
Bảo vật quốc gia ngai vàng triều Nguyễn trước khi bị Hồ Văn Phương Tâm bẻ gãy - Ảnh: NHẬT LINH
Thông tin bảo vệ Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế từng được trang bị công cụ hỗ trợ như dùi cui điện, dùi cui cao su, súng bắn đạn cao su… nhưng mới bị thu lại trước sự cố ngai vàng triều Nguyễn bị bẻ gãy được dư luận quan tâm.
Nhiều người cho rằng việc bảo vệ di tích không được trang bị đầy đủ công cụ hỗ trợ cũng là một phần nguyên nhân dẫn đến việc khống chế người bẻ gãy ngai vàng bị chậm trễ, xảy ra sự việc đáng tiếc kể trên.
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Võ Công Hạnh (Đoàn luật sư TP Huế) cho rằng việc trang bị công cụ hỗ trợ cho nhân viên bảo vệ di tích chưa được Luật Di sản văn hóa quy định cụ thể.
Theo quy định tại điểm m, q khoản 1, điều 52 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2024, người được sử dụng công cụ hỗ trợ gồm có: "Lực lượng bảo vệ cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo vệ" và "Các đối tượng khác có nhu cầu trang bị công cụ hỗ trợ thì căn cứ vào tính chất, yêu cầu, nhiệm vụ do bộ trưởng Bộ Công an quyết định".
Ông Hạnh cũng dẫn quy định tại khoản 3 điều 16 thông tư 75/2024 của Bộ Công an: "Lực lượng bảo vệ cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo vệ được trang bị công cụ hỗ trợ, bao gồm: dùi cui điện, dùi cui kim loại, dùi cui cao su, áo giáp, găng tay bắt dao.
Trường hợp khi thực hiện nhiệm vụ bảo vệ tại cơ quan nhà nước; mục tiêu quan trọng về chính trị, kinh tế, ngoại giao, khoa học kỹ thuật, văn hóa, xã hội; trên tàu hỏa; ngân hàng; bệnh viện; khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất; doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp; doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vàng, đá quý, ngoại hối, tiền Việt Nam thì căn cứ tính chất, yêu cầu thực hiện nhiệm vụ bảo vệ, cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định trang bị phương tiện xịt hơi cay; súng bắn điện; súng bắn đạn nổ, cao su, hơi cay và đạn sử dụng cho các loại súng này.

Luật sư Võ Công Hạnh, Đoàn luật sư TP Huế - Ảnh: NVCC
"Đối với bảo vệ tại các điểm di tích, đặc biệt là khu vực Đại Nội Huế, có thể xem đây là mục tiêu quan trọng về chính trị, kinh tế, ngoại giao, văn hóa, xã hội. Do vậy lực lượng ở đây hoàn toàn có thể được trang bị các công cụ hỗ trợ như súng bắn đạn cao su, dùi cui điện, áo giáp hay găng tay bắt dao, tùy vào tình hình thực tế", ông Hạnh nói.
Theo ông Hạnh, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế có thể làm hồ sơ đề nghị cấp giấy phép mua, sử dụng hoặc đăng ký, khai báo đối với cơ quan công an có thẩm quyền theo quy định tại điều 54 và điều 55 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2024.
Trường hợp cần thiết, trung tâm có thể có văn bản đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định bổ sung các công cụ hỗ trợ như: "Phương tiện xịt hơi cay; súng bắn điện; súng bắn đạn nổ, cao su, hơi cay và đạn sử dụng cho các loại súng này;" theo quy định tại khoản 3 điều 16 thông tư 75/2025/TT-BCA.
Đối với lực lượng quản lý, ông Hạnh đề nghị trung tâm có thể xây dựng đội ngũ bảo vệ riêng để đảm bảo an ninh và có hồ sơ đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành tập huấn, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ đối với lực lượng an ninh, bảo vệ trên theo quy định tại điều 16 nghị định 149/2024/NĐ-CP và điều 84 Luật Di sản văn hóa 2024.
Trung tâm cũng có thể ký hợp đồng thuê các lực lượng tổ chức bảo vệ đã được bồi dưỡng nghiệp vụ trong công tác bảo vệ, an ninh hay doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo vệ đã được cấp phép hoạt động và được cấp phép các trang bị công cụ hỗ trợ hoạt động bảo vệ, an ninh.
Bảo vệ di tích từng được trang bị súng, dùi cui... trước khi ngai vàng triều Nguyễn bị bẻ gãy
Theo ông Lê Công Sơn - phó giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, nhân viên bảo vệ của trung tâm từng được trang bị công cụ hỗ trợ như dùi cui điện, súng bắn đạn cao su... trước khi sự cố ngai vàng triều Nguyễn bị bẻ gãy. Tuy nhiên những công cụ này vừa được thu lại.
Ông Sơn cũng cho biết sắp tới trung tâm sẽ kiến nghị để nhân viên bảo vệ có thể được tiếp tục sử dụng những loại công cụ hỗ trợ cần thiết nói trên.
Bình luận hay