
Họa sĩ Lê Thiết Cương trong buổi ra mắt cuốn Kinh địa tạng do ông bỏ tiền bạc, công sức ra thiết kế và in thật đẹp năm 2024, khi ông đang điều trị bệnh - Ảnh: T.ĐIỂU
Tin từ gia đình cho biết họa sĩ Lê Thiết Cương qua đời vào 18h55 tối nay 17-7, sau một thời gian chống chọi với căn bệnh ung thư. Tin buồn khiến nhiều người bất ngờ bởi hồi tháng 5 ông còn có buổi trò chuyện, giao lưu sôi nổi với công chúng trong buổi ra mắt cuốn sách mới của ông mang tên Trò chuyện với hội họa.
Vài ngày trước bạn bè vẫn còn thấy ông đăng hình ảnh tác phẩm điêu khắc của mình cùng với câu của thiền sư Từ Đạo Hạnh. Bài đăng cũng phần nào nói lên "mật mã" của Lê Thiết Cương đã khắc vào lòng công chúng bằng cuộc đời có thể nói là rực rỡ của ông: hội họa tối giản và đạo Phật.
Lê Thiết Cương là một trong số ít họa sĩ có sự quan tâm đặc biệt với đạo Phật, không chỉ ở những năm cuối đời khi ông mắc bệnh hiểm nghèo, mà là mối quan tâm cả cuộc đời.

Lê Thiết Cương trong buổi ra mắt cuốn sách Trò chuyện với hội họa của ông hồi tháng 5 - Ảnh: T.ĐIỂU
Lê Thiết Cương và mối duyên hội họa tối giản
Sinh năm 1962 tại Hà Nội, Lê Thiết Cương học hội họa từ nhỏ nhưng lớn lên tham gia quân ngũ. Sau khi rời quân ngũ, từ 1985, ông theo học thiết kế mỹ thuật tại Trường đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội.
Ra trường năm 1990, đúng vào thời kỳ hội họa Việt Nam hoạt động sôi nổi sau Đổi mới, cùng với một thế hệ nghệ sĩ đầy sáng tạo mới mẻ, Lê Thiết Cương cũng sớm tìm được con đường riêng cho mình và thành danh với nó. Đó là hội họa tối giản.
Và con đường dẫn Lê Thiết Cương đến hội họa tối giản đã được "chuẩn bị" từ "trứng nước". Nó bắt đầu từ tủ sách của ông nội, một tủ sách toàn về Phật giáo và kinh Phật. Sau năm 1975, tủ sách ấy lại được bổ sung thêm rất nhiều cuốn sách của Trang Tử, Lão Tử, Khổng Tử từ những chuyến công tác miền Nam của cha ông - nhà thơ Lê Nguyên.
Sinh thời, họa sĩ Lê Thiết Cương kể, ở tuổi 18 đôi mươi, ông đã ngấu nghiến hết tủ sách của gia đình toàn sách Phật giáo, triết học phương Đông. Và mỹ học tối giản của thiền và tư tưởng Á Đông đã "chui" vào người Lê Thiết Cương rất tự nhiên. Từ chỗ thích tối giản, thêm những duyên lành khác để kết thành hội họa tối giản trong ông. Đó là mối duyên gần gũi với người thầy - nhà thơ Đặng Đình Hưng.

Nguyễn Huy Thiệp và Lê Thiết Cương tại nhà của họa sĩ năm 2017 - Ảnh tư liệu gia đình
Năm 1984, rời quân ngũ, chưa đi học đại học, rảnh rỗi, thỉnh thoảng Lê Thiết Cương lại sang bên hàng xóm - nhà thơ Đặng Đình Hưng, làm chân phục vụ chiếu rượu tiếp đãi những văn nhân tài hoa bấy giờ như Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm, Dương Bích Liên, Trần Lưu Hậu, Phan Đan, Thụy Kha...
Lê Thiết Cương đã học được rất nhiều ở cái "trường" ấy. Và chính Đặng Đình Hưng là người phát hiện ra tố chất tối giản trong Lê Thiết Cương để khích lệ hậu sinh đi theo con đường ấy. Lê Thiết Cương đã "rơi vào tối giản" từ cú đẩy của người thầy lớn và thành danh với lối đi riêng.

Tết xưa, Lê Thiết Cương minh họa trên Tuổi Trẻ
Một Lê Thiết Cương hào sảng, yêu quý bạn bè
Lê Thiết Cương không dừng lại ở sự nghiệp hội họa của riêng mình. Ông được nhiều người yêu quý còn bởi tấm lòng quý tài, trọng tài của bạn bè lẫn tiền bối, hậu bối ở trong văn chương, nghệ thuật nói chung chứ không chỉ giới hạn ở hội họa.
Lê Thiết Cương với vai trò giám tuyển và viết phê bình hội họa, rất chăm làm triển lãm giới thiệu, hỗ trợ cho các họa sĩ trẻ.
Trong nhiều năm, ông tập hợp anh em họa sĩ nhiều lứa tuổi, phần nhiều là người trẻ hơn ông, trong nhóm G39, thường xuyên tổ chức triển lãm phi lợi nhuận cho nhóm tại chính gallery đặt tại nhà riêng của ông trên phố Lý Quốc Sư.
Nhưng còn có một Lê Thiết Cương khác, chăm, say làm sách cho những văn nghệ sĩ ông kính trọng.
Ông đã làm hai cuốn sách tập hợp các bài viết rất lý thú trong cả đời viết của đạo diễn, NSND Đào Trọng Khánh; làm sách ảnh chụp văn nghệ sĩ một thời, những bức ảnh rất quý giá của nghệ sĩ nhiếp ảnh Hà Tường.
Thúc đẩy Nguyễn Huy Thiệp và cùng ông làm tuyển tập truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp đặc biệt với sự liên tài của các họa sĩ đương thời chung tay vẽ minh họa cho từng truyện ngắn.

Một số cuốn sách Lê Thiết Cương làm cho bạn bè, nghệ sĩ ông kính trọng - Ảnh: T.ĐIỂU
Lê Thiết Cương còn làm rất nhiều cuốn sách ý nghĩa cho bạn bè tài năng là những nghệ sĩ lớn như: Tuyển tập thơ họa Đặng Đình Hưng Một bến lạ, Hoàng Cầm - 100 bài thơ, tập di cảo Lê Đạt Album Trắng, tuyển tập thơ Phan Đan, cuốn chân dung văn học của Nguyễn Thụy Kha Thôi ta còn bạn bè, Trường thơ Hải Phòng...
Những cuốn sách đều được làm rất đẹp, trên giấy tốt, và có giá không rẻ. Tuy sách giá trị, mà không nhiều người mua, nên thường lỗ.
Biết trước là lỗ nhưng Lê Thiết Cương cứ làm, hết cuốn này tới cuốn khác. Nên Lê Thiết Cương có lắm bạn bè trong giới nghệ thuật lẫn văn chương. Hai người bạn thân thiết của Lê Thiết Cương, cùng "giai phố cổ", là nhà văn Nguyễn Việt Hà và nhà điêu khắc Đinh Công Đạt. Họ đi bên nhau suốt cuộc đời làm nghề nhiều gian nan nhưng cũng lắm cái đẹp, niềm vui.
Mải mê làm sách cho bạn bè tới khi biết mình mắc bệnh trọng, ông mới "siêng" làm mấy cuốn sách của mình, mà thực ra là những cuốn sách trả nghĩa cho Hà Nội ông yêu, cho hội họa và cho những ân tình ở đời.
Lê Thiết Cương còn có tình bạn thân thiết với nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, nhà thơ Thụy Kha.
Ông với Nguyễn Huy Thiệp không chỉ là bạn bè văn chương, nghệ thuật, họ còn gắn bó mật thiết trong đời sống. Những biến cố hay thành tựu trong đời sống cá nhân của người này, thì người kia đều có mặt.
Khi Nguyễn Huy Thiệp yếu, Lê Thiết Cương góp sức chăm lo. Khi Lê Thiết Cương nằm bệnh, tới lượt hai con trai của Nguyễn Huy Thiệp hỗ trợ chăm sóc ở viện.
Có một điều đặc biệt nữa ở Lê Thiết Cương khó tìm thấy ở lứa nghệ sĩ sau này, ấy là khả năng tụ hội được văn nghệ sĩ nhiều thế hệ ở quanh mình. Từ sau thế hệ của những Văn Cao, Hoàng Cầm, Đặng Đình Hưng, Nguyễn Tuân, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng…. văn nghệ sĩ ít quan hệ mật thiết giữa các giới như tiền bối.
Nhưng Lê Thiết Cương lập lại được một phần "truyền thống" này nhờ sức hút của tài năng lẫn tấm lòng quý tài của ông. Trước đó, Nguyễn Huy Thiệp cũng là người có sức hút với văn nghệ sĩ nhiều thế hệ xung quanh mình.
Lê Thiết Cương một đời trọng tài, yêu tài, tới lượt mình, ông cũng được trọng, được yêu không kém, và ra đi trong yêu thương ngọt lành.
Trong sự nghiệp hội họa sôi nổi của mình, Lê Thiết Cương đã tổ chức 26 triển lãm cá nhân trong nước và nước ngoài từ năm 1991 cùng nhiều triển lãm nhóm.
Ông có các phẩm trong bộ sưu tập của Bảo tàng Nghệ thuật Singapore (SAM), Bảo tàng Royal de Mariemont (Vương quốc Bỉ) và Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Lê Thiết Cương từng đoạt 2 giải thưởng Good Design Award (Nhật Bản) trong các năm 2003 - 2004, 2005 - 2006.
Ngoài cầm cọ, cầm bút vẽ, Lê Thiết Cương còn đóng góp không ít cho văn hóa ở những bài viết sâu về văn hóa truyền thống, văn hóa Hà Nội trên báo, tạp chí, in sách.
Một số sách đã xuất bản: Lê Thiết Cương Thấy (Nhà xuất bản Trẻ, 2017), Nơi chốn đi và về - in cùng Trần Tiến Dũng (Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, 2017), Nhà và người (Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, 2024), Trò chuyện với hội họa (Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, 2025)…
Bình luận hay