
Hiện trường vụ tai nạn liên hoàn trên khu vực đường Trần Đại Nghĩa - Đại La (phường Tương Mai, Hà Nội) - Ảnh: Đ.C.
Vụ ô tô tông liên hoàn 12 xe máy trên đường Trần Đại Nghĩa (theo hướng từ Nguyễn An Ninh đi Lê Thanh Nghị), Hà Nội hôm 9-7 khiến dư luận không khỏi bàng hoàng. Cũng từ vụ việc này, nhiều vấn đề đã được đặt ra xung quanh kỹ năng lái xe của tài xế cũng như các tính năng có trên một chiếc xe ô tô hiện đại. Một trong số đó là nhiều người cho rằng các nữ tài xế chưa quen thì không nên dùng Auto Hold.
Auto Hold (giữ phanh tự động) là một tính năng hỗ trợ lái xe hiện đại, giúp giữ xe đứng yên mà không cần đạp phanh liên tục.
Về cơ bản, khi xe dừng hẳn (tốc độ bằng 0), tài xế đạp phanh một lần, hệ thống Auto Hold sẽ tự động giữ phanh lại. Lúc này người lái có thể nhả chân khỏi bàn đạp phanh, xe vẫn đứng yên. Khi muốn di chuyển tiếp, chỉ cần nhấn nhẹ chân ga, hệ thống sẽ tự nhả phanh và xe lăn bánh.
Auto Hold đặc biệt hữu ích khi dừng đèn đỏ, kẹt xe hoặc dừng trên dốc. Dù rất hữu ích, tính năng này vẫn tồn tại một số nhược điểm hoặc hạn chế trong quá trình sử dụng. Một trong số đó là có thể gây nhầm lẫn cho người chưa quen.

Auto Hold là tính năng đã bắt đầu phổ biến trên nhiều mẫu xe hiện đại, được ưa chuộng vì giúp tài xế "rảnh chân" được một chút - Ảnh minh họa: Ford of Upland/YouTube
Người mới sử dụng có thể không biết Auto Hold đã kích hoạt hay chưa, hoặc bối rối khi xe không trôi dù đã nhả phanh, dễ sinh tâm lý mất kiểm soát.
Chẳng hạn, khi người lái nhả chân phanh, thấy xe không chạy, tưởng xe chết máy hoặc có lỗi kỹ thuật. Một khả năng khác là đạp ga nhưng xe không lăn bánh ngay, khiến người lái nghĩ phanh tay chưa nhả hoặc xe bị kẹt.
Những trường hợp như thế này có thể khiến người lái nhấn mạnh chân ga để buộc xe lăn bánh, từ đó tạo nên những cú vọt ga bất ngờ.
Chính vì thế, dù vụ tai nạn liên hoàn vẫn đang trong quá trình điều tra, nhiều người cho rằng việc tài xế không quen Auto Hold có thể đã góp phần vào vụ việc thương tâm này. Đồng thời khuyến cáo những người không quen đừng nên sử dụng Auto Hold.
- Dễ là phanh tự động Auto Hold rồi chỉ cần mớm ga là đi nên dừng đèn đỏ không đặt chân vào phanh mà gác chờ sẵn chân ga. Đến lúc đèn xanh xe sau bấm còi lại mải việc khác mất tập trung nên đạp ga vội luôn, đâm rồi càng hoảng càng đạp ga sâu xe càng lao nhanh.
- Auto Hold khi muốn đi hơi mớm ga, nhưng chị em lái không quen dễ đạp hơi mạnh nó thốc lên, cuống nữa là dí ga vọt luôn. Thế nên xe tôi có Auto Hold, tôi không dùng, dừng xe là về N kéo phanh điện tử lên. Giữ thói quen vậy cho an toàn.
- Xe tôi có Auto Hold nhưng tôi tắt rồi. Chủ động vẫn hơn.
- Tôi chạy đường thoáng thì bật để đèn đỏ nghỉ chân cũng tiện, còn đường tắc thì tắt.
- Tôi dùng Auto Hold đúng một lần và không bao giờ dùng nữa. Dừng xe đèn đỏ thì về N chân lúc nào cũng đạp phanh, khi nào đi thì về D nhả phanh rồi đi thôi. Cứ cơ bản như thế thôi, hiện đại quá làm gì.

Tháng 11-2024, một chiếc xe ở chế độ Auto Hold đã đâm vào một tòa nhà ở Seoul, Hàn Quốc - Ảnh: Korea JoongAng Daily
Tuy nhiên cũng nhiều người lên tiếng phản bác.
- Đường nào cũng dùng được Auto Hold, quan trọng là kiểm soát tốt lực chân phanh. Bác rà phanh xe đâu có "hold", lúc nào đạp sâu phanh xe mới "hold" mà.
- Chiếc xe ô tô trong vụ tai nạn không có Auto Hold. Đã là tính năng hỗ trợ lái xe thì nên dùng. Các anh sợ mất an toàn sao không mua số sàn mà đi, đảm bảo an toàn hơn số tự động, nhất là không có chuyện đạp nhầm chân ga thì xe lao đi như vụ tai nạn này. Xe dừng không lâu thì bàn chân luôn phải đặt bên phanh. Không phải tự nhiên mà người ta dạy đặt chân chữ V, gót chân ở bên phanh.
- Đi xe thì tập trung và nâng cao khả năng vận hành xe, chứ đừng có hơi tí lại đổ tại, rồi lại đâu vào đấy, gây nguy hiểm.
- Không Auto Hold nguy hiểm. Lái mới không biết xe trôi. Auto Hold chỉ dí phanh là nhả. Auto Hold khác gì dùng phanh đâu. Trường hợp này kéo cả đoạn dài vậy thì do lái có vấn đề sức khỏe hoặc xe có sự cố. Không ai nhầm ở một đoạn dài thế được.
Bình luận hay