Vui lòng nhập Email
Email Không đúng định dạng
Vui lòng nhập Họ & Tên.
Vui lòng nhập Ý kiến của bạn.
Nguyễn Đức Thông – một kỹ sư công nghệ thế hệ 8X ‘đời cuối’, cựu sinh viên Đại học Cambridge (Anh) – vừa được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc CTCP Chứng khoán SSI. Anh trở thành CEO trẻ nhất trong lịch sử gần 25 năm của công ty chứng khoán lớn và lâu đời bậc nhất Việt Nam.
Ấn tượng đầu tiên về tân Tổng giám đốc SSI không phải dáng vẻ một CEO ngành tài chính áo vest chỉn chu, cà vạt cứng cáp - mà giống một founder startup công nghệ ở Silicon Valley – thoải mái với chiếc áo polo in logo công ty.
Trước khi trở về Việt Nam và gia nhập SSI, anh đã có tám năm làm việc tại hai định chế tài chính hàng đầu thế giới là Goldman Sachs và Morgan Stanley – với các vai trò trải dài từ công nghệ đến quản trị rủi ro giao dịch phái sinh.
Ít ngày sau khi nhậm chức, trong cuộc trò chuyện cùng Tuổi Trẻ, Tổng giám đốc SSI Nguyễn Đức Thông đã có những chia sẻ về những cảm xúc đầu tiên trên cương vị mới. "Tôi có rất nhiều cảm xúc đan xen. Tôi vui vì những nỗ lực của mình được ban lãnh đạo và tập thể ghi nhận, nhưng cũng ý thức rõ áp lực rất lớn phía trước. Dù vậy, tôi tự tin với sự hỗ trợ của các anh chị lãnh đạo SSI, tôi sẽ chèo lái con thuyền này đi xa hơn nữa."
Điều quan trọng hơn, việc bổ nhiệm này cũng thể hiện định hướng trẻ hóa đội ngũ của SSI. Trẻ hóa là cách để SSI duy trì vị thế top đầu và sẵn sàng một tương lai nhiều thay đổi.
Về Việt Nam, gắn bó với SSI đã gần 6 năm – một giai đoạn đầy biến động của thị trường chứng khoán Việt Nam, với một vài cột mốc mà nhiều người gọi là "vô tiền khoáng hậu". Anh nhìn nhận chặng đường này thế nào?
Tôi về Việt Nam từ tháng 7-2019, và chỉ vài tháng sau, đại dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát. Khi đó, lần đầu tiên tôi chứng kiến hiện tượng cổ phiếu ‘trắng bên mua’ – điều gần như không tồn tại ở các thị trường quốc tế, họ không áp dụng biên độ giá trần sàn "cứng" như tại Việt Nam.
Nó buộc tôi phải nhìn lại toàn bộ phương pháp quản trị rủi ro, bởi các công cụ hedging ở Việt Nam không đa dạng như ở nước ngoài. Tôi nhận ra, không thể sao chép mô hình quốc tế mà cần có những kỹ năng riêng, phù hợp với bối cảnh và cơ chế của thị trường Việt Nam.
Năm 2022 cũng đầy sóng gió, khi thị trường nhanh chóng lên đỉnh lịch sử và lao dốc. Với tôi, giá trị lớn nhất là bài học. Tôi học nhiều nhất từ những giao dịch thua lỗ, chứ không phải từ các giao dịch thắng. Lãi thì ai cũng vui, nhưng lỗ mới rút ra nhiều kinh nghiệm.
Bởi như người ta nói, "What doesn’t kill you makes you stronger – Những gì không giết được bạn sẽ khiến bạn mạnh mẽ hơn". Thị trường chứng khoán cũng vậy, càng vượt qua những giai đoạn khó khăn, thị trường và Nhà đầu tư sẽ càng trưởng thành và bền vững.
Sang năm nay – 2025 – tôi cho rằng cũng sẽ là một trong những năm đặc biệt nhất tôi từng trải qua. Từ những phiên liên tiếp trắng bên mua do thông tin bất lợi, đến các phiên hồi phục mạnh khi có tin tích cực, rồi việc triển khai hệ thống KRX – tất cả diễn ra vỏn vẹn chỉ trong vài tháng, mang đến rất nhiều cảm xúc.
Nhìn chung, tôi đánh giá thị trường Việt Nam đang trên đà phát triển vững chắc. Trong năm nay và những năm tới, chúng ta đang trên đường có thêm nhiều sản phẩm mới, thu hút thêm Nhà đầu tư mới, và đặc biệt, tiến gần hơn tới mục tiêu nâng hạng thị trường.
Nhiều người cho rằng ở các thị trường cận biên như Việt Nam, các Nhà đầu tư ngoại hoặc những người có kinh nghiệm tại các định chế tài chính lớn sẽ dễ kiếm tiền hơn. Anh có nghĩ vậy không?
Nếu thực sự dễ, có lẽ Việt Nam đã tràn ngập Nhà đầu tư ngoại rồi, vì về mặt kỹ thuật, chỉ cần mở tài khoản là họ có thể tham gia ngay lập tức.
Thị trường nào cũng có đặc thù riêng. Giống như một ngôi nhà, dù đều có mái, có cửa, nhưng cách bố trí, vận hành bên trong sẽ khác. Để thành công, chúng ta phải hiểu sâu cơ chế hoạt động, hành vi của Nhà đầu tư và các thành phần tham gia thị trường đó. Việt Nam cũng vậy. Đây không phải là một thị trường dễ đoán, và chắc chắn không phải nơi ai cũng vào là thắng.
Với bề dày lịch sử hoạt động, SSI là công ty chứng khoán lâu năm bậc nhất Việt Nam. Dù muốn hay không, trong mắt giới đầu tư, SSI vẫn được xếp vào nhóm "công ty chứng khoán truyền thống". Vậy dưới sự dẫn dắt của một CEO trẻ tuổi như anh, SSI sẽ được hình dung thế nào?
Trước hết, tôi muốn làm rõ một điều: truyền thống không có nghĩa là lạc hậu. Ở lĩnh vực nào cũng vậy, nếu phủ nhận gốc rễ của thì rất khó vươn lên những tầm cao mới.
SSI đã có gần 25 năm trên thị trường, phục vụ nhiều thế hệ khách hàng và vẫn duy trì vị thế hàng đầu – điều đó chứng minh chúng tôi đã làm đúng nhiều thứ. Vì vậy, nhiệm vụ của tôi không phải là xoá bỏ truyền thống, mà là kế thừa và nâng tầm nó.
Thị trường và thế hệ Nhà đầu tư đang thay đổi rất nhanh, đòi hỏi trải nghiệm hoàn toàn khác biệt. Tôi xuất thân là kỹ sư công nghệ và luôn tin làm chủ công nghệ là yêu cầu sống còn. Công nghệ mua sẵn chỉ giải quyết vấn đề phổ biến, muốn tạo giá trị độc đáo thì phải tự thiết kế. Chúng tôi sẽ đưa công nghệ vào mọi ngóc ngách hoạt động: từ các sản phẩm phục vụ Nhà đầu tư như chatbot, hệ thống gợi ý giao dịch, cho tới những công cụ giúp nhân viên nâng cao năng suất, tối ưu hóa công việc.
Dĩ nhiên, ngoài công nghệ, SSI vẫn phải tối ưu nhiều thứ khác: quản trị vốn, hiệu quả đầu tư, quản lý rủi ro… Những điểm mạnh đã làm nên thương hiệu SSI thì tôi và các cộng sự sẽ tiếp tục duy trì và phát triển mạnh hơn nữa.
Cuối cùng, tôi cho rằng, yếu tố quan trọng nhất vẫn là khả năng thích nghi. Thị trường thay đổi cực nhanh. Nếu hành vi Nhà đầu tư thay đổi, công nghệ thay đổi, chính sách thay đổi mà công ty không thay đổi kịp, chắc chắn sẽ bị bỏ lại. Tôi muốn SSI trở thành tổ chức mà bất kỳ biến động nào của thị trường cũng không khiến chúng tôi chậm chân – ngược lại, luôn nhanh chóng điều chỉnh và tạo ra giá trị mới.
Thị trường chứng khoán Việt Nam đang chứng kiến sự cạnh tranh khốc liệt giữa hai nhóm: các công ty chứng khoán truyền thống và những công ty chứng khoán mới nổi, đặc biệt là nhóm có ngân hàng đứng sau với lợi thế vốn lớn và công nghệ mạnh. Anh có thể chia sẻ chiến lược nào giúp SSI giữ vững vị thế?
Đúng là thị trường thay đổi nhanh. SSI cũng từng có sự chậm lại về thị phần, đặc biệt giai đoạn 2019-2022. Nhưng thay vì đổ lỗi, chúng tôi chọn cách mổ xẻ vấn đề một cách toàn diện: vì sao khách hàng rời đi, vì sao chúng tôi không thu hút được khách hàng mới, hệ thống công nghệ đã đủ ổn định chưa, trải nghiệm khách hàng đã thực sự tốt chưa, hay khi quy mô mở rộng thì liệu hạ tầng đã đáp ứng kịp? Những câu hỏi này không có giải pháp "một phát ăn ngay", mà cần chuỗi thay đổi nhỏ nhưng liên tục. Nhờ vậy, chúng tôi đã và đang tăng tốc trở lại.
Song, điều quan trọng nhất trong chiến lược của tôi là đặt trải nghiệm khách hàng vào trung tâm mọi quyết định. Khách hàng cần gì, gặp vấn đề gì, công nghệ có thể giải quyết ra sao, quy mô hoá giải pháp đó như thế nào – đó là những câu hỏi mà tôi và đội ngũ vẫn tự vấn mỗi ngày. Đó cũng là lý do tôi kiên quyết xây dựng đội ngũ công nghệ nội bộ mạnh, đủ năng lực tự phát triển và điều chỉnh hệ thống, thay vì phụ thuộc hoàn toàn vào đối tác bên ngoài. Chỉ khi tự chủ được công nghệ, công ty mới có thể xoay chuyển nhanh và tạo khác biệt thực sự.
Riêng về mảng cho vay ký quỹ (margin), đúng là các công ty có ngân hàng đứng sau thường có lợi thế vốn giá rẻ. Nhưng SSI cũng có thế mạnh riêng: chúng tôi là công ty chứng khoán có vốn điều lệ lớn nhất thị trường, uy tín tài chính được xây dựng suốt gần 25 năm qua. Điều này giúp SSI luôn huy động được nguồn vốn cần thiết với chi phí hợp lý, tối ưu hoá hiệu quả sử dụng vốn và duy trì tăng trưởng margin ở mức cao.
Tóm lại, tôi không tin vào những chiến lược ngắn hạn kiểu "đánh nhanh thắng nhanh". SSI chọn cách đi đường dài, với triết lý: công nghệ là nền tảng, con người là giá trị cốt lõi và khách hàng là trung tâm. Đó là lý do chúng tôi có thể vừa giữ vững bản sắc của một công ty chứng khoán hàng đầu lâu năm, vừa đủ nhanh nhạy để không bị bỏ lại phía sau trong cuộc đua công nghệ – tài chính đang thay đổi từng ngày.
Vừa dốc lực để gia tăng thị phần chứng khoán, SSI còn đầu tư vào thị trường tài sản số – lĩnh vực mới mẻ – liệu có khiến công ty bị phân tán nguồn lực?
Câu trả lời là vừa có, vừa không. Có – bởi vì rõ ràng, bất kỳ bước đi mới nào cũng đòi hỏi nguồn lực và sự tập trung nhất định. Nhưng không – bởi vì tài sản số tuy mới với thị trường tài chính Việt Nam, nhưng đối với thế hệ Nhà đầu tư mới, đặc biệt là Gen Z, đây là lĩnh vực họ hiểu và tiếp cận thậm chí còn nhanh hơn chứng khoán.
Nghiên cứu tài sản số giúp SSI hiểu rõ khách hàng mới, đồng thời mang kinh nghiệm công nghệ, thiết kế sản phẩm, trải nghiệm người dùng ứng dụng trở lại thị trường chứng khoán.
Tôi không xem chứng khoán và tài sản số là hai thị trường tách biệt, mà là hai lĩnh vực bổ trợ, cộng hưởng lẫn nhau. Tài sản nào cũng vẫn là tài sản. Nhiệm vụ của SSI là tối ưu giá trị cho khách hàng trên mọi loại tài sản họ quan tâm. Với việc tiên phong trên thị trường tài sản số, chúng tôi sẽ tiếp tục vững vàng với sứ mệnh cung cấp nền tảng tài chính toàn diện, đáp ứng nhu cầu đầu tư ngày càng đa dạng và hiện đại của Nhà đầu tư.
Nhiều người vẫn cho rằng tài sản số chỉ là "tiền ảo" và công cụ đầu cơ, khác với chứng khoán vốn là kênh huy động vốn. Anh nghĩ sao?
Trước đây người ta hay gọi "tiền ảo" vì nó không tồn tại dưới dạng vật chất, nhưng giá trị của nó là thật. Ngay cả thị trường chứng khoán cũng có những khái niệm "cổ phiếu rác", nhưng không vì thế mà ta phủ nhận toàn bộ thị trường.
Nhu cầu lưu giữ giá trị là bản năng con người, quan trọng là Nhà đầu tư hiểu rõ rủi ro và sản phẩm mình nắm giữ. Thế hệ trẻ quan tâm và thành thạo giao dịch tài sản số hơn cả chứng khoán - đó là nhu cầu thực, không thể phủ nhận hay cấm cản. Với SSI, chúng tôi không coi tài sản số chỉ là kênh đầu cơ mà là một phần tất yếu của xu hướng tài chính công nghệ toàn cầu. Nhiệm vụ của SSI là kết nối, đáp ứng nhu cầu Nhà đầu tư, đảm bảo sản phẩm an toàn, minh bạch và có giá trị thực. Chỉ khi đó, "tiền ảo" mới là thật.
Vậy với riêng TTCK, anh thấy đâu là điểm cần thúc đẩy để chứng khoán Việt Nam phát triển bền vững và sâu rộng hơn?
Năm vừa qua có rất nhiều thay đổi tích cực. Từ KRX, đến CCP (Đối tác thanh toán trung tâm) - khi CCP đi vào hoạt động đầy đủ, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ có thêm rất nhiều cơ hội.
Một điểm khác là cơ cấu Nhà đầu tư. Hiện nay, Nhà đầu tư cá nhân chiếm tỷ trọng rất lớn, khiến thị trường biến động mạnh. Nếu nhìn vào Trung Quốc, cách đây 10 năm, 90% giao dịch cũng đến từ Nhà đầu tư cá nhân, nhưng nay tỷ lệ đó đã là 50-50, nhờ phát triển mạnh các quỹ mở và kênh đầu tư gián tiếp. Do đó tôi nghĩ Việt Nam sẽ tiến tới giai đoạn mà cơ cấu Nhà đầu tư sẽ cân bằng hơn so với hiện nay.
Để làm được, cần tạo cơ chế để thành lập và vận hành quỹ dễ dàng, đa dạng sản phẩm và tiếp thị tốt để Nhà đầu tư biết đến và lựa chọn. Đồng thời, cần đẩy mạnh giáo dục tài chính để Nhà đầu tư hiểu rõ lợi ích của đầu tư gián tiếp thay vì chỉ "tự chơi".
Việt Nam nhiều năm nay vẫn ấp ủ khát vọng hình thành những tập đoàn tài chính tầm cỡ khu vực và vươn ra thế giới. Theo anh, trong bối cảnh mới hiện nay, điều gì sẽ giúp chúng ta biến khát vọng đó thành hiện thực? Và với SSI, cơ hội để vươn mình lên bản đồ tài chính toàn cầu đang mở ra như thế nào?
Đúng như bạn nói, hiện tại thị trường đang thay đổi rất nhanh. Chính phủ cũng đã khẳng định đây là kỷ nguyên vươn mình của Việt Nam. "Vươn mình" nghĩa là chúng ta phải sẵn sàng cho những thay đổi lớn và coi đó là cơ hội để tái định vị.
Với SSI, chúng tôi luôn tìm kiếm cơ hội để làm mới công ty, để tạo ra giá trị mới cho khách hàng và cho thị trường. Mục tiêu của SSI là ở đâu có cơ hội, có nhu cầu mà chúng tôi có thể phục vụ, chúng tôi chắc chắn sẽ tham gia. Nếu chính sách và quy định được thiết kế để khuyến khích các công ty tài chính Việt Nam vươn ra toàn cầu, giúp nhà đầu tư tiếp cận thêm các kênh huy động vốn hay tài sản quốc tế, SSI sẵn sàng trở thành cầu nối. Nơi nào cần vốn và nơi nào có vốn – SSI sẽ là người kết nối. Tiền ở Việt Nam hay nước ngoài cũng đều là tiền, vấn đề là chúng ta có đủ năng lực, tư duy và khát vọng để tiếp cận hay không.
Việt Nam đang bước vào một giai đoạn mới với rất nhiều thay đổi. SSI mong muốn được đồng hành cùng nhà đầu tư và cơ quan quản lý để đưa ra những chính sách tốt nhất cho thị trường, cho nhà đầu tư và cho sự phát triển của quốc gia – để Việt Nam thực sự vươn lên thành một cường quốc tài chính trong khu vực và xa hơn nữa.
Cám ơn anh!
Tin cùng chuyên mục
Thông tin và ý kiến của bạn
XVui lòng nhập Email
Email Không đúng định dạng
Vui lòng nhập Họ & Tên.
Vui lòng nhập Ý kiến của bạn.
Tuổi Trẻ Sao
Thông tin tài khoản ngày
Tài khoản được sử dụng đến ngày | Bạn đang có 0 trong tài khoản
1 sao = 1000đ. Mua thêm sao để tham gia hoạt động tương tác trên Tuổi Trẻ như: đổi quà lưu niệm, Tặng sao cho tác giả, Shopping
Tổng số tiền thanh toán: 0đ
Thanh toán
Bình luận hay