỉ tập trung vào nhóm tài chính, trong khi các nhóm còn lại không thu hút được lực cầu mới, thị trường có thể rơi vào trạng thái lướt sóng ngắn hạn (T+), tâm lý chốt lời sớm sẽ lấn át. Điều này khiến vị thế nắm giữ của nhà đầu tư trở nên thiếu vững chắc, làm tăng nguy cơ thị trường đuối sức và điều chỉnh.
"Áp lực chốt lời ở nhóm tài chính trong tuần tới sẽ rất lớn, bởi đa số nhà đầu tư tham gia nhóm này trong tuần vừa qua đã có lãi khi hàng về", ông Minh nhấn mạnh.
Bình luận hay