14/08/2015 14:49 GMT+7

Vượt hàng trăm cây số để được khám bệnh

MẬU TRƯỜNG - THANH TÚ
MẬU TRƯỜNG - THANH TÚ

TT - Sau hơn nửa năm thực hiện Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật bảo hiểm y tế, việc khám, chữa bệnh vượt tuyến vẫn chưa giảm dù không được bảo hiểm y tế chi trả 30% như trước.

Các bệnh viện tuyến dưới, nhất là các tỉnh miền Tây, đang tìm cách giữ bệnh nhân nhưng chưa có kết quả như mong đợi.

Người dân chờ đợi để khám bệnh tại BV Ung bướu TP.HCM - Ảnh: HỮU KHOA

3g sáng những ngày đầu tháng 8, từ đường lớn cho tới lộ nhỏ ở huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre đã vang tiếng còi xe báo hiệu cho những hành khách đặt chỗ qua điện thoại trước đó.

Đi khám bệnh từ 3g sáng

“Khách đi giờ này chỉ có khám, chữa bệnh thôi”, ông Nguyễn Minh Tùng (huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre) buột miệng nói. Ông Tùng lôi từ trong bịch đồ cá nhân ra một sổ khám bệnh vui vẻ nói: “Từ ngày điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM đến nay bệnh tình của tôi thuyên giảm hẳn. Giờ ăn uống ngon, ngủ tốt tôi mừng quá. Không uổng công lặn lội đường xa đi khám tuyến trên”.

Ông Tùng bị đau bụng dưới trong một thời gian dài, siêu âm ở tỉnh được chẩn đoán khối u manh tràng và khuyên điều trị bệnh viện này. Tuy nhiên, do không tin tưởng kết quả chẩn đoán của bệnh viện nên ông Tùng nhờ người quen chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy khám lại.

Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, ông Tùng được chẩn đoán bị viêm ruột già lành tính và cho uống thuốc. Sau hai lần tái khám, bệnh của ông Tùng giảm rõ rệt. Trường hợp “bụt nhà không thiêng” như ông Tùng chúng tôi gặp rất nhiều ở Bệnh viện Chợ Rẫy.

Đa số hành khách trên các chuyến xe đầu ngày từ các tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Trà Vinh, Đồng Tháp... là bệnh nhân. Họ xuôi về TP.HCM để tỏa ra các bệnh viện mong kịp giờ khám chữa bệnh. 4g ngày 1-8, ngồi chờ tại khu vực khám bệnh của Bệnh viện Chợ Rẫy, bà Nguyễn Thị Hương (52 tuổi, quê Cà Mau) cho biết bà đã ngồi xe khách suốt đêm để lên Bệnh viện Chợ Rẫy tái khám.

Trước đó, bà bị té chấn thương đốt sống, tụ máu bầm và được cho thuốc uống nhưng chưa khỏi. Nói về hành trình khám bệnh của mình, bà Hương cho biết mỗi lần đi khám, chữa bệnh ít nhất phải mất 3 ngày.

Như đợt này bà phải đi xuồng mất vài chục phút, ra đến lộ lớn bà được xe trung chuyển chở đi gần 1 giờ nữa mới ra đến vị trí xe giường nằm. Tại bến xe, bà tiếp tục chờ đợi xe gom khách và xuất phát từ Cà Mau đi TP.HCM lúc 18g và phải mất khoảng 9 - 10 tiếng đồng hồ xe mới đến TP.HCM.

Đến bệnh viện, bà Hương tiếp tục ngồi chờ hàng giờ trước khi tên mình được xướng lên để vào khám. Nhưng đổi lại, bà chỉ được bác sĩ khám trong khoảng 5 phút. Mất 1 ngày 2 đêm cho một lần đi tái khám nhưng bà Hương vẫn không từ bỏ ý định khám ở tuyến trên dù chi phí đi lại rất đắt đỏ.

Tương tự, bà Võ Thị Phương (49 tuổi, quê Đồng Tháp) cũng vượt hàng trăm cây số lên Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM để khám. Bà Phương cho biết từ trước tới nay bà rất ít khi bị bệnh. Nhưng hơn 1 tuần nay bà bị đau đầu nặng, mỗi lần kéo dài 3 - 4 tiếng đồng hồ.

Sau khi một người hàng xóm đặt nghi vấn có u trong não, bà rất hoang mang nên thu xếp công ăn việc làm ở quê để đi khám.

“Nhưng ngồi chờ cả mấy tiếng đồng hồ cũng chưa tới lượt, tôi nhức đầu quá”, bà Phương than thở. Dưới quê, bà Phương đi gặt lúa thuê và làm mướn đủ thứ nghề mưu sinh. Khi bị bệnh bà phải vay tiền lên TP.HCM khám. Chỉ riêng tiền xe đi lại cũng mất đến 3 - 4 ngày công của bà.

Bệnh viện thiếu cả bác sĩ lẫn trang thiết bị y tế

Vì sao bệnh nhân lại chịu mất thời gian, tiền bạc để khám chữa bệnh ở tuyến trên? Trao đổi về vấn đề này, bác sĩ Võ Thị Kim Oanh - trưởng phòng nghiệp vụ y (Sở Y tế tỉnh Đồng Tháp) - cho rằng nguyên nhân có thể do sự hạn chế nhân lực, trang thiết bị y tế.

Hiên tại ở Đồng Tháp, hầu hết các bệnh viện thiếu ít nhất từ 5 - 7 bác sĩ, riêng Bệnh viện Hữu Nghị thiếu 30 bác sĩ! Một số khoa như tim mạch, khoa nhiễm, khoa ngoại được xây dựng, đưa vào sử dụng từ năm 1986, nay đã xuống cấp.

Tại Tiền Giang, PGS.TS Tạ Văn Trầm, phó giám đốc Sở Y tế Tiền Giang kiêm giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang, lại cho rằng có 3 nguyên nhân chính khiến bệnh nhân khám, chữa bệnh vượt tuyến như: một số bệnh vượt quá khả năng điều trị của tuyến dưới; trang thiết bị, đội ngũ y bác sĩ tuyến dưới thiếu và do tâm lý người bệnh.

Đây là tình trạng diễn ra ở hầu hết các tỉnh ĐBSCL. Để thay đổi thực trạng khám chữa bệnh vượt tuyến, theo PGS.TS Tạ Văn Trầm, cần xây dựng được hình ảnh tốt ở bệnh viện tuyến dưới, đồng bộ từ đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế đến đội ngũ y bác sĩ và thái độ phục vụ.

Đồng quan điểm, bác sĩ Võ Thị Kim Oanh cho biết thời gian tới tỉnh Đồng Tháp sẽ nâng cấp Bệnh viện Hữu Nghị thêm khoảng 700 giường bệnh để phục vụ bệnh nhân. Một số bệnh viện tại các huyện như Lai Vung, Tháp Mười đang được xây mới.

Riêng tại tỉnh Bến Tre, mặc dù được Bộ Y tế xếp hạng Bệnh viện đa khoa Nguyễn Đình Chiểu thuộc loại II cấp bộ và là bệnh viện lớn nhất tỉnh, song bệnh viện này chỉ đáp ứng 80% các dịch vụ kỹ thuật phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh của bệnh nhân trong tỉnh. Từ đó dẫn đến tình trạng bệnh nhân khám vượt tuyến vẫn diễn ra.

Theo bác sĩ Trần Văn Ân, phó giám đốc Bệnh viện đa khoa Nguyễn Đình Chiểu, bệnh viện này hiện đang có quy mô 1.030 giường, song thực tế phải bố trí đến 1.194 giường với đầy đủ các khoa chủ lực như nội, ngoại, sản, nhi, chấn thương chỉnh hình, ung thư...

Các loại bệnh đòi hỏi trình độ kỹ thuật cao như hóa trị, sốt xuất huyết, tay chân miệng độ 4, sinh non, nhẹ ký hay mổ chấn thương sọ não tại đây đều đáp ứng tốt nhu cầu của người bệnh. Tuy nhiên, thực tế người bệnh trên địa bàn tỉnh khi bị các bệnh trên vẫn có xu hướng lên tuyến trung ương để khám, điều trị.

Bác sĩ Ân cho rằng phần lớn bệnh nhân tự ý vượt tuyến là do yếu tố tâm lý. Mặt khác công tác truyền thông thu hút bệnh nhân của các bệnh viện còn yếu, trong khi đó một số bệnh viện tuyến trên, nhất là các bệnh viện tự chủ kinh phí, làm rất tốt công tác tuyên truyền để giữ bệnh nhân.

Khả năng tiếp xúc và ứng xử khéo, điều kiện kỹ thuật thuận lợi cũng là yếu tố dẫn đến tình trạng người bệnh vượt tuyến.

Thiếu hơn 100 bác sĩ

Bác sĩ Trần Văn Ân, phó giám đốc Bệnh viện đa khoa Nguyễn Đình Chiểu (Bến Tre), cho biết ngay cả bệnh viện tuyến tỉnh cũng phải chịu áp lực quá tải do bệnh nhân từ tuyến huyện, cơ sở vượt tuyến lên.

Mới đây, Bệnh viện đa khoa Nguyễn Đình Chiểu đã được đầu tư nâng cấp thêm hai khu nhà 4 tầng phục vụ cho các khoa cấp cứu, phòng mổ, khoa khám bệnh… nhưng vẫn chưa thể chắc chắn tình trạng quá tải sẽ không xảy ra.

Riêng về đội ngũ cán bộ kỹ thuật, y, bác sĩ dù có đến 1.194 giường bệnh nhưng chỉ có 175 bác sĩ. Nếu tính tỉ lệ bình quân 25 bác sĩ/100 giường bệnh thì bệnh viện này đang thiếu đến hơn 100 bác sĩ.

MẬU TRƯỜNG - THANH TÚ

Bình luận hay

Chia sẻ

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
Tối đa: 1500 ký tự

Tin cùng chuyên mục

Phát hiện mới: Con người tự phát sáng khi còn sống

Một nghiên cứu mới cho thấy tất cả sinh vật sống, kể cả con người, đều tự phát ra một ánh hào quang mờ nhạt cho đến khi chết.

Phát hiện mới: Con người tự phát sáng khi còn sống

Đà Nẵng khuyến cáo người dân phòng chống COVID-19 trong cao điểm du lịch hè

Sở Y tế Đà Nẵng khuyến cáo người dân chủ động phòng chống dịch COVID-19, trong bối cảnh số ca mắc có thể gia tăng khi vào cao điểm du lịch hè.

Đà Nẵng khuyến cáo người dân phòng chống COVID-19 trong cao điểm du lịch hè

Ông Obama, bà Harris, Clinton gửi lời chúc: Ông Biden là chiến binh, sẽ vượt qua ung thư

Hàng loạt chính trị gia đã gửi những lời chúc tốt đẹp đến cựu tổng thống Mỹ Biden, khi ông được chẩn đoán mắc ung thư tuyến tiền liệt.

Ông Obama, bà Harris, Clinton gửi lời chúc: Ông Biden là chiến binh, sẽ vượt qua ung thư

Triệu chứng phổ biến báo hiệu đột quỵ nhưng dễ bị bỏ qua

Một nghiên cứu mới cho thấy ảnh hưởng của cơn đột quỵ nhẹ có thể kéo dài lâu hơn nhiều so với những gì mọi người thường nghĩ.

Triệu chứng phổ biến báo hiệu đột quỵ nhưng dễ bị bỏ qua

Ông Biden bị ung thư tuyến tiền liệt: Loại ung thư dễ di căn đến xương

Cựu tổng thống Biden được chẩn đoán bị ung thư tuyến tiền liệt di căn xương. Tại Việt Nam, đây là bệnh ung thư khá phổ biến.

Ông Biden bị ung thư tuyến tiền liệt: Loại ung thư dễ di căn đến xương

Ngăn 'làn sóng' bệnh không lây nhiễm tại Việt Nam

Tại Việt Nam, các bệnh không lây nhiễm như bệnh tim mạch, hô hấp mạn tính, ung thư, đái tháo đường là nguyên nhân gây ra gần 80% số ca tử vong.

Ngăn 'làn sóng' bệnh không lây nhiễm tại Việt Nam
Tất cả bình luận (0)
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng, xin vui lòng viết bằng tiếng Việt có dấu.
Được quan tâm nhất
Mới nhất
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đâu tiên bình luận về bài viết.
Tối đa: 1500 ký tự
Avatar
Đăng ký bằng email
Khi bấm "Đăng ký" đồng thời bạn đã đồng ý với điều khoản của toà soạn Đăng ký
Đăng nhập
Thông tin bạn đọc Thông tin của bạn đọc sẽ được bảo mật an toàn và chỉ sử dụng trong trường hợp toà soạn cần thiết để liên lạc với bạn.
Gửi bình luận
Đóng
Hoàn thành
Đóng

Bình luận (0)
Tối đa: 1500 ký tự
Tất cả bình luận (0)
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng, xin vui lòng viết bằng tiếng Việt có dấu.
Được quan tâm nhất
Mới nhất
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đâu tiên bình luận về bài viết.
Tối đa: 1500 ký tự
Avatar