
Tòa án tối cao Mỹ đã "bật đèn xanh" cho Tổng thống Donald Trump tiếp tục kế hoạch giải thể Bộ Giáo dục Mỹ - Ảnh: AFP
Theo Hãng tin AFP, ngày 14-7, trong một lệnh không ký tên, Tòa án tối cao Mỹ đã hủy bỏ lệnh đình chỉ kế hoạch sa thải hàng loạt tại Bộ Giáo dục Mỹ do một thẩm phán liên bang ban hành trước đó.
Tổng thống Mỹ Donald Trump từng cam kết trong chiến dịch tranh cử rằng ông sẽ giải thể Bộ Giáo dục Mỹ - cơ quan được thành lập theo đạo luật của Quốc hội Mỹ vào năm 1979.
Vào tháng 3, ông Trump đã có động thái cắt giảm gần một nửa nhân sự của bộ này. Ông còn chỉ thị cho Bộ trưởng Giáo dục Linda McMahon "tự cho mình nghỉ việc".
Khoảng 20 tiểu bang cùng các công đoàn giáo viên đã nộp đơn kiện, cáo buộc Tổng thống Trump vi phạm nguyên tắc phân chia quyền lực khi lấn sang thẩm quyền của Quốc hội.
Hồi tháng 5, thẩm phán quận Myong Joun đã ra lệnh phục chức cho hàng trăm nhân sự Bộ Giáo dục đã bị sa thải.
Tòa án tối cao Mỹ đã hủy lệnh của thẩm phán Joun mà không đưa ra lý do. Tuy nhiên, đây là một quyết định đầy chia rẽ khi có 3 trên 9 thẩm phán phản đối phán quyết này.
Thẩm phán Sonia Sotomayor, trong một ý kiến phản đối có sự tham gia của các thẩm phán Elena Kagan và Ketanji Brown Jackson, nhấn mạnh "chỉ có Quốc hội Mỹ mới có quyền giải thể Bộ Giáo dục".
"Đa số (các thẩm phán của tòa - PV) đang hoặc cố tình làm ngơ những tác động của phán quyết này, hoặc quá ngây thơ. Dù theo cách nào, mối đe dọa với nguyên tắc phân chia quyền lực trong Hiến pháp của chúng ta là rất nghiêm trọng", bà Sotomayor lưu ý.
Thực tế vai trò của chính phủ liên bang trong lĩnh vực giáo dục ở Mỹ rất hạn chế, với chỉ 13% ngân sách liên bang cho các trường phổ thông, còn lại là ngân sách từ chính quyền bang và địa phương.
Tuy nhiên, phần ngân sách liên bang này rất quan trọng với các trường học ở khu vực thu nhập thấp và học sinh với nhu cầu đặc biệt. Đồng thời, chính phủ liên bang giữ vai trò thiết yếu trong việc thực thi bảo vệ quyền dân sự cho học sinh.
Bình luận hay