19/11/2012 11:43 GMT+7

Bạch tuộc "vươn vòi" khắp Sài Gòn

ĐỨC THANH - HỮU KHOA
ĐỨC THANH - HỮU KHOA

TT - Gần đây, bạch tuộc đang trở thành món ăn sành điệu, khoái khẩu của dân Sài thành. Từ các quán ăn vỉa hè đến quán nhậu cao cấp, nhà hàng sang trọng đâu đâu cũng trưng bảng giới thiệu “đặc sản bạch tuộc”.

Phóng to
Chợ Bình Điền là một trong những đầu mối cung cấp bạch tuộc cho các nhà hàng, quán ăn ở TP.HCM - Ảnh: Đ.Thanh

Chiều chiều, dạo một vòng quanh các tuyến đường như Hoàng Văn Thụ (Q.Phú Nhuận), Tân Kỳ Tân Quý (Q.Tân Phú), phố bán hải sản nằm sâu trong các con hẻm trên đường Trần Hưng Đạo (Q.5), phố lẩu dê đường Thành Thái - cư xá Bắc Hải (Q.Tân Bình), khu công viên Gia Định (Q.Gò Vấp)... các quán nhậu, quán ăn đều thi nhau tiếp thị món mới: bạch tuộc nướng, bạch tuộc nhúng giấm...

Từ dân công chức, văn phòng đến giới công nhân, dân lao động sau giờ tan sở cùng ngồi chen chúc trên các vỉa hè uống bia nói chuyện trong nhà ngoài phố và lai rai vài món nhậu chế biến từ bạch tuộc. Các nhóm sinh viên, học sinh và cả những cặp tình nhân cũng đổi gu từ uống trà sữa, ăn cá viên chiên, bò bía... nay chuyển sang các ghế gỗ vỉa hè cùng nhâm nhi từng chiếc râu bạch tuộc nướng vừa dai vừa giòn, nhỏ to tâm sự.

Món khoái khẩu

Khoái bạch tuộc tẩm gia vị nướng

Ông Linh, một công chức, ngụ đường Cộng Hòa, Q.Tân Bình, chiều nào cũng ghé mấy quán bạch tuộc nướng tại ngã ba Tân Kỳ Tân Quý - Lê Trọng Tấn, lai rai vài gram bạch tuộc nướng, kể: “Tui là dân Nha Trang chính gốc, hồi tui còn nhỏ, ông già tui là dân đi biển, nhưng hễ câu phải con bạch tuộc nào là ném thẳng xuống biển con đó vì thịt nó dai chẳng biết chế biến thành món gì. Không ngờ bây giờ người ta chế biến bạch tuộc thành đủ món. Nhất là bạch tuộc được tẩm gia vị rồi đem nướng là số dzách. Vừa nhâm nhi vị béo, vị ngọt của bạch tuộc vừa nhớ lại thời thơ ấu ngoài quê, ăn riết rồi đâm ra nghiện”.

Dân sành điệu thường chọn hai món bạch tuộc để nhâm nhi là bạch tuộc nướng mọi và râu bạch tuộc tẩm muối ớt. Ở một số tiệm bán bạch tuộc nướng tại ngã ba Tân Kỳ Tân Quý - Lê Trọng Tấn, mỗi xâu bạch tuộc nặng khoảng 100 gram có giá 15.000-20.000 đồng.

Ông Vinh, chủ một quán bạch tuộc nướng tại đây, cho biết ông chuyên bán bạch tuộc hồ, sống ở vùng nước lợ, khi ăn có vị ngọt đậm, không dai như bạch tuộc biển, nên được giới học sinh, sinh viên ưa chuộng, vì có thể nhâm nhi hết xâu bạch tuộc nướng là về đến nhà. Mỗi 100 gram bạch tuộc nướng ở các quán vỉa hè có giá dao động chỉ 16.000-30.000 đồng, tùy theo quán và mối hàng mua về mắc, rẻ.

Tại các nhà hàng hải sản lớn ở TP.HCM, bạch tuộc còn được phục vụ với “cấp độ” cao cấp hơn. Người quản lý của nhà hàng hải sản Ông Bà Bảy (đường Trần Não, Q.2) cho biết: “Khách đến đây chỉ ăn loại bạch tuộc 10 con nặng nửa ký và phải là bạch tuộc còn bơi ngoe nguẩy”.

Một nhân viên của quán khẳng định bạch tuộc nhúng mẻ, nướng muối ớt là những món đã “xưa rồi Diễm”. Trước đây, món khoái khẩu của nhiều người là bạch tuộc còn sống đem nhúng vào nước sôi trộn giấm, rau sống chấm nước mắm ớt ăn là “nhất đời”. Nhưng gần đây khách sành điệu chuyên gọi món bạch tuộc... xông hơi. Món này ăn khá cầu kỳ: các viên đá san hô đem vào lò đốt đến khi đỏ rực rồi thả vào một nồi đất có đựng những thanh sả, lá tía tô đỏ. Sau đó, cho bạch tuộc đã làm sạch vào đậy nắp hé hé để đổ bia vào những viên đá san hô đỏ lửa, hơi bia bốc lên sẽ làm chín thịt bạch tuộc, đem chấm với muối ớt chanh. Đây là món được rất nhiều đại gia ưa thích, vì được giới ăn nhậu đồn thổi là đem lại “bản lĩnh đàn ông” gấp bội lần so với những món hải sản đắt tiền khác?

Bơi từ biển vào... thành phố

Phóng to
Bạch tuộc nướng được bày bán trên đường Hoàng Văn Thụ, Q.Phú Nhuận, TP.HCM - Ảnh: THUẬN THẮNG

Nhân viên quán Ông Bà Bảy dẫn chúng tôi đến một hồ kính chứa nước biển rộng khoảng 2m2, trong hồ có vài chục con bạch tuộc đang bơi lượn. Chúng vươn những bộ râu dài ngoằng bám vào thành hồ trông rất hấp dẫn. Một nữ phục vụ cho tay vào hồ vớt ra một con bạch tuộc tươi vùng vẫy, bấu chặt trên tay cho khách sờ thử trước khi mang đi nướng, nhúng giấm cho thực khách...

Cô này khẳng định chắc nịch loại bạch tuộc này “chuyên trị” bệnh cho cánh mày râu... yếu chuyện chăn gối. Chỉ cần làm vài gram ăn sống chấm với mù tạt sẽ đạt phong độ đỉnh cao hơn cả món hàu chấm mù tạt. Kinh nghiệm này là từ nhiều thực khách đến ăn thổ lộ. Cũng vì thế giá bạch tuộc sống ở nhà hàng này lên đến 390.000 đồng/kg.

Nhiều chủ quán nhậu và những người bán bạch tuộc vỉa hè cho biết bạch tuộc trở thành món ăn “lên ngôi” ở TP bắt đầu khoảng đầu năm nay. Ban đầu, chủ một vài nhà hàng lấy mối bạch tuộc từ các vựa ở TP Vũng Tàu đem về bán thử nghiệm để đổi món đặc sản mới lạ cho khách. Không ngờ lại được nhiều người khoái khẩu, thế là bạch tuộc “vươn vòi” khắp Sài Gòn. Từ bạch tuộc sống, các quán chuyển qua... bạch tuộc đông lạnh cho “rẻ và bình dân, dễ phổ biến”.

Ông Phú, chủ quán Hoàng Ty trên đường Hoàng Văn Thụ, cho biết gần ba tháng trở lại đây, món bạch tuộc nướng xuất hiện khắp các con đường trên địa bàn TP là do đang vào mùa (tháng 7-9 âm lịch), nhiều ghe tàu trúng, giá bạch tuộc thấp nên nhiều quán mua về bán. Trong đó, chợ đầu mối Bình Điền (H.Bình Chánh) là một trong những điểm trung chuyển bạch tuộc lớn, chuyên cung cấp cho các quán ăn của TP.

Chúng tôi vào khu chuyên bán bạch tuộc, một bà chủ vựa hải sản cho biết giá dao động từ 50.000 - 70.000 đồng/kg. Cụ thể, bạch tuộc hai da giá từ 70.000 đồng/kg trở lên, loại một da giá 50.000 đồng/kg (bạch tuộc hai da trắng hơn bạch tuộc một da, râu ngắn hơn, khi nướng sẽ ra ít nước hơn).

Bạch tuộc thịt còn được bày bán ở các chợ trong nội thành. Tại chợ Nguyễn Văn Trỗi (đường Lê Văn Sĩ, Q.3), bạch tuộc được bày bán đa dạng, giá dao động từ 80.000-120.000 đồng/kg tùy theo loại bạch tuộc tốt, xấu. Tương tự, tại chợ Phạm Văn Hai (Q.Tân Bình), bạch tuộc cũng được bán khá nhiều, giá dao động từ 100.000-120.000 đồng/kg. Chị Hoa (bán hải sản ở đây gần 10 năm) cho biết: “Người mua đa số là dân nhậu, mua về nướng, xào, nấu lẩu hay nhúng giấm, khìa... Nhiều quán ăn cũng đến lấy mối chỗ tui”.

Ông Vương, chủ vựa hải sản Long Đất, đường Hạ Long, TP Vũng Tàu, Bà Rịa-Vũng Tàu, người chuyên bỏ mối bạch tuộc, hải sản còn sống cho các nhà hàng hải sản lớn ở khu Q.1, Q.3..., cho biết vựa này hiện là đầu mối cung cấp bạch tuộc sống cho nhiều nhà hàng lớn ở TP. Một ngày, bình quân mỗi nhà hàng nhận khoảng 10kg để bán cho khách.

Để có nguồn bạch tuộc sống, ông phải dặn chủ các ghe cào, ghe đi chiều một (ghe đi đánh hải sản sáng đi, chiều về) ở Vũng Tàu. Sau khi kéo lưới, họ bỏ bạch tuộc sống vào những thùng inox hoặc thùng xốp đựng nước biển. Sau đó, cho vòi oxy vào để cấp thêm dưỡng khí cho bạch tuộc sống. Chiều về đến bờ là gom hàng đã đóng sẵn trong các thùng và chở bằng xe du lịch về giao thẳng cho các nhà hàng ở TP. Các nhà hàng bỏ vào các hồ nước biển nhân tạo để bạch tuộc có thể sống trong nhiều ngày.

Tuy nhiên, theo ông Linh - chủ quán hải sản Biển Gọi, Q.Tân Bình, lượng khách ăn bạch tuộc khá đông nên đều bán hết sạch hàng lấy về trong ngày.

“Một số dân nhậu ở Sài Gòn cũng thường điện thoại đặt mua số lượng ít để tổ chức tiệc, tui giao qua đường tàu cao tốc, với phí vận chuyển là 70.000 - 80.000 đồng cho một thùng xốp bạch tuộc. Khoảng hai tiếng tàu chạy đến TP là khách có thể ra bến tàu nhận bạch tuộc sống về làm tiệc, với giá không đắt hơn ở các chợ và bảo đảm tươi sống, an toàn” - ông Vương nói.

Cẩn trọng với bạch tuộc bảo quản lâu ngày

Bác sĩ CK II Đỗ Thị Ngọc Diệp - giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM - cho biết thịt bạch tuộc tươi có giá trị dinh dưỡng cao, cung cấp các vitamin thiết yếu cho cơ thể: A, B1, B2, PP, C và một số loại khoáng chất như phôtpho, canxi...

Đặc biệt, thịt bạch tuộc có nhiều chất bổ ích cho sự phát triển của cơ thể như sắt, đồng, kẽm... và có thêm iốt rất tốt cho sự phát triển trí não. Thịt bạch tuộc hầu như không có chất béo, rất có lợi cho cơ bắp, phù hợp cho những người chơi thể thao, vận động viên.

Tuy nhiên, bác sĩ Diệp cũng cảnh báo không nên ăn những loại thịt bạch tuộc bảo quản lâu ngày, vì chắc chắn thịt đã bị tẩm chất bảo quản để lưu trữ trong thời gian dài. Như vậy, chất bảo quản sẽ gây nhiều tác dụng phụ như chóng mặt, buồn nôn... và giá trị dinh dưỡng trong thịt bạch tuộc rất thấp. Thực tế theo ghi nhận, tại nhiều quầy hải sản ở chợ Bình Điền, chợ Lê Văn Sĩ... đã có hiện tượng bán bạch tuộc ôi thối.

Một chủ sạp kinh doanh hải sản tại chợ Lê Văn Sĩ cũng thừa nhận với bạch tuộc đánh bắt ngoài biển xa, hầu hết chủ tàu phải dùng hóa chất để bảo quản. Về đến chợ, thịt sẽ bị mềm nhũn và ươn nên phải cho vào “cối giặt” khoảng 20 phút làm trắng, thịt sẽ săn chắc lại.

ĐỨC THANH - HỮU KHOA

Bình luận hay

Chia sẻ

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
Tối đa: 1500 ký tự

Tin cùng chuyên mục

Chuyện lạ Kinh thành Huế - Kỳ 2: Tham vọng Kinh thành phồn hoa đô hội

Khơi sông, xây cầu và xây dựng hàng trăm nhà phố, lệnh cho dân kinh doanh khắp xứ về Kinh thành buôn bán. Vua Minh Mạng có tham vọng biến sông Vua thành nơi tấp nập ghe thuyền, Kinh thành là nơi phố thị sầm uất…

Chuyện lạ Kinh thành Huế - Kỳ 2: Tham vọng Kinh thành phồn hoa đô hội

Tận diệt cá dưới chân cầu Long Biên

Luật Thủy sản nghiêm cấm các hành vi như dùng xung điện, dòng điện để khai thác nguồn lợi thủy sản, nhưng ghi nhận của Tuổi Trẻ tại một khúc sông Hồng dưới chân cầu Long Biên (Hà Nội), những chiếc thuyền gắn thêm động cơ vẫn lén lút kích điện bắt cá.

Tận diệt cá dưới chân cầu Long Biên

Chuyện lạ Kinh thành Huế - Kỳ 1: Đất thiêng giữa Kinh thành

Những người phương Tây khi đến Huế xưa đã ngỡ ngàng ngợi ca về một kinh đô tuyệt đẹp với biết bao câu chuyện thần thánh, thiêng liêng, diệu kỳ.

Chuyện lạ Kinh thành Huế - Kỳ 1: Đất thiêng giữa Kinh thành

Sài Gòn - TP.HCM - miền đất hứa bao phận người - Kỳ cuối: Tôi hạnh phúc được là người dân TP.HCM

Tháng 8-1997, tôi nhận giấy báo trúng tuyển Trường ĐH Luật TP.HCM. Ngày tôi rời quê Quảng Ngãi để vào TP.HCM học, má rưng rưng nước mắt căn dặn: "Ở trỏng con gắng học hành thật tốt để má ở nhà an tâm buôn bán, tằn tiện lo cho con ăn học".

Sài Gòn - TP.HCM - miền đất hứa bao phận người - Kỳ cuối: Tôi hạnh phúc được là người dân TP.HCM

Săn trăm ký cá từ đống chà khô hồ Dầu Tiếng

Làm nghề cá mà hổng cần đem nhiều ngư cụ, chỉ với đôi bao tay và mấy ống dây dài 30 - 40m, nhưng lượng cá mỗi ngày họ bắt được lên đến hàng trăm kg.

Săn trăm ký cá từ đống chà khô hồ Dầu Tiếng

Sài Gòn - TP.HCM - miền đất hứa bao phận người - Kỳ 5: Trả nghĩa thành phố bằng một đời thầy thuốc

Sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, bác sĩ Phan Bảo Khánh vào ngành y trong giai đoạn đất nước ở thời kỳ lịch sử đầy biến động.

Sài Gòn - TP.HCM - miền đất hứa bao phận người - Kỳ 5: Trả nghĩa thành phố bằng một đời thầy thuốc
Tất cả bình luận (0)
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng, xin vui lòng viết bằng tiếng Việt có dấu.
Được quan tâm nhất
Mới nhất
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đâu tiên bình luận về bài viết.
Tối đa: 1500 ký tự
Avatar
Đăng ký bằng email
Khi bấm "Đăng ký" đồng thời bạn đã đồng ý với điều khoản của toà soạn Đăng ký
Đăng nhập
Thông tin bạn đọc Thông tin của bạn đọc sẽ được bảo mật an toàn và chỉ sử dụng trong trường hợp toà soạn cần thiết để liên lạc với bạn.
Gửi bình luận
Đóng
Hoàn thành
Đóng

Bình luận (0)
Tối đa: 1500 ký tự
Tất cả bình luận (0)
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng, xin vui lòng viết bằng tiếng Việt có dấu.
Được quan tâm nhất
Mới nhất
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đâu tiên bình luận về bài viết.
Tối đa: 1500 ký tự
Avatar