Vĩnh biệt nhà giáo Nguyễn Ngọc Ký, một người điềm tĩnh!

Tôi nghe và đọc về nhà giáo Nguyễn Ngọc Ký từ khi tôi còn bé. Trong tâm trí tôi từng nhiều lần hình dung một thầy giáo kẹp viên phấn hoặc cây bút giữa những ngón chân viết lên bảng, lên trang giấy những con chữ của người thầy.

Với tôi, chỉ bấy nhiêu thôi đã đủ để gọi là một kỳ tích của một con người sinh ra trong một thế giới mà hầu như mọi thứ đều được thiết kế cho những người có thể sử dụng cả chân lẫn tay.

Vĩnh biệt nhà giáo Nguyễn Ngọc Ký, một người điềm tĩnh! - Ảnh 1.
Vĩnh biệt nhà giáo Nguyễn Ngọc Ký, một người điềm tĩnh! - Ảnh 2.

Nhà thơ, nhà giáo Nguyễn Ngọc Ký giao lưu với các em học sinh Trường tiểu học Nguyễn Thái Sơn, Q.3, TP.HCM năm 2012 - Ảnh: TỰ TRUNG

Chưa gặp ông, tôi chưa thể hình dung một người bị liệt cả hai tay có thể học hết bậc phổ thông, học lên đại học để trở thành thầy giáo đã phải vượt khó tới mức nào. Càng không thể tưởng tượng được một người như thế lại học giỏi đến mức được đi thi học sinh giỏi toàn quốc, nhiều năm dạy giỏi và thực hành giáo dục trong xã hội mẫu mực đến mức trở thành nhà giáo ưu tú.

Và cũng thật đáng kinh ngạc, ông lại là tác giả của bảy cuốn sách, trong đó có cuốn tự truyện nổi tiếng Tôi đi học.

Vĩnh biệt nhà giáo Nguyễn Ngọc Ký, một người điềm tĩnh! - Ảnh 3.

Bà Vũ Thị Đậu chính là đôi cánh tay tháo vát và tận tụy của chồng, nâng đỡ ông cả thể chất lẫn tinh thần. Ở bên nhau, hai vợ chồng ông luôn tràn ngập tiếng cười - Ảnh: NGUYỄN Á

May mắn thay, tôi có cô ruột, nhà thơ Nguyễn Thị Hồng, là bạn học chung lớp tại Trường đại học Tổng hợp với tấm gương vượt khó Nguyễn Ngọc Ký. Thỉnh thoảng cô tôi ôn lại những tháng năm học đại học và luôn nhắc đến người bạn học đặc biệt của mình với nhiều ấn tượng và sự quý mến. 

Cô tôi kể những năm chiến tranh, lớp đại học của cô phải sơ tán về Đại Từ (Thái Nguyên), học trong sự thiếu thốn vật chất, nỗi nhớ nhà, nỗi lo lắng về chiến tranh.

Trong hoàn cảnh đó, ngay đến cả một sinh viên khỏe mạnh bình thường cũng không tránh khỏi có lúc bi quan. Với nghị lực của bản thân và sự giúp đỡ chăm sóc của những người bạn học, Nguyễn Ngọc Ký đã vượt qua những trận ốm, thức khuya dậy sớm học bên ngọn đèn dầu và tốt nghiệp đại học một cách đáng tự hào.

Vĩnh biệt nhà giáo Nguyễn Ngọc Ký, một người điềm tĩnh! - Ảnh 4.

Không khuất phục trước số phận, thầy Ký đã không ngừng nỗ lực và nuôi ước mơ được đi học như chúng bạn cùng trang lứa, rèn luyện đôi chân thay cho bàn tay và trở thành nhà giáo ưu tú - Ảnh: LAM ĐIỀN

Sẵn lưu giữ trong tâm trí câu chuyện đời của nhà giáo Nguyễn Ngọc Ký như một người thầy về vượt khó trong đầu, năm 2009 lần đầu tiên gặp ông ở ngoài đời trong buổi ra mắt cuốn sách ảnh Họ đã sống như thế của nhiếp ảnh gia Nguyễn Á, tôi thực sự rất xúc động. 

Giữa khán phòng khá nhiều người xa lạ, tôi bước tới chào ông, và trước lời tự giới thiệu đơn giản của tôi, ông "À" lên một tiếng đầy vui vẻ.

Thì ra ông đã đọc và nghe kể chi tiết về cuộc đời tôi: một cô bé cũng gặp phải rào cản lớn về sức khỏe, đã tự học để trở thành dịch giả, tác giả của nhiều cuốn sách và đặc biệt hơn, tôi là cô cháu gái cưng của người bạn học chung lớp văn thời đại học của ông.

Tôi nắm bàn tay mất cảm giác của ông mà không thể không hồi tưởng lại đoạn tôi đã đọc trong cuốn Tôi đi học: đoạn cậu bé Ký tập viết bằng miệng, rồi tập kẹp mẩu gạch vào giữa hai ngón chân tập viết trên sân.

Vĩnh biệt nhà giáo Nguyễn Ngọc Ký, một người điềm tĩnh! - Ảnh 5.
Vĩnh biệt nhà giáo Nguyễn Ngọc Ký, một người điềm tĩnh! - Ảnh 6.

Sau ngày đó, tôi thỉnh thoảng lại được gặp ông ở những sự kiện mà không phải tình cờ nhà tổ chức mời cả tôi và ông. Không có sự sắp đặt trước, nhưng tôi và ông lần nào cũng tìm đến ngồi bên nhau. 

Chúng tôi hỏi thăm sức khỏe của nhau, kể vắn tắt chuyện nhà cho nhau nghe và cùng yên lặng nghe một ai đó nói trong sự đồng cảm hoặc thán phục.

Vĩnh biệt nhà giáo Nguyễn Ngọc Ký, một người điềm tĩnh! - Ảnh 7.

Lần nào gặp ông, trò chuyện với ông, tôi cũng ấn tượng về sự điềm tĩnh, điềm tĩnh cả khi nói chuyện lẫn khi lắng nghe, cả lúc ông ở giữa đám đông cũng như lúc ông ngồi bên một người thân của ông. 

Tôi có cảm giác sự điềm tĩnh bắt nguồn từ nội tâm của ông và đó là một phần sức mạnh giúp ông vượt khó bao năm: điềm tĩnh chấp nhận bản thân như vốn có, điềm tĩnh vươn lên, điềm tĩnh sống có ích mỗi ngày.

Những lần gặp ông tại các sự kiện, tôi cũng được chứng kiến điều mà ngày bé tôi cho là kỳ tích. Ở sự kiện nào người hâm mộ và bạn đọc cũng dễ dàng nhận ra thần tượng Nguyễn Ngọc Ký và ùa đến xin chữ ký của "thầy". 

Ông luôn vui vẻ đáp ứng nguyện vọng của người hâm mộ. Ông thường nhờ người mang tới một chiếc ghế, và với chiếc bút được kẹp giữa ngón chân cái và ngón kế bên, ông ký tên lên cuốn sách do chính ông viết hoặc cuốn sổ của ai đó.

Tôi cũng chứng kiến ông dùng chân thay cho đôi tay để sửa lại gọng kính, nhặt vật gì đó ông đánh rơi, xếp lại một tập sách... Tôi vừa ngạc nhiên vừa nể phục ông vô cùng khi được biết ở nhà ông sử dụng muỗng bằng chân để ăn cơm, dùng chân để gõ phím máy tính và thực hiện nhiều thao tác sinh hoạt một cách khéo léo để ít phiền đến người khác nhất có thể.

Vĩnh biệt nhà giáo Nguyễn Ngọc Ký, một người điềm tĩnh! - Ảnh 8.

Nhà văn Nguyễn Bích Lan và nhà giáo Nguyễn Ngọc Ký - Ảnh: Nhà văn Nguyễn Bích Lan cung cấp

Đầu năm 2013, Công ty văn hóa First News - Trí Việt tổ chức buổi ra mắt cuốn tự truyện Không gục ngã của tôi. Với tất cả sự trân trọng, chúng tôi mời nhà giáo Nguyễn Ngọc Ký tới chia vui. 

Dường như chẳng phải chuẩn bị gì, ông đứng lên phát biểu trước đám đông độc giả: "Đôi khi không có cánh cửa nào mở sẵn cho mình, con người ta phải đi tìm một cánh cửa. Bích Lan đã tự cạy cánh cửa cho mình bằng cách tự học tất cả để ngày nay trở thành một dịch giả, một nhà văn! Bích Lan đã biến cái khó thành cái dễ, biết biến thách thức thành cơ hội và đã dám đi từ ước mơ này đến ước mơ khác".

Vĩnh biệt nhà giáo Nguyễn Ngọc Ký, một người điềm tĩnh! - Ảnh 9.

Nhà giáo Nguyễn Ngọc Ký trong lễ ra mắt và phát hành sách “Không gục ngã" của nhà văn Nguyễn Bích Lan - Ảnh: Nhà văn Nguyễn Bích Lan cung cấp

Trong giây phút đó, tôi muốn nói với ông rằng tôi có thể sống chung với bệnh nan y một phần là bởi những người đặc biệt thuộc thế hệ trước đầy can đảm và nghị lực như ông đã gieo cho tôi niềm tin rằng trong mỗi con người đều có nguồn sức mạnh tiềm ẩn lớn lao để chịu đựng và vượt qua những khó khăn.

Tôi nhớ những lần tôi và ông cùng dự một sự kiện, ông luôn là người tiễn tôi ra khỏi hội trường, luôn là người nhìn tôi đi khuất. Có lần tôi chuẩn bị vào phòng chờ tại sân bay Đà Nẵng, bỗng nhiên tôi thấy tiếng chào: "Chú chào Bích Lan nhé!". 

Tôi ngoái đầu lại nhìn thấy ông đang đứng ở phía sau cách tôi một khoảng ngắn. Tôi hình dung ra cánh tay ông giơ lên vẫy chào tạm biệt tôi trong tâm tưởng, mắt tôi nhòa lệ. Ông về TP.HCM ở cổng khác nhưng đã đi tới để tạm biệt tôi.

Vĩnh biệt nhà giáo Nguyễn Ngọc Ký, một người điềm tĩnh! - Ảnh 10.
Vĩnh biệt nhà giáo Nguyễn Ngọc Ký, một người điềm tĩnh! - Ảnh 11.
Nhà văn NGUYỄN BÍCH LAN
NGỌC THÀNH
29/9/2022



Bình luận hay

Chia sẻ
Bình luận (0)
Tối đa: 1500 ký tự

Tin cùng chuyên mục

Trường đại học Công nghiệp TP.HCM công bố phương thức xét tuyển mới

Trường đại học Công nghiệp TP.HCM vừa công bố thông tin tuyển sinh đại học hệ chính quy năm 2025, trong đó lần đầu áp dụng phương thức xét tuyển mới.

Trường đại học Công nghiệp TP.HCM công bố phương thức xét tuyển mới

Lịch thi vào lớp 10 của 63 tỉnh, thành phố năm 2025

Tỉnh Bạc Liêu tổ chức kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2025-2026 sớm nhất cả nước, từ ngày 22 đến 24-5-2025. Vĩnh Long là nơi duy nhất tổ chức kỳ thi vào tháng 7-2025.

Lịch thi vào lớp 10 của 63 tỉnh, thành phố năm 2025

Trường mở cửa đón học sinh trong hè

Với thông tư 29 về dạy thêm học thêm, nhà trường không thể tổ chức dạy các môn học văn hóa trong thời gian hè cho học sinh. Thay vào đó, nhiều trường đã lên kế hoạch hè bằng các hình thức hoạt động câu lạc bộ đa dạng, phong phú.

Trường mở cửa đón học sinh trong hè

ĐH Duy Tân đào tạo từ 4-7 tín chỉ AI và khởi nghiệp cho sinh viên

Đại học (ĐH) Duy Tân giảng dạy và huấn luyện bắt buộc các kỹ năng trí tuệ nhân tạo (AI - Artificial Intelligence) và kiến thức Khởi nghiệp cho tất cả các sinh viên bậc đại học kể từ khóa mới K-31 (năm học 2025-2026).

ĐH Duy Tân đào tạo từ 4-7 tín chỉ AI và khởi nghiệp cho sinh viên

GS.TSKH Hoàng Xuân Phú được bầu là viện sĩ Viện hàn lâm Khoa học châu Âu

GS.TSKH Hoàng Xuân Phú đã được bầu là viện sĩ của Viện hàn lâm Khoa học châu Âu.

GS.TSKH Hoàng Xuân Phú được bầu là viện sĩ Viện hàn lâm Khoa học châu Âu

Trung tâm dạy nghề cho người khuyết tật xây tiền tỉ, dùng vài năm rồi bỏ hoang

Trung tâm dạy nghề cho người khuyết tật xây dựng với mục tiêu đào tạo nghề, giúp học viên có nơi thực hành trồng trọt, chăn nuôi, nâng cao tay nghề để tạo ra thu nhập. Thế nhưng trung tâm hoàn thành đi vào sử dụng được 2 năm đã tạm dừng hoạt động.

Trung tâm dạy nghề cho người khuyết tật xây tiền tỉ, dùng vài năm rồi bỏ hoang
Tất cả bình luận (0)
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng, xin vui lòng viết bằng tiếng Việt có dấu.
Được quan tâm nhất
Mới nhất
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đâu tiên bình luận về bài viết.
Tối đa: 1500 ký tự
Avatar
Đăng ký bằng email
Khi bấm "Đăng ký" đồng thời bạn đã đồng ý với điều khoản của toà soạn Đăng ký
Đăng nhập
Thông tin bạn đọc Thông tin của bạn đọc sẽ được bảo mật an toàn và chỉ sử dụng trong trường hợp toà soạn cần thiết để liên lạc với bạn.
Gửi bình luận
Đóng
Hoàn thành
Đóng